Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy tỉnh-thức”—Giờ phán xét đã đến!

“Hãy tỉnh-thức”—Giờ phán xét đã đến!

“Hãy tỉnh-thức”—Giờ phán xét đã đến!

Bài học này dựa trên sách mỏng Hãy thức canh! đã ra mắt tại các đại hội địa hạt 2004-2005 khắp thế giới.

“Hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”.​—Ma-thi-ơ 24:42.

1, 2. Chúa Giê-su dùng minh họa thích hợp nào để ví với việc ngài đến?

BẠN sẽ làm gì nếu biết có một tên trộm đang rình rập, tìm cách đột nhập vào những nhà trong khu xóm của bạn? Để bảo vệ người thân và tài sản, hẳn bạn sẽ cảnh giác canh chừng, vì hiển nhiên kẻ trộm không bao giờ báo trước khi nào hắn sẽ đến. Trái lại, hắn đến cách lén lút và bất thình lình.

2 Nhiều lần Chúa Giê-su dùng cách hành động của kẻ trộm để làm minh họa. (Lu-ca 10:30; Giăng 10:10) Khi nói về những biến cố sẽ xảy ra trong kỳ cuối cùng, trước ngày ngài đến thi hành sự phán xét, Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến. Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh-thức, không để cho đào ngạch nhà mình”. (Ma-thi-ơ 24:42, 43) Chúa Giê-su đã ví việc ngài đến giống như khi kẻ trộm đến—cách bất thình lình.

3, 4. (a) Làm theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su về việc ngài đến bao hàm điều gì? (b) Những câu hỏi nào được nêu lên?

3 Minh họa ấy thật thích hợp, vì không người nào biết chính xác ngày Chúa Giê-su đến. Trước đó, cũng trong lời tiên tri trên, ngài nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi”. (Ma-thi-ơ 24:36) Do đó, Chúa Giê-su khuyến giục những người nghe ngài: “Hãy chực cho sẵn”. (Ma-thi-ơ 24:44) Bất kể khi nào ngài đến với tư cách là Đấng Thi Hành Sự Phán Xét của Đức Giê-hô-va, những người làm theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su đều sẵn sàng và giữ lối sống phù hợp.

4 Một số câu hỏi quan trọng được nêu lên là: Lời cảnh báo “hãy tỉnh-thức” của Chúa Giê-su chỉ dành cho người thế gian hay những tín đồ thật của Đấng Christ cũng cần tỉnh thức? Tại sao cần phải cấp bách “tỉnh-thức”, và việc này bao hàm điều gì?

Lời cảnh báo cho ai?

5. Làm sao chúng ta biết lời cảnh báo “hãy tỉnh-thức” áp dụng cho những tín đồ thật của Đấng Christ?

5 Đối với người thế gian là những người bịt tai không nghe lời cảnh báo về hoạn nạn sắp tới, chắc chắn việc Chúa đến sẽ giống như kẻ trộm đến vậy. (2 Phi-e-rơ 3:3-7) Nhưng đối với tín đồ thật của Đấng Christ thì sao? Sứ đồ Phao-lô viết cho anh em đồng đức tin: “Chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa [Đức Giê-hô-va] sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2) Chúng ta tin chắc ‘ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến’, nhưng có phải vì thế mà chúng ta không cần phải chú ý nhiều đến việc tỉnh thức chăng? Hãy lưu ý, khi phán: “Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”, Chúa Giê-su đang nói với các môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:44) Trước đó, khi khuyến giục các môn đồ tiếp tục tìm kiếm Nước Trời, Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy chực cho sẵn-sàng, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”. (Lu-ca 12:31, 40) Khi đưa ra lời cảnh báo “hãy tỉnh-thức”, chẳng phải rõ ràng Chúa Giê-su nghĩ đến những môn đồ ngài sao?

6. Tại sao chúng ta cần phải “tỉnh-thức”?

6 Tại sao chúng ta cần “tỉnh-thức” và “chực cho sẵn-sàng”? Chúa Giê-su giải thích: “Có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại”. (Ma-thi-ơ 24:40, 41) Khi thế gian không tin kính này bị hủy diệt, những người sẵn sàng sẽ được “đem đi”, tức được cứu. Những người khác bị “để lại” cho sự hủy diệt vì đã ích kỷ theo đuổi quyền lợi riêng của mình. Rất có thể trong số họ là những người từng học biết lẽ thật nhưng không tỉnh thức.

7. Vì không biết khi nào sự kết liễu hệ thống này sẽ đến, chúng ta có cơ hội nào?

7 Vì không biết chính xác ngày kết liễu hệ thống cũ này, chúng ta có cơ hội chứng tỏ chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời với động cơ trong sạch. Tại sao có thể nói như vậy? Có lẽ ngày cuối cùng dường như lâu quá chưa đến, nên một số tín đồ Đấng Christ đã để cho lòng sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va nguội đi. Tuy nhiên, khi dâng mình cho Ngài, chúng ta đã hứa hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va. Những người biết Đức Giê-hô-va thì ý thức rằng đối với Ngài sự sốt sắng vào phút cuối không nghĩa lý gì. Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.—1 Sa-mu-ên 16:7.

8. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta tỉnh thức như thế nào?

8 Vì thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta hết sức vui mừng làm theo ý muốn Ngài. (Thi-thiên 40:8; Ma-thi-ơ 26:39) Chúng ta muốn phụng sự Ngài mãi mãi. Phải chờ đợi lâu hơn chúng ta tưởng không làm giảm đi giá trị của triển vọng đó. Trên hết, chúng ta tỉnh thức vì ngày của Đức Giê-hô-va là một biến cố quan trọng trong việc hoàn thành ý định Ngài. Khi chân thành muốn làm Đức Giê-hô-va vui lòng, chúng ta sẽ cố gắng áp dụng những lời khuyên trong Kinh Thánh và đặt Nước Ngài vào hàng ưu tiên trong đời sống. (Ma-thi-ơ 6:33; 1 Giăng 5:3) Hãy xem tinh thần tỉnh thức nên ảnh hưởng đến quyết định và đời sống hàng ngày của chúng ta như thế nào.

Đời bạn đang đi về đâu?

9. Tại sao người ta cần cấp thiết nhận ra ý nghĩa của thời kỳ ngày nay?

9 Nhiều người ngày nay nhận thức rằng các vấn đề nghiêm trọng và biến cố kinh hoàng xảy ra như cơm bữa, và có lẽ họ cũng không hài lòng với chiều hướng cuộc sống hiện tại của mình. Tuy nhiên, những người ấy có biết ý nghĩa thật sự của tình trạng thế giới không? Họ có biết nhân loại đang sống trong thời kỳ kết liễu của hệ thống mọi sự này không? (Ma-thi-ơ 24:3) Họ có nhận thức rằng tinh thần ích kỷ, hung bạo và ngay cả thái độ không tinh kính ngày càng tràn lan đã chứng tỏ thời kỳ này là “ngày sau-rốt” không? (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Họ cần cấp thiết nhận ra ý nghĩa của tất cả những điều này và xem xét đường hướng của đời sống họ.

10. Cần phải làm gì để chắc rằng chúng ta đang tỉnh thức?

10 Còn chúng ta thì sao? Mỗi ngày chúng ta phải quyết định những việc liên quan đến việc làm, sức khỏe, gia đình và sự thờ phượng. Chúng ta biết những điều Kinh Thánh dạy và cố gắng áp dụng. Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có để cho những lo toan cuộc sống lấn át mục tiêu tâm linh không? Tôi có để cho những triết lý, lối suy nghĩ của thế gian ảnh hưởng đến những quyết định của tôi không?’ (Lu-ca 21:34-36; Cô-lô-se 2:8) Chúng ta phải luôn chứng tỏ chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va hết lòng và không nương cậy nơi sự thông sáng của riêng mình. (Châm-ngôn 3:5) Như thế, chúng ta sẽ “cầm lấy sự sống thật”—sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.—1 Ti-mô-thê 6:12, 19.

11-13. Chúng ta học được gì từ những chuyện xảy ra (a) vào thời Nô-ê? (b) vào thời Lót?

11 Kinh Thánh chứa đựng nhiều gương cảnh báo có thể giúp chúng ta tỉnh thức. Hãy xem chuyện xảy ra trong thời Nô-ê. Từ rất lâu, Đức Chúa Trời đã sắp đặt để lời cảnh báo được loan ra. Nhưng trừ Nô-ê và gia đình ông, không ai để ý đến lời cảnh báo. (2 Phi-e-rơ 2:5) Về việc này, Chúa Giê-su nói: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy”. (Ma-thi-ơ 24:37-39) Chúng ta học được gì? Nếu bất kỳ ai trong chúng ta để cho những lo toan của thế gian—ngay cả những sinh hoạt thường nhật—chiếm chỗ của những sinh hoạt thiêng liêng mà Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu, chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc về đời sống mình.—Rô-ma 14:17.

12 Cũng hãy nhớ lại thời của Lót. Thành Sô-đôm mà Lót và gia đình ông sinh sống là một thành thịnh vượng về vật chất nhưng băng hoại về đạo đức. Đức Giê-hô-va đã sai các thiên sứ xuống để hủy diệt thành. Các thiên sứ giục Lót và vợ con ông chạy ra khỏi thành và không được quay ngó lại đằng sau. Được các thiên sứ khuyến khích, ông cùng gia đình đã rời khỏi thành. Tuy nhiên, vợ Lót dường như không thể dứt bỏ tình cảm đối với ngôi nhà ở Sô-đôm. Bất tuân lời cảnh báo, bà ngó lại đằng sau, và đã bị mất mạng. (Sáng-thế Ký 19:15-26) Trong một lời tiên tri, Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy nhớ lại vợ của Lót”. Chúng ta có đang làm theo lời cảnh báo đó không?—Lu-ca 17:32.

13 Những người đã làm theo lời cảnh báo của Đức Chúa Trời thì được sống sót. Đó là trường hợp của Nô-ê và gia đình ông, cũng như Lót và hai con gái. (2 Phi-e-rơ 2:9) Khi suy ngẫm lời cảnh báo trong những câu chuyện trên, chúng ta cũng được khích lệ bởi thông điệp giải cứu dành cho những người yêu mến sự công bình chứa đựng trong những lời cảnh báo đó. Chúng ta vững lòng chờ đợi sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời về “trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

‘Giờ phán-xét đã đến’!

14, 15. (a) “Giờ” phán xét bao gồm thời gian nào? (b) ‘Sự kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài’ bao hàm điều gì?

14 Trong lúc tỉnh thức, chúng ta chờ đợi điều gì? Sách Khải-huyền cho biết sơ lược những diễn biến tuần tự trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. Nếu muốn chứng tỏ chúng ta sẵn sàng, điều thiết yếu là phải hành động theo những lời được biên trong sách ấy. Lời tiên tri đó miêu tả sống động những biến cố sẽ xảy ra vào “ngày của Chúa”, bắt đầu từ khi Đấng Christ được tấn phong trên trời vào năm 1914. (Khải-huyền 1:10) Sách lưu ý chúng ta đến một thiên sứ được giao cho ‘tin-lành đời đời để rao-truyền’. Thiên sứ ấy cất tiếng lớn nói: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến”. (Khải-huyền 14:6, 7) “Giờ” phán xét đó là một giai đoạn ngắn bao gồm cả thời gian công bố và thi hành sự phán xét như được miêu tả trong lời tiên tri. Chúng ta đang sống trong khoảng thời gian đó.

15 Giờ đây, trước khi giờ phán xét đó kết thúc, chúng ta được khuyến giục: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài”. Việc này bao hàm điều gì? Nên để cho lòng kính sợ Đức Chúa Trời khiến chúng ta xoay bỏ điều ác. (Châm-ngôn 8:13) Nếu tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ lắng nghe Ngài với lòng tôn kính sâu xa. Chúng ta sẽ không quá bận đến nỗi không có thời gian cho việc đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Chúng ta cũng không lơ là lời khuyên của Ngài về việc tham dự nhóm họp. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Chúng ta sẽ quý trọng đặc ân đi rao truyền tin mừng về Nước của Đấng Mê-si và sốt sắng trong công việc đó. Chúng ta cũng luôn hết lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 62:8) Nhận biết Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ, chúng ta tôn vinh Ngài bằng cách sẵn lòng phục tùng Uy Quyền Tối Thượng của Ngài. Bạn có thật sự kính sợ Đức Giê-hô-va và tôn vinh Ngài theo những cách ấy không?

16. Tại sao chúng ta có thể nói rằng sự phán xét Ba-by-lôn Lớn, như được miêu tả nơi Khải-huyền 14:8, đã được ứng nghiệm?

16 Khải-huyền chương 14 miêu tả tiếp những biến cố sẽ xảy ra vào giờ phán xét. Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới được đề cập trước tiên: “Một vị thiên-sứ khác, là vị thứ hai, theo sau mà rằng: Ba-by-lôn lớn kia, đã đổ rồi, đã đổ rồi”. (Khải-huyền 14:8) Quả vậy, theo quan điểm Đức Chúa Trời, Ba-by-lôn Lớn đã sụp đổ. Vào năm 1919, các tôi tớ xức dầu của Đức Giê-hô-va đã được giải thoát khỏi những giáo lý và thực hành của Ba-by-lôn vốn đã kiềm kẹp mọi dân, mọi nước qua bao thiên niên kỷ. (Khải-huyền 17:1, 15) Từ đó trở đi, họ có thể tập trung đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Việc rao báo tin mừng về Nước Trời trên khắp toàn cầu đã bắt đầu từ lúc ấy.—Ma-thi-ơ 24:14.

17. Ra khỏi Ba-by-lôn Lớn bao hàm điều gì?

17 Việc Đức Chúa Trời phán xét Ba-by-lôn Lớn không chỉ có thế. Khối tôn giáo này sẽ sớm bị hủy diệt. (Khải-huyền 18:21) Vì thế, Kinh Thánh thúc giục người khắp mọi nơi: “Hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó”. (Khải-huyền 18:4, 5) Chúng ta ra khỏi Ba-by-lôn Lớn bằng cách nào? Chỉ cắt đứt mối liên hệ với tôn giáo giả thì chưa đủ. Ảnh hưởng của Ba-by-lôn cũng xuất hiện trong nhiều phong tục và lễ nghi phổ biến, trong thế gian dung túng tình trạng vô luân, sự lan tràn những trò giải trí liên quan đến ma thuật, và còn nhiều hơn nữa. Để tiếp tục tỉnh thức, điều trọng yếu là chúng ta phải chứng tỏ—trong cả hành động lẫn ước muốn—mình là những người thật sự tách khỏi Ba-by-lôn Lớn về mọi phương diện.

18. Qua những điều được miêu tả nơi Khải-huyền 14:9, 10, những tín đồ có tinh thần cảnh giác phải cẩn thận tránh điều gì?

18 Khải-huyền 14:9, 10 miêu tả thêm một khía cạnh của “giờ phán-xét”. Một thiên sứ khác nói: “Nếu ai thờ-phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh-nộ không pha của Đức Chúa Trời”. Tại sao thế? Vì “con thú cùng tượng nó” tượng trưng cho quyền cai trị của con người vốn không nhận biết uy quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Qua thái độ cũng như hành động, những tín đồ cảnh giác không để bị rơi vào ảnh hưởng hoặc bị ghi dấu là phục dưới quyền của những người không chấp nhận uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Tín đồ Đấng Christ biết rằng Nước của Đức Chúa Trời đã được thành lập trên trời, nước ấy sẽ kết liễu mọi quyền cai trị của loài người, còn mình thì đứng đời đời.—Đa-ni-ên 2:44.

Đừng để mất tinh thần khẩn trương!

19, 20. (a) Khi càng gần đến giai đoạn cuối cùng của ngày sau rốt, chúng ta biết chắc Sa-tan sẽ cố làm gì? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Càng gần đến giai đoạn cuối cùng của ngày sau rốt, những áp lực và sự cám dỗ chỉ tăng thêm mà thôi. Bao lâu còn sống trong hệ thống cũ này và bị sự bất toàn ảnh hưởng, bấy lâu chúng ta còn phải chịu đựng tình trạng sức khỏe kém, tuổi già, nỗi đau mất người thân, tổn thương tình cảm, nỗi thất vọng trước sự lãnh đạm khi nỗ lực rao giảng Lời Đức Chúa Trời, và còn hơn thế nữa. Đừng bao giờ quên rằng Sa-tan không thích gì hơn là lợi dụng những áp lực chúng ta đang gặp phải hầu khiến chúng ta bỏ cuộc, tức ngưng công việc rao báo tin mừng hoặc từ bỏ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 6:11-13) Giờ không phải là lúc để đánh mất tinh thần khẩn trương về thời kỳ của chúng ta!

20 Chúa Giê-su biết chúng ta sẽ gặp phải nhiều áp lực có thể khiến chúng ta bỏ cuộc, vì vậy ngài khuyên: “Hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:42) Vì vậy, hãy luôn ý thức chúng ta đang sống ở thời điểm nào trong dòng thời gian. Hãy đề phòng các thủ đoạn của Sa-tan có thể khiến chúng ta bị chậm dần hoặc từ bỏ con đường lẽ thật. Hãy quyết tâm rao truyền tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời với lòng ngày càng sốt sắng và kiên quyết. Thật vậy, hãy giữ tinh thần khẩn trương trong khi làm theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su: “Hãy tỉnh-thức”. Khi làm thế, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va và sẽ có triển vọng nhận được ân phước vĩnh cửu của Ngài.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm sao chúng ta biết lời Chúa Giê-su cảnh báo là “hãy tỉnh-thức” áp dụng cho tín đồ thật của Đấng Christ?

• Những gương cảnh báo nào trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta “tỉnh-thức?

• Giờ phán xét là gì, và chúng ta được thúc giục làm gì trước khi giờ đó kết thúc?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Chúa Giê-su ví việc ngài đến như việc kẻ trộm đến

[Hình nơi trang 24]

Sự hủy diệt Ba-by-lôn Lớn gần kề

[Các hình nơi trang 25]

Hãy quyết tâm rao giảng sốt sắng hơn và kiên quyết hơn