Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su là ai?

Chúa Giê-su là ai?

Chúa Giê-su là ai?

HÃY hình dung Anh-rê, người Do Thái trẻ tuổi, hẳn phấn khởi biết bao khi lần đầu được nghe lời của Giê-su người Na-xa-rét! Kinh Thánh cho biết Anh-rê vội chạy đến anh mình và nói: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si [hoặc Đấng Christ]”. (Giăng 1:41) Trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp, những từ thường được dịch là “Đấng Mê-si” hoặc “Đấng Mê-si-a”, và “Christ” hoặc “Ki-tô” đều có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Chúa Giê-su là Đấng được xức dầu, Đấng do Đức Chúa Trời chọn—Đấng Lãnh Đạo theo lời hứa. (Ê-sai 55:4) Kinh Thánh chứa những lời tiên tri về ngài, và người Do Thái thời bấy giờ trông đợi ngài.—Lu-ca 3:15.

Làm thế nào chúng ta biết Chúa Giê-su thật sự là Đấng do Đức Chúa Trời chọn? Hãy xem xét sự việc xảy ra vào năm 29 CN, khi Chúa Giê-su 30 tuổi. Ngài đến để Giăng Báp-tít làm phép báp têm nơi Sông Giô-đanh. Kinh Thánh nói: “Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng-chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ-câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. (Ma-thi-ơ 3:16, 17) Sau khi nghe những lời khen này, lẽ nào Giăng hoài nghi về việc Chúa Giê-su là Đấng do Đức Chúa Trời chọn? Bằng cách đổ thánh linh trên Chúa Giê-su, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã xức dầu cho ngài, tức bổ nhiệm ngài làm Vua của Nước Trời sắp đến. Do đó, Chúa Giê-su trở thành Đấng Christ, tức Đấng được xức dầu. Nhưng tại sao Chúa Giê-su được gọi là Con của Đức Chúa Trời? Gốc tích của ngài ra sao?

Gốc tích ngài “bởi từ đời xưa”

Cuộc đời của Chúa Giê-su có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên khởi đầu rất lâu trước khi ngài sinh ra làm người. Mi-chê 5:1 nói, gốc tích ngài “bởi từ đời xưa, từ trước vô-cùng”. Chính Chúa Giê-su nói: “Ta bởi trên mà có”, nghĩa là từ trời xuống. (Giăng 8:23) Ngài từng là một thần linh đầy quyền lực ở trên trời.

Vì mọi tạo vật đều có khởi đầu nên trước khi có muôn vật, Đức Chúa Trời ở một mình. Tuy nhiên, vô số thời đại trước đây, Đức Chúa Trời đã khởi công sáng tạo. Ai là tạo vật đầu tiên của Ngài? Sách cuối cùng của Kinh Thánh chỉ rõ Chúa Giê-su là “khởi-đầu cuộc sáng-tạo của Đức Chúa Trời”. (Khải-huyền 3:14, Ghi-đê-ôn) Chúa Giê-su là ‘Đấng sanh ra đầu tiên trong hết thảy mọi vật được dựng nên’. Đó là “vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được”. (Cô-lô-se 1:15, 16) Quả thật, chỉ một mình Chúa Giê-su là do chính Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra. Do đó, ngài được gọi là “Con một” của Đức Chúa Trời. (Giăng 3:16) Con đầu lòng cũng mang chức danh là “Ngôi-Lời”. (Giăng 1:14) Tại sao? Vì trước khi xuống thế làm người, ngài đã phụng sự ở trên trời với địa vị là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời.

“Ngôi-Lời” ở cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời lúc “ban đầu”, khi “trời đất” được dựng nên. Đức Chúa Trời đã phán với đấng ấy: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta”. (Giăng 1:1; Sáng-thế Ký 1:1, 26) Con đầu lòng đã ở bên Cha, tích cực làm việc chung với Cha là Đức Giê-hô-va. Theo Châm-ngôn 8:22-31, Chúa Giê-su được ví như sự khôn ngoan nói: “Ta ở bên [Đấng Tạo Hóa] làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài”.

Khi làm việc vai kề vai, Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con một của Ngài hẳn phải hiểu nhau sâu sắc biết bao! Trải qua vô số thời đại, mối quan hệ mật thiết ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến Con của Đức Chúa Trời. Người Con biết vâng lời này trở nên giống hệt Cha, Đức Giê-hô-va. Thật thế, Cô-lô-se 1:15 gọi Chúa Giê-su là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”. Vì vậy, sự hiểu biết về Chúa Giê-su là trọng yếu cho việc thỏa mãn cả nhu cầu tâm linh lẫn ước muốn tự nhiên của chúng ta là biết về Đức Chúa Trời. Khi ở trên đất, mọi điều Chúa Giê-su làm chính là những điều Đức Giê-hô-va mong muốn ngài làm. Do đó, hiểu biết về Chúa Giê-su cũng có nghĩa là chúng ta biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va. (Giăng 8:28; 14:8-10) Nhưng Chúa Giê-su đã xuống thế làm người bằng cách nào?

Cuộc đời làm người

Giai đoạn thứ nhì của cuộc đời Chúa Giê-su bắt đầu khi Đức Chúa Trời phái Con Ngài xuống thế. Bằng phép lạ, Đức Giê-hô-va chuyển sự sống của Chúa Giê-su từ trên trời vào lòng một trinh nữ Do Thái tin kính tên Ma-ri. Chúa Giê-su không mắc tội lỗi di truyền vì cha ngài không phải là người phàm. Thánh linh, hay sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va, ngự trên trinh nữ Ma-ri. Được quyền năng Ngài “che-phủ”, trinh nữ Ma-ri mang thai bởi phép lạ. (Lu-ca 1:34, 35) Thế nên Ma-ri sinh ra một con trẻ không mắc tội lỗi di truyền. Là con nuôi của người thợ mộc Giô-sép, ngài là con đầu lòng, lớn lên trong một gia đình bình thường, đông con.—Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:22, 23; Mác 6:3.

Chúng ta không biết nhiều về thời thơ ấu của Chúa Giê-su, ngoại trừ một sự việc đáng kể. Khi Chúa Giê-su 12 tuổi, cha mẹ đem ngài lên Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua hàng năm. Khi ở đấy, ngài dành nhiều thời gian ở tại đền thờ, “ngồi giữa mấy thầy thông-thái, vừa nghe vừa hỏi”. Hơn nữa, “ai nấy nghe, đều lạ-khen về sự khôn-ngoan và lời đối-đáp của Ngài”. Thật vậy, con trẻ Giê-su không chỉ nêu lên những câu hỏi gợi suy nghĩ thuộc lĩnh vực tâm linh, mà còn đưa ra những câu trả lời thông minh làm nhiều người kinh ngạc. (Lu-ca 2:41-50) Ngài lớn lên tại thành Na-xa-rét và học nghề thợ mộc, chắc hẳn từ cha nuôi là ông Giô-sép.—Ma-thi-ơ 13:55.

Chúa Giê-su sống tại Na-xa-rét cho đến khi 30 tuổi. Rồi, ngài đến Giăng để chịu phép báp têm. Sau đó, Chúa Giê-su khởi đầu công việc rao giảng một cách tích cực. Trong ba năm rưỡi, ngài đi khắp nơi trong xứ mình để rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Ngài chứng tỏ ngài đã được Đức Chúa Trời phái đến. Bằng cách nào? Bằng cách làm nhiều phép lạ—những việc vượt quá khả năng loài người.—Ma-thi-ơ 4:17; Lu-ca 19:37, 38.

Chúa Giê-su cũng là người có tính dịu dàng và giàu tình cảm. Tính dịu dàng của ngài đặc biệt được thấy rõ qua cách ngài nghĩ về người khác và đối xử với họ. Vì Chúa Giê-su dễ gần và tử tế, người ta muốn đến với ngài. Ngay cả trẻ con cũng cảm thấy thích khi ở bên ngài. (Mác 10:13-16) Chúa Giê-su tôn trọng phụ nữ, dù vào thời ngài, người nữ bị một số người xem thường. (Giăng 4:9, 27) Ngài giúp người nghèo và người bị áp bức tìm được sự “yên-nghỉ” cho tâm hồn. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Phương pháp giảng dạy của ngài rõ ràng, đơn giản và thiết thực. Những điều ngài dạy phản ánh lòng chân thành mong muốn giúp người nghe hiểu biết về Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.—Giăng 17:6-8.

Nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su làm phép lạ chữa cho người bệnh và người khốn khổ với lòng thương xót. (Ma-thi-ơ 15:30, 31) Chẳng hạn, một người mắc bệnh phung đến thưa với ngài: “Nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được”. Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài giơ tay rờ người, phán rằng: “Ta khứng, hãy sạch đi”. Và người bệnh được chữa lành!—Ma-thi-ơ 8:2-4.

Cũng hãy suy nghĩ đến một dịp nọ, khi đoàn dân đông đến với Chúa Giê-su, ở lại với ngài ba ngày mà không có gì để ăn. Ngài thương xót đoàn dân và làm phép lạ để nuôi “số người ăn là bốn ngàn, không kể đàn-bà con-trẻ”. (Ma-thi-ơ 15:32-38) Vào dịp khác, Chúa Giê-su làm yên cơn bão đe dọa sự an toàn của các bạn ngài. (Mác 4:37-39) Ngài làm người chết được sống lại. * (Lu-ca 7:22; Giăng 11:43, 44) Chúa Giê-su thậm chí sẵn lòng tự hy sinh mạng sống không nhiễm tội lỗi để nhân loại tội lỗi có hy vọng cho tương lai. Đối với con người, Chúa Giê-su có một tình yêu thương sâu đậm thay!

Hiện nay Chúa Giê-su ở đâu?

Chúa Giê-su chết trên cây khổ hình khi ngài được 33 tuổi rưỡi. * Nhưng sự chết không kết thúc đời sống ngài. Giai đoạn thứ ba của đời sống ngài bắt đầu khoảng ba ngày sau đó, khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho Con Ngài sống lại với thể thần linh. Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với hàng trăm người sống vào thế kỷ thứ nhất CN. (1 Cô-rinh-tô 15:3-8) Sau đó, ngài ‘ngồi bên hữu Đức Chúa Trời’ và chờ nhận vương quyền. (Hê-bơ-rơ 10:12, 13) Đến thời điểm đã định, Chúa Giê-su bắt đầu cai trị với tư cách là Vua. Vậy ngày nay chúng ta nên hình dung Chúa Giê-su ra sao? Có nên nghĩ ngài là một người khốn khổ đang bị hành hình không? Hay nên xem ngài là đấng chúng ta phải thờ phượng? Chúa Giê-su ngày nay không phải là người, cũng không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Đúng hơn, ngài là một thần linh đầy quyền năng, một vị Vua đang cai trị. Không bao lâu nữa, ngài sẽ tỏ rõ quyền cai trị của ngài trên trái đất rối loạn của chúng ta.

Dùng từ mang nghĩa tượng trưng, sách Khải-huyền 19:11-16 miêu tả Chúa Giê-su như một vị vua cưỡi con ngựa bạch, đến để đoán xét và tiến hành cuộc chiến tranh vì lẽ công bình. Ngài có “một lưỡi gươm bén” và “sẽ lấy nó mà đánh các dân”. Đúng thế, Chúa Giê-su sẽ dùng quyền năng mạnh mẽ để diệt người ác. Còn về những người cố gắng noi gương ngài đã nêu trong thời gian ngài còn ở trên đất thì sao? (1 Phi-e-rơ 2:21) Chúa Giê-su và Cha ngài sẽ bảo toàn họ qua cuộc “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, thường được gọi là Ha-ma-ghê-đôn. Họ có thể sống mãi mãi với tư cách là thần dân trên đất của Nước Trời.—Khải-huyền 7:9, 14; 16:14, 16; 21:3, 4.

Dưới triều đại thanh bình của Chúa Giê-su, những phép lạ mà ngài sẽ thực hiện vì lợi ích của toàn thể nhân loại thật tuyệt vời làm sao! (Ê-sai 9:5, 6; 11:1-10) Ngài sẽ chữa lành bệnh tật và hủy sự chết. Đức Chúa Trời sẽ giao Chúa Giê-su nhiệm vụ làm sống lại hàng tỉ người, cho họ cơ hội sống mãi mãi trên đất. (Giăng 5:28, 29) Chúng ta không thể hình dung đời sống dưới sự cai trị của Nước Trời sẽ tuyệt diệu đến thế nào. Vậy, thật quan trọng biết bao khi chúng ta thu thập thêm sự hiểu biết về Kinh Thánh và Chúa Giê-su!

[Chú thích]

^ đ. 15 Những phép lạ mà Chúa Giê-su thực hiện đều được nhiều người biết đến. Ngay cả những kẻ thù của Chúa Giê-su cũng thừa nhận ngài “làm phép lạ nhiều lắm”.—Giăng 11:47, 48.

^ đ. 17 Muốn biết Chúa Giê-su chết trên một cây cọc hay cây thập tự, xin xem Tháp Canh số ra ngày 1-12-1989, trang 15-17, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 7]

PHẢI CHĂNG CHÚA GIÊ-SU LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI TOÀN NĂNG?

Nhiều người sùng đạo nói Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời. Một số người cho rằng Đức Chúa Trời là Chúa Ba Ngôi. Theo giáo lý này, “Đức Chúa Cha là Thiên Chúa, Đức Chúa Con là Thiên Chúa và Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, thế nhưng không phải ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi”. Người ta tin rằng ba ngôi “đều hằng hữu và đều bằng nhau”. (The Catholic Encyclopedia [Bách khoa tự điển Công Giáo]). Quan điểm đó có đúng không?

Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. (Khải-huyền 4:11) Ngài không có sự bắt đầu hay cuối cùng, và Ngài toàn năng. (Thi-thiên 90:2) Trái lại, Chúa Giê-su có sự bắt đầu. (Cô-lô-se 1:15, 16) Gọi Đức Chúa Trời là Cha, Chúa Giê-su nói: “Cha tôn-trọng hơn ta”. (Giăng 14:28) Chúa Giê-su cũng giải thích có một số việc mà ngài cũng như các thiên sứ đều không biết, chỉ một mình Cha biết mà thôi.—Mác 13:32.

Ngoài ra, Chúa Giê-su cầu xin với Cha ngài: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu-ca 22:42) Chúa Giê-su đã cầu xin ai, nếu không phải là cầu xin với Đấng cao trọng hơn ngài? Hơn nữa, chính Đức Chúa Trời đã làm cho Chúa Giê-su sống lại, Chúa Giê-su không tự làm điều này. (Công-vụ 2:32) Rõ ràng, Cha và Con đã không bằng nhau dù trước khi Chúa Giê-su xuống thế, hoặc trong thời gian ngài sống trên đất. Sau khi Chúa Giê-su được sống lại và lên trời thì sao? Nơi 1 Cô-rinh-tô 11:3 nói: “Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”. Thật ra, Con sẽ luôn luôn vâng phục Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 15:28) Vậy, Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Đúng hơn, ngài là Con của Đức Chúa Trời.

Ngôi thứ ba trong giáo lý Chúa Ba Ngôi, mà được gọi là Đức Chúa Thánh Thần—thánh linh—không phải là một đấng. Trong lời cầu nguyện, người viết Thi-thiên thưa với Đức Chúa Trời: “Chúa sai Thần [“khí”, Nguyễn Thế Thuấn] Chúa ra, chúng nó được dựng nên”. (Thi-thiên 104:30) Thần hay khí này không phải là Đức Chúa Trời; đó là sinh hoạt lực mà Ngài truyền đi hoặc sử dụng để thực hiện bất cứ điều gì Ngài muốn. Qua sinh hoạt lực này, Đức Chúa Trời đã tạo ra bầu trời, trái đất và mọi vật sống. (Sáng-thế Ký 1:2, Bản Diễn Ý ) * Đức Chúa Trời dùng thánh linh để soi dẫn cho những người viết Kinh Thánh. (2 Phi-e-rơ 1:20, 21) Vậy, Chúa Ba Ngôi không phải là sự dạy dỗ của Kinh Thánh. * Kinh Thánh nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4.

[Hình nơi trang 5]

Khi làm báp têm, Chúa Giê-su trở nên Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu

[Hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su dành hết năng lực ngài cho công việc Đức Chúa Trời giao

[Hình nơi trang 7]

Ngày nay, Chúa Giê-su là vị Vua hùng mạnh

[Chú thích]

^ đ. 28 Bản Diễn Ý dịch Sáng-thế Ký 1:2 như sau: “Đất chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ rệt. Bóng tối che mặt vực thẳm và Thánh Linh Thượng Đế tác động trên mặt nước”.

^ đ. 28 Muốn tìm hiểu thêm, xin xem sách mỏng Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi không? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.