Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người phái Menno tìm kiếm lẽ thật Kinh Thánh

Những người phái Menno tìm kiếm lẽ thật Kinh Thánh

Những người phái Menno tìm kiếm lẽ thật Kinh Thánh

VÀO một buổi sáng tháng 11 năm 2000, một số giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Bolivia nhìn ra cửa sổ ngôi nhà nhỏ của họ. Ngoài cổng, họ thấy một nhóm đàn ông, đàn bà ăn mặc giản dị đang đứng, tỏ vẻ bồn chồn. Khi các giáo sĩ ra mở cửa, lời mở đầu của những vị khách này là: “Chúng tôi muốn tìm lẽ thật Kinh Thánh”. Những vị khách đó là người theo phái Menno. Đàn ông trong bộ đồ lao động, còn phụ nữ thì mặc tạp dề màu tối, và họ nói chuyện với nhau bằng thổ ngữ Đức. Sự e sợ ánh lên trong mắt họ. Họ liên tục nhìn quanh, xem có bị ai theo không. Dù vậy, trong khi bước lên các bậc thềm vào nhà, một anh trẻ vẫn nói: “Tôi muốn gặp những người dùng danh Đức Chúa Trời”.

Các vị khách tỏ ra thoải mái hơn sau khi đã vào nhà và được mời ăn bánh, uống nước. Họ đến đây từ một khu trang trại xa xôi hẻo lánh. Tại đó, họ đã nhận tạp chí Tháp Canh qua bưu điện trong suốt sáu năm. “Chúng tôi đã đọc được là sẽ có địa đàng. Điều đó có đúng không?”, họ hỏi. Các Nhân Chứng chỉ cho họ thấy câu trả lời trong Kinh Thánh. (Ê-sai 11:9; Lu-ca 23:43; 2 Phi-e-rơ 3:7, 13; Khải-huyền 21:3, 4) Một nông dân bèn nói với những người khác: “Đấy, đã bảo là sẽ có địa đàng thật mà!” Những người khác luôn miệng nói: “Tôi nghĩ chúng ta đã tìm ra lẽ thật”.

Những người theo phái Menno này là ai? Họ tin gì? Để biết câu trả lời, chúng ta phải trở lại thế kỷ 16.

Những người theo phái Menno là ai?

Vào thế kỷ 16, với sự bộc phát trong việc dịch và in Kinh Thánh ra các thứ tiếng phổ thông ở Âu Châu, niềm đam mê học hỏi Kinh Thánh lại bùng lên. Martin Luther cùng những nhà Cải Cách khác bác bỏ nhiều sự dạy dỗ của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, các phái Tin Lành mới thành lập vẫn còn giữ nhiều thực hành không dựa trên Kinh Thánh. Chẳng hạn, hầu như phái nào cũng đòi hỏi phải làm báp têm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số người tìm kiếm lẽ thật Kinh Thánh nhận ra rằng chỉ khi có quyết định dựa trên sự hiểu biết trước khi làm báp têm, một người mới thật sự trở thành tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Những nhà truyền giáo sốt sắng tin điều này bắt đầu đi từ làng này đến làng khác, thị trấn này đến thị trấn khác, dạy dỗ Kinh Thánh và làm báp têm cho người lớn. Vì thế, họ được gọi là Anabaptist, tức “những người làm báp têm lại”.

Một trong những người đã kết hợp với người Anabaptist để tìm kiếm lẽ thật là Menno Simons, một linh mục Công Giáo ở làng Witmarsum, miền bắc Hà Lan. Đến năm 1536, ông cắt đứt mọi mối quan hệ với Giáo Hội và trở thành người bị săn đuổi. Năm 1542, chính Hoàng Đế Charles V của Đế Quốc La Mã Thánh đã hứa thưởng 100 guilder (tiền Hà Lan) cho ai bắt được ông Menno. Nhưng ông vẫn tập hợp được một số người Anabaptist và thành lập các hội thánh. Ông và những người theo ông chẳng bao lâu được gọi là những người theo phái Menno.

Phái Menno ngày nay

Với thời gian, sự bắt bớ khiến hàng ngàn người theo phái Menno phải trốn từ Tây Âu đến Bắc Mỹ. Tại đó, họ có cơ hội tiếp tục tìm kiếm lẽ thật và truyền bá sự dạy dỗ cho nhiều người khác. Nhưng họ không còn giữ được lòng nhiệt thành như những người đi trước trong việc tra cứu sâu hơn về Kinh Thánh và truyền bá đạo. Đa số vẫn bám lấy những sự dạy dỗ không dựa trên Kinh Thánh, như Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và hỏa ngục. (Truyền-đạo 9:5; Ê-xê-chi-ên 18:4; Mác 12:29) Ngày nay, các giáo sĩ của phái Menno có khuynh hướng tập trung nỗ lực vào việc chữa bệnh và làm công tác xã hội nhiều hơn là rao truyền Phúc Âm.

Theo ước tính, ngày nay có khoảng 1.300.000 người theo phái Menno sống tại 65 quốc gia. Như Menno Simons vài thế kỷ trước đây, họ vẫn buồn phiền về sự thiếu hợp nhất giữa họ. Trong Thế Chiến I, họ bị chia rẽ nghiêm trọng vì có quan điểm khác nhau về những xung đột trên thế giới. Dựa vào căn bản Kinh Thánh, nhiều nhóm ở Bắc Mỹ từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó, “đến năm 1914, việc từ chối tham gia quân dịch của những người theo phái Menno ở Tây Âu hầu như chỉ còn là lịch sử”, theo cuốn An Introduction to Mennonite History (Giới thiệu lịch sử phái Menno). Ngày nay, một số nhóm Menno đã ít nhiều chấp nhận lối sống hiện đại. Số khác vẫn cài áo bằng móc gài thay vì nút, và tin rằng đàn ông không nên cạo râu.

Những nhóm Menno dứt khoát tách biệt với thế giới hiện đại dời đến những vùng mà chính quyền địa phương không can thiệp vào nội bộ của họ. Chẳng hạn ở Bolivia, theo ước tính có khoảng 38.000 người trưởng thành theo phái Menno lập thành nhiều cộng đồng ở các vùng hẻo lánh, mỗi cộng đồng có những luật lệ riêng. Một số chỉ cho phép dùng xe ngựa, chứ không được dùng xe máy. Số khác cấm sử dụng radio, máy truyền hình và cả âm nhạc. Có cộng đồng thậm chí còn cấm học tiếng quốc ngữ. Một cư dân trong một cộng đồng cho biết: “Để dễ kiểm soát chúng tôi, các thầy không cho phép chúng tôi học tiếng Tây Ban Nha”. Nhiều người cảm thấy bị ức chế và sống trong nỗi lo sợ bị cộng đồng tẩy chay—một viễn cảnh đáng sợ đối với một người chưa hề biết thế giới bên ngoài.

Hạt giống lẽ thật đã được gieo thế nào?

Chính trong hoàn cảnh đó mà một nông dân theo phái Menno tên là Johann đã nhìn thấy một tờ Tháp Canh ở nhà người hàng xóm. Gia đình ông Johann đã di dân từ Canada xuống Mexico, rồi sau đó đến Bolivia. Ông luôn ước ao tìm được phương tiện giúp ông hiểu lẽ thật Kinh Thánh, vì thế ông hỏi mượn cuốn tạp chí.

Sau đó, khi đi lên thành phố bán nông sản và thấy một Nhân Chứng đang phân phát Tháp Canh ở chợ, ông đã đến gặp chị. Chị ấy hướng dẫn ông đến gặp một giáo sĩ nói tiếng Đức, và chẳng bao lâu ông Johann bắt đầu nhận tạp chí Tháp Canh tiếng Đức qua bưu điện. Mỗi số Tháp Canh đều được họ nghiên cứu cách kỹ lưỡng, rồi được chuyền từ gia đình này sang gia đình khác trong cộng đồng cho đến khi tờ báo sờn rách. Đôi khi các gia đình cùng họp lại học Tháp Canh với nhau cho đến nửa đêm, tra xem tất cả các đoạn Kinh Thánh được viện dẫn. Ông Johann bắt đầu tin quyết rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là những người đang hợp nhất thực thi ý muốn Đức Chúa Trời trên khắp đất. Trước khi mất, ông trăng trối với vợ con: “Bà và các con phải luôn luôn đọc Tháp Canh để hiểu Kinh Thánh”.

Một số người trong gia đình ông Johann bắt đầu nói với láng giềng về những điều họ học được trong Kinh Thánh. Họ nói: “Trái đất sẽ không bị hủy diệt. Thay vì thế, Đức Chúa Trời sẽ biến nó thành địa đàng. Ngài không hành hạ người ta trong địa ngục”. Những cuộc nói chuyện đó nhanh chóng đến tai các thầy giảng trong nhà thờ. Các thầy đe dọa sẽ khai trừ cả gia đình nếu họ không ngưng những chuyện này. Sau đó, khi gia đình thảo luận về áp lực của các thầy, một thanh niên nói: “Con không hiểu tại sao chúng ta lại ngồi đây phàn nàn về các thầy. Tất cả chúng ta đều biết đâu là tôn giáo thật, thế mà vẫn chưa làm gì hết”. Những lời này khiến cha cậu suy nghĩ. Chẳng bao lâu, mười người trong gia đình đã bí mật đi tìm Nhân Chứng Giê-hô-va và đã đến nhà các giáo sĩ, như được kể ở đầu bài.

Ngày hôm sau, các giáo sĩ đi đến vùng của những người bạn mới này để thăm họ. Trên đường, ngoài xe họ không có chiếc ô tô nào khác. Trong khi họ lái chầm chậm ngang qua mấy chiếc xe ngựa, hai bên liếc nhìn nhau với ánh mắt thăm dò. Chẳng bao lâu họ đã ngồi vào bàn nói chuyện với mười người Menno, đại diện cho hai gia đình ở đó.

Hôm đó, họ đã học bốn tiếng mới hết chương 1 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. * Trong mỗi đoạn, những người nông dân này đã xem xét thêm một số câu Kinh Thánh khác và muốn biết cách họ hiểu những câu Kinh Thánh đó có đúng không. Sau mỗi câu hỏi, họ thảo luận với nhau bằng thổ ngữ Đức trong vài phút, rồi một người đại diện thay mặt cả nhóm trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha. Đó là một ngày đáng nhớ, nhưng một cơn bão hoạn nạn sắp ập đến. Họ sắp phải đương đầu với thử thách như ông Menno Simons đã từng bị khi bắt đầu tìm kiếm lẽ thật Kinh Thánh cách nay gần năm thế kỷ.

Bị thử thách vì lẽ thật

Vài ngày sau, các thầy đến gặp gia đình Johann với tối hậu thư như sau cho những người đang chú ý Kinh Thánh: “Chúng tôi nghe nói Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến thăm các ông bà. Các ông bà không được cho họ trở lại và phải đem nộp tất cả sách báo của họ để chúng tôi đốt đi, bằng không các ông bà sẽ bị khai trừ”. Những người đó chỉ mới học Kinh Thánh với Nhân Chứng một lần, vì thế đó là một thử thách ghê gớm đối với họ.

Một chủ gia đình đáp: “Chúng tôi không thể làm theo yêu cầu của các ông. Những người ấy đến dạy Kinh Thánh cho chúng tôi”. Các thầy phản ứng thế nào? Họ đã khai trừ những người này vì tội học Kinh Thánh! Đó quả là một đòn ác nghiệt. Xe đẩy của xưởng làm phô mai trong vùng đi ngang qua nhà của một gia đình nhưng không vào lấy sữa của họ, vì thế họ bị mất nguồn thu nhập duy nhất. Một trưởng gia đình bị cho thôi việc. Một người khác không được mua hàng tại cửa hàng địa phương, còn đứa con gái mười tuổi của anh thì bị đuổi học. Những người láng giềng kéo đến vây nhà của một thanh niên, đòi đem vợ của anh ta đi, vì cho rằng cô ấy không thể tiếp tục sống với một người bị khai trừ. Bất chấp mọi điều này, những gia đình đã học Kinh Thánh vẫn không ngưng tìm kiếm lẽ thật.

Dù đường xa, hàng tuần các giáo sĩ vẫn tiếp tục đến hướng dẫn họ học Kinh Thánh. Những buổi học ấy thêm sức cho họ biết bao! Để đến học, một số đã phải đi bằng xe ngựa mất cả hai tiếng. Thật xúc động khi các gia đình mời một giáo sĩ cầu nguyện lần đầu tiên. Trong các cộng đồng này, người Menno không bao giờ cầu nguyện lớn tiếng, vì thế họ chưa bao giờ nghe ai cầu nguyện cho họ. Những người đàn ông mắt ngấn lệ. Và bạn có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của họ không khi các giáo sĩ đem đến một chiếc máy ghi âm? Trong cộng đồng này, họ chưa bao giờ được phép chơi âm nhạc. Khi nghe những bản Nhạc Nước Trời tuyệt diệu, họ sung sướng đến độ quyết định hát những bài đó sau mỗi buổi học! Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn đó: Làm sao họ có thể sinh sống trong hoàn cảnh mới?

Tìm thấy tình anh em yêu thương

Bị cộng đồng tẩy chay, những gia đình này bắt đầu tự sản xuất phô mai. Các giáo sĩ giúp họ tìm nơi tiêu thụ. Một Nhân Chứng lâu năm ở Bắc Mỹ, từng lớn lên trong một cộng đồng Menno ở Nam Mỹ, nghe nói về hoàn cảnh đáng thương của họ nên rất muốn giúp đỡ. Trong vòng một tuần, anh liền bay xuống Bolivia thăm họ. Ngoài việc khích lệ họ về mặt thiêng liêng, anh còn giúp các gia đình này mua một chiếc xe tải vừa để đi nhóm họp ở Phòng Nước Trời, vừa để đem nông sản ra chợ bán.

Một người trong các gia đình này nói: “Lúc mới bị cộng đồng tẩy chay thật khó khăn. Chúng tôi thường đến Phòng Nước Trời với khuôn mặt buồn bã nhưng khi trở về lại vui mừng”. Thật thế, các Nhân Chứng địa phương đã tích cực hỗ trợ họ. Một số người đã học tiếng Đức và một số Nhân Chứng nói tiếng Đức đã từ Châu Âu đến Bolivia để giúp điều khiển các buổi nhóm họp bằng tiếng Đức. Chẳng bao lâu, 14 người trong cộng đồng Menno đã đi rao giảng tin mừng Nước Trời cho người khác.

Vào ngày 12-10-2001, chưa đầy một năm sau chuyến viếng thăm đầu tiên đến nhà giáo sĩ, 11 người từng theo phái Anabaptist đã làm báp têm một lần nữa, lần này để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Kể từ đó, nhiều người khác đã thực hiện bước này. Sau này, một người nói: “Từ khi học biết lẽ thật Kinh Thánh, chúng tôi cảm thấy như người nô lệ được trả tự do”. Một người khác nói: “Nhiều người Menno phàn nàn về sự thiếu yêu thương trong cộng đồng họ. Còn Nhân Chứng Giê-hô-va thì quan tâm đến nhau. Tôi cảm thấy an toàn ở giữa họ”. Khi tìm kiếm sự hiểu biết tốt hơn về lẽ thật Kinh Thánh, bạn có thể cũng gặp khó khăn. Nhưng nếu nương cậy nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và bày tỏ đức tin cùng lòng can đảm như những gia đình này đã làm, bạn cũng sẽ thành công và tìm thấy hạnh phúc.

[Chú thích]

^ đ. 17 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 25]

Sung sướng khi nhận được các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh bằng tiếng Đức

[Hình nơi trang 26]

Giờ đây họ đã hát sau mỗi buổi học Kinh Thánh, dù âm nhạc luôn bị cấm