Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiếp tục bước đi như Chúa Giê-su

Tiếp tục bước đi như Chúa Giê-su

Tiếp tục bước đi như Chúa Giê-su

“Ai nói mình ở trong [Đức Chúa Trời], thì cũng phải làm theo như chính [Chúa Giê-su] đã làm”.—1 GIĂNG 2:6.

1, 2. Nhìn xem Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

SỨ ĐỒ Phao-lô viết: “Chúng ta... lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin”. (Hê-bơ-rơ 12:1, 2) Đi theo đường lối trung thành đòi hỏi chúng ta phải “nhìn xem” Chúa Giê-su.

2 Trong nguyên ngữ, từ dịch là “nhìn xem”, theo cách được dùng trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có nghĩa “tập trung tâm trí và không sao lãng”, “hướng mắt nhìn”, “chăm chú nhìn”. Theo nhận xét của một sách tham khảo: “Ngay khi vận động viên chạy bộ người Hy Lạp mất tập trung vào đường đua và đích đến để quay nhìn khán giả thì vận tốc của người ấy chậm lại. Điều này cũng đúng với tín đồ Đấng Christ”. Sự sao lãng có thể gây trở ngại cho những tiến bộ về thiêng liêng của chúng ta. Do đó, chúng ta phải chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su. Chúng ta tìm xem điều gì nơi Đấng làm cội rễ? Từ Hy Lạp dịch là “cội-rễ”, còn được dịch là “[Vị] hướng đạo” (An Sơn Vị), có nghĩa là “thủ lãnh, người dẫn đầu trong mọi việc, và vì thế là người nêu gương”. Chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su bao hàm việc phải noi gương ngài.

3, 4. (a) Bước đi như Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải làm gì? (b) Những câu hỏi nào đáng cho chúng ta xem xét?

3 Kinh Thánh cho biết: “Ai nói mình ở trong [Đức Chúa Trời], thì cũng phải làm theo như chính [Chúa Giê-su] đã làm”. (1 Giăng 2:6) Chúng ta phải ở trong Đức Chúa Trời bằng cách vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su như ngài đã vâng giữ điều răn của Cha ngài.—Giăng 15:10.

4 Vì vậy, việc bước đi như Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta quan sát ngài thật kỹ, vị Thủ Lãnh, và theo sát dấu chân ngài. Về phương diện này, câu hỏi quan trọng cần xem xét là: Ngày nay, Đấng Christ lãnh đạo chúng ta bằng cách nào? Noi theo cách ngài bước đi phải ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Chúng ta nhận được những lợi ích nào khi theo sát gương mẫu của ngài?

Cách Đấng Christ lãnh đạo các môn đồ

5. Trước khi lên trời, Chúa Giê-su đã hứa gì với các môn đồ?

5 Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đồ và giao cho họ một công việc quan trọng, rồi ngài lên trời. Ngài nói: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”. Vào dịp đó, vị Thủ Lãnh cũng hứa sẽ ở với họ khi họ thi hành nhiệm vụ: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Trong thời kỳ kết liễu hệ thống mọi sự này, làm thế nào Chúa Giê-su ở cùng các môn đồ?

6, 7. Chúa Giê-su lãnh đạo chúng ta qua thánh linh như thế nào?

6 Chúa Giê-su phán: “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh-Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy-dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi”. (Giăng 14:26) Thánh linh, được ban nhân danh Chúa Giê-su, hướng dẫn và củng cố chúng ta ngày nay. Thánh linh soi sáng về thiêng liêng và giúp chúng ta hiểu “cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 2:10) Ngoài ra, các đức tính của Đức Chúa Trời như “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ” đều là “trái của Thánh-Linh”. (Ga-la-ti 5:22) Với sự trợ giúp của thánh linh, chúng ta có thể vun trồng những đức tính này.

7 Khi chúng ta học hỏi Kinh Thánh và gắng sức áp dụng những gì mình học được, thánh linh của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta gia tăng sự khôn ngoan, thông sáng, hiểu biết, tri thức và lý đoán. (Châm-ngôn 2:1-11) Thánh linh cũng giúp chúng ta đứng vững trước cám dỗ và thử thách. (1 Cô-rinh-tô 10:13; 2 Cô-rinh-tô 4:7; Phi-líp 4:13) Tín đồ Đấng Christ được khuyên “hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh,... làm cho trọn việc nên thánh”. (2 Cô-rinh-tô 7:1) Chúng ta có thể nào thật sự đáp ứng những đòi hỏi của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết, hay sự thanh sạch, mà không nhờ thánh linh trợ giúp sao? Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban quyền sử dụng thánh linh cho Con Ngài, và thánh linh là một trong những phượng tiện [phương tiện] Chúa Giê-su dùng để lãnh đạo chúng ta ngày nay.—Ma-thi-ơ 28:18.

8, 9. Để lãnh đạo, Đấng Christ dùng “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” như thế nào?

8 Cũng hãy xem xét một phượng tiện [phương tiện] khác được Chúa Giê-su dùng để lãnh đạo hội thánh ngày nay. Bàn về sự hiện diện của ngài và thời kỳ kết liễu của hệ thống mọi sự, Chúa Giê-su phán: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ? Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”.—Ma-thi-ơ 24:3, 45-47.

9 “Chủ” là Chúa Giê-su. “Đầy-tớ” là một nhóm tín đồ được xức dầu sống ở trên đất. Lớp đầy tớ này được giao nhiệm vụ chăm sóc quyền lợi của Chúa Giê-su ở trên đất và cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ. Một nhóm nhỏ những giám thị hội đủ điều kiện thiêng liêng trong vòng lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” hợp thành Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, phụng sự với tư cách đại diện của lớp đầy tớ. Họ hướng dẫn công việc rao giảng về Nước Trời trên khắp thế giới và cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ. Do đó, Đấng Christ lãnh đạo hội thánh qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được xức dầu bằng thánh linh và qua Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương.

10. Chúng ta nên có thái độ nào đối với các trưởng lão, tại sao?

10 Một cách khác để Đấng Christ lãnh đạo hội thánh là qua “các ơn” dưới hình thức người, tức các trưởng lão, hoặc các giám thị. Sự sắp đặt này là “để các thánh-đồ được trọn-vẹn về công-việc của chức-dịch và sự gây-dựng thân-thể Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 4:8, 11, 12) Liên quan đến các trưởng lão, Hê-bơ-rơ 13:7 nói: “Hãy nhớ những người dắt-dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ”. Các trưởng lão dẫn đầu trong hội thánh. Vì họ noi gương Chúa Giê-su, đức tin của họ đáng để chúng ta bắt chước. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Chúng ta có thể biểu lộ lòng biết ơn về sự sắp đặt trưởng lão bằng cách vâng lời và phục tùng “các ơn” dưới hình thức người này.—Hê-bơ-rơ 13:17.

11. Ngày nay, Chúa Giê-su lãnh đạo các môn đồ qua những cách nào, và bước đi như ngài bao hàm điều gì?

11 Thật thế, Chúa Giê-su lãnh đạo các môn đồ ngày nay qua thánh linh, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và các trưởng lão. Việc bước đi như Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải hiểu cách ngài lãnh đạo và vâng phục theo. Chúng ta cũng phải noi theo cách ngài bước đi. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Việc noi theo gương hoàn hảo của Chúa Giê-su nên ảnh hưởng chúng ta như thế nào?

Có tính phải lẽ khi sử dụng quyền hạn

12. Gương mẫu của Chúa Giê-su có khía cạnh nào đặc biệt đáng chú ý đối với các trưởng lão?

12 Dù Chúa Giê-su đã được Cha ban quyền hành nhiều hơn bất cứ ai, ngài tỏ ra phải lẽ khi sử dụng quyền hành. Mọi người trong hội thánh, nhất là các giám thị, nên để “cho mọi người đều biết nết nhu-mì [“tính phải lẽ”, NW ]” của mình. (Phi-líp 4:5) Vì các trưởng lão có một số quyền hạn trong hội thánh, điều trọng yếu là họ phải theo dấu chân Đấng Christ khi sử dụng những quyền ấy.

13, 14. Bằng cách nào các trưởng lão có thể noi gương Đấng Christ khi khuyến khích người khác phụng sự Đức Chúa Trời?

13 Chúa Giê-su đã nghĩ đến những giới hạn của các môn đồ. Ngài không đòi hỏi những điều quá sức họ. (Giăng 16:12) Không thúc ép họ, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ “hãy gắng sức” thực thi ý muốn Đức Chúa Trời. (Lu-ca 13:24) Ngài thực hiện điều này bằng cách nêu gương trước tiên và bằng cách khơi dậy lòng cảm kích nơi họ. Tương tự thế, ngày nay các trưởng lão không dọa dẫm anh em để họ vì hổ thẹn hay vì mặc cảm tội lỗi mà phụng sự Đức Chúa Trời. Thay vì thế, họ khuyến khích anh em phụng sự Đức Giê-hô-va vì tình yêu thương đối với Ngài và Chúa Giê-su, cũng như với người đồng loại.—Ma-thi-ơ 22:37-39.

14 Chúa Giê-su đã không lạm dụng quyền hành ban cho ngài để chi phối đời sống người ta. Ngài không nêu những tiêu chuẩn không ai theo được, cũng không đặt ra vô số luật lệ. Phương pháp của ngài là khuyến khích người khác bằng cách tác động đến lòng họ với những nguyên tắc nằm sau luật lệ được ban qua Môi-se. (Ma-thi-ơ 5:27, 28) Noi gương Chúa Giê-su, các trưởng lão cố tránh việc tùy tiện đặt ra những quy tắc hoặc khăng khăng giữ quan điểm cá nhân. Trong vấn đề phục sức hoặc giải trí, các trưởng lão cố tác động đến lòng anh em bằng cách dùng những nguyên tắc của Đức Chúa Trời, như được nêu ra nơi Mi-chê 6:8; 1 Cô-rinh-tô 10:31-33; và 1 Ti-mô-thê 2:9, 10.

Đồng cảm và tha thứ

15. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước những thiếu sót của các môn đồ?

15 Cách Đấng Christ phản ứng trước những thiếu sót và sai lầm của các môn đồ đã để lại gương mẫu cho chúng ta noi theo. Hãy xem xét hai biến cố trong đêm cuối cùng ngài sống trên đất. Sau khi đến vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su “đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi” với ngài và bảo họ hãy “tỉnh-thức”. Rồi, “Ngài đi một đỗi xa hơn, sấp mình xuống đất mà cầu-nguyện”. Khi trở lại, ngài “thấy ba người ngủ”. Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Ngài nói: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối”. (Mác 14:32-38) Thay vì nghiêm khắc quở trách Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, ngài bày tỏ sự đồng cảm! Cũng trong đêm ấy, Phi-e-rơ ba lần chối ngài. (Mác 14:66-72) Về sau, Chúa Giê-su đối xử thế nào với Phi-e-rơ? Ngài “đã sống lại, và hiện ra với Si-môn [Phi-e-rơ]”. (Lu-ca 24:34) Kinh Thánh cho biết: “Ngài đã hiện ra cho Sê-pha [Phi-e-rơ], sau lại hiện ra cho mười hai sứ-đồ”. (1 Cô-rinh-tô 15:5) Thay vì oán giận, Chúa Giê-su đã tha thứ sứ đồ biết ăn năn và thêm sức cho ông. Sau này, Chúa Giê-su giao cho Phi-e-rơ nhiều trọng trách.—Công-vụ 2:14; 8:14-17; 10:44, 45.

16. Làm thế nào có thể bước đi như Chúa Giê-su khi các anh em đồng đức tin làm chúng ta thất vọng hay bị tổn thương bằng cách này hay cách khác?

16 Khi anh em đồng đức tin làm chúng ta thất vọng hoặc bị tổn thương bằng cách này hay cách khác vì bất toàn, chẳng phải chúng ta cũng nên tỏ ra đồng cảm và tha thứ như Chúa Giê-su sao? Phi-e-rơ khuyên những anh em đồng đức tin: “Hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa-sả trả rủa-sả; trái lại, phải chúc phước”. (1 Phi-e-rơ 3:8, 9) Nếu có người đối xử với chúng ta không theo cách của Chúa Giê-su, không tỏ ra đồng cảm hay tha thứ thì sao? Dù thế đi nữa, chúng ta vẫn có bổn phận cố noi gương Chúa Giê-su và cư xử giống ngài.—1 Giăng 3:16.

Đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu

17. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su đặt việc thực thi ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống?

17 Còn có một cách khác để chúng ta bước đi như Chúa Giê-su. Việc rao giảng tin mừng về Nước Trời là trọng tâm trong đời sống của ngài. Sau khi giảng cho người đàn bà gần thành Si-kha ở Sa-ma-ri, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”. (Giăng 4:34) Việc thực thi ý muốn Cha giúp Chúa Giê-su vững mạnh; đối với ngài, việc đó bồi bổ, làm cho thỏa nguyện và sảng khoái như thức ăn vậy. Lẽ nào việc noi gương Chúa Giê-su bằng cách tiếp tục chú tâm vào việc thực thi ý muốn Đức Chúa Trời lại không dẫn đến một đời sống thật sự có ý nghĩa và thỏa nguyện?

18. Khuyến khích con cái chọn phụng sự trọn thời gian mang lại những ân phước nào?

18 Khi khuyến khích con cái chọn phụng sự trọn thời gian, cha mẹ cũng như các con đều nhận được nhiều ân phước. Một người cha đã đặt mục tiêu làm tiên phong cho hai con trai song sinh ngay từ khi các em còn thơ ấu. Sau khi hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông, hai anh em song sinh ấy quả đã trở thành người tiên phong. Nhớ lại niềm vui mà điều đó mang lại cho ông, người cha viết: “Các con không làm chúng tôi thất vọng. Với lòng biết ơn, chúng tôi có thể nói: ‘Con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra’ ”. (Thi-thiên 127:3) Và con cái nhận được lợi ích như thế nào khi phụng sự trọn thời gian? Một người mẹ có năm con cho biết: “Công việc tiên phong giúp các con tôi vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va nhiều hơn, cải thiện thói quen học hỏi cá nhân, giúp chúng biết sử dụng thời gian cách khôn ngoan và biết đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống. Dù phải điều chỉnh nhiều điều, nhưng không cháu nào tỏ ra hối tiếc con đường đã chọn”.

19. Các bạn trẻ nên khôn ngoan nghĩ đến dự định nào cho tương lai?

19 Hỡi các bạn trẻ, dự định cho tương lai của các bạn là gì? Các bạn có đang cố vượt trội trong một ngành nghề nào không? Hay các bạn đang hướng đến sự nghiệp là phụng sự trọn thời gian? Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”. Ông nói tiếp: “Vậy chớ nên như kẻ dại-dột, nhưng phải hiểu rõ ý-muốn của Chúa [Đức Giê-hô-va] là thế nào”.—Ê-phê-sô 5:15-17.

Tỏ lòng trung thành

20, 21. Chúa Giê-su cho thấy ngài trung thành như thế nào, và làm sao chúng ta có thể noi gương ngài về mặt này?

20 Việc bước đi như Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta noi gương ngài về tính trung thành. Kinh thánh nói về tính trung thành của Chúa Giê-su: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết”. Chúa Giê-su đã trung thành ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va bằng cách vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời đối với ngài. Chúa Giê-su vâng phục đến nỗi chịu chết trên cây khổ hình. Chúng ta phải giữ “đồng một tâm-tình” như ngài và trung thành vâng phục thực thi ý muốn Đức Chúa Trời.—Phi-líp 2:5-8.

21 Chúa Giê-su cũng cho thấy ngài trung thành với các môn đồ trung thành. Bất kể những yếu kém và sự bất toàn của họ, Chúa Giê-su đã yêu họ “cho đến cuối-cùng”. (Giăng 13:1) Tương tự thế, chúng ta không nên để sự bất toàn của anh em khiến chúng ta có thái độ chỉ trích.

Theo sát gương mẫu của Chúa Giê-su

22, 23. Theo sát gương mẫu của Chúa Giê-su sẽ mang lại những lợi ích nào?

22 Là người bất toàn, dĩ nhiên chúng ta không thể bước đi y như Đấng Gương Mẫu hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng ta có thể cố gắng theo sát dấu chân ngài. Làm thế đòi hỏi chúng ta phải hiểu và vâng phục cách Đấng Christ lãnh đạo, cũng như theo sát gương mẫu ngài đã nêu.

23 Noi theo gương Đấng Christ, chúng ta nhận được nhiều ân phước. Đời sống chúng ta trở nên có ý nghĩa và thỏa nguyện hơn vì chúng ta chú mục vào việc thực thi ý muốn Đức Chúa Trời thay vì làm theo ý muốn riêng. (Giăng 5:30; 6:38) Chúng ta có một lương tâm tốt. Cách chúng ta bước đi trở thành mẫu mực. Chúa Giê-su mời tất cả những người mệt mỏi và gánh nặng hãy đến với ngài và tìm được sự sảng khoái cho tâm hồn. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su, chúng ta cũng có thể giúp người khác sảng khoái tinh thần khi tiếp xúc với chúng ta. Vậy, chúng ta hãy tiếp tục bước đi như Chúa Giê-su.

Bạn có nhớ không?

• Ngày nay, Đấng Christ lãnh đạo các môn đồ ngài bằng cách nào?

• Các trưởng lão có thể noi theo sự lãnh đạo của Đấng Christ như thế nào trong việc sử dụng quyền hạn Đức Chúa Trời ban?

• Khi đối phó với những yếu kém của người khác, chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

• Làm thế nào các bạn trẻ có thể đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Các trưởng lão giúp chúng ta noi theo sự lãnh đạo của Đấng Christ

[Các hình nơi trang 24, 25]

Hỡi các bạn trẻ, các bạn dự định gì cho tương lai để có đời sống thỏa nguyện của người tín đồ Đấng Christ?