Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lương tâm bạn có được rèn luyện kỹ không?

Lương tâm bạn có được rèn luyện kỹ không?

Lương tâm bạn có được rèn luyện kỹ không?

BẠN có bao giờ nói: “Trong thâm tâm tôi biết điều đó là không đúng”, hoặc “Việc anh yêu cầu, tôi không thể làm. Có cái gì đó trong tôi cho biết điều đó không đúng”? Đó là “tiếng nói” của lương tâm bạn, tức nhận thức hay cảm nhận bên trong về điều phải, điều trái, để bênh vực hay cáo giác bạn. Thật vậy, chúng ta sinh ra vốn có lương tâm.

Dù ở trong tình trạng xa cách Đức Chúa Trời, loài người vẫn có khả năng phân biệt điều phải và điều trái. Đó là vì họ đã được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời hầu phản ánh phần nào sự khôn ngoan và công bình của Ngài. (Sáng-thế Ký 1:26, 27) Về điều này, dưới sự soi dẫn của thánh linh, sứ đồ Phao-lô viết: “Dân ngoại vốn không có luật-pháp, khi họ tự-nhiên làm những việc luật-pháp dạy-biểu, thì những người ấy dầu không có luật-pháp, cũng tự nên luật-pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật-pháp dạy-biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương-tâm mình làm chứng cho luật-pháp, còn ý-tưởng mình khi thì cáo-giác mình, khi thì binh-vực mình”. *Rô-ma 2:14, 15.

Bản chất đạo đức này, được truyền từ người đầu tiên A-đam, hoạt động như một “luật-pháp”, hay quy tắc đạo đức, trong mỗi người bất kể quốc gia, chủng tộc. Đó là khả năng nhìn lại và đánh giá bản thân. (Rô-ma 9:1) A-đam và Ê-va đã bày tỏ khả năng này ngay sau khi vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời—họ ẩn mình. (Sáng-thế Ký 3:7, 8) Một thí dụ khác về hoạt động của lương tâm là cách phản ứng của Đa-vít khi ông nhận ra mình đã phạm tội trong việc kiểm tra dân số. Kinh Thánh nói “Đa-vít bị lương-tâm cắn-rứt”.—2 Sa-mu-ên 24: 1-10.

Khả năng nhìn lại và đánh giá hạnh kiểm bản thân có thể có tác dụng quan trọng là thúc đẩy chúng ta ăn năn theo ý Đức Chúa Trời. Đa-vít viết: “Khi tôi nín-lặng, các xương-cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày; tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội-ác của tôi”. (Thi-thiên 32:3, 5) Như vậy, một lương tâm hoạt động tốt có thể đưa người phạm tội trở lại với Đức Chúa Trời vì nó giúp họ ý thức rằng họ cần được Ngài tha thứ và cần đi theo đường lối Ngài.—Thi-thiên 51:1-4, 9, 13-15.

Lương tâm cũng cảnh báo hoặc hướng dẫn chúng ta khi chúng ta đứng trước những lựa chọn hoặc quyết định liên quan đến vấn đề đạo đức. Có lẽ chính chức năng này của lương tâm đã giúp Giô-sép sớm ý thức rằng tà dâm hay ngoại tình là sai và xấu—một tội lỗi trước mắt Đức Chúa Trời. Về sau, điều luật cụ thể liên quan đến tội tà dâm mới được qui định trong Mười Điều Răn ban cho dân Y-sơ-ra-ên. (Sáng-thế Ký 39:1-9; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14) Rõ ràng, chúng ta được lợi ích hơn nhiều khi lương tâm được rèn luyện để hướng dẫn, chứ không chỉ xét đoán chúng ta. Lương tâm bạn có đang hoạt động như thế không?

Rèn luyện lương tâm để có quyết định đúng

Tuy chúng ta sinh ra đã có lương tâm, nhưng đáng tiếc là món quà này lại bị khiếm khuyết. Nhân loại đã có một bắt đầu hoàn hảo, nhưng rồi “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23) Vì chúng ta chịu ảnh hưởng của tội lỗi và sự bất toàn, lương tâm chúng ta có thể trở nên méo mó và không còn hoạt động hoàn hảo như Đức Giê-hô-va đã định lúc ban đầu. (Rô-ma 7:18-23) Ngoài ra, lương tâm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh như sự giáo dục, phong tục, niềm tin hoặc môi trường sống tại địa phương. Chắc chắn tình trạng đạo đức suy đồi và tiêu chuẩn ngày càng xuống dốc của thế gian không thể là chuẩn mực cho một lương tâm tốt.

Vì thế, tín đồ Đấng Christ cần có thêm sự hướng dẫn của các tiêu chuẩn công bình và vững chắc được ghi trong Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Những tiêu chuẩn đó có thể hướng dẫn lương tâm chúng ta đánh giá đúng các vấn đề và sửa sai. (2 Ti-mô-thê 3:16) Khi được dạy dỗ theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, lương tâm có thể được sử dụng cách tốt hơn như một chốt an toàn về phương diện đạo đức, giúp chúng ta “phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14) Nếu không, có lẽ lương tâm sẽ không phát tín hiệu báo động khi chúng ta lạc hướng đi vào con đường xấu. Kinh Thánh nói: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng cuối-cùng nó thành ra cái nẻo sự chết”.—Châm-ngôn 16:25; 17:20.

Lời Đức Chúa Trời cho sự dạy dỗ và hướng dẫn rất rõ ràng trong một số khía cạnh của cuộc sống, và chúng ta được lợi ích nếu làm theo. Tuy nhiên, cũng có nhiều tình huống mà chúng ta không tìm được sự hướng dẫn cụ thể nào trong Kinh Thánh, chẳng hạn như về công ăn việc làm, sức khỏe, giải trí, cách ăn mặc, v.v... Chúng ta không biết phải làm gì trong từng trường hợp và phải quyết định thế nào cho đúng. Vì thế, chúng ta nên có thái độ như Đa-vít. Ông cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài. Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi”. (Thi-thiên 25:4, 5) Càng hiểu rõ quan điểm và đường lối Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng biết cách đánh giá đúng hoàn cảnh của mình và quyết định mọi việc với lương tâm trong sạch.

Do đó, khi đứng trước một vấn đề hay quyết định nào, trước hết chúng ta nên suy ngẫm các nguyên tắc Kinh Thánh có thể áp dụng. Một số nguyên tắc này là: tôn trọng quyền làm đầu (Cô-lô-se 3:18, 20); lương thiện trong mọi việc (Hê-bơ-rơ 13:18); ghét điều ác (Thi-thiên 97:10); theo đuổi sự hòa thuận (Rô-ma 14:19); vâng phục nhà cầm quyền (Ma-thi-ơ 22:21; Rô-ma 13:1-7); dành sự thờ phượng chuyên độc cho Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:10); không thuộc về thế gian (Giăng 17:14); tránh bạn bè xấu (1 Cô-rinh-tô 15:33); khiêm tốn trong cách ăn mặc (1 Ti-mô-thê 2:9, 10); và không gây vấp phạm cho người khác (2 Cô-rinh-tô 6:3). Xác định được nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan có thể giúp lương tâm chúng ta thêm sắc bén và có quyết định đúng.

Hãy lắng nghe lương tâm bạn

Muốn có sự trợ giúp của lương tâm, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của lương tâm. Chỉ khi đáp ứng ngay tiếng nói của lương tâm đã được rèn luyện theo Kinh Thánh, chúng ta mới được lợi ích. Chúng ta có thể ví một lương tâm đã được rèn luyện như hệ thống đèn báo trên đồng hồ xe hơi. Giả sử đèn nhấp nháy báo hiệu áp suất dầu thấp. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết ngay vấn đề mà cứ tiếp tục chạy? Động cơ có thể bị hỏng nặng. Tương tự thế, lương tâm, tức tiếng nói bên trong chúng ta, có thể cảnh báo một hành động nào đó là sai. Khi xem xét một hành động nào đó mà chúng ta đang làm hay định làm dưới ánh sáng các tiêu chuẩn và giá trị của Kinh Thánh, lương tâm phát tín hiệu cảnh báo như hệ thống đèn trên đồng hồ xe hơi. Nghe theo sự cảnh báo của lương tâm không chỉ giúp chúng ta tránh những hậu quả tai hại của việc làm sai, mà còn giữ cho lương tâm tiếp tục hoạt động tốt.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quyết định làm ngơ? Dần dần lương tâm sẽ không còn nhạy bén nữa. Việc liên tục làm ngơ hay dập tắt tiếng nói của lương tâm có thể ví như việc dùng sắt nung đóng lên da thịt. Mô sẹo vì không còn các đầu dây thần kinh nữa sẽ hoàn toàn mất cảm giác. (1 Ti-mô-thê 4:2, Tòa Tổng Giám Mục) * Một lương tâm như thế sẽ không còn phản ứng gì hết khi chúng ta phạm tội, và cũng không còn lên tiếng ngăn cản khi chúng ta tái phạm. Lương tâm chai lì thường làm ngơ trước các tiêu chuẩn của Kinh Thánh về điều đúng, điều sai, và như vậy là một lương tâm có khiếm khuyết. Đó là một lương tâm tồi tệ, người nào có nó sẽ bị “mất cả lương tri” và trở nên xa cách Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 4:17-19; Bản Diễn Ý; Tít 1:15) Một hậu quả thật đáng sợ!

“Phải có lương-tâm tốt”

Muốn giữ lương tâm tốt, chúng ta phải luôn cố gắng. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi vẫn gắng sức cho có lương-tâm không trách-móc trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người”. (Công-vụ 24:16) Là tín đồ Đấng Christ, Phao-lô luôn tự kiểm điểm và điều chỉnh lối sống của ông sao cho không bị “trách-móc” trước mặt Đức Chúa Trời. Ông biết rằng cuối cùng chính Ngài là Đấng đoán xét mọi việc chúng ta làm là đúng hay sai. (Rô-ma 14:10-12; 1 Cô-rinh-tô 4:4) Ông nói: “Thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”.—Hê-bơ-rơ 4:13.

Phao-lô cũng nhắc đến việc đừng làm gì để người khác trách móc. Một thí dụ thích hợp là lời khuyên của ông cho tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô về “sự ăn của cúng-tế các thần-tượng”. Quan điểm của ông là dù theo Lời Đức Chúa Trời, một hành động nào đó tự nó có thể không có gì sai, nhưng điều trọng yếu là chúng ta phải quan tâm đến lương tâm của người khác. Nếu không làm thế, chúng ta có thể ‘làm hư-mất [về thiêng liêng] người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho’. Mối quan hệ của chính chúng ta với Đức Chúa Trời cũng có thể bị hủy hoại.—1 Cô-rinh-tô 8:4, 11-13; 10:23, 24.

Vì thế, hãy tiếp tục rèn luyện và gìn giữ lương tâm tốt. Trước khi quyết định việc gì, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 1:5) Hãy học hỏi Lời Ngài và để các nguyên tắc trong đó uốn nắn tâm và trí bạn. (Châm-ngôn 2:3-5) Khi có vấn đề nghiêm trọng, hãy nói chuyện với các anh chị thành thục để chắc chắn rằng bạn hiểu đúng các nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan. (Châm-ngôn 12:15; Rô-ma 14:1; Ga-la-ti 6:5) Hãy xét xem quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng thế nào đến lương tâm bạn, đến người khác và nhất là đến mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va.—1 Ti-mô-thê 1:5, 18, 19.

Lương tâm là một món quà tuyệt diệu của Cha trên trời đầy yêu thương, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu sử dụng nó phù hợp với ý của Đấng đã ban cho chúng ta khả năng đó, chúng ta sẽ đến gần Đấng Tạo Hóa hơn. Khi cố gắng “có lương-tâm tốt” trong mọi việc mình làm, chúng ta chứng tỏ cách rõ ràng hơn là mình được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời.—1 Phi-e-rơ 3:16 ; Cô-lô-se 3:10.

[Chú thích]

^ đ. 3 Từ Hy Lạp được dịch là lương tâm ở đây có nghĩa là “khả năng đánh giá về phương diện đạo đức” (The Analytical Greek Lexicon Revised, của Harold K. Moulton); “phân biệt đâu là điều tốt hay xấu về mặt đạo đức”.—Greek-English Lexicon, của J. H. Thayer.

[Các hình nơi trang 13]

Lương tâm bạn có được rèn luyện để hướng dẫn thay vì xét đoán bạn không?

[Hình nơi trang 14]

Việc chúng ta học và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh giúp lương tâm được rèn luyện kỹ

[Các hình nơi trang 15]

Đừng làm ngơ trước tiếng nói của lương tâm

[Chú thích]

^ đ. 14 Câu này ghi: “Đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung”.