Gương của cha mẹ giúp tôi vững mạnh
Tự Truyện
Gương của cha mẹ giúp tôi vững mạnh
DO JANEZ REKELJ KỂ LẠI
Bấy giờ là năm 1958. Tôi và vợ là Stanka đang ở trên vùng núi Alps ở Karawanken, biên giới giữa Nam Tư và Áo, với ý định trốn sang Áo. Việc này rất nguy hiểm, vì đội tuần tra biên giới Nam Tư có trang bị vũ khí sẵn sàng ngăn chặn bất cứ ai muốn vượt biên giới. Khi đi tới, chúng tôi đã đụng ngay một sườn đá dốc sừng sững. Trước đây, Stanka và tôi chưa từng nhìn thấy sườn núi phía bên nước Áo. Chúng tôi cứ đi về phía đông cho đến khi gặp một đường dốc toàn đá và sỏi. Bám chặt vào tấm vải dầu chúng tôi đem theo, chúng tôi trượt xuống sườn núi mà không biết tương lai mình sẽ ra sao.
TÔI xin kể lại làm thế nào chúng tôi đã lâm vào tình huống này, và làm thế nào gương trung thành của cha mẹ đã thúc đẩy tôi giữ được lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va trong những lúc khó khăn.
Tôi lớn lên tại Slovenia, hiện nay là một xứ nhỏ tại Trung Âu. Xứ này nằm trong rặng núi Alps ở Châu Âu, phía bắc giáp nước Áo, phía tây giáp Ý, phía nam giáp Croatia, và phía đông giáp Hung-ga-ri. Tuy nhiên, khi cha mẹ tôi, tức Franc và Rozalija Rekelj, sinh ra, Slovenia là một phần của Đế Quốc Áo-Hung. Vào cuối Thế Chiến I, Slovenia trở thành một phần của quốc gia mới được gọi là Vương Quốc của người Serbia, Croatia và Slovenia. Năm 1929, xứ này được đổi tên là Nam Tư, có nghĩa là “Nam Slavia”. Tôi sinh ra vào ngày 9 tháng Giêng năm ấy, ngoại ô làng Pohdom, gần Hồ Bled xinh đẹp.
Mẹ tôi đã được giáo dục theo Thiên Chúa
Giáo cách nghiêm ngặt. Một trong những người cậu của mẹ là linh mục, và ba người dì là nữ tu. Mẹ hết sức ao ước có được một cuốn Kinh Thánh để đọc và hiểu biết. Tuy nhiên, cha tôi lại có quan điểm tiêu cực về tôn giáo. Cha rất ghê tởm vai trò của tôn giáo trong cuộc Đại Chiến 1914-1918.Học biết lẽ thật
Ít lâu sau chiến tranh, một anh em họ của mẹ tôi, cậu Janez Brajec, và vợ là mợ Ančka, trở thành Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Lúc đó họ đang sống ở Áo. Từ khoảng năm 1936 trở đi, mợ Ančka đã có nhiều dịp đến thăm mẹ tôi. Mợ tặng mẹ một cuốn Kinh Thánh, và mẹ đã đọc liền cuốn Kinh Thánh đó cùng với một số Tháp Canh và các ấn phẩm Kinh Thánh khác bằng tiếng Slovenia. Cuối cùng, khi nước Áo bị Hitler xâm chiếm vào năm 1938, cậu Janez và mợ Ančka lại trở về Slovenia. Tôi nhớ họ là một cặp vợ chồng có học thức và hiểu biết cùng với tình yêu thương thật sự đối với Đức Giê-hô-va. Họ thường cùng mẹ thảo luận về lẽ thật của Kinh Thánh, nhờ thế mà mẹ được thúc đẩy để dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Mẹ báp têm vào năm 1938.
Mẹ đã làm cả khu vực xôn xao bàn tán khi ngưng thực hành các phong tục trái với Kinh Thánh, chẳng hạn như cử hành Lễ Giáng Sinh, ăn dồi huyết và nhất là khi mẹ đem đốt bỏ tất cả các hình tượng trong nhà. Sự chống đối mau chóng xảy đến. Các dì là nữ tu cố gắng viết thư thuyết phục mẹ quay trở lại với Nữ Đồng Trinh Ma-ri-a và nhà thờ. Tuy thế, khi mẹ viết thư nhờ họ giải đáp một số thắc mắc đặc biệt liên quan đến Kinh Thánh, mẹ đã không nhận được hồi âm. Ông ngoại tôi cũng chống đối kịch liệt. Ông không phải là người khắc nghiệt, nhưng ông đã phải chịu áp lực lớn lao của họ hàng và cộng đồng. Hậu quả là các sách báo về Kinh Thánh của mẹ bị ông xé bỏ nhiều lần, tuy nhiên ông không bao giờ đụng đến cuốn Kinh Thánh của mẹ. Ông quỳ xuống van xin mẹ quay trở về với nhà thờ. Ngay cả có lúc ông cầm dao đe dọa mẹ. Thế nhưng cha tôi lại nói rõ ràng cho ông biết rằng cha không chấp nhận cách ông xử sự như thế.
Cha tiếp tục ủng hộ quyền mẹ được đọc Kinh Thánh và được tự do tín ngưỡng. Năm 1946, cha cũng làm báp têm. Thấy được cách Đức Giê-hô-va giúp mẹ không sợ hãi để đứng vững trong lẽ thật mặc dù bị chống đối, và lòng trung thành của mẹ đã được Ngài ban thưởng ra sao, đã thúc đẩy tôi vun trồng mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời. Tôi cũng được hưởng ân phước nhờ mẹ có thói quen
đọc lớn tiếng Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh cho tôi nghe.Mẹ cũng thảo luận nhiều với dì tôi, Marija Repe, và cuối cùng dì và tôi đã làm báp têm cùng ngày vào giữa tháng 7 năm 1942. Một anh đến nói bài diễn văn ngắn, và chúng tôi được làm báp têm ngay tại nhà trong một bồn tắm lớn bằng gỗ.
Bị cưỡng bách lao động trong Thế Chiến II
Năm 1942, giữa Thế Chiến II, Đức và Ý xâm chiếm Slovenia và cùng nhau phân chia xứ này với Hung-ga-ri. Cha mẹ tôi từ chối gia nhập Volksbund, một tổ chức quần chúng của Đảng Quốc Xã. Tại trường học, tôi chối từ nói “Heil Hitler”. Dường như giáo viên của tôi đã báo cho chính quyền biết về chuyện này.
Chúng tôi bị đưa lên một chuyến xe lửa đi đến lâu đài cạnh làng Hüttenbach, tại Bavaria, nơi được dùng làm trại cưỡng bách lao động. Cha sắp xếp cho tôi làm việc và sống với một người địa phương có nghề làm bánh và gia đình ông. Trong thời gian đó, tôi học nghề làm bánh, một nghề rất hữu dụng cho tôi sau này. Với thời gian, những thành viên khác trong gia đình (gồm dì Marija và gia đình) bị đưa đến trại ở Gunzenhausen.
Khi chiến tranh kết thúc, tôi chuẩn bị gia nhập vào một nhóm người để đi đến nơi cha mẹ tôi cư ngụ. Buổi chiều trước khi tôi lên đường, bỗng nhiên cha đến. Tôi thật không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi đi cùng nhóm người không đáng tin cậy kia. Một lần nữa, tôi lại cảm nhận được sự chăm sóc yêu thương của Đức Giê-hô-va khi dùng cha mẹ để che chở và dạy dỗ tôi. Cha và tôi đã phải đi bộ ba ngày để gặp gia đình. Vào tháng 6 năm 1945, cả gia đình tôi đã trở về nhà.
Sau chiến tranh, phe chính trị dưới sự lãnh đạo của Chủ Tịch Josip Broz Tito đã lên nắm chính quyền tại Nam Tư. Do đó, các Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục đối phó tình trạng khó khăn.
Năm 1948, một anh đến từ Áo đã nhận lời dùng bữa với gia đình chúng tôi. Anh đi đâu cũng bị cảnh sát theo dõi anh và họ bắt giữ tất cả những người mà anh thăm viếng. Cha cũng bị bắt vì đã mời anh và không báo cho cảnh sát biết. Kết quả là cha phải ngồi tù hai năm. Lúc ấy quả là một thời kỳ khó khăn cho mẹ tôi không chỉ vì cha vắng mặt, nhưng cũng vì mẹ biết rằng chẳng bao lâu nữa tôi và em trai tôi sẽ phải đương đầu với thử thách về vấn đề trung lập.
Hạn tù ở Macedonia
Tháng 11 năm 1949, tôi nhận được lệnh nhập ngũ. Tôi đến trình diện và giải thích rằng vì cớ lương tâm tôi không thể chấp hành lệnh này. Bất chấp lời giải thích, nhà cầm quyền đưa tôi lên xe lửa cùng với các tân binh khác đến Macedonia, tận cuối đầu kia của Nam Tư.
Suốt ba năm, tôi bị mất liên lạc với gia đình và đoàn thể anh em và không có được bất kỳ sách báo nào ngay cả Kinh Thánh. Thật vô cùng khó khăn. Tôi có được sức lực nhờ suy ngẫm về Đức Giê-hô-va và gương mẫu của Con Ngài là Chúa Giê-su Christ. Gương của cha mẹ cũng giúp tôi vững mạnh. Thêm vào đó, cầu nguyện không thôi xin Đức Chúa Trời ban sức mạnh cũng giúp tôi không tuyệt vọng.
Cuối cùng, tôi được chuyển tới một nhà tù ở Idrizovo, gần Skopje. Tại đây những người bị giam làm nhiều công việc và nghề khác
nhau. Ban đầu, tôi làm công việc lau chùi và là người đưa thư cho các văn phòng. Mặc dù thường bị một tù nhân trước kia là công an bắt nạt, tôi vẫn hòa đồng với mọi người khác—lính canh, tù nhân, ngay cả với người quản lý xưởng máy của nhà tù nữa.Sau này, tôi được biết là lò bánh nhà tù cần một thợ làm bánh. Vài ngày sau, người quản lý đến điểm danh. Ông tiến đến gần chỗ xếp hàng, đứng ngay trước mặt tôi và hỏi: “Anh có phải là thợ làm bánh không?” “Dạ, phải”, tôi đáp. Và ông ta bảo: “Sáng mai anh đến làm việc tại lò bánh”. Người tù từng đối xử tồi tệ với tôi thường đi qua đó nhưng không còn làm gì tôi được nữa. Tôi làm việc ở đấy từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1950.
Rồi tôi được chuyển đến trại Volkoderi, ở phía nam Macedonia, cạnh Hồ Prespa. Từ Otešovo, một thị trấn phụ cận, tôi có thể viết thư cho gia đình. Tôi thuộc nhóm tù nhân làm đường sá, nhưng phần lớn thời gian, tôi làm việc tại lò bánh, điều này khiến cuộc sống tôi dễ chịu hơn. Tôi được thả ra vào tháng 11 năm 1952.
Trong suốt thời gian tôi không sống ở Podhom, một hội thánh đã được thành lập trong khu vực. Thoạt đầu, hội thánh họp lại tại một khách sạn nhỏ ở Spodnje Gorje. Sau đó, cha đã cho dùng một căn phòng trong nhà để làm nơi nhóm họp cho hội thánh. Tôi rất vui khi được kết hợp với các anh chị này sau khi trở về từ Macedonia. Tôi cũng đã liên lạc trở lại với Stanka, người mà tôi gặp trước khi đi tù. Chúng tôi kết hôn vào ngày 24 tháng 4 năm 1954. Tuy nhiên, khoảng thời gian bình yên của tôi mau chóng kết thúc.
Hạn tù ở Maribor
Vào tháng 9 năm 1954, tôi nhận được một lệnh nhập ngũ khác. Lần này, tôi bị kết án tù hơn ba năm rưỡi ở Maribor, phía đông tận cùng của Slovenia. Ngay khi có thể, tôi mua vài tờ giấy và viết chì. Tôi bắt đầu viết ra mọi điều tôi có thể nhớ—những câu Kinh Thánh, các lời trích dẫn từ Tháp Canh, và ý tưởng từ các ấn phẩm khác của đạo Đấng Christ. Tôi đọc những gì mình đã viết và thêm vào đó những điều tôi nhớ ra thêm. Trước khi mãn hạn tù, quyển sổ ghi chép đã đầy, điều này khiến tôi có thể chú tâm đến lẽ thật và duy trì thiêng liêng vững mạnh. Cầu nguyện và suy ngẫm cũng là sự giúp đỡ vô giá cho sức khỏe thiêng liêng của tôi, giúp tôi có thêm can đảm để chia sẻ lẽ thật với những người khác.
Trong thời gian này, mỗi tháng tôi được phép nhận một lá thư và được thăm nuôi 15 phút. Stanka đi xe lửa suốt đêm để có thể đến nhà tù sớm thăm tôi, và trở về trong ngày. Tôi nhận thấy những cuộc thăm nuôi này khích lệ tôi rất nhiều. Rồi tôi hoạch định để có một cuốn Kinh Thánh. Stanka và tôi ngồi đối diện nhau tại một bàn có lính canh quan sát. Khi thấy người lính không để ý, tôi đã lén đút lá thư vào giỏ của Stanka, trong đó tôi bảo cô lần thăm tới nhớ để một cuốn Kinh Thánh trong giỏ.
Stanka và cha mẹ tôi nghĩ rằng điều này quá nguy hiểm, do đó họ đã tách rời bản Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp và nhét chúng vào bên trong những ổ bánh mì nhỏ. Bằng cách này, tôi đã có được quyển Kinh Thánh mình cần. Cũng nhờ cách ấy, tôi nhận được nhiều bản Tháp Canh do Stanka chép tay. Tôi lập tức tự tay mình chép lại một bản khác và hủy bản gốc, đề phòng ai tìm ra những bài đó không thể phát hiện ra từ đâu tôi có được.
Vì tôi cứ kiên trì làm chứng, các bạn tù nghĩ chắc chắn tôi sẽ gặp rắc rối. Một lần nọ, khi tôi đang thảo luận khá sôi nổi về Kinh Thánh với một người bạn tù, chúng tôi bỗng nghe tiếng chìa khóa tra vào ổ, và một người lính bước vào. Ngay lập tức, tôi nghĩ mình sẽ bị biệt giam. Nhưng người lính không định làm thế. Anh ta đã nghe cuộc nói chuyện của chúng tôi và muốn tham gia. Thỏa mãn với những câu trả lời cho thắc mắc của mình, anh ta đi ra ngoài và đóng cửa xà-lim lại.
Trong tháng cuối của án tù, viên sĩ quan phụ trách việc cải hóa tù nhân đã khen ngợi lập trường vững chắc của tôi đối với lẽ thật. Tôi cảm nhận đây là một phần thưởng đáng kể cho những nỗ lực làm sáng danh Đức Giê-hô-va. Vào tháng 5 năm 1958, một lần nữa tôi được trả tự do.
Trốn thoát sang Áo, rồi sang Úc
Mẹ tôi qua đời vào tháng 8 năm 1958. Mẹ đã chịu đựng bệnh tật trong một thời gian. Và rồi, tháng 9 năm 1958, tôi lại nhận được giấy gọi nhập ngũ lần thứ ba. Tối hôm đó, tôi và Stanka đi đến quyết định quan trọng dẫn đến việc băng qua biên giới đầy hồi hộp như được đề cập ở đầu bài. Không cho ai biết, chúng tôi xếp hành lý vào hai ba lô, một tấm vải dầu, và trốn qua đường cửa sổ, hướng thẳng đến biên giới Áo, phía tây Núi Stol. Dường như Đức Giê-hô-va dọn đường cho chúng tôi thoát vì Ngài biết chúng tôi cần một chút bình yên.
Chính quyền Áo chuyển chúng tôi đến một trại tị nạn gần Salzburg. Suốt sáu tháng ở đó, hiếm khi chúng tôi có mặt ở trại vì hầu hết thời gian chúng tôi luôn ở cùng các anh chị Nhân Chứng địa phương. Những người khác trong trại rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi mau chóng kết bạn với nhau như thế. Chính trong thời gian này, lần đầu tiên chúng tôi được tham dự hội nghị. Chúng tôi cũng lần đầu tiên được tự do tham gia rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Đến lúc phải đi, chúng tôi lưu luyến không muốn chia tay những người bạn yêu dấu này.
Chính quyền Áo tạo cơ hội cho chúng tôi nhập cư ở Úc. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ mình sẽ đi xa như thế. Chúng tôi đi xe lửa đến Genoa, Ý, và từ đó lên tàu sang Úc. Cuối cùng, chúng tôi định cư tại thành phố Wollongong, vùng New South Wales. Chúng tôi sinh con trai Philip ở đây, vào ngày 30 tháng 3 năm 1965.
Thời gian sống ở Úc đã mở ra cho chúng tôi nhiều cơ hội trong thánh chức, bao gồm việc rao giảng cho người di cư từ những nơi thuộc Nam Tư trước đây. Cám ơn các phước lành mà Đức Giê-hô-va ban cho, kể cả việc Ngài cho phép chúng tôi có thể phụng sự Ngài với tư cách là một gia đình hợp nhất. Philip và vợ là Susie có đặc ân được phục vụ trong văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Úc. Và họ cũng có cả cơ hội phục vụ hai năm tại văn phòng chi nhánh ở Slovenia.
Bất kể những hạn chế bởi sức khỏe và tuổi già, tôi và vợ tôi tiếp tục vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi thật biết ơn gương tốt của cha mẹ! Gương của họ tiếp tục giúp tôi vững mạnh, thêm sức để tôi có thể làm theo những điều sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy vui-mừng trong sự trông-cậy, nhịn-nhục trong sự hoạn-nạn, bền lòng mà cầu-nguyện”.—Rô-ma 12:12.
[Hình nơi trang 16, 17]
Cha mẹ tôi vào cuối thập niên 1920
[Hình nơi trang 17]
Mẹ tôi, bên phải, với mợ Ančka, người dạy mẹ lẽ thật
[Hình nơi trang 18]
Với vợ tôi, Stanka, một thời gian ngắn sau khi kết hôn
[Hình nơi trang 19]
Hội thánh nhóm họp tại nhà gia đình chúng tôi vào năm 1955
[Hình nơi trang 20]
Với vợ tôi, con trai Philip và con dâu là Susie