Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta

Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta

Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta

“Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!”—MI-CHÊ 4:5.

1. Tình trạng đạo đức của thế gian trong thời Nô-ê ra sao, và Nô-ê khác với người đương thời thế nào?

NGƯỜI đầu tiên bước đi cùng Đức Chúa Trời được Kinh Thánh đề cập đến là Hê-nóc. Người thứ nhì là Nô-ê. Lời tường thuật cho chúng ta biết: “Nô-ê trong đời mình là một người công-bình và trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 6:9) Đến thời Nô-ê, loài người nói chung đã đi trệch sự thờ phượng thanh sạch. Tình trạng đã xấu lại càng xấu hơn khi những thiên sứ bất trung ăn ở trái tự nhiên với những người nữ trên đất, sinh ra những người con gọi là “người cao-lớn” (Nephilim), “người mạnh-dạn” hay “tay anh-hùng có danh” của thời ấy. Không có gì lạ khi thế gian lúc bấy giờ đầy dẫy sự hung bạo! (Sáng-thế Ký 6:2, 4, 11) Dù vậy, Nô-ê chứng tỏ là người trọn vẹn và là “thầy giảng đạo công-bình”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Khi Đức Chúa Trời ra lệnh đóng một chiếc tàu để bảo toàn sự sống, Nô-ê sẵn lòng “làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. (Sáng-thế Ký 6:22) Thật vậy, Nô-ê đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời.

2, 3. Ông Nô-ê đã nêu gương tốt nào cho chúng ta?

2 Liệt kê tên ông Nô-ê trong danh sách những nhân chứng trung thành, Phao-lô viết: “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế-gian, và trở nên kẻ kế-tự của sự công-bình đến từ đức-tin vậy”. (Hê-bơ-rơ 11:7) Thật là một gương mẫu tuyệt vời! Tin chắc lời Đức Giê-hô-va sẽ thành hiện thực, Nô-ê đã dành thì giờ, năng lực và của cải để hoàn thành mạng lệnh Ngài. Tương tự thế, ngày nay nhiều người từ chối những cơ hội trong thế gian này và dùng thì giờ, năng lực, của cải để vâng theo mạng lệnh của Đức Giê-hô-va. Đức tin của họ thật đáng khen và nhờ đó chính họ cũng như những người chịu nghe họ sẽ được giải cứu.—Lu-ca 16:9; 1 Ti-mô-thê 4:16.

3 Thực hành đức tin hẳn là điều khó cho Nô-ê và gia đình, cũng như cho Hê-nóc, ông cố của Nô-ê mà chúng ta đã bàn trong bài trước. Trong thời Nô-ê, cũng như thời Hê-nóc, những người thờ phượng chân chính là thành phần thiểu số—chỉ có tám người tỏ ra trung thành và sống sót qua trận Nước Lụt. Trong thế gian hung bạo và vô luân, Nô-ê rao giảng về sự công bình. Ngoài ra, ông và gia đình còn phải đóng một chiếc tàu khổng lồ bằng gỗ để chuẩn bị chờ trận lụt toàn cầu, dù trước đó người ta chưa bao giờ thấy một trận nước lụt như thế. Việc làm của họ hẳn có vẻ rất kỳ quặc đối với những người đương thời đang quan sát họ.

4. Chúa Giê-su đã nhấn mạnh điểm sai lầm nào của những người đương thời với Nô-ê?

4 Điều đáng chú ý là khi Chúa Giê-su nhắc đến thời kỳ Nô-ê, ngài đã không nêu ra nạn bạo lực, tôn giáo giả hay sự vô luân—dù những điều ấy rất nghiêm trọng vào thời bấy giờ. Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm sai lầm là người ta đã không chịu chú ý đến lời cảnh báo. Ngài nói rằng họ “ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu”. Việc ăn, uống, cưới, gả có gì là sai? Họ chỉ sống một đời “bình thường”! Nhưng một trận lụt sắp đến, và Nô-ê đang rao giảng về sự công bình. Đáng lẽ lời nói và hạnh kiểm của ông là một cảnh báo cho họ. Nhưng, họ đã “không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.

5. Ông Nô-ê và gia đình đã cần có những đức tính nào?

5 Nhìn lại thời kỳ ấy, chúng ta thấy lối sống của Nô-ê là khôn ngoan. Tuy nhiên, sống khác với những người chung quanh vào thời trước trận Nước Lụt cần có sự can đảm. Nô-ê và gia đình phải có lòng tin mạnh mẽ để đóng chiếc tàu khổng lồ và dẫn vào tàu những con thú thuộc mỗi loài. Có ai trong số vài người trung thành ấy đôi lúc ước ao rằng họ ít bị người ta chú ý, và chỉ sống một đời “bình thường” không? Cho dù ý tưởng ấy có thoáng qua tâm trí, họ đã kiên quyết giữ vẹn lòng trung kiên. Sau rất nhiều năm—trong hệ thống này, không ai trong chúng ta phải chịu đựng khoảng thời gian dài như thế—đức tin của Nô-ê giúp ông được giải cứu qua trận Nước Lụt. Nhưng, Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét trên tất cả những kẻ sống đời “bình thường” và không để ý đến ý nghĩa của thời kỳ họ đang sống.

Bạo lực lại gây khổ sở cho nhân loại

6. Sau trận Nước Lụt, tình trạng nào vẫn tồn tại?

6 Sau trận Nước Lụt, nước rút xuống, nhân loại có một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên, con người vẫn còn trong tình trạng bất toàn và “tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Ngoài ra, dù các quỉ không thể hóa thân thành người như xưa nữa, chúng vẫn hoạt động rất mạnh mẽ. Không bao lâu, thế gian của những người không tin kính cho thấy nó “phục dưới quyền ma-quỉ” và giống như ngày nay, những người thờ phượng chân chính phải chống lại “mưu-kế của ma-quỉ”.—1 Giăng 5:19; Ê-phê-sô 6:11, 12.

7. Bạo lực đã leo thang như thế nào trong thế gian sau thời Nước Lụt?

7 Ít ra từ thời Nim-rốt, thế gian sau thời Nước Lụt một lần nữa lại đầy dẫy những hành vi bạo lực của con người. Dân số gia tăng và sự tiến bộ kỹ thuật đã góp phần làm cho bạo lực leo thang theo thời gian. Thời xa xưa, người ta dùng gươm, giáo, cung, tên và xe ngựa. Trong thời gian gần đây hơn, súng kíp và súng đại bác đã xuất hiện, rồi đến đầu thế kỷ 20 là súng trường và những loại vũ khí tối tân khác. Thế Chiến I xuất hiện những vũ khí đáng sợ hơn như phi cơ, xe thiết giáp, tàu ngầm và khí độc. Trong cuộc chiến ấy, các loại vũ khí hiện đại đã cướp đi hàng triệu sinh mạng. Đó có phải là điều bất ngờ không? Không.

8. Khải-huyền 6:1-4 đã ứng nghiệm như thế nào?

8 Vào năm 1914, Chúa Giê-su lên ngôi Vua Nước Trời và “ngày của Chúa” bắt đầu. (Khải-huyền 1:10) Trong một sự hiện thấy được ghi lại nơi sách Khải-huyền, Chúa Giê-su được miêu tả như một vị Vua chiến thắng đang cưỡi ngựa bạch. Những kỵ sĩ theo sau ngài, mỗi người tượng trưng một tai họa xảy đến cho nhân loại. Một trong những kỵ sĩ này cưỡi con ngựa có sắc hồng, và người được quyền “cất lấy cuộc hòa-bình khỏi thế-gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau; và có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn”. (Khải-huyền 6:1-4) Người và ngựa ấy tượng trưng cho chiến tranh, và thanh gươm lớn tượng trưng cho sức tàn phá chưa từng thấy của chiến tranh hiện đại với các loại vũ khí có sức sát thương khủng khiếp. Vũ khí ngày nay bao gồm vũ khí hạch tâm, mỗi quả bom có khả năng hủy diệt hàng chục ngàn sinh mạng; những tên lửa có thể phóng những quả bom ấy đến các mục tiêu xa hàng ngàn kilômét; cũng phải kể đến những vũ khí hóa học và sinh học tối tân giết người hàng loạt.

Chúng ta chú ý đến lời cảnh báo của Đức Giê-hô-va

9. So với thế gian trước trận Nước Lụt, thế gian ngày nay ra sao?

9 Trong thời Nô-ê, Đức Giê-hô-va đã hủy diệt thế gian vì tính cực kỳ hung ác của những người bại hoại đồng lõa với người Nephilim. Ngày nay thì sao? Thế gian ít bạo lực hơn thời bấy giờ chăng? Chắc chắn không! Ngoài ra, cũng như thời Nô-ê, ngày nay người ta đang lo những công việc thường ngày, cố sống một đời “bình thường”, không để ý đến những lời cảnh báo đang được loan ra. (Lu-ca 17:26, 27) Vậy, có lý do nào để nghi ngờ Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt loài người một lần nữa không? Không.

10. (a) Trong những lời tiên tri của Kinh Thánh, lời cảnh báo nào được lặp đi lặp lại? (b) Đường lối khôn ngoan duy nhất ngày nay là đường lối nào?

10 Hàng trăm năm trước trận Nước Lụt, Hê-nóc đã tiên tri về sự hủy diệt phải xảy ra trong thời chúng ta. (Giu-đe 14, 15) Chúa Giê-su cũng nói về “hoạn-nạn lớn” sắp đến. (Ma-thi-ơ 24:21) Những nhà tiên tri khác đã cảnh báo về thời kỳ đó. (Ê-xê-chi-ên 38:18-23; Đa-ni-ên 12:1; Giô-ên 2:31, 32) Sách Khải-huyền miêu tả sống động về sự hủy diệt cuối cùng đó. (Khải-huyền 19:11-21) Vì thế, mỗi người chúng ta theo gương Nô-ê và là những người tích cực giảng đạo công bình. Chúng ta chú ý đến những lời cảnh báo của Đức Giê-hô-va và yêu thương giúp người đồng loại cũng làm thế. Vì vậy, như Nô-ê, chúng ta bước đi cùng Đức Chúa Trời. Thật thế, điều trọng yếu cho bất cứ người nào ước ao được sống là tiếp tục bước đi cùng Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta thực hiện được điều đó bất kể những áp lực mà chúng ta phải đối mặt từng ngày? Chúng ta cần vun trồng đức tin mạnh mẽ nơi sự thành tựu ý định của Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 11:6.

Tiếp tục bước đi cùng Đức Chúa Trời trong thời kỳ xáo động

11. Chúng ta theo gương nào của các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất?

11 Vào thế kỷ thứ nhất, tín đồ Đấng Christ được xức dầu được gọi là những người “thuộc về đạo”. (Công-vụ 9:2) Đạo là đường lối, vì vậy toàn bộ lối sống của họ tập trung vào đức tin nơi Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ. Họ bước theo dấu chân Thầy của họ. Ngày nay, những tín đồ Đấng Christ trung thành cũng làm thế.

12. Sau khi Chúa Giê-su làm phép lạ ban thức ăn cho một đoàn dân đông, điều gì xảy ra?

12 Tầm quan trọng của đức tin được thấy rõ qua một sự kiện xảy ra trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức. Vào dịp nọ, Chúa Giê-su làm phép lạ cho một đám đông khoảng 5.000 người ăn, không kể đàn bà và con trẻ. Dân chúng vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Nhưng xin lưu ý đến điều xảy ra sau đó. Chúng ta đọc: “Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Jêsus đã làm, thì nói rằng: Người nầy thật là đấng tiên-tri phải đến thế-gian. Bấy giờ Đức Chúa Jêsus biết chúng có ý đến ép Ngài để tôn làm vua, bèn lui ở một mình trên núi”. (Giăng 6:10-15) Trong đêm đó, ngài đi đến nơi khác. Việc Chúa Giê-su khước từ làm vua hẳn khiến nhiều người thất vọng. Điều này thật dễ hiểu, vì ngài đã chứng tỏ là một đấng đủ khôn ngoan để làm vua và có quyền phép để thỏa mãn nhu cầu thể chất của người dân. Nhưng bấy giờ chưa phải là thời điểm Đức Giê-hô-va ấn định để ngài làm vua. Hơn nữa, Nước của Chúa Giê-su ở trên trời chứ không phải ở dưới đất.

13, 14. Nhiều người đã để lộ quan điểm nào, và đức tin của họ bị thử thách ra sao?

13 Thế nhưng, theo lời tường thuật của Giăng, đoàn dân đông vẫn một mực theo Chúa Giê-su và tìm thấy ngài “tại bờ bên kia biển”. Tại sao họ vẫn bám theo dù ngài đã tránh đi để khỏi bị thúc ép làm vua? Nhiều người đã để lộ lối suy nghĩ theo xác thịt khi đề cập thẳng đến việc Đức Giê-hô-va cung cấp nhu cầu vật chất trong đồng vắng vào thời Môi-se. Họ hàm ý muốn Chúa Giê-su tiếp tục cung cấp thức ăn cho họ. Nhận thấy động lực sai trái trong lòng họ, Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy những lẽ thật về thiêng liêng nhằm giúp họ điều chỉnh lối suy nghĩ. (Giăng 6:17, 24, 25, 30, 31, 35-40) Một số người đã phản ứng lại bằng cách lằm bằm, nhất là khi ngài dùng minh họa sau đây: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau-rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại”.—Giăng 6:53, 54.

14 Minh họa của Chúa Giê-su thường khiến người ta bộc lộ rõ lòng họ có thật sự mong muốn bước đi cùng Đức Chúa Trời hay không. Minh họa này cũng đạt hiệu quả như thế và khơi dậy những phản ứng mạnh mẽ. Chúng ta đọc: “Có nhiều môn-đồ nghe Ngài, thì nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được?” Chúa Giê-su giải thích tiếp là họ nên hiểu lời ngài theo nghĩa về thiêng liêng. Ngài nói: “Ấy là thần-linh [“Thánh Linh”, Bản Diễn Ý] làm cho sống, xác-thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần-linh [“Thánh Linh”, BDY] và sự sống”. Dù vậy, nhiều người không chịu nghe. Lời tường thuật cho biết: “Từ lúc ấy, có nhiều môn-đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa”.—Giăng 6:60, 63, 66.

15. Một số môn đồ của Chúa Giê-su đã có quan điểm đúng nào?

15 Thế nhưng, không phải tất cả môn đồ của Chúa Giê-su đều phản ứng như thế. Đành rằng những môn đồ trung thành không hiểu trọn vẹn lời Chúa Giê-su nói, nhưng họ vẫn vững vàng tin cậy nơi ngài. Một trong những môn đồ trung thành là Phi-e-rơ đã bày tỏ cảm nghĩ của tất cả những người tiếp tục theo Chúa Giê-su khi nói: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời”. (Giăng 6:68) Thật là một thái độ tuyệt vời, và là một gương tốt thay!

16. Chúng ta có thể bị thử thách như thế nào, và chúng ta nên vun trồng quan điểm đúng nào?

16 Ngày nay, chúng ta có thể gặp thử thách giống như các môn đồ thời ban đầu. Trong trường hợp chúng ta, đó có thể là nỗi thất vọng khi những lời hứa của Đức Giê-hô-va không được thực hiện nhanh như mong đợi. Có lẽ chúng ta cảm thấy khó hiểu những lời giải thích về Kinh Thánh trong các ấn phẩm của chúng ta. Hạnh kiểm của một anh em tín đồ Đấng Christ có lẽ làm chúng ta thất vọng. Ngưng bước đi cùng Đức Chúa Trời nữa vì những lý do này hoặc vì các lý do tương tự, điều đó có đúng không? Dĩ nhiên là không! Những môn đồ từ bỏ Chúa Giê-su đã để lộ lối suy nghĩ theo xác thịt. Chúng ta phải tránh làm giống như thế.

Chúng ta “nào phải là kẻ lui đi”

17. Chúng ta có thể được giúp đỡ để tiếp tục bước đi cùng Đức Chúa Trời qua những cách nào?

17 Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Qua những trang Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đã phán rõ ràng: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21) Việc vâng theo Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta bước theo đường Ngài để ‘giữ cho khéo về sự ăn-ở của chúng ta’. (Ê-phê-sô 5:15) Học hỏi Kinh Thánh và suy ngẫm về những điều học được sẽ giúp chúng ta “làm theo lẽ thật”. (3 Giăng 3) Đúng thế, như Chúa Giê-su đã nói, “thần-linh [“Thánh Linh”, BDY] làm cho sống, xác-thịt chẳng ích chi”. Sự hướng dẫn đáng tin cậy duy nhất là sự hướng dẫn về mặt thiêng liêng qua Lời của Đức Giê-hô-va, qua thánh linh và tổ chức của Ngài.

18. (a) Một số người thiếu khôn ngoan làm gì? (b) Chúng ta nên vun trồng loại đức tin nào?

18 Ngày nay, những ai trở nên bất bình vì lối suy nghĩ theo xác thịt hoặc thất vọng vì những điều trông đợi chưa thành thường quay sang tận hưởng những gì thế gian này cung ứng. Mất tinh thần khẩn trương, họ thấy không cần “tỉnh-thức”, do đó họ theo đuổi những mục tiêu ích kỷ thay vì đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. (Ma-thi-ơ 24:42) Chọn lối sống như thế thật thiếu khôn ngoan. Hãy lưu ý lời của sứ đồ Phao-lô: “Chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư-mất đâu, bèn là kẻ giữ đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi”. (Hê-bơ-rơ 10:39) Như Hê-nóc và Nô-ê, tuy chúng ta sống trong thời kỳ xáo động nhưng có đặc ân bước đi với Đức Chúa Trời. Vì làm thế, chúng ta biết chắc là chúng ta sẽ thấy Đức Giê-hô-va hoàn thành những lời Ngài hứa, sự gian ác bị xóa bỏ, và một thế giới mới công bình được lập. Một triển vọng tuyệt vời thay!

19. Tiên tri Mi-chê miêu tả thế nào đường lối của những người thờ phượng chân chính?

19 Nhà tiên tri Mi-chê được soi dẫn nói về dân các nước là “ai nấy bước theo danh của thần mình”. Tiếp đến, ông nói về mình và những người thờ phượng trung thành khác: “Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi-chê 4:5) Nếu đó cũng là quyết tâm của bạn, bạn hãy gắn bó với Đức Giê-hô-va dù thời kỳ xáo động đến thế nào. (Gia-cơ 4:8) Mong sao ước muốn chân thành của mỗi người chúng ta là bước đi với Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta từ bây giờ cho đến đời đời vô cùng!

Bạn trả lời thế nào?

• Giữa thời Nô-ê và ngày nay, có những điểm tương đồng nào?

• Nô-ê và gia đình đã theo đường lối nào, làm sao chúng ta có thể theo gương đức tin của họ?

• Một số môn đồ của Chúa Giê-su đã để lộ quan điểm sai lầm nào?

• Tín đồ Đấng Christ chân chính quyết tâm làm gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 20]

Như thời Nô-ê, ngày nay người ta để hết tâm trí vào những công việc thường ngày

[Hình nơi trang 21]

Là người rao giảng về Nước Trời, chúng ta “nào phải là kẻ lui đi”