Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đạo Đấng Christ lan rộng trong vòng những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất

Đạo Đấng Christ lan rộng trong vòng những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất

Đạo Đấng Christ lan rộng trong vòng những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất

MỘT buổi họp quan trọng diễn ra ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 49 CN. Tại buổi họp này có Giăng, Phi-e-rơ và Gia-cơ (em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su) là “những người được tôn như cột-trụ” của hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Hai người khác tham dự là sứ đồ Phao-lô và người bạn đồng hành Ba-na-ba. Vấn đề bàn thảo trong buổi họp là tìm cách chia khu vực rộng lớn ra để rao giảng. Phao-lô giải thích: “[Họ] trao tay hữu giao-kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt-bì”.—Ga-la-ti 2:1, 9. *

Chúng ta nên hiểu sự thỏa thuận này như thế nào? Phải chăng khu vực rao giảng tin mừng được chia một bên là người Do Thái và những người cải đạo, còn bên kia là những người dân ngoại? Hoặc sự thỏa thuận này thật ra là chia theo khu vực địa lý? Để tìm câu trả lời hợp lý, chúng ta cần hiểu thêm lịch sử của cộng đồng Do Thái, những người Do Thái sống ngoài xứ Pha-lê-tin.

Thế giới Do Thái vào thế kỷ thứ nhất

Có bao nhiêu người Do Thái sống trong các cộng đồng Do Thái vào thế kỷ thứ nhất? Nhiều học giả dường như đồng ý với ấn phẩm Atlas of the Jewish World (Bản đồ thế giới Do Thái): “Khó biết được con số chính xác, nhưng người ta ước lượng hợp lý rằng ít lâu trước năm 70 có hai triệu rưởi người Do Thái ở xứ Giu-đê và hơn bốn triệu ở những cộng đồng Do Thái trong vùng khác thuộc đế quốc La Mã... Rất có thể có chừng 10 phần trăm người Do Thái trong toàn thể dân số của đế quốc. Và tại những nơi mà họ sống tập trung nhiều nhất, trong những thành phố ở các tỉnh miền đông, có thể họ chiếm đến 25 phần trăm hoặc hơn so với dân số trong thành”.

Những cộng đồng chính của người Do Thái ở Sy-ri, Tiểu Á, Ba-by-lôn và Ê-díp-tô (Ai Cập), nằm ở miền đông còn những cộng đồng nhỏ hơn ở Âu Châu. Một số tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được nhiều người biết đến xuất xứ từ những cộng đồng Do Thái: Ba-na-ba từ Chíp-rơ, Bê-rít-sin và A-qui-la từ xứ Bông và sau đó dời đến thành Rô-ma, A-bô-lô từ A-léc-xan-tri, còn Phao-lô từ Tạt-sơ.—Công-vụ 4:36; 18:2, 24; 22:3.

Các cộng đồng người Do Thái ở hải ngoại giữ nhiều liên lạc với quê nhà. Một là thuế má gửi đến đền thờ Giê-ru-sa-lem, một cách để tham gia vào sinh hoạt và sự thờ phượng tại đền thờ. Về sự kiện này, học giả John Barclay nhận xét: “Có đủ bằng chứng cho thấy là các cộng đồng Do Thái hải ngoại thận trọng đảm nhận việc thu tiền này, số tiền được tăng lên nhờ sự đóng góp thêm của những người giàu”.

Một cách liên lạc khác là hàng chục ngàn người hành hương đến Giê-ru-sa-lem mỗi năm để dự các lễ hội. Công-vụ 2:9-11 tường thuật về Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN cho thấy điều này. Những người Do Thái hành hương đến từ Bạt-thê, Mê-đi, Ê-lam, Mê-sô-bô-ta-mi, Cáp-ba-đốc, Bông, A-si, Phi-ri-gi, Bam-phi-ly, Ê-díp-tô, Li-by, thành Rô-ma, Cơ-rết và Ả-rập (A-ra-bi).

Ban điều hành đền thờ Giê-ru-sa-lem liên lạc với những người Do Thái ở cộng đồng hải ngoại bằng thư từ. Người ta cho rằng Ga-ma-li-ên, một luật sư đề cập nơi Công-vụ 5:34, đã gửi thư đến xứ Ba-by-lôn và những nơi khác. Khi sứ đồ Phao-lô bị bắt giải đến Rô-ma vào năm 59 CN, “các trưởng-lão trong dân Giu-đa” cho ông biết rằng “chúng tôi chẳng tiếp thơ-từ xứ Giu-đê nói về việc anh, và chẳng ai trong anh em đã đến mách cho chúng tôi hay là nói xấu về anh nữa”. Sự kiện này cho biết các thư từ và báo cáo được gửi thường xuyên từ quê nhà đến Rô-ma.—Công-vụ 28:17, 21.

Kinh Thánh của cộng đồng Do Thái ở hải ngoại là bản tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được gọi là bản Septuagint. Một tài liệu tham khảo ghi: “Có thể kết luận hợp lý là bản dịch LXX [Septuagint] được người ta đọc và chấp nhận trong các cộng đồng Do Thái, họ xem đó là Thánh Thư Do Thái ở hải ngoại”. Chính bản này được các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu dùng rất nhiều để dạy dỗ.

Các thành viên trong hội đồng lãnh đạo trung ương của đạo Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem hiểu rõ tình trạng này. Tin mừng đã được giảng trong cộng đồng Do Thái ở Sy-ri và xa hơn nữa, kể cả thành Đa-mách và An-ti-ốt. (Công-vụ 9:19, 20; 11:19; 15:23, 41; Ga-la-ti 1:21) Tại buổi họp vào năm 49 CN, những người hiện diện hẳn đã hoạch định cho công việc tương lai. Chúng ta hãy xem những gì Kinh Thánh nói về việc tin mừng được lan rộng trong vòng người Do Thái và người cải đạo Do Thái.

Những chuyến hành trình của Phao-lô và người Do Thái trong cộng đồng

Lúc đầu, nhiệm vụ của sứ đồ Phao-lô là “đem danh [Chúa Giê-su Christ] đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con-cái Y-sơ-ra-ên”. * (Công-vụ 9:15) Sau cuộc họp tại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô tiếp tục ghé thăm cộng đồng Do Thái ở bất cứ nơi nào ông đi qua. (Xin xem khung trang 14). Sự kiện này cho thấy việc thỏa thuận về sự phân chia khu vực có thể căn cứ theo lãnh thổ chứ không phải theo quốc tịch Do Thái hay không phải Do Thái. Phao-lô và Ba-na-ba mở rộng công việc rao giảng về phía tây, còn những người khác phục vụ người Do Thái tại quê nhà và những cộng đồng lớn ở miền đông.

Khi Phao-lô và những bạn đồng hành của ông bắt đầu chuyến hành trình giáo sĩ lần thứ hai từ An-ti-ốt ở Sy-ri, họ được dẫn về hướng tây qua vùng Tiểu Á cho đến Trô-ách. Từ đấy họ băng qua Ma-xê-đoan vì kết luận rằng “Đức Chúa Trời gọi [họ] rao-truyền Tin-lành ở đó”. Sau đó, hội thánh đạo Đấng Christ khởi mọc lên trong những thành phố khác ở Âu Châu, kể cả A-thên và Cô-rinh-tô.—Công-vụ 15:40, 41; 16:6-10; 17:1–18:18.

Khoảng năm 56 CN, cuối chuyến hành trình giáo sĩ lần thứ ba, Phao-lô dự tính đi xa hơn nữa về hướng tây và mở rộng khu vực mà ông đã được giao phó trong buổi họp tại Giê-ru-sa-lem. Ông viết: “Hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin-lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma”, và “tôi sẽ ghé nơi anh em đặng đi đến xứ Y-pha-nho [Tây Ban Nha]”. (Rô-ma 1:15; 15:24, 28) Nhưng còn những cộng đồng lớn ở miền đông thì sao?

Cộng đồng Do Thái ở miền đông

Vào thế kỷ thứ nhất CN, Ai Cập có cộng đồng Do Thái lớn nhất ở hải ngoại, nhất là tại thủ đô A-léc-xan-tri. Trung tâm thương mại và văn hóa này có hàng trăm ngàn dân Do Thái, với những nhà hội rải rác khắp thành phố. Ông Philo, một người Do Thái ở A-léc-xan-tri cho rằng trong cả nước Ai Cập, có ít nhất một triệu người Do Thái vào thời ấy. Một số khá lớn cũng định cư ở xứ Li-by gần đó, trong thành Sy-ren và những vùng phụ cận.

Một số người Do Thái đã trở thành tín đồ Đấng Christ xuất xứ từ những vùng này. Chúng ta đọc về “A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri”, “một vài người quê ở Chíp-rơ và Sy-ren” và “Lu-si-út người Sy-ren” đã củng cố hội thánh ở An-ti-ốt thuộc Sy-ri. (Công-vụ 2:10, 11; 11:19, 20; 13:1; 18:24) Ngoài những sự đề cập này, Kinh Thánh không nói gì về công việc rao giảng của các tín đồ thời ban đầu ở Ai Cập và những vùng phụ cận, ngoại trừ việc người rao giảng tin mừng Phi-líp làm chứng cho hoạn quan người Ê-thi-ô-bi.—Công-vụ 8:26-39.

Một trung tâm quan trọng khác là ở Ba-by-lôn, và một phần của vùng Bạt-thê, Mê-đi và Ê-lam. Một sử gia nói rằng “mỗi khu vực trong đồng bằng giữa Sông Tigris và Sông Ơ-phơ-rát, từ Armenia đến Vịnh Ba Tư, cũng như về hướng đông bắc đến Biển Caspi, và về hướng đông đến Mê-đi, nơi nào cũng có dân Do Thái sinh sống”. Bách khoa tự điển Encyclopaedia Judaica ước lượng con số của họ là 800.000 hay hơn nữa. Sử gia Josephus vào thế kỷ thứ nhất cho chúng ta biết hàng chục ngàn người Do Thái ở Ba-by-lôn đi đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ hội hàng năm.

Có một số người hành hương đến từ Ba-by-lôn làm báp têm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN không? Chúng ta không biết, nhưng trong số những người nghe sứ đồ Phi-e-rơ giảng vào ngày đó có những người đến từ Mê-sô-bô-ta-mi. (Công-vụ 2:9) Chúng ta biết là sứ đồ Phi-e-rơ ở Ba-by-lôn khoảng năm 62-64 CN. Trong lúc ở đó, ông viết lá thư thứ nhất và cũng có thể luôn cả lá thư thứ hai. (1 Phi-e-rơ 5:13) Ba-by-lôn với dân số Do Thái đông đảo hiển nhiên được xem là phần khu vực được chỉ định cho Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ tại buổi họp được nhắc đến trong thư gửi cho người Ga-la-ti.

Hội thánh Giê-ru-sa-lem và người Do Thái trong cộng đồng hải ngoại

Gia-cơ, người cũng tham dự buổi họp bàn về khu vực, đã phục vụ với tư cách giám thị trong hội thánh Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 12:12, 17; 15:13; Ga-la-ti 1:18, 19) Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, ông chứng kiến tận mắt hàng ngàn người Do Thái sống trong cộng đồng đến Giê-ru-sa-lem đã hưởng ứng tin mừng và chịu báp têm.—Công-vụ 1:14; 2:1, 41.

Thời ấy và sau đó hàng ngàn người Do Thái đến dự lễ hội hàng năm. Thành phố quá đông, nên khách phải ở những làng chung quanh hay trong lều. Ngoài việc gặp gỡ bạn bè, bách khoa tự điển Encyclopaedia Judaica giải thích rằng khách hành hương vào đền thờ để thờ phượng, dâng của-lễ và nghe giảng kinh Torah.

Chắc chắn, Gia-cơ và các anh em trong hội thánh Giê-ru-sa-lem đã lợi dụng những cơ hội này để làm chứng cho dân Do Thái từ các cộng đồng xa đến. Có lẽ các sứ đồ phải hết sức thận trọng trong thời kỳ “Hội-thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt-bớ dữ-tợn” sau vụ Ê-tiên bị giết. (Công-vụ 8:1) Như Kinh Thánh tường thuật, trước và sau biến cố đó, lòng sốt sắng rao giảng của các tín đồ Đấng Christ này đã đưa đến sự gia tăng.—Công-vụ 5:42; 8:4; 9:31.

Chúng ta rút tỉa được điều gì?

Quả thật, các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu cố gắng hết sức để liên lạc với dân Do Thái ở bất cứ nơi nào. Đồng thời Phao-lô và những người khác cũng đã giảng cho Dân Ngoại ở Âu Châu. Họ vâng theo lệnh đào tạo môn đồ trong muôn dân mà Chúa Giê-su đã truyền cho các môn đồ trước khi chia tay với họ.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

Qua gương họ, chúng ta có thể học được tầm quan trọng của việc rao giảng một cách có tổ chức để nhận được sự hỗ trợ của thánh linh Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng thấy được lợi ích của việc cố gắng gặp những người tôn trọng Lời Đức Chúa Trời, nhất là trong những khu vực có ít Nhân Chứng Giê-hô-va. Có một vài vùng trong khu vực thuộc hội thánh bạn có nhiều kết quả hơn những vùng khác không? Có thể hữu ích nếu rao giảng trong những khu ấy thường xuyên hơn. Có những dịp đặc biệt nào tại địa phương thích hợp cho việc làm chứng bán chính thức và ngoài đường phố không?

Không những chúng ta được lợi ích khi đọc trong Kinh Thánh về những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu mà còn biết thêm một số chi tiết về lịch sử và địa lý nữa. Một công cụ chúng ta có thể dùng để mở mang kiến thức là sách mỏng ‘Hãy xem xứ tốt-tươi’, trong đó có nhiều bản đồ và hình ảnh.

[Chú thích]

^ đ. 2 Buổi họp này diễn ra có lẽ vào lúc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương vào thế kỷ thứ nhất thảo luận về việc cắt bì hoặc có lẽ vì liên hệ đến cuộc thảo luận đó.—Công-vụ 15:6-29.

^ đ. 13 Bài này tập trung vào việc Phao-lô làm chứng cho người Do Thái, chứ không phải việc ông làm “sứ-đồ cho dân ngoại”.—Rô-ma 11:13.

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 14]

SỨ ĐỒ PHAO-LÔ QUAN TÂM ĐẾN CỘNG ĐỒNG DO THÁI

TRƯỚC BUỔI HỌP Ở GIÊ-RU-SA-LEM NĂM 49 CN

Công-vụ 9:19, 20 Đa-mách​— “người liền giảng-dạy trong các nhà hội”

Công-vụ 9:29 Giê-ru-sa-lem​— “giảng cho những người Do thái nói tiếng Hy-lạp” (Trịnh Văn Căn)

Công-vụ 13:5 Sa-la-min, Chíp-rơ​— “giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa”

Công-vụ 13:14 An-ti-ốt xứ Bi-si-đi​— “vào trong nhà hội”

Công-vụ 14:1 Y-cô-ni​— “vào nhà hội của người Giu-đa”

SAU BUỔI HỌP Ở GIÊ-RU-SA-LEM NĂM 49 CN

Công-vụ 16:14 Phi-líp​— “Ly-đi,... kính-sợ Đức Chúa Trời”

Công-vụ 17:1 Tê-sa-lô-ni-ca​— “ở đó người Giu-đa có một nhà hội”

Công-vụ 17:10 Bê-rê​— “nhà hội người Giu-đa”

Công-vụ 17:17 A-thên​— “biện-luận trong nhà hội với người Giu-đa”

Công-vụ 18:4 Cô-rinh-tô​— “giảng-luận trong nhà hội”

Công-vụ 18:19 Ê-phê-sô​— “vào nhà hội, nói chuyện với những người Giu-đa”

Công-vụ 19:8 Ê-phê-sô​— “vào nhà hội, và trong ba tháng giảng-luận một cách dạn-dĩ”

Công-vụ 28:17 Rô-ma​— “mời các trưởng-lão trong dân Giu-đa nhóm lại”

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Những người nghe tin mừng vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đến từ một vùng rộng lớn

I-LY-RI

Y-TA-LI

Rô-ma

MA-XÊ-ĐOAN

HY LẠP

A-thên

CƠ-RẾT

Sy-ren

LI-BY

BI-THI-NI

GA-LA-TI

A-SI

PHI-RI-GI

BAM-PHI-LY

CHÍP-RƠ

Ê-DÍP-TÔ

Ê-THI-Ô-BI

BÔNG

CÁP-BA-ĐỐC

SI-LI-SI

MÊ-SÔ-BÔ-TA-MI

SY-RI

SA-MA-RI

Giê-ru-sa-lem

GIU-ĐÊ

MÊ-ĐI

Ba-by-lôn

Ê-LAM

A-RA-BI

BẠT-THÊ

[Bodies of water]

Địa Trung Hải

Biển Đen

Biển Đỏ

Vịnh Ba Tư