Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kháng cự lối suy nghĩ sai trái!

Kháng cự lối suy nghĩ sai trái!

Kháng cự lối suy nghĩ sai trái!

KHI tộc trưởng Gióp gặp hoạn nạn, ba người bạn là Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha đến thăm ông. Họ đến để bày tỏ sự thông cảm và an ủi ông. (Gióp 2:11) Người có ảnh hưởng mạnh nhất và có lẽ lớn tuổi nhất trong ba người là Ê-li-pha. Ông là người cất lời trước tiên và nói nhiều nhất. Qua ba bài diễn thuyết của Ê-li-pha, ông bộc lộ lối suy nghĩ nào?

Nhắc lại một sự hiện thấy ông từng chứng kiến, Ê-li-pha nói: “Có một thần đi ngang qua trước mặt tôi; các lông tóc của thịt tôi bèn xửng lên. Thần đứng đó, tôi nhìn không biết mặt người; có một hình-dạng ở trước mặt tôi. Tôi nghe tiếng thầm-thỉ nho-nhỏ”. (Gióp 4:15, 16) Thần nào đã ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của Ê-li-pha? Giọng chỉ trích thể hiện qua câu nói sau đó của ông cho thấy thần ấy chắc chắn không phải là một trong các thiên sứ công bình của Đức Chúa Trời. (Gióp 4:17, 18) Đó là một tạo vật thần linh gian ác. Nếu không thì tại sao Đức Giê-hô-va lại quở trách Ê-li-pha và hai người bạn của ông về việc họ nói những lời dối trá? (Gióp 42:7) Quả vậy, Ê-li-pha bị ảnh hưởng bởi ác thần. Những lời bình luận của ông thể hiện lối suy nghĩ không tin kính.

Có thể nhận ra tư tưởng nào qua lời nói của Ê-li-pha? Tại sao việc cảnh giác và tránh lối suy nghĩ sai trái là điều quan trọng? Và chúng ta có cách nào để kháng cự lối suy nghĩ như thế ?

“Đức Chúa Trời không tin-cậy các tôi-tớ Ngài”

Trong cả ba bài diễn thuyết, Ê-li-pha nêu ra tư tưởng cho rằng Đức Chúa Trời quá khắt khe đến mức không việc làm nào của tôi tớ Ngài được xem là xứng đáng. Ông nói với Gióp: “Kìa, Đức Chúa Trời không tin-cậy các tôi-tớ Ngài, Ngài thường trách sự điên-dại của thiên-sứ Ngài”. (Gióp 4:18) Rồi Ê-li-pha nói về Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời không tin-cậy các thánh-đồ Ngài, đến đỗi các từng trời cũng chẳng trong-sạch trước mặt Ngài thay”. (Gióp 15:15) Và ông hỏi: “Dầu ông công-bình, Đấng Toàn-năng có vui chi chăng?” (Gióp 22:3) Binh-đát cũng đồng ý với quan điểm này, ông nói: “Mặt trăng không chiếu sáng, các ngôi sao chẳng tinh-sạch tại trước mặt Ngài thay”.—Gióp 25:5.

Chúng ta phải cảnh giác và tránh bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ như thế. Lối suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta cảm thấy Đức Chúa Trời đòi hỏi quá nhiều nơi chúng ta. Quan điểm này ảnh hưởng đến chính mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, nếu chiều theo lối lý luận này, chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi nhận được sự sửa trị cần thiết? Thay vì khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị, có thể lòng chúng ta lại “oán Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 19:3) Điều này thật là một thảm họa về mặt thiêng liêng!

“Loài người có ích-lợi chi cho Đức Chúa Trời chăng?”

Quan điểm liên quan mật thiết với tư tưởng Đức Chúa Trời quá khắt khe là quan điểm cho rằng Ngài xem loài người vô dụng. Bài diễn thuyết thứ ba của Ê-li-pha bao gồm câu hỏi: “Loài người có ích-lợi chi cho Đức Chúa Trời chăng? Người khôn-ngoan chỉ ích-lợi cho chính mình mình thôi”. (Gióp 22:2) Ê-li-pha ám chỉ rằng loài người vô dụng trước mắt Đức Chúa Trời. Cũng với luận điệu tương tự, Binh-đát lập luận: “Làm sao loài người được công-bình trước mặt Đức Chúa Trời? Kẻ nào bị người nữ sanh ra, sao cho là trong-sạch được?” (Gióp 25:4) Theo lối lập luận này, Gióp chỉ là một người phàm thì làm sao dám xem mình đã được vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời?

Một số người ngày nay luôn mang nặng cảm xúc tiêu cực. Những yếu tố góp phần tạo nên cảm xúc này là do nền tảng giáo dục của gia đình, áp lực của cuộc sống, hoặc là nạn nhân của sự thù ghét chủng tộc hoặc bộ tộc. Sa-tan và các quỉ thì vui thích chà đạp những người như thế. Nếu chúng có thể làm cho một người cảm thấy mình vô dụng vì nghĩ rằng không việc làm nào của mình được Đức Chúa Trời Toàn Năng xem là xứng đáng, thì người ấy càng dễ nản lòng hơn. Với thời gian, người đó có thể bị trôi giạt, thậm chí xoay bỏ Đức Chúa Trời hằng sống.—Hê-bơ-rơ 2:1; 3:12.

Tuổi già và vấn đề sức khỏe khiến chúng ta bị giới hạn. Công sức của chúng ta trong công việc Nước Trời có thể rất ít so với lúc chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh. Điều hết sức quan trọng là ý thức rằng Sa-tan và các quỉ của hắn muốn chúng ta cảm thấy việc làm của mình không xứng đáng với Đức Chúa Trời! Chúng ta cần phải kháng cự lối suy nghĩ đó.

Cách kháng cự lối suy nghĩ tiêu cực

Bất chấp những tai họa mà Sa-tan Ma-quỉ giáng trên Gióp, ông nói: “Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi”. (Gióp 27:5, Tòa Tổng Giám Mục) Vì yêu mến Đức Chúa Trời, Gióp quyết chí giữ lòng trung kiên dù chuyện gì xảy ra đi nữa, và không điều gì có thể thay đổi được lòng ông. Đó là một yếu tố quan trọng để kháng cự lối suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta phải có sự hiểu biết rõ ràng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và vun trồng lòng biết ơn sâu xa về điều đó. Chúng ta cũng cần làm cho tình yêu thương đối với Ngài trở nên sâu đậm hơn. Có thể làm được điều này bằng cách đều đặn học hỏi Lời Đức Chúa Trời, suy ngẫm và cầu nguyện về những điều học được.

Chẳng hạn, Giăng 3:16 nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài”. Đức Giê-hô-va yêu thương nhân loại sâu đậm, và cách Ngài cư xử với loài người từ xưa đến nay đã chứng thực tình yêu thương đó. Suy ngẫm về những gương mẫu thời xưa có thể xây đắp lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và vun trồng lòng yêu mến Ngài, nhờ đó chúng ta có thể kháng cự lối suy nghĩ tiêu cực hoặc sai trái.

Hãy xem cách Đức Giê-hô-va cư xử với Áp-ra-ham khi Ngài sắp hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham đã nài xin Đức Giê-hô-va tám lần liên quan đến sự phán xét của Ngài. Đức Giê-hô-va không hề tỏ ra khó chịu hoặc nóng giận. Thay vì thế, những câu trả lời của Ngài khiến ông an tâm và cảm thấy được an ủi. (Sáng-thế Ký 18:22-33) Sau đó, khi Đức Chúa Trời giải cứu Lót và gia đình ông thoát khỏi thành Sô-đôm, Lót đã cầu xin Đức Chúa Trời cho ông chạy đến một thành gần đó thay vì chạy lên núi. Qua thiên sứ, Đức Giê-hô-va đáp: “Đây, ta ban ơn nầy cho ngươi nữa, sẽ không hủy-diệt thành của ngươi đã nói đó đâu”. (Sáng-thế Ký 19:18-22) Những lời tường thuật này có cho thấy Đức Giê-hô-va là một đấng trị vì khắt khe, vô cảm và độc đoán không? Không. Những lời tường thuật ấy cho thấy Ngài thật sự là Đấng Tối Thượng thấu hiểu, thương xót, nhân từ và yêu thương.

Trường hợp của A-rôn, Đa-vít và Ma-na-se vào thời Y-sơ-ra-ên xưa là bằng chứng để bác bỏ tư tưởng cho rằng Đức Chúa Trời hay bắt lỗi và không ai có thể xứng đáng trước mắt Ngài. Ông A-rôn đã phạm ba tội trọng: làm tượng bò con bằng vàng, thông đồng với chị ông là Mi-ri-am để chỉ trích Môi-se, không làm thánh danh và vinh hiển Đức Chúa Trời tại Mê-ri-ba. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va thấy điều tốt trong lòng ông và cho phép ông tiếp tục phụng sự Ngài với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm cho đến khi qua đời.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:3, 4; Dân-số Ký 12:1, 2; 20:9-13.

Trong thời gian trị vì, Vua Đa-vít đã phạm tội nặng. Vua phạm tội ngoại tình, lập mưu giết người vô tội, và ra lệnh kê sổ dân một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va thấy lòng ăn năn của Đa-vít và vì trung thành giữ giao ước Nước Trời nên Ngài vẫn cho ông làm vua đến khi từ trần.—2 Sa-mu-ên 12:9; 1 Sử-ký 21:1-7.

Vua Ma-na-se của nước Giu-đa đã lập nhiều bàn thờ cho thần Ba-anh, thiêu con cái mình để cúng tế các thần, ủng hộ thực hành ma thuật và dựng bàn thờ cho các thần giả trong sân đền thờ. Tuy vậy, sau khi ông tỏ lòng ăn năn thật sự, Đức Giê-hô-va đã tha thứ, giải thoát ông khỏi ngục và phục hồi vương quyền của ông. (2 Sử-ký 33:1-13) Phải chăng đó là hành động của một Đức Chúa Trời không hài lòng về bất cứ ai? Chắc chắn không!

Kẻ buộc tội dối trá chính là kẻ có tội

Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi biết chính Sa-tan mới là hiện thân của những tính xấu mà hắn gán cho Đức Giê-hô-va. Hắn cay nghiệt và khắt khe. Bản chất này của hắn được thấy rõ qua những thực hành liên quan đến sự thờ phượng sai lầm vào thời xưa là việc dâng trẻ em làm vật tế thần. Những người Y-sơ-ra-ên bội đạo thiêu con trai con gái họ—một thực hành mà Đức Giê-hô-va không bao giờ nghĩ đến.—Giê-rê-mi 7:31.

Chẳng phải Đức Giê-hô-va, mà chính Sa-tan mới là kẻ bới lông tìm vết. Khải-huyền 12:10 nói hắn là “kẻ kiện-cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện-cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời”. Trái lại, người viết Thi-thiên hát về Đức Giê-hô-va: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha-thứ cho”.—Thi-thiên 130:3, 4.

Khi lối suy nghĩ sai trái không còn nữa

Hẳn các thiên sứ cảm thấy nhẹ nhõm biết bao khi Sa-tan Ma-quỉ và các quỉ của hắn bị quăng xuống khỏi các tầng trời! (Khải-huyền 12:7-9) Từ đó trở đi, những ác thần này không còn cản trở công việc các thiên sứ của Đức Giê-hô-va được nữa.—Đa-ni-ên 10:13.

Trong tương lai gần đây, dân cư trên đất sẽ được vui vẻ. Chẳng bao lâu nữa, một thiên sứ trên trời xuống—tay cầm chìa khóa vực sâu cùng một cái xiềng lớn—sẽ xiềng Sa-tan cùng các quỉ của hắn và quăng chúng xuống vực, tức tình trạng không hoạt động. (Khải-huyền 20:1-3) Chúng ta cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi điều ấy xảy ra!

Trong khi chờ đợi, chúng ta phải cảnh giác và tránh lối suy nghĩ sai trái. Bất cứ khi nào nhận thấy lối suy nghĩ tiêu cực và sai trái len lỏi vào tâm trí, chúng ta cần phải kháng cự những suy nghĩ đó bằng cách chú tâm vào tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Bấy giờ ‘sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng chúng ta’.—Phi-líp 4:6, 7.

[Hình nơi trang 26]

Gióp kháng cự lối suy nghĩ tiêu cực

[Hình nơi trang 28]

Lót nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Thượng thấu hiểu