Giữ trung thành mang lại nhiều lợi ích
Giữ trung thành mang lại nhiều lợi ích
TẠI một số nước, trẻ em thường thích chọc phá nhau bằng cách lấy bông cỏ gai bỏ lên áo len của nhau. Bông cỏ gai dính chặt vào len đến độ dù bọn trẻ có làm gì đi nữa—dù là đi, chạy, lắc hay nhảy—thì bông cỏ gai vẫn nằm đó. Cách duy nhất để lấy chúng ra là gỡ từng cái một. Đối với trẻ, đó là một trò đùa cực kỳ vui.
Tất nhiên, không phải ai cũng thích bị bông cỏ gai dính vào quần áo, nhưng ai cũng ngạc nhiên về độ dính của nó. Người trung thành có đặc tính giống như thế. Họ gắn bó với một người cách bền bỉ. Họ trung thành chu toàn những trách nhiệm và bổn phận liên quan đến mối quan hệ đó, dù có gặp hoàn cảnh khó khăn. Chữ “trung thành” khiến người ta nghĩ đến tính trung thực, một lòng một dạ và hết lòng tận tụy. Tuy nhiên, dù bạn có lẽ thích người khác trung thành với mình, bạn có cương quyết trung thành với người khác không? Nếu có thì ai là người đáng cho bạn trung thành?
Chung thủy trong hôn nhân—Một nhu cầu cơ bản
Sự chung thủy rất thiết yếu trong hôn nhân nhưng điều đáng buồn là đức tính ấy lại ít thấy ngày nay. Khi một cặp vợ chồng luôn trung thành với lời thề ước hôn nhân, tức luôn ở bên nhau và làm mọi việc vì lợi ích của nhau, là họ đã thực hiện được một bước quan trọng để đạt đến sự an ổn và hạnh phúc. Tại sao? Bởi vì loài người được tạo ra với cả nhu cầu cho và nhận lòng trung thành. Khi hôn nhân của A-đam và Ê-va được thiết lập trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời tuyên bố: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình”. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho người nữ; bà cũng phải gắn bó với chồng. Vợ chồng phải chung thủy và hợp tác với nhau.—Sáng-thế Ký 2:24; Ma-thi-ơ 19:3-9.
Dĩ nhiên, câu chuyện đó đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm. Nhưng phải chăng điều đó có nghĩa là sự chung thủy trong hôn nhân ngày nay đã lỗi thời? Đa số sẽ trả lời là không. Các nhà nghiên cứu ở Đức nhận thấy 80 phần trăm người ta đều cho rằng chung thủy là yếu tố rất quan trọng. Một cuộc thăm dò thứ hai đã được thực hiện để khám phá những đức tính được ưa chuộng nhất nơi nam giới và phụ nữ. Một nhóm đàn ông được yêu cầu liệt kê năm đức tính họ thích nhất nơi phụ nữ, còn một nhóm phụ nữ thì liệt kê năm đức tính họ thích nhất nơi đàn ông. Kết quả là đức tính được cả nam lẫn nữ đề cao nhất là tính chung thủy.
Thật vậy, chung thủy là một cơ sở vững chắc để hôn nhân thành công. Tuy nhiên, như đã thấy trong bài trước, lòng trung thành, hay chung thủy, thường được ca ngợi nhiều hơn là thực hành. Chẳng hạn, tỉ lệ ly dị cao ở nhiều xứ là bằng chứng cho thấy sự phổ biến của tính thiếu chung thủy. Làm thế nào cả vợ lẫn chồng có thể cưỡng lại khuynh hướng này và tiếp tục chung thủy với nhau?
Sự chung thủy giúp hôn nhân lâu bền
Sự chung thủy thể hiện qua việc vợ chồng tìm cơ hội để khẳng định sự hết lòng với nhau. Chẳng hạn, thay vì nói “tôi”, thường tốt hơn nên dùng “chúng ta”—“bạn bè chúng ta”, “con cái chúng ta”, “nhà chúng ta”, “kinh nghiệm của chúng ta”, v. v... Khi dự định và quyết định việc gì—dù là về nhà cửa, công ăn việc làm, nuôi dạy con cái, giải trí, đi nghỉ hè hay sinh hoạt tôn giáo—cả hai vợ chồng nên quan tâm đến cảm nghĩ của nhau.—Châm-ngôn 11:14; 15:22.
Sự chung thủy cũng thể hiện qua việc làm cho người hôn phối cảm thấy bạn muốn và cần có họ. Một người sẽ cảm thấy bất an khi người hôn phối của họ có thái độ quá thân thiện với một người khác phái. Kinh Thánh khuyên người nam hãy gắn bó với “vợ [họ] cưới buổi đang-thì”. Người chồng không nên để lòng mình nhen nhúm ý muốn được phụ nữ khác ngưỡng mộ. Chắc chắn ông phải tránh có cử chỉ thân mật quá mức với phụ nữ khác. Kinh Thánh cảnh cáo: “Kẻ nào phạm tội ngoại-tình với người đàn-bà, tất vô-tâm vô-trí: Ai làm như vậy, khiến cho linh-hồn mình bị hư-mất”. Tiêu chuẩn cao đó về sự chung thủy cũng phải có nơi người vợ.—Châm-ngôn 5:18; 6:32.
Có đáng để cố gắng giữ sự chung thủy trong hôn nhân không? Dĩ nhiên là có. Điều đó làm cho hôn nhân vững chắc và bền lâu, đồng thời mỗi người trong cuộc đều được lợi ích. Chẳng hạn, khi người chồng trung thành quan tâm đến hạnh phúc của vợ, nàng sẽ cảm thấy an tâm và điều đó sẽ thúc đẩy nàng thể hiện những đức tính tốt nhất của mình. Đối với người chồng cũng vậy. Lòng quyết tâm chung thủy với vợ giúp anh kiên quyết giữ các nguyên tắc công bình trong mọi khía cạnh của đời sống.
Khi hai vợ chồng gặp khó khăn, lòng chung thủy sẽ giúp cả hai cảm thấy an tâm. Trái lại, trong một hôn nhân thiếu chung thủy, những người trong cuộc thường phản ứng bằng ly thân hoặc tìm cách ly dị. Phản ứng như thế không những không giải quyết vấn đề, mà thường còn dẫn đến những vấn đề khác. Vào thập niên 1980, một nhà cố vấn thời trang nổi tiếng đã bỏ vợ con. Ông có cảm thấy hạnh phúc khi trở lại làm người độc thân không? Hai mươi năm sau, ông thú nhận cuộc chia tay đó khiến ông cảm thấy “cô đơn, bứt rứt và thao thức hàng đêm vì thèm được chúc con ngủ ngon”.
Lòng trung thành giữa cha mẹ và con cái
Khi cha mẹ chung thủy với nhau, rất có thể đức tính này sẽ thấm dần vào lòng con cái. Những trẻ lớn lên trong một gia đình có sự trung thành và yêu thương về sau sẽ dễ trở thành người có trách nhiệm đối với người hôn phối, cũng như đối với cha mẹ chúng khi họ già yếu.—1 Ti-mô-thê 5:4, 8.
Lẽ dĩ nhiên, không phải lúc nào cha mẹ lớn tuổi cũng bệnh hoạn trước con cái. Có những trường hợp con cần cha mẹ kiên trì chăm sóc lâu dài. Đó là hoàn cảnh của anh chị Herbert và Gertrud. Anh chị ấy đã là Nhân Chứng Giê-hô-va trong hơn 40 năm. Con trai họ là Dietmar bị mắc bệnh teo cơ bẩm sinh. Trong suốt bảy năm trước khi mất vào tháng 11 năm 2002, Dietmar cần được chăm sóc ngày đêm và đã được cha mẹ tận tình chăm sóc. Họ thậm chí còn lắp đặt thiết bị y tế tại nhà và học một khóa huấn luyện y tế. Thật là một gương mẫu về sự trung thành trong gia đình!
Lòng trung thành thiết yếu trong tình bạn
Birgit nhận xét: “Không có người hôn phối, một người vẫn có thể hạnh phúc nhưng nếu không có bạn thì khó có thể hạnh phúc”. Có lẽ bạn cũng đồng ý như thế. Dù bạn đã lập gia đình hay còn độc thân, một người bạn tốt, trung thành sẽ sưởi ấm lòng bạn và làm cho đời sống thêm phong phú. Lẽ dĩ nhiên, nếu đã lập gia đình, người bạn thân thiết nhất nên là người hôn phối của bạn.
Một người bạn không phải chỉ là một người quen biết. Chúng ta có thể có nhiều người quen, chẳng hạn như hàng xóm, đồng nghiệp và những người mình gặp. Tình bạn chân thật đòi hỏi thời gian, sức lực và tình cảm gắn bó. Được một người xem là bạn là một vinh dự. Tình bạn đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng kèm theo trách nhiệm.
Trò chuyện cởi mở là điều không thể thiếu trong tình bạn. Việc trò chuyện như thế đôi khi là do nhu cầu. Birgit giải thích: “Khi một trong hai chúng tôi có vấn đề, chúng tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại mỗi tuần một, hai lần. Thật an ủi khi biết chị ấy luôn có mặt và sẵn lòng lắng nghe”. Không gian không là một trở ngại cho tình bạn. Hai chị Gerda và Helga ở cách xa nhau hàng ngàn dặm nhưng họ đã là bạn thân với nhau trên 35 năm. Gerda nói: “Chúng tôi thường xuyên viết thư kể cho nhau nghe những kinh nghiệm và cảm xúc sâu kín nhất của mình, dù vui hay buồn. Khi nhận được thư của Helga, tôi vui mừng không tả xiết. Đơn giản là chúng tôi có cùng tần số”.
Sự trung thành rất thiết yếu trong tình bạn. Một hành động bất trung có thể hủy hoại cả những tình bạn lâu năm. Thường những người bạn hay khuyên nhủ nhau, ngay cả về những chuyện kín đáo. Đã là bạn thì sẽ nói thật với nhau mà không sợ bị xem thường hay sợ chuyện của mình bị tiết lộ. Kinh Thánh nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.
Vì bạn bè ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta nên điều quan trọng là phải kết bạn với những người có lối sống phù hợp với mình. Chẳng hạn, chúng ta nên cẩn thận chỉ vun trồng tình bạn với những người có cùng niềm tin, cùng quan điểm đạo đức và cùng tiêu chuẩn về điều đúng điều sai. Những người bạn như thế sẽ giúp chúng ta đạt đến mục tiêu của mình. Ngoài ra, tại sao bạn lại muốn gần gũi với những người không có cùng tiêu chuẩn và hạnh kiểm như bạn? Kinh Thánh cho thấy tầm quan trọng của việc chọn bạn đúng khi nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.
Lòng trung thành có thể rèn luyện
Khi đã biết lấy bông cỏ gai bỏ lên áo người khác, trẻ em thường thích chơi lại trò này. Cũng có thể nói như thế về một người trung thành. Tại sao? Bởi vì càng tập luyện nhiều thì việc bày tỏ lòng trung thành càng trở nên dễ dàng hơn. Nếu học được tính trung thành
trong gia đình ngay từ nhỏ, khi lớn lên một người sẽ dễ phát triển tình bạn dựa trên sự trung thành. Rồi với thời gian, việc giữ được tình bạn bền chặt như thế sẽ lót đường cho sự chung thủy trong hôn nhân. Điều đó cũng sẽ giúp người ấy giữ trung thành trong tình bạn quan trọng nhất.Chúa Giê-su nói điều răn lớn nhất là kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức. (Mác 12:30) Điều này có nghĩa là chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đức Chúa Trời. Giữ trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ đem lại phần thưởng lớn. Ngài sẽ không bao giờ bỏ hoặc làm chúng ta thất vọng vì Kinh Thánh nói về Ngài: “Đức Chúa Trời là thành-tín”. (1 Cô-rinh-tô 1:9) Thật thế, lòng trung thành với Đức Chúa Trời mang lại ân phước đời đời.—1 Giăng 2:17.
[Câu nổi bật nơi trang 6]
Một người bạn tốt, trung thành sẽ sưởi ấm lòng bạn
[Hình nơi trang 5]
Những người trong một gia đình có lòng trung thành chăm sóc lẫn nhau