Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Sử-ký Thứ Nhất

Những điểm nổi bật trong sách Sử-ký Thứ Nhất

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Sử-ký Thứ Nhất

KHOẢNG 77 năm đã trôi qua từ khi dân Do Thái về đến quê hương từ xứ phu tù Ba-by-lôn. Đền thờ do Quan Tổng Đốc Xô-rô-ba-bên xây lại đã được 55 năm. Dân Do Thái trở về với mục tiêu chính là khôi phục sự thờ phượng thanh sạch tại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, dân sự thiếu lòng sốt sắng trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Sự khích lệ là nhu cầu cấp bách lúc bấy giờ, và đó chính là điều sách Sử-ký Thứ Nhất của Kinh Thánh cung cấp.

Ngoài các bản gia phổ, sách Sử-ký Thứ Nhất ghi lại những sự kiện trong thời gian khoảng 40 năm, từ sự qua đời của Vua Sau-lơ đến sự qua đời của Vua Đa-vít. Thầy tế lễ E-xơ-ra được cho là người viết sách này vào năm 460 TCN. Sách Sử-ký Thứ Nhất đáng cho chúng ta chú ý vì sách này giúp chúng ta hiểu rõ công việc thờ phượng tại đền thờ và cung cấp những chi tiết về dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si. Là một phần của Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, thông điệp của sách ấy củng cố đức tin và gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh.—Hê-bơ-rơ 4:12.

MỘT DANH SÁCH QUAN TRỌNG

(1 Sử-ký 1:1–9:44)

Danh sách chi tiết về gia phổ * mà E-xơ-ra biên soạn là cần thiết ít nhất vì ba lý do: đảm bảo rằng chỉ những người nam đủ điều kiện mới được phép làm thầy tế lễ, giúp xác định sản nghiệp của chi phái, và bảo tồn danh sách về dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si. Bản gia phổ kết nối dân Do Thái với quá khứ của họ, đến tận người đàn ông đầu tiên. Từ A-đam đến Nô-ê có mười thế hệ, và đến Áp-ra-ham có thêm mười thế hệ nữa. Sau khi liệt kê danh sách các con trai của Ích-ma-ên, các con trai của Kê-tu-ra, vợ lẽ Áp-ra-ham, và các con trai của Ê-sau, lời tường thuật tập trung vào dòng dõi 12 con trai của Y-sơ-ra-ên.—1 Sử-ký 2:1.

E-xơ-ra cung cấp nhiều tin tức về con cháu Giu-đa vì họ thuộc hoàng tộc Vua Đa-vít. Từ Áp-ra-ham đến Đa-vít có 14 thế hệ, và thêm 14 thế hệ nữa dẫn đến việc dân Giu-đa bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn. (1 Sử-ký 1:27, 34; 2:1-15; 3:1-17; Ma-thi-ơ 1:17) Đoạn, ông E-xơ-ra liệt kê danh sách con cháu các chi phái ở phía đông Sông Giô-đanh, sau đó là gia phổ các con trai của Lê-vi. (1 Sử-ký 5:1-24; 6:1) Tiếp đến ông ghi tóm tắt về một số các chi phái khác ở phía tây Sông Giô-đanh và ghi chi tiết về dòng dõi của Bên-gia-min. (1 Sử-ký 8:1) Tên những cư dân đầu tiên ở thành Giê-ru-sa-lem sau khi từ Ba-by-lôn trở về cũng được ghi vào danh sách.—1 Sử-ký 9:1-16.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:18—Ai là cha của Sê-lách—Cai-nam hay A-bác-sát? (Lu-ca 3:35, 36) A-bác-sát là cha của Sê-lách. (Sáng-thế Ký 10:24; 11:12) Từ “Cai-nam” nơi Lu-ca 3:36 rất có thể là một biến thể của từ “Canh-đê”. Nếu đúng thế, trong bản gốc có thể được đọc là “con trai của người Canh-đê A-bác-sát”. Hoặc có thể Cai-nam và A-bác-sát cùng chỉ về một người. Điều đáng lưu ý là không tìm thấy cụm từ “con Cai-nam” trong một số các bản chép tay.

2:15—Phải chăng Đa-vít là con trai thứ bảy của Y-sai? Không. Y-sai có tám con trai và Đa-vít là con út. (1 Sa-mu-ên 16:10, 11; 17:12) Rất có thể một trong các con trai của Y-sai đã chết mà lại không con nối dõi. Vì người con trai này không có ảnh hưởng nào trong gia phổ nên E-xơ-ra đã không nhắc đến tên ông.

3:17—Tại sao Lu-ca 3:27 nói Sa-la-thi-ên, con Giê-chô-nia, là con của Nê-ri? Giê-chô-nia là cha của Sa-la-thi-ên. Song, dường như Nê-ri gả con gái cho Sa-la-thi-ên. Lu-ca nói về con rể như thể là con trai của Nê-ri, như ông đã làm trong trường hợp của ông Giô-sép, người được gọi là con trai Hê-li, cha của bà Ma-ri.—Lu-ca 3:23.

3:17-19—Xô-rô-ba-bên, Phê-đa-gia và Sa-la-thi-ên có quan hệ với nhau thế nào? Phê-đa-gia, người anh hoặc em của Sa-la-thi-ên, là cha của Xô-rô-ba-bên. Tuy nhiên, đôi khi Kinh Thánh gọi Xô-rô-ba-bên là con của Sa-la-thi-ên. (Ma-thi-ơ 1:12; Lu-ca 3:27) Có lẽ vì Phê-đa-gia chết và Xô-rô-ba-bên được Sa-la-thi-ên nuôi dưỡng. Hoặc có lẽ Sa-la-thi-ên chết mà lại không con nối dõi, thế nên Phê-đa-gia kết hôn với vợ góa của Sa-la-thi-ên theo bổn phận của anh em chồng, và Xô-rô-ba-bên là con đầu lòng của cuộc hôn nhân ấy.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-10.

5:1, 2—Nhận quyền trưởng nam có ý nghĩa gì với Giô-sép? Đó có nghĩa là Giô-sép nhận hai phần của sản nghiệp. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:17) Như vậy ông trở thành ông tổ của hai chi phái—Ép-ra-im và Ma-na-se. Mỗi người con trai khác của Y-sơ-ra-ên là ông tổ chỉ một chi phái mà thôi.

Bài học cho chúng ta:

1:1–9:44. Gia phổ của những người có thật chứng minh rằng toàn bộ sắp đặt về sự thờ phượng thật không căn cứ vào chuyện thần thoại nhưng dựa trên các sự kiện.

4:9, 10. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện tha thiết của Gia-bê xin mở rộng bờ cõi một cách thanh bình để có thể tiếp đón thêm nhiều người kính sợ Đức Chúa Trời. Khi sốt sắng tham gia vào việc đào tạo môn đồ, chúng ta cũng cần phải dâng những lời cầu nguyện chân thành cho số người thờ phượng Đức Chúa Trời được gia tăng.

5:10, 18-22. Trong triều đại Vua Sau-lơ, những chi phái ở phía đông Sông Giô-đanh đánh bại dân Ha-ga-rít dù chúng đông gấp đôi. Được như vậy là nhờ những chiến binh dũng cảm của các chi phái này tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tìm kiếm sự trợ giúp của Ngài. Chúng ta hãy có lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va khi tiến hành cuộc chiến thiêng liêng chống với kẻ thù đông kinh khủng.—Ê-phê-sô 6:10-17.

9:26, 27. Những người Lê-vi canh cửa nhận một trọng trách. Họ được giao chìa khóa cửa ra vào khu vực thánh của đền thờ. Họ chứng tỏ là đáng tin cậy trong việc mở các cửa mỗi ngày. Chúng ta được giao nhiệm vụ tìm cách đến với những người trong khu vực và giúp họ đến thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chẳng lẽ chúng ta không chứng tỏ mình đáng tin cậy như những người Lê-vi canh cửa hay sao?

ĐA-VÍT LÀM VUA CAI TRỊ

(1 Sử-ký 10:1–29:30)

Lời tường thuật bắt đầu với câu chuyện Vua Sau-lơ và ba con trai tử trận tại Núi Ghinh-bô-a khi tranh chiến với dân Phi-li-tin. Đa-vít, con trai Y-sai, được chi phái Giu-đa tôn lên làm vua. Những người từ các chi phái khác kéo đến Hếp-rôn và lập Đa-vít lên làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên. (1 Sử-ký 11:1-3) Ít lâu sau đó, ông chiếm được thành Giê-ru-sa-lem. Rồi dân Y-sơ-ra-ên thỉnh hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem “có tiếng vui-mừng, tiếng còi... và vang dậy giọng đàn-cầm đàn-sắt”.—1 Sử-ký 15:28.

Đa-vít bày tỏ ước muốn xây một ngôi đền dâng cho Đức Chúa Trời thật. Đức Giê-hô-va dành đặc ân này cho Sa-lô-môn nhưng Ngài lập với Đa-vít một giao ước về quyền cai trị. Khi Đa-vít tiếp tục chiến dịch tấn công các kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va ban cho ông hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Một cuộc tu bộ dân trái ý Đức Chúa Trời dẫn đến hậu quả 70.000 người chết. Sau khi được thiên sứ chỉ dẫn để dựng một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, Đa-vít mua lại một miếng đất của Ọt-nan, người Giê-bu-sít. Đa-vít bắt đầu “dự-bị rất nhiều đồ” để xây tại đó một ngôi đền “rất nguy-nga” dâng cho Đức Giê-hô-va. (1 Sử-ký 22:5) Đa-vít tổ chức các công việc của người Lê-vi, và điều này được miêu tả bằng nhiều chi tiết hơn bất cứ sách nào khác của Kinh Thánh. Vua và dân đóng góp rộng rãi cho đền thờ. Sau 40 năm trị vì, Đa-vít băng hà “thỏa nguyện về đời mình, về sự giàu-có, và về vinh-hiển; Sa-lô-môn, con trai người, cai-trị thế cho người”.—1 Sử-ký 29:28.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

11:11—Tại sao số người bị giết là 300, không phải là 800 như trong lời tường thuật về cùng một biến cố được ghi nơi 2 Sa-mu-ên 23:8? Người làm tướng các người mạnh dạn nhất của Đa-vít là Gia-sô-bê-am hay Giô-sép-Ba-sê-bết. Còn thêm hai người mạnh dạn khác là Ê-lê-a-sa và Sa-ma. (2 Sa-mu-ên 23:8-11) Lý do có sự khác nhau trong hai lời tường thuật rất có thể là vì mỗi câu chuyện nói về chiến công khác của người đó.

11:20, 21—A-bi-sai có vị thế nào so với ba người mạnh dạn chính của Đa-vít? A-bi-sai không phải là một trong ba người mạnh dạn nhất phục vụ Đa-vít. Tuy nhiên, theo 2 Sa-mu-ên 23:18, 19 (Tòa Tổng Giám Mục), ông làm tướng của 30 dõng sĩ và có danh hơn hết. * A-bi-sai có danh tiếng bằng ba người mạnh dạn chính vì ông có chiến công đáng kể tương tự Gia-sô-bê-am.

12:8—Những chiến binh của chi phái Gát có “diện-mạo như sư-tử” nghĩa là gì? Những chiến binh mạnh mẽ này sát cánh với Đa-vít trong đồng vắng. Tóc họ mọc dài. Với tóc dài và rậm như thế, họ có dáng vẻ dữ tợn như sư tử.

13:5—“Si-ho, khe Ê-díp-tô” là gì? Vì từ “Si-ho” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “sông”, một số người nghĩ rằng cụm từ này, còn gọi là “sông Ê-díp-tô”, chỉ về một nhánh của Sông Ni-lơ. Tuy nhiên, người ta thường hiểu rằng từ này chỉ về “lối suối Ê-díp-tô”—một khe suối dài hình thành biên giới phía tây nam của Đất Hứa.—Dân-số Ký 34:2, 5; Sáng-thế Ký 15:18.

16:30—“Run-sợ” trước mặt Đức Giê-hô-va có nghĩa gì? Từ “run-sợ” nơi đây được dùng theo nghĩa bóng, biểu thị lòng kính sợ sâu xa đối với Đức Giê-hô-va.

16:1, 37-40; 21:29, 30; 22:19—Những sắp đặt nào về sự thờ phượng vẫn có hiệu lực trong nước Y-sơ-ra-ên từ thời hòm giao ước được thỉnh về Giê-ru-sa-lem cho đến khi đền thờ được xây? Trước khi Đa-vít thỉnh hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem và đặt trong lều mà ông đã làm, thì trong nhiều năm hòm giao ước đã không được đặt trong đền tạm. Sau khi được chuyển, hòm giao ước vẫn ở trong lều đó, tại Giê-ru-sa-lem. Đền tạm thì ở Ga-ba-ôn, nơi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Xa-đốc và anh em ông thực hiện việc tế lễ theo quy định trong Luật Pháp. Sự sắp đặt này tiếp tục cho đến khi đền thờ ở Giê-ru-sa-lem được hoàn thành. Khi xây xong đền thờ, đền tạm được chuyển từ Ga-ba-ôn về Giê-ru-sa-lem, và hòm giao ước được đặt tại nơi Chí Thánh trong đền thờ.—1 Các Vua 8:4, 6.

Bài học cho chúng ta:

13:11. Thay vì tức giận và oán trách Đức Giê-hô-va khi những nỗ lực không đạt kết quả, chúng ta phải phân tích hoàn cảnh và cố gắng xem xét nguyên nhân nào gây thất bại. Chắc chắn Đa-vít đã làm thế. Ông đã học hỏi từ lỗi lầm của mình, và sau đó thành công trong việc thỉnh hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem theo đúng phương cách. *

14:10, 13-16; 22:17-19. Chúng ta nên luôn đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài trước khi làm bất cứ điều gì sẽ ảnh hưởng chúng ta về mặt thiêng liêng.

16:23-29. Thờ phượng Đức Giê-hô-va phải là mối quan tâm bậc nhất trong đời sống chúng ta.

18:3. Đức Giê-hô-va là Đấng Hoàn Thành các lời hứa của Ngài. Qua Đa-vít, Ngài thực hiện lời hứa ban cho dòng dõi Áp-ra-ham toàn thể đất Ca-na-an, trải dài “từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát”.—Sáng-thế Ký 15:18; 1 Sử-ký 13:5.

21:13-15. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho thiên sứ ngừng giáng ôn dịch vì Ngài nhạy cảm với nỗi đau của dân Ngài. Thật thế, “sự thương-xót của Ngài rất lớn”. *

22:5, 9; 29:3-5, 14-16. Dù không được đặc ân xây đền thờ cho Đức Giê-hô-va, Đa-vít đã thể hiện một tinh thần rộng rãi. Tại sao? Vì ông hiểu rất rõ mọi thứ ông có được là nhờ sự tốt lành của Đức Giê-hô-va. Có cùng cảm xúc biết ơn như thế hẳn phải thôi thúc chúng ta biểu lộ tinh thần rộng rãi.

24:7-18. Sự sắp đặt 24 ban thứ thi hành nhiệm vụ tế lễ mà Đa-vít lập vẫn còn hiệu lực khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít, và báo cho ông về việc Giăng chào đời. Là người thuộc “về ban A-bi-a”, Xa-cha-ri đang phục vụ tại đền thờ theo thứ tự ban mình vào thời điểm ấy. (Lu-ca 1:5, 8, 9) Sự thờ phượng thật liên quan đến những nhân vật có thật trong lịch sử, không phải nhân vật trong thần thoại. Chúng ta nhận được nhiều ân phước khi trung thành hợp tác với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va được tổ chức chu đáo ngày nay.—Ma-thi-ơ 24:45.

Hãy “hết lòng vui ý” phụng sự Đức Giê-hô-va

Sách Sử-ký Thứ Nhất không phải chỉ ghi lại gia phổ. Sách còn tường thuật việc Đa-vít chuyển hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem, những chiến công đáng kể của ông, việc chuẩn bị xây đền thờ, và việc sắp đặt ban thứ thuộc dòng Lê-vi thi hành nhiệm vụ tế lễ. Mọi việc ông E-xơ-ra kể lại trong sách Sử-ký Thứ Nhất chắc chắn mang lại lợi ích cho dân Y-sơ-ra-ên, giúp họ củng cố lòng sốt sắng trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền thờ.

Thật là một gương tốt mà Đa-vít đã nêu trong việc đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống! Thay vì tìm những đặc ân quý báu cho mình, Đa-vít tìm cách làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta được khuyến khích áp dụng lời ông khuyên là “hết lòng vui ý” phụng sự Đức Giê-hô-va.—1 Sử-ký 28:9.

[Chú thích]

^ đ. 3 Trong bài này, tên được viết theo sách 1 Sử-ký.

^ đ. 4 Câu này nói: “Ông A-vi-sai, em ông Giô-áp, con bà Xơ-ru-gia, là người chỉ huy Nhóm Ba Mươi... Ông được vinh dự nhất trong Nhóm Ba Mươi, nên ông được đứng đầu, nhưng không được vào Bộ Ba”.

^ đ. 2 Về những bài học khác từ việc Đa-vít cố gắng chuyển hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem, xin xem Tháp Canh ngày 15-5-2005, trang 16-19.

^ đ. 6 Về những bài học khác liên quan đến việc Đa-vít tu bộ dân trái ý Đức Chúa Trời, xin xem Tháp Canh ngày 15-5-2005, trang 16-19.

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 8-11]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Các thế hệ từ A-đam đến Nô-ê (1.056 năm)

4026 TCN A-đam

130 năm ⇩

Sết

105 ⇩

Ê-nót

90 ⇩

Kê-nan

70 ⇩

Ma-ha-la-le

65 ⇩

Giê-rệt

162 ⇩

Hê-nóc

65 ⇩

Mê-tu-sê-la

187 ⇩

Lê-méc

182 ⇩

2970 TCN NÔ-Ê ra đời

Các thế hệ từ Nô-ê đến Áp-ra-ham (952 năm)

2970 TCN Nô-ê

502 năm ⇩

Sem

100 ⇩

TRẬN NƯỚC LỤT 2370 TCN

A-bác-sát

35 ⇩

Sê-lách

30 ⇩

Hê-be

34 ⇩

Bê-lét

30 ⇩

Rê-hu

32 ⇩

Sê-rúc

30 ⇩

Na-cô

29 ⇩

Tha-rê

130 ⇩

2018 TCN ÁP-RA-HAM ra đời

Từ Áp-ra-ham đến Đa-vít: 14 thế hệ (911 năm)

2018 TCN Áp-ra-ham

100 năm

Y-sác

60 ⇩

Gia-cốp

khoảng 88 ⇩

Giu-đa

Phê-rết

Hết-rôn

Ram

A-mi-na-đáp

Na-ha-sôn

Sanh-môn

Bô-ô

Ô-bết

Y-sai

1107 TCN ĐA-VÍT ra đời