Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bậc cha mẹ—Bạn định tương lai nào cho con?

Hỡi các bậc cha mẹ—Bạn định tương lai nào cho con?

Hỡi các bậc cha mẹ—Bạn định tương lai nào cho con?

“Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh,... khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!”—Thi-thiên 148:12, 13.

1. Cha mẹ lo lắng gì về con cái?

CÓ AI làm cha mẹ mà không lo lắng cho tương lai của con mình? Ngay từ lúc con chào đời—thậm chí trước đó—cha mẹ đã bắt đầu lo nghĩ đến hạnh phúc của con. Bé sẽ mạnh khỏe không? Bé sẽ phát triển bình thường chứ? Khi con khôn lớn, cha mẹ lại có những lo lắng khác. Nói chung, cha mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho con mình.—1 Sa-mu-ên 1:11, 27, 28; Thi-thiên 127: 3-5.

2. Tại sao nhiều bậc cha mẹ ngày nay rất mong muốn các con khi lớn lên có một cuộc sống tốt?

2 Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, làm sao cho con được hưởng những gì tốt nhất quả là một thách đố. Nhiều bậc cha mẹ đã trải qua thời kỳ khó khăn—chiến tranh, bất ổn chính trị, kinh tế khó khăn, tổn thương về thể chất hay tình cảm, v.v... Tất nhiên là họ không muốn con cái phải khổ như mình. Ở những xứ phát triển, có lẽ các bậc cha mẹ thấy con cái của bạn bè và người thân ngày càng thăng tiến trong nghề nghiệp và có vẻ thành công trong đời sống. Vì vậy, họ cảm thấy phải làm hết sức sao cho con mình khi lớn lên cũng được hưởng một đời sống tương đối ổn định và sung túc—một cuộc sống tốt.—Truyền-đạo 3:13.

Chọn một cuộc sống tốt

3. Các tín đồ Đấng Christ đã quyết định làm gì với đời sống họ?

3 Là những người theo Chúa Giê-su, các tín đồ Đấng Christ đã quyết định dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Họ luôn nhớ lời của Chúa Giê-su: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi”. (Lu-ca 9:23) Thật vậy, đời sống của một tín đồ Đấng Christ đòi hỏi sự hy sinh quên mình. Tuy nhiên, đó không phải là một đời sống thiếu thốn và khổ sở. Trái lại, đó là đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện—một cuộc sống tốt—vì ấy là lối sống quên mình vì người khác, như Chúa Giê-su đã nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

4. Chúa Giê-su khuyến giục các môn đồ theo đuổi mục tiêu nào?

4 Những người thời Chúa Giê-su phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ngoài việc mưu sinh, họ phải sống dưới ách đô hộ của người La Mã và bị áp lực nặng nề từ những thành phần tôn giáo thời bấy giờ quá chú trọng đến hình thức. (Ma-thi-ơ 23:2-4) Dầu vậy, nhiều người khi nghe về Chúa Giê-su đã sẵn lòng từ bỏ những mục tiêu riêng—thậm chí cả nghề nghiệp—và đi theo ngài. (Ma-thi-ơ 4:18-22; 9:9; Cô-lô-se 4:14) Phải chăng đó là quyết định liều lĩnh và có hại đến tương lai của họ? Hãy lưu ý lời Chúa Giê-su: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời”. (Ma-thi-ơ 19:29) Chúa Giê-su đoan chắc với các môn đồ rằng Cha trên trời biết rõ nhu cầu của họ. Vì vậy, ngài khuyến giục: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.—Ma-thi-ơ 6:31-33.

5. Một số bậc cha mẹ cảm thấy thế nào về lời Chúa Giê-su bảo đảm rằng Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc tôi tớ Ngài?

5 Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va biết nhu cầu của chúng ta; và những ai đặt Nước Trời lên hàng đầu—đặc biệt là những người tham gia vào thánh chức trọn thời gian—cũng nhận được lời bảo đảm rằng Ngài sẽ chăm sóc họ. (Ma-la-chi 3:6, 16; 1 Phi-e-rơ 5:7) Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ băn khoăn về vấn đề này. Một mặt, họ muốn con cái tiến bộ trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, có lẽ sau này tham gia thánh chức trọn thời gian. Mặt khác, khi nghĩ đến tình trạng kinh tế và công ăn việc làm trong xã hội ngày nay, họ cảm thấy điều quan trọng là trước hết người trẻ phải có trình độ học vấn tốt để có đủ bằng cấp hầu kiếm được việc làm vừa ý, hoặc ít nhất phải có một điểm tựa. Theo họ, có trình độ học vấn tốt thường đồng nghĩa với việc học lên cao.

Chuẩn bị cho tương lai

6. Trong bài này, cụm từ “học lên cao” được dùng theo nghĩa nào?

6 Hệ thống giáo dục mỗi nước mỗi khác. Ở nhiều nước, các trường công lập dạy 12 năm phổ thông. Sau đó, học sinh có thể chọn vào đại học trong thời gian khoảng 4 năm trở lên để lấy bằng cử nhân hoặc học lên cao học về những ngành nghề như y khoa, luật, kỹ sư, v.v... Trong bài này, cụm từ “học lên cao” muốn nói đến nền giáo dục đại học như đã giải thích ở trên. Mặt khác, các trường kỹ thuật và trường dạy nghề những khóa ngắn hạn và cấp bằng hoặc chứng chỉ về ngành nghề nào đó.

7. Học sinh bị những áp lực nào tại trường trung học?

7 Khuynh hướng trong các trường trung học ngày nay là để chuẩn bị cho học sinh học lên cao. Để đạt được mục tiêu này, đa số các trường chú trọng vào các môn học để học sinh có thể đậu cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học thay vì chú trọng vào các khóa đào tạo nghề để họ có đủ khả năng làm việc. Học sinh trường trung học ngày nay bị áp lực từ thầy cô, tư vấn viên và bạn đồng lứa là phải đặt mục tiêu thi vào các trường đại học nổi tiếng nhất mà họ hy vọng khi ra trường thì những tấm bằng ấy sẽ giúp họ có việc làm với mức lương cao và cơ hội thăng tiến.

8. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ đối diện với những lựa chọn nào?

8 Vậy thì cha mẹ tín đồ Đấng Christ phải làm gì? Dĩ nhiên, họ muốn con cái học giỏi và biết một tay nghề cần thiết để có thể tự nuôi chúng trong tương lai. (Châm-ngôn 22:29) Nhưng họ có nên để con cái bị cuốn hút theo tinh thần cạnh tranh về của cải vật chất và sự thành đạt không? Qua lời nói lẫn gương mẫu của chính mình, họ hướng con cái theo đuổi mục tiêu nào? Một số bậc cha mẹ làm việc cực nhọc và cần kiệm để có đủ tiền cho con học đại học khi con tới tuổi. Số khác sẵn sàng chịu mắc nợ để con ăn học. Tuy nhiên, giá phải trả cho quyết định này không chỉ bằng tiền bạc. Vậy thì giá phải trả cho việc học lên cao ngày nay là gì?—Lu-ca 14:28-33.

Giá phải trả cho việc học lên cao

9. Có thể nói gì về chi phí phải trả cho việc học lên cao ngày nay?

9 Khi nói đến giá phải trả, thường chúng ta nghĩ ngay đến chi phí. Ở một số nước, bậc đại học được chính phủ tài trợ, vì vậy những sinh viên hội đủ điều kiện được hưởng chế độ nào đó thì không phải trả học phí. Tuy nhiên, ở đa số các nước khác việc học lên cao rất tốn kém và chi phí ngày càng tăng. Theo nhận xét của một bài báo: “Việc học lên cao từng được xem là bàn đạp để tiến thân. Và ngày nay nó khẳng định sự cách biệt giữa người giàu nhiều và giàu ít”. (New York Times) Nói cách khác, nền học vấn tốt ở đại học đang mau chóng trở thành môi trường của người giàu có và quyền thế, là những người cho con học lên cao để chắc chắn chúng cũng trở thành người giới giàu có và quyền thế trong xã hội. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ có nên chọn mục tiêu đó cho con mình không?—Phi-líp 3:7, 8; Gia-cơ 4:4.

10. Việc học lên cao liên quan chặt chẽ thế nào đến việc phục vụ cho hệ thống hiện tại?

10 Ngay cả ở những nơi mà sinh viên học lên cao được miễn học phí đi nữa, vẫn có những ràng buộc khác. Chẳng hạn, theo báo cáo của một tờ báo, ở một nước thuộc Đông Nam Á, chính phủ áp dụng “hệ thống giáo dục kiểu kim tự tháp, một hệ thống công khai đưa những học sinh ưu tú lên đỉnh điểm”. (The Wall Street Journal) “Đỉnh điểm” có nghĩa là được tuyển vào những trường ưu tú nổi tiếng trên thế giới như đại học Oxford và Cambridge ở nước Anh, các trường nổi tiếng ở Hoa Kỳ, và các trường khác. Tại sao chính phủ ấy lại đưa ra một chương trình đầu tư vào học vấn như thế? Tờ báo cho biết: “Để đẩy mạnh nền kinh tế quốc gia”. Nền học vấn đó hầu như miễn phí, nhưng cái giá mà sinh viên phải trả là cuộc sống của họ bị thu hút hoàn toàn vào việc phục vụ cho hệ thống hiện tại. Dù đó là lối sống được nhiều người theo đuổi trong xã hội, nhưng các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ có muốn con mình theo đuổi lối sống đó không?—Giăng 15:19; 1 Giăng 2:15-17.

11. Các báo cáo cho biết gì về việc lạm dụng rượu và hành vi vô luân trong giới sinh viên?

11 Một yếu tố khác nữa là môi trường. Các trường đại học và cao đẳng nổi tiếng về hạnh kiểm xấu—sinh viên sử dụng ma túy và lạm dụng rượu, ăn ở vô luân, gian lận, bắt nạt sinh viên mới, và còn nhiều vấn đề khác. Hãy xem xét về việc lạm dụng rượu. Về những cuộc nhậu nhẹt—uống rượu chỉ với mục đích để say—một tạp chí cho biết: “Khoảng 44 phần trăm [sinh viên đại học ở Hoa Kỳ] thường đi nhậu ít nhất hai tuần một lần”. (New Scientist) Vấn đề này cũng phổ biến trong giới trẻ ở Anh, Nga, Úc và những nơi khác. Khi nói về vấn đề vô luân, giới sinh viên thường nói về “thú vui qua đường” mà theo một tờ báo là “việc dan díu một lần rồi thôi—từ việc ôm hôn đến quan hệ tình dục—giữa những người thậm chí không có ý nói chuyện với nhau sau đó”. (Newsweek) Nghiên cứu cho thấy khoảng 60 tới 80 phần trăm sinh viên có hành vi tình dục như thế. Một nhà nghiên cứu cho biết: “Nếu là một sinh viên bình thường, bạn cũng sẽ làm như thế”.—1 Cô-rinh-tô 5:11; 6:9, 10.

12. Sinh viên phải đối diện với những áp lực nào?

12 Ngoài môi trường xấu, còn có áp lực về bài vở và thi cử. Dĩ nhiên là sinh viên cần phải học và làm bài tập để thi đậu. Có lẽ một số cũng phải có ít nhất một việc làm bán thời gian trong những năm học đại học. Làm được tất cả những điều này đòi hỏi rất nhiều thời giờ và năng lực. Vậy còn thời gian nào cho những sinh hoạt thiêng liêng? Khi áp lực gia tăng, điều gì sẽ bị bỏ qua? Quyền lợi Nước Trời vẫn còn ở vị trí ưu tiên hay bị bỏ sang một bên? (Ma-thi-ơ 6:33) Kinh Thánh khuyến giục tín đồ Đấng Christ: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Thật buồn biết bao khi một số người đã từ bỏ đức tin vì những áp lực chiếm hết thời giờ và năng lực của họ hoặc vì vướng vào hành vi trái với Kinh Thánh ở trường!

13. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ phải suy xét những câu hỏi nào?

13 Dĩ nhiên, không phải chỉ ở các trường đại học mới có tình trạng vô luân, hành vi xấu và áp lực. Tuy nhiên, nhiều người trẻ thế gian xem tất cả những điều ấy chỉ là một phần của việc học và họ không nghĩ đó là vấn đề. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ có nên cố tình đưa con mình vào môi trường như thế trong vòng bốn năm hoặc hơn nữa không? (Châm-ngôn 22:3; 2 Ti-mô-thê 2:22) Dù lợi ích cho người trẻ là gì đi nữa, có đáng để liều lĩnh như thế không? Và quan trọng nhất, người trẻ học được gì về những điều họ nên ưu tiên trong cuộc sống? * (Phi-líp 1:10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Các bậc cha mẹ phải suy xét nghiêm túc và cầu nguyện về những câu hỏi trên, cũng như xét đến mối nguy hiểm khi cho con đi học xa tại một thành phố hay một đất nước khác.

Có sự lựa chọn nào khác?

14, 15. (a) Bất chấp quan điểm phổ biến, lời khuyên nào trong Kinh Thánh thích hợp cho ngày nay? (b) Người trẻ có thể tự đặt những câu hỏi nào?

14 Ngày nay, quan điểm phổ biến là người trẻ muốn thành đạt thì chỉ có một sự chọn lựa là học đại học. Tuy nhiên, thay vì chạy theo khuynh hướng chung, tín đồ Đấng Christ làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Đức Chúa Trời muốn dân Ngài—cả người trẻ lẫn người cao niên—làm gì trong giai đoạn cuối của ngày sau rốt? Sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Phải có tiết-độ [“thận trọng”, Tòa Tổng Giám Mục] trong mọi sự, hãy chịu cực-khổ, làm việc của người giảng Tin-lành, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ”. Những lời này hẳn thích hợp cho tất cả chúng ta ngày nay.—2 Ti-mô-thê 4:5.

15 Thay vì bị cuốn hút bởi tinh thần vật chất của thế gian, tất cả chúng ta cần “thận trọng” tập trung vào mục tiêu thiêng liêng. Nếu là một người trẻ, bạn hãy tự hỏi: ‘Tôi có nỗ lực hết sức “làm cho đầy-đủ về chức-vụ” để hội đủ điều kiện trở thành người rao truyền Lời Đức Chúa Trời không? Tôi có những dự tính nào để làm “đầy-đủ” thánh chức? Tôi có nghĩ đến sự nghiệp phụng sự trọn thời gian không?’ Đây là những câu hỏi không đơn giản, đặc biệt khi bạn thấy những người trẻ khác tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ích kỷ, “tìm việc lớn” mà họ nghĩ là sẽ giúp họ có một tương lai tươi sáng. (Giê-rê-mi 45:5) Vì vậy, các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ khôn ngoan trang bị con một môi trường và nền giáo dục tốt về thiêng liêng ngay từ thuở ấu thơ.—Châm-ngôn 22:6; Truyền-đạo 12:1; 2 Ti-mô-thê 3:14, 15.

16. Làm sao các bậc cha mẹ có thể khôn ngoan tạo cho con một môi trường tốt về thiêng liêng?

16 Trong một gia đình gồm ba con trai, mẹ là một người nhiều năm gắn bó với công việc phụng sự trọn thời gian, cậu con lớn nhất kể lại: “Mẹ giám sát mối quan hệ bạn bè của chúng tôi rất chặt chẽ. Chúng tôi không chơi với bạn cùng lớp nhưng chỉ kết bạn với những người có nề nếp tốt về thiêng liêng trong hội thánh. Mẹ cũng thường mời các anh chị phụng sự trọn thời gian—các giáo sĩ, giám thị lưu động, thành viên nhà Bê-tên, và tiên phong—đến chơi nhà chúng tôi. Được nghe những kinh nghiệm cũng như thấy niềm vui của họ, chúng tôi ấp ủ trong lòng ước muốn tham gia công việc phụng sự trọn thời gian”. Thật là vui mừng khi thấy cả ba người con ấy ngày nay đều phụng sự trọn thời gian—một phụng sự ở nhà Bê-tên, một đã tham dự Trường Huấn Luyện Thánh Chức, và một đang làm tiên phong!

17. Các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn con như thế nào trong việc chọn môn học và nghề nghiệp? (Xin xem khung nơi trang 29).

17 Bên cạnh việc tạo cho con một môi trường thiêng liêng tốt, các bậc cha mẹ cũng phải hướng dẫn con cái—càng sớm càng tốt—chọn môn học và nghề nghiệp. Một anh trẻ khác, nay đang phụng sự trong nhà Bê-tên, nói: “Trước và sau khi kết hôn, cha mẹ tôi đều làm tiên phong và làm hết sức để truyền tinh thần tiên phong cho cả gia đình. Mỗi khi chúng tôi chọn một môn học ở trường hoặc cần phải quyết định một điều liên quan đến tương lai, cha mẹ luôn khuyến khích chúng tôi chọn theo hướng thuận lợi nhất để tìm được việc làm bán thời gian và làm tiên phong”. Thay vì chọn các môn học để vào đại học, cha mẹ và con cái cần xét đến những khóa học hữu ích cho việc theo đuổi sự nghiệp thần quyền. *

18. Người trẻ có thể suy xét đến những nghề nghiệp nào?

18 Nghiên cứu cho thấy, ở nhiều nước có nhu cầu cấp bách, không phải cần nhân viên tốt nghiệp đại học mà là nhân viên ngành lao động chân tay và dịch vụ. Theo một tờ báo, “70 phần trăm nhân công trong những thập niên tới sẽ không cần bằng đại học bốn năm nhưng cần bằng cấp̣ của các trường chuyên nghiệp hoặc kỹ thuật”. (USA Today) Nhiều trường mở những khóa ngắn hạn đào tạo nhân viên văn phòng, thợ sửa xe, sửa máy vi tính, ống nước, thợ uốn tóc và vô số nghề khác. Đó có phải là những nghề đáng ưa chuộng không? Chắc chắn có! Có lẽ những nghề ấy không thu hút như một số người nghĩ, nhưng là nghề kiếm được đủ tiền để sống và tự do, thích hợp cho những người chọn theo đuổi việc phụng sự Đức Giê-hô-va .—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:8.

19. Đường lối nào bảo đảm nhất để có đời sống hạnh phúc và thỏa lòng?

19 Kinh Thánh khuyến giục: “Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh,... khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va! Vì chỉ danh Ngài được tôn cao-cả; sự vinh-hiển Ngài trổi cao hơn trái đất và các từng trời”. (Thi-thiên 148:12, 13) So với địa vị và phần thưởng mà thế gian này cung hiến, công việc phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian chắc chắn là đường lối bảo đảm nhất để có được đời sống hạnh phúc và thỏa lòng. Hãy khắc ghi lời đoan chắc của Kinh Thánh: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—Châm-ngôn 10:22.

[Chú thích]

^ đ. 13 Muốn biết kinh nghiệm của những anh chị đã trân trọng sự giáo dục về thiêng liêng hơn sự giáo dục trường đại học, xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-5-1982, trang 3-6; ngày 15-4-1979, trang 5-10; Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-6-1978, trang 15; ngày 8-8-1974, trang 3-7.

^ đ. 17 Xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-10-1998, “In Search of a Secure Life”, trang 4-6, và sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, chương 22 “Tôi nên chọn nghề gì?”, trang 174-179.

Bạn có thể giải thích không?

• Để có một tương lai ổn định, tín đồ Đấng Christ tin cậy nơi điều gì?

• Về tương lai của con cái, cha mẹ tín đồ Đấng Christ đương đầu với những khó khăn nào?

• Cần phải suy xét điều gì khi nói đến giá phải trả cho việc học lên cao?

• Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể giúp con cái theo đuổi việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 29]

Giá trị của việc học lên cao là gì?

Phần lớn những người vào đại học đều mong có được tấm bằng giúp họ tìm được việc làm ổn định và lương cao. Tuy nhiên, các báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy chỉ có khoảng một phần tư số người vào đại học có thể tốt nghiệp trong sáu năm đèn sách—tỉ lệ đậu tốt nghiệp rất thấp. Dầu vậy, tấm bằng đó có nghĩa là sẽ tìm được việc làm tốt không? Hãy xem kết quả của các cuộc nghiên cứu gần đây.

“Vào [đại học] Harvard hay Duke không có nghĩa là hiển nhiên bạn sẽ có một việc làm tốt và được trả lương cao... Các công ty không biết nhiều về các ứng viên xin việc trẻ tuổi. Tấm bằng nổi bật của các trường đại học nổi tiếng có thể tạo ấn tượng. Nhưng còn sau đó, kỹ năng làm việc của ứng viên mới là điều quan trọng”.—Newsweek, ngày 1-11-1999.

“Dù việc làm trung bình ngày nay đòi hỏi phải có kỹ năng cao hơn trước kia..., kỹ năng cần thiết cho những công việc này là nắm vững những kiến thức bậc trung học—khả năng làm toán và đọc viết ở trình độ lớp chín..., không phải ở trình độ đại học... Sinh viên không cần học đại học vẫn có được việc làm tốt nhưng họ phải nắm vững kiến thức ở trung học”.—American Educator, Xuân 2004.

“Đa số các trường đại học thật sự thiếu thực tế trong việc đào tạo sinh viên cho thị trường lao động sau khi họ tốt nghiệp. Các trường dạy nghề... ngày càng được ưa chuộng. Từ năm 1996 đến năm 2000, con số tuyển sinh tăng 48 phần trăm... Trong khi đó, những tấm bằng đại học tốn nhiều chi phí và thời giờ trở nên kém giá trị hơn bao giờ hết”.—Time, ngày 24-1-2005.

“Dự đoán của Bộ Lao Động ở Hoa Kỳ cho năm 2005 là một viễn cảnh đáng lo vì ít nhất một phần ba tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ không tìm được việc làm tương xứng với bằng cấp của mình”.—The Futurist, tháng Bảy/tháng Tám, năm 2000.

Vì tất cả những lý do trên, ngày càng nhiều nhà giáo dục nghi ngờ giá trị của việc học lên cao trong thời nay. “Chúng tôi đang đào tạo ra những người không thích hợp với công việc trong tương lai”, theo báo cáo của tạp chí Futurist. Ngược lại, hãy để ý những gì Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”.—Ê-sai 48:17, 18.

[Hình nơi trang 26]

Họ từ bỏ những mục tiêu riêng và đi theo Chúa Giê-su

[Hình nơi trang 31]

Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ khôn ngoan tạo cho con môi trường thiêng liêng tốt ngay từ thuở ấu thơ