Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy!

Bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy!

Bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy!

“Chúng ta bước đi bởi đức-tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy”.—2 CÔ-RINH-TÔ 5:7.

1. Điều gì cho thấy sứ đồ Phao-lô bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy?

ĐÓ LÀ năm 55 CN. Khoảng 20 năm trôi qua kể từ khi người đàn ông bấy giờ mang tên Sau-lơ, người bắt bớ tín đồ Đấng Christ, đã gia nhập đạo. Thời gian đã không làm suy yếu đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời. Dù không thấy những việc ở trên trời bằng mắt thường, ông vẫn vững vàng trong đức tin. Vì vậy, khi viết cho các tín đồ được xức dầu, những người có hy vọng lên trời, sứ đồ Phao-lô nói: “Chúng ta bước đi bởi đức-tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy”.—2 Cô-rinh-tô 5:7.

2, 3. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình bước đi bởi đức tin? (b) Bước đi bởi mắt thấy có nghĩa gì?

2 Bước đi bởi đức tin đòi hỏi lòng tin cậy tuyệt đối nơi quyền năng của Đức Chúa Trời trong việc hướng dẫn đời sống chúng ta. Chúng ta phải hoàn toàn tin chắc Ngài thật sự biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. (Thi-thiên 119:66) Trong đời sống, trước khi quyết định điều gì và làm theo, chúng ta cũng nên suy xét đến “những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Những điều này bao gồm “trời mới đất mới” được hứa. (2 Phi-e-rơ 3:13) Ngược lại, bước đi bởi mắt thấy có nghĩa là chúng ta theo đuổi lối sống bị chi phối bởi những gì nhận thức được bằng các giác quan. Điều này nguy hiểm vì có thể dẫn đến việc chúng ta hoàn toàn lờ đi ý muốn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 81:12; Truyền-đạo 11:9.

3 Dù thuộc “bầy nhỏ” được ơn kêu gọi lên trời, hay thuộc “chiên khác” với hy vọng sống trên đất, mỗi người chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên hãy bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy. (Lu-ca 12:32; Giăng 10:16) Chúng ta hãy xem làm thế nào việc theo lời khuyên được soi dẫn này sẽ che chở chúng ta khỏi sa vào lối sống “tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”, cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất, và quên đi sự kết liễu của hệ thống này. Chúng ta cũng sẽ xem xét đến mối nguy hiểm của việc bước đi bởi mắt thấy.—Hê-bơ-rơ 11:25.

Từ chối việc “tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”

4. Môi-se đã chọn điều gì, tại sao?

4 Hãy hình dung cuộc đời mà Môi-se, con trai Am-ram, lẽ ra có thể hưởng. Được nuôi dạy trong hoàng tộc của xứ Ê-díp-tô xưa, Môi-se có cơ hội đạt được quyền hành, giàu sang và thế lực. Ông đã có thể lý luận: ‘Ta có trình độ học thức trong sự khôn ngoan được tán dương của người Ê-díp-tô, và ta có uy thế trong lời nói cũng như việc làm. Nếu vẫn gắn bó với hoàng tộc, ta có thể dùng địa vị của mình để mang lại lợi ích cho các anh em người Hê-bơ-rơ của ta bị áp bức!’ (Công-vụ 7:22) Thay vì thế, Môi-se đã chọn “cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp”. Tại sao? Điều gì đã thúc đẩy ông quay lưng từ bỏ mọi điều xứ Ê-díp-tô cung hiến? Kinh Thánh trả lời: “Bởi đức-tin, [Môi-se] lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận; vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được”. (Hê-bơ-rơ 11:24-27) Môi-se tin chắc Đức Giê-hô-va ban thưởng cho những người công bình, niềm tin này đã giúp ông cưỡng lại tội lỗi, tinh thần buông thả và thú vui chóng qua mà tội lỗi mang lại.

5. Gương của Môi-se khuyến khích chúng ta như thế nào?

5 Chúng ta cũng thường phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong những vấn đề như: ‘Tôi có nên bỏ một số thực hành hoặc thói quen nào đó vì không hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc Kinh Thánh không? Tôi có nên nhận công việc có vẻ mang lại những thuận lợi về vật chất nhưng sẽ gây trở ngại cho sự tiến bộ về thiêng liêng của tôi không?’ Gương của Môi-se khuyến khích chúng ta không nên đi đến những quyết định phản ánh cái nhìn thiển cận của thế gian này. Đúng hơn, chúng ta nên đặt đức tin nơi cái nhìn khôn ngoan thấy xa hiểu rộng của ‘Đấng chúng ta không thấy được’, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Như Môi-se, mong sao chúng ta quý trọng tình bạn với Đức Giê-hô-va hơn bất cứ điều gì thế gian này cung hiến.

6, 7. (a) Ê-sau đã cho thấy ông thích bước đi bởi mắt thấy như thế nào? (b) Chúng ta có gương cảnh báo nào qua Ê-sau?

6 Hãy xem sự tương phản giữa Môi-se và Ê-sau, con trai của tộc trưởng Y-sác. Ê-sau muốn được toại nguyện ngay tức khắc. (Sáng-thế Ký 25:30-34) “Khinh-lờn” những điều thiêng liêng, ông bán quyền con trưởng “chỉ vì một món ăn”. (Hê-bơ-rơ 12:16) Ông đã không suy xét về quyết định bán quyền con trưởng sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của ông với Đức Giê-hô-va, hoặc hành động của ông sẽ gây ảnh hưởng gì trên con cháu. Ông đã không nhìn sự việc theo quan điểm thiêng liêng. Ê-sau đã lờ đi những lời hứa quý báu của Đức Chúa Trời, xem đó là những điều không đáng. Ông đã bước đi bởi mắt thấy, chẳng phải bởi đức tin.

7 Ông Ê-sau đã cho chúng ta một gương cảnh báo ngày nay. (1 Cô-rinh-tô 10:11) Khi phải quyết định điều gì, dù lớn hay nhỏ, chúng ta không nên để lời tuyên truyền của thế gian thuộc Sa-tan quyến rũ—theo lời ấy chúng ta phải có ngay lập tức điều mình muốn. Chúng ta nên tự hỏi: ‘Các quyết định của tôi có biểu lộ những khuynh hướng như Ê-sau không? Khi theo đuổi điều tôi muốn có ngay, liệu mục tiêu thiêng liêng có bị xếp vào hàng thứ yếu không? Những lựa chọn của tôi có làm tổn hại đến tình bạn với Đức Chúa Trời và ảnh hưởng đến phần thưởng trong tương lai không? Tôi đã nêu gương nào cho người khác?’ Nếu những lựa chọn của chúng ta phản ánh lòng biết ơn về những điều thiêng liêng, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước.—Châm-ngôn 10:22.

Tránh cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất

8. Các tín đồ ở Lao-đi-xê nhận được lời cảnh báo nào, tại sao lời đó đáng cho chúng ta chú ý ?

8 Trong một mặc khải ban cho sứ đồ Giăng vào cuối thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su vinh hiển gửi một thông điệp đến hội thánh ở Lao-đi-xê, thuộc vùng Tiểu Á. Đó là lời cảnh báo về chủ nghĩa vật chất. Dù giàu có về vật chất, các tín đồ ở Lao-đi-xê nghèo nàn về thiêng liêng. Thay vì tiếp tục bước đi bởi đức tin, họ để của cải vật chất làm họ mù về thiêng liêng. (Khải-huyền 3:14-18) Ngày nay, chủ nghĩa vật chất vẫn có tác hại tương tự. Nó làm suy yếu đức tin và khiến chúng ta không còn bền bỉ tham gia “cuộc chạy đua” giành sự sống. (Hê-bơ-rơ 12:1) Nếu chúng ta bất cẩn, sự “sung-sướng đời nầy” có thể lấn át những hoạt động thiêng liêng đến độ làm những hoạt động này hoàn toàn “nghẹt-ngòi”.—Lu-ca 8:14.

9. Sự hài lòng về những gì mình có và lòng biết ơn về thức ăn thiêng liêng che chở chúng ta như thế nào?

9 Bí quyết để che chở chúng ta về thiêng liêng là tinh thần hài lòng với những gì mình có, thay vì tận hưởng tất cả những gì thế gian này cung hiến và làm giàu về vật chất. (1 Cô-rinh-tô 7:31; 1 Ti-mô-thê 6:6-8) Khi bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy, chúng ta tìm niềm vui trong địa đàng thiêng liêng hiện tại. Khi nuôi mình bằng thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng, chẳng phải chúng ta được thôi thúc “hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ” sao? (Ê-sai 65:13, 14) Ngoài ra, chúng ta thích thú kết hợp với những người thể hiện trái của thánh linh Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22) Thật quan trọng biết bao khi chúng ta tìm sự thỏa nguyện và sảng khoái tinh thần trong những sắp đặt của Đức Giê-hô-va về phương diện thiêng liêng!

10. Chúng ta cần nêu lên một số câu hỏi nào cho chính mình?

10 Chúng ta cần nêu lên một số câu hỏi cho chính mình như: ‘Tôi đặt vật chất vào vị trí nào trong đời sống? Tôi dùng của cải để hưởng thụ hay để ủng hộ sự thờ phượng thật? Điều gì làm tôi thỏa nguyện nhất? Có phải đó là học hỏi Kinh Thánh và kết hợp với anh em tại các buổi nhóm họp, hay là thường xuyên tạm gác sinh hoạt của người tín đồ để giải trí vào cuối tuần? Tôi có thường dành những ngày cuối tuần cho việc giải trí, thay vì dùng thời gian ấy để tham gia thánh chức rao giảng và các hoạt động khác liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch không?’ Bước đi bởi đức tin có nghĩa chúng ta luôn bận rộn trong công việc Nước Trời, tin cậy hoàn toàn nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

Ghi nhớ sự kết liễu của hệ thống này gần kề

11. Làm thế nào bước đi bởi đức tin giúp chúng ta ghi nhớ sự kết liễu của hệ thống này gần kề?

11 Bước đi bởi đức tin giúp chúng ta bác bỏ quan điểm thuộc xác thịt cho rằng sự kết liễu của hệ thống này còn xa hoặc không bao giờ đến. Không như những người hoài nghi xem nhẹ lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rõ những biến cố thế giới xảy ra đúng như Lời Đức Chúa Trời đã báo trước về thời này. (2 Phi-e-rơ 3:3, 4) Chẳng hạn, không phải thái độ và cách cư xử của người ta nói chung là bằng chứng chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” sao? (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Bằng mắt đức tin, chúng ta thấy những biến cố trên thế giới không phải chỉ là sự lặp lại của lịch sử, đúng hơn, những biến cố ấy hình thành ‘điềm chỉ về sự Chúa đến và tận-thế ’.—Ma-thi-ơ 24:1-14.

12. Những lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Lu-ca 21:20, 21 đã ứng nghiệm như thế nào vào thế kỷ thứ nhất?

12 Hãy xem xét một biến cố xảy ra vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên tương đương với một biến cố vào thời chúng ta. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su Christ cảnh báo các môn đồ: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài”. (Lu-ca 21:20, 21) Ứng nghiệm lời tiên tri này, quân đội La Mã dưới quyền chỉ huy của Cestius Gallus bao vây thành Giê-ru-sa-lem năm 66 CN. Nhưng, quân đội đột ngột lui binh, đó là dấu hiệu và cơ hội để tín đồ Đấng Christ trong thành “trốn lên núi”. Năm 70 CN, quân La Mã trở lại, tấn công thành Giê-ru-sa-lem và hủy phá đền thờ. Theo ông Josephus, hơn một triệu người Do Thái thiệt mạng, và 97.000 người bị bắt đi làm phu tù. Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên hệ thống Do Thái thời bấy giờ. Những người bước đi bởi đức tin và để ý đến lời cảnh báo của Chúa Giê-su thoát khỏi tai họa.

13, 14. (a) Biến cố nào sắp xảy ra? (b) Tại sao chúng ta nên luôn nhạy bén trước sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh?

13 Thời nay, một biến cố tương tự sắp xảy ra. Những thành phần trong Liên Hiệp Quốc sẽ là công cụ để Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét. Như quân đội La Mã vào thế kỷ thứ nhất được lập ra để duy trì Pax Romana (Hòa Bình La Mã), Liên Hiệp Quốc ngày nay được thành lập với mục tiêu là gìn giữ hòa bình. Mặc dù quân đội La Mã cố gắng giữ an ninh tương đối cho thế giới thời bấy giờ, nhưng chính quân đội ấy lại hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Ngày nay cũng vậy, lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy các lực lượng quân sự trong Liên Hiệp Quốc sẽ xem tôn giáo là thành phần quấy rối và ra tay tiêu diệt Giê-ru-sa-lem thời nay tức khối đạo xưng theo Đấng Christ, cũng như các đạo khác trong Ba-by-lôn Lớn. (Khải-huyền 17:12-17) Thật vậy, toàn thể đế quốc tôn giáo giả thế giới đang kề cận sự hủy diệt.

14 Tôn giáo giả bị hủy diệt sẽ là dấu chỉ hoạn nạn lớn bắt đầu. Trong giai đoạn cuối của hoạn nạn lớn, những thành phần còn lại của hệ thống ác này sẽ bị diệt. (Ma-thi-ơ 24:29, 30; Khải-huyền 16:14, 16) Bước đi bởi đức tin giúp chúng ta luôn nhạy bén trước sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh. Chúng ta không để bị mắc lừa bởi lối suy nghĩ cho rằng một tổ chức nào đó do loài người lập ra, như Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, là phương tiện của Đức Chúa Trời nhằm mang lại hòa bình và an ninh thật. Vì vậy, chẳng phải lối sống của chúng ta nên chứng tỏ chúng ta tin chắc “ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần” hay sao?—Sô-phô-ni 1:14.

Bước đi bởi mắt thấy—Nguy hiểm thế nào?

15. Dù nhận được những ân phước của Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào cạm bẫy nào?

15 Như gương của dân Y-sơ-ra-ên xưa cho thấy, để cho việc bước đi bởi mắt thấy làm suy yếu đức tin là điều nguy hiểm. Dù đã chứng kiến tận mắt mười tai vạ làm nhục các thần giả của xứ Ê-díp-tô và rồi được giải cứu cách kỳ diệu qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên đã bất tuân đúc tượng bò vàng và thờ lạy tượng ấy. Họ trở nên mất kiên nhẫn và đâm ra bất bình trong lúc chờ đợi Môi-se “ở trên núi chậm xuống”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-4) Sự thiếu kiên nhẫn khiến họ thờ hình tượng thấy được bằng mắt phàm. Khi bước đi bởi mắt thấy là họ xúc phạm tới Đức Giê-hô-va, kết quả là “chừng ba ngàn người” bị hành phạt. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:25-29) Ngày nay, thật đáng buồn khi một người thờ phượng Đức Giê-hô-va lại có những quyết định cho thấy người đó không tin cậy Đức Giê-hô-va và thiếu lòng tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời để thực hiện những lời Ngài hứa!

16. Vẻ bề ngoài đã ảnh hưởng thế nào với dân Y-sơ-ra-ên?

16 Vẻ bề ngoài đã ảnh hưởng tai hại đến dân Y-sơ-ra-ên theo cách khác. Việc bước đi bởi mắt thấy khiến họ sợ hãi kẻ thù. (Dân-số Ký 13:28, 32; Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:28) Cũng vì thế mà họ phản đối quyền hành mà Môi-se đã được Đức Chúa Trời giao phó và phàn nàn về cuộc sống của họ. Việc thiếu đức tin khiến họ thích xứ Ê-díp-tô dưới ảnh hưởng của các ác thần hơn là Đất Hứa. (Dân-số Ký 14:1-4; Thi-thiên 106:24) Đức Giê-hô-va hẳn phải đau lòng biết bao khi chứng kiến sự bất kính trắng trợn của dân Ngài đối với vị Vua vô hình của họ!

17. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên từ bỏ sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va vào thời Sa-mu-ên?

17 Vào thời nhà tiên tri Sa-mu-ên, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời chọn lại rơi vào bẫy bước đi bởi mắt thấy. Dân sự bắt đầu ao ước có một vua mà mắt họ có thể thấy. Dù Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ Ngài là Vua của họ, nhưng việc này không đủ giúp họ bước đi bởi đức tin. (1 Sa-mu-ên 8:4-9) Dẫn đến hậu quả bất lợi cho chính mình, họ đã rồ dại từ bỏ sự hướng dẫn hoàn hảo của Đức Giê-hô-va, thích giống như các dân tộc chung quanh.—1 Sa-mu-ên 8:19, 20.

18. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào về mối nguy hiểm của việc bước đi bởi mắt thấy?

18 Là tôi tớ thời nay của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta quý trọng mối quan hệ tốt với Ngài. Chúng ta sốt sắng học hỏi và áp dụng trong đời sống bài học quý giá từ những biến cố trong quá khứ. (Rô-ma 15:4) Khi dân Y-sơ-ra-ên bước đi bởi mắt thấy, họ đã quên rằng, qua Môi-se, chính Đức Chúa Trời hướng dẫn họ. Nếu không thận trọng, chúng ta cũng có thể quên rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Môi-se Lớn, tức Chúa Giê-su Christ, đang hướng dẫn hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay. (Khải-huyền 1:12-16) Chúng ta phải coi chừng để tránh thái độ xem xét phần tổ chức dưới đất của Đức Giê-hô-va theo quan điểm xác thịt. Thái độ như thế có thể dẫn đến tinh thần phàn nàn và thiếu lòng quý trọng đối với những người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm cũng như về thức ăn thiêng liêng mà “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp.—Ma-thi-ơ 24:45.

Hãy quyết tâm bước đi bởi đức tin

19, 20. Bạn quyết tâm làm gì, tại sao?

19 Kinh Thánh nói: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời”. (Ê-phê-sô 6:12) Kẻ thù chính của chúng ta là Sa-tan Ma-quỉ. Mục tiêu của hắn là hủy hoại đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. Hắn sẽ không bỏ qua bất cứ hình thức khéo léo nào có thể làm lung lay quyết định phụng sự Đức Chúa Trời của chúng ta. (1 Phi-e-rơ 5:8) Điều gì sẽ che chở chúng ta khỏi mắc lừa vì vẻ bề ngoài của hệ thống thuộc Sa-tan? Đó là bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy! Tin cậy nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ đức tin chúng ta khỏi “bị chìm-đắm”. (1 Ti-mô-thê 1:19) Vậy, chúng ta hãy cương quyết tiếp tục bước đi bởi đức tin, hoàn toàn tin cậy nơi ân phước của Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta tiếp tục cầu nguyện để có thể tránh khỏi các hoạn nạn sẽ xảy ra trong tương lai gần kề.—Lu-ca 21:36.

20 Khi bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy, chúng ta có Đấng Gương Mẫu tuyệt vời. Kinh Thánh nói: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Bài kế tiếp sẽ cho biết làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục bước đi như Chúa Giê-su.

Bạn có nhớ không?

• Bạn học được gì từ gương của Môi-se và Ê-sau về việc bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy?

• Bí quyết nào giúp tránh chủ nghĩa vật chất?

• Làm thế nào bước đi bởi đức tin giúp chúng ta tránh quan điểm cho rằng sự kết liễu thế gian còn ở xa?

• Tại sao bước đi bởi mắt thấy là điều nguy hiểm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Môi-se bước đi bởi đức tin

[Hình nơi trang 18]

Việc giải trí có thường cản trở các hoạt động thần quyền của bạn không?

[Hình nơi trang 20]

Việc chú ý đến Lời Đức Chúa Trời che chở bạn như thế nào?