Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan”

“Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan”

“Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan”

“CHÚNG TA hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền-đạo 12:13) Thật là một kết luận sâu sắc mà Vua Sa-lô-môn của xứ Y-sơ-ra-ên xưa đã rút ra dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời! Tộc trưởng Gióp cũng hiểu giá trị của việc kính sợ Đức Chúa Trời, ông nói: “Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan; tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông-sáng”.—Gióp 28:28.

Kinh Thánh nhấn mạnh việc kính sợ Đức Giê-hô-va. Tại sao việc chúng ta vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời là đường lối khôn ngoan? Có lòng kính sợ Đức Chúa Trời mang lại lợi ích như thế nào cho chúng ta—về phương diện cá nhân cũng như tập thể những người thờ phượng chân chính? Sách Châm-ngôn chương 14, từ câu 26 đến 35, giải đáp những câu hỏi này. *

Nguồn “nương-cậy vững-chắc”

“Trong sự kính-sợ Đức Giê-hô-va có nơi nương-cậy vững-chắc; và con-cái Ngài sẽ được một nơi ẩn-núp”. (Châm-ngôn 14:26) Nguồn tin cậy của người kính sợ Đức Chúa Trời không là Đấng nào khác ngoài Đức Chúa Trời trung tín và toàn năng, Đức Giê-hô-va. Không ngạc nhiên gì khi người ấy đương đầu với những gì sẽ xảy ra trong tương lai với lòng tin cậy vững chắc! Tương lai của người ấy sẽ bền lâu và thỏa nguyện.

Nhưng, nói sao về tương lai của những người đặt tin cậy nơi thế gian—các kế hoạch, tổ chức, hệ tư tưởng và vật chất của thế gian này? Dù họ đặt hy vọng vào tương lai nào đi nữa, tương lai ấy cũng ngắn ngủi, vì Kinh Thánh nói: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:17) Vậy, có hợp lý không khi chúng ta “yêu thế-gian,... yêu các vật ở thế-gian”?—1 Giăng 2:15.

Cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời có những biện pháp nào để bảo đảm rằng con cái họ “sẽ được một nơi ẩn-núp”? Người viết Thi-thiên hát: “Hỡi các con, hãy đến nghe ta; ta sẽ dạy các con sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 34:11) Khi con cái được dạy dỗ qua gương mẫu và lời của cha mẹ là phải kính sợ Đức Chúa Trời, có triển vọng chúng trở thành những người nam và nữ có lòng tin cậy vững chắc nơi Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 22:6.

Vua Sa-lô-môn nói tiếp: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh-khỏi bẫy sự chết”. (Châm-ngôn 14:27) Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là “nguồn sự sống” vì Đức Chúa Trời thật chính là “nguồn nước sống”. (Giê-rê-mi 2:13) Thu thập sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và về Chúa Giê-su Christ có thể mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. (Giăng 17:3) Sự kính sợ Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta tránh khỏi những cạm bẫy của sự chết. Bằng cách nào? Châm-ngôn 13:14 nói: “Sự dạy-dỗ của người khôn-ngoan vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh-khỏi bẫy sự chết”. Khi kính sợ Đức Giê-hô-va, vâng theo luật pháp Ngài, và để Lời Ngài hướng dẫn các bước của chúng ta, chẳng phải chúng ta được che chở khỏi những thực hành và cảm xúc tai hại có thể làm giảm tuổi thọ hay sao?

“Sự vinh-hiển của vua”

Phần lớn thời gian trị vì, Sa-lô-môn là vị vua kính sợ Đức Chúa Trời, vâng lời Ngài. Điều này góp phần mang lại thành công cho triều đại. Điều gì cho biết một vị vua trị vì tốt hay không? Châm-ngôn 14:28 giải đáp: “Dân-sự đông-đảo, ấy là sự vinh-hiển của vua; còn dân-sự ít, ấy khiến cho quan tướng bị bại”. Sự thành công của một vị vua được đánh giá qua hạnh phúc của thần dân. Nếu đông đảo dân sự thích ở dưới sự cai trị của vua ấy, điều đó cho thấy vua là nhà cai trị tốt. Vua Sa-lô-môn có thần dân “từ biển nầy [Biển Đỏ] tới biển kia [Biển Địa Trung Hải], từ sông [Ơ-phơ-rát] cho đến cùng trái đất”. (Thi-thiên 72:6-8) Triều đại của ông được đánh dấu bởi một nền hòa bình và thịnh vượng chưa từng có. (1 Các Vua 4:24, 25) Đó là một triều đại thành công. Ngược lại, thiếu sự ủng hộ của thần dân là sự nhục nhã cho quan tướng.

Về phương diện này, có thể nói gì về sự vinh hiển của Sa-lô-môn Lớn, tức Vua Mê-si là Chúa Giê-su Christ? Hãy nghĩ đến các thần dân của ngài trong thời nay. Cho đến đầu cùng trái đất, hơn sáu triệu người kính sợ Đức Chúa Trời, cả nam lẫn nữ, đã chọn sống dưới quyền cai trị của Đấng Christ. Họ tin nơi Chúa Giê-su và hợp nhất trong sự thờ phượng thật dành cho Đức Chúa Trời hằng sống. (Giăng 14:1) Đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, tất cả những người được ghi trong ký ức của Đức Chúa Trời đã được sống lại. Địa đàng lúc bấy giờ sẽ đầy dẫy những người công bình, hạnh phúc, đã biểu lộ lòng biết ơn đối với Vua. Thật là bằng chứng về sự thành công của triều đại Đấng Christ! Chúng ta hãy giữ chặt hy vọng tuyệt vời về Nước Trời.

Những lợi ích về thiêng liêng và thể chất

Lòng kính sợ Đức Chúa Trời mang lại cho chúng ta tâm hồn bình an và tinh thần thanh thản. Có được điều này là nhờ sự phán đoán đúng và sự thông sáng, hai khía cạnh của sự khôn ngoan. Châm-ngôn 14:29 nói: “Kẻ nào chậm nóng-giận có thông-sáng lớn; nhưng ai hay nóng-nảy tôn lên sự điên-cuồng”. Sự thông sáng giúp chúng ta ý thức cơn giận không kiềm chế gây ảnh hưởng tai hại về thiêng liêng. Các tính xấu như “thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy” được liệt kê trong số những việc có thể ngăn trở chúng ta “hưởng nước Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 5:19-21) Chúng ta được khuyên phải tránh cưu mang ngay cả cơn giận chính đáng. (Ê-phê-sô 4:26, 27) Sự nóng nảy có thể dẫn đến những lời nói và hành vi dại dột khiến sau này chúng ta cảm thấy hối tiếc.

Chỉ về tác hại của sự nóng giận đối với sức khỏe, vua xứ Y-sơ-ra-ên nói: “Lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể; còn sự ghen-ghét là đồ mục của xương-cốt”. (Châm-ngôn 14:30) Sự nóng giận và cơn thịnh nộ góp phần gây bệnh về đường hô hấp, huyết áp cao, rối loạn chức năng của gan, và gây hại cho tụy. Các bác sĩ cũng liệt kê sự nóng giận và thịnh nộ trong số những xúc cảm làm trầm trọng thêm, hoặc thậm chí là nguyên nhân của những bệnh như ung loét, nổi mày đay, hen suyễn, các bệnh về da và chứng ăn không tiêu. Ngược lại, “tâm hồn bình an là nguồn sống cho thể xác”. (Châm-ngôn 14:30, Tòa Tổng Giám Mục) Vậy, chúng ta khôn ngoan khi “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau”.—Rô-ma 14:19, TTGM.

Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta không thiên vị

Vua Sa-lô-môn nói: “Kẻ hà-hiếp người nghèo-khổ làm nhục Đấng tạo-hóa mình; còn ai thương-xót người bần-cùng tôn-trọng Ngài”. (Châm-ngôn 14:31) Người kính sợ Đức Chúa Trời ý thức rằng nhân loại có chung một Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì vậy, người nghèo khổ là người đồng loại, và cách chúng ta đối xử với họ sẽ làm nhục hoặc tôn vinh Đấng tạo ra loài người. Để tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta phải đối xử công bình và không thiên vị với người khác. Những tín đồ Đấng Christ nghèo cũng phải được nhận sự quan tâm về thiêng liêng, không bị thiên vị. Chúng ta mang tin mừng về Nước Trời đến cho người nghèo lẫn người giàu.

Kể đến lợi ích khác của việc kính sợ Đức Chúa Trời, vị vua khôn ngoan nói: “Kẻ ác bị đánh đổ trong sự gian-ác mình; nhưng kẻ công-bình vẫn có nơi nương-cậy”. (Châm-ngôn 14:32) Người ác bị đánh đổ như thế nào? Một số học giả Kinh Thánh gợi ý rằng điều này có nghĩa người ác khó có thể hồi phục khi trải qua tai họa. Ngược lại, khi gặp nghịch cảnh, người kính sợ Đức Chúa Trời lấy lòng vẹn toàn đối với Ngài làm nơi nương cậy. Tuyệt đối tin cậy nơi Đức Giê-hô-va dù phải chết, người biểu lộ quyết tâm như Gióp khi ông nói: “Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi”.—Gióp 27:5, T TGM.

Giữ lòng vẹn toàn hay trung kiên đòi hỏi sự kính sợ Đức Chúa Trời và khôn ngoan. Có thể tìm sự khôn ngoan ở đâu? Châm-ngôn 14:33 giải đáp: “Sự khôn-ngoan ở tại lòng người thông-sáng; còn điều ở trong lòng kẻ ngu-muội được lộ ra”. Đúng vậy, có thể tìm thấy sự khôn ngoan trong lòng người thông sáng. Nhưng, sự khôn ngoan lộ ra thể nào trong lòng kẻ ngu muội? Theo một sách tham khảo, “kẻ ngu muội, muốn tỏ mình khôn ngoan, buột miệng thốt ra những gì hắn cho là thông thái nhưng qua đó lại cho thấy là sự ngu dại”.

“Làm cho nước cao-trọng”

Sau khi cho thấy việc kính sợ Đức Chúa Trời ảnh hưởng như thế nào đến một người, vua của xứ Y-sơ-ra-ên xưa lưu ý chúng ta đến ảnh hưởng ấy trên phạm vi cả nước. Ông nói: “Sự công-bình làm cho nước cao-trọng; song tội-lỗi là sự hổ-thẹn cho các dân-tộc”. (Châm-ngôn 14:34) Nguyên tắc này được chứng minh rõ làm sao trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên! Việc tuân theo những tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời làm cho dân Y-sơ-ra-ên được trổi cao hơn các dân tộc chung quanh. Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại những hành động bất tuân đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến sự nhục nhã và cuối cùng bị Đức Giê-hô-va từ bỏ. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho dân Đức Chúa Trời ngày nay. Hội thánh tín đồ Đấng Christ khác với thế gian vì tuân theo các nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời. Nhưng, muốn giữ vị thế cao đó, mỗi cá nhân chúng ta phải có đời sống trong sạch. Hành vi tội lỗi chỉ dẫn đến nhục nhã cho bản thân chúng ta cũng như gây sỉ nhục cho hội thánh và cho Đức Chúa Trời.

Liên quan đến điều mang lại sự vui thích cho một vị vua, Sa-lô-môn nói: “Vua làm ơn cho tôi-tớ nào ăn-ở khôn-sáng; nhưng cơn thạnh-nộ vua nổi nghịch cùng kẻ gây sự hổ-thẹn”. (Châm-ngôn 14:35) Và Châm-ngôn 16:13 nói: “Môi-miệng người công-bình là sự vui-vẻ cho các vua; họ ưa-mến kẻ nói ngay-thẳng”. Đúng vậy, Đấng Lãnh Đạo và Vua của chúng ta, Chúa Giê-su Christ, rất hài lòng khi chúng ta hành động cách công bình, khôn sáng và dùng môi miệng mình trong hoạt động rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Vậy, trong khi được hưởng ân phước qua việc kính sợ Đức Chúa Trời thật, chúng ta hãy tiếp tục bận rộn trong công việc ấy.

[Chú thích]

[Hình nơi trang 15]

Sự kính sợ Đức Chúa Trời có thể được truyền dạy