Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va sẽ chẳng lìa bạn đâu

Đức Giê-hô-va sẽ chẳng lìa bạn đâu

Đức Giê-hô-va sẽ chẳng lìa bạn đâu

TÍN ĐỒ Đấng Christ ở xứ Giu-đê bị chống đối dữ dội và phải cưỡng lại quan điểm theo đuổi vật chất của những người chung quanh. Để khuyến khích họ, sứ đồ Phao-lô trích lời Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên khi họ vào Đất Hứa. Phao-lô viết: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5; Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6) Lời hứa này hẳn đã giúp tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái vào thế kỷ thứ nhất được vững mạnh.

Lời hứa này chắc hẳn cũng giúp chúng ta được vững mạnh để đối phó với những mối lo âu của cuộc sống mà “thời-kỳ khó-khăn” này gây ra. (2 Ti-mô-thê 3:1) Nếu tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và hành động phù hợp với sự tin cậy đó thì Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Để biết Đức Giê-hô-va có thể giữ lời hứa này như thế nào, chúng ta hãy xem trường hợp khi một người bỗng nhiên bị mất sinh kế.

Đối phó với hoàn cảnh thay đổi bất ngờ

Số người thất nghiệp đang gia tăng trên khắp thế giới. Theo một tạp chí Ba Lan, nạn thất nghiệp được coi là “một trong những vấn đề khó khăn nhất về kinh tế xã hội”. Các nước phát triển về kỹ nghệ cũng gặp vấn đề này. Thí dụ, ngay cả trong số những nước nằm trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế thì đến năm 2004, nạn thất nghiệp đã “lên đến hơn 32 triệu, một con số cao hơn số người thất nghiệp vào những năm xảy ra cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế trong thập niên 1930”. Tại Ba Lan, Tổng Nha Thống Kê cho biết ba triệu người thất nghiệp vào tháng 12 năm 2003. Đây “là 18 phần trăm dân số ở tuổi có thể đi làm nhưng không có việc”. Một tài liệu khác cho biết tỷ lệ thất nghiệp của dân gốc Phi Châu tại Nam Phi lên đến 47,8 phần trăm trong năm 2002!

Bỗng nhiên bị mất việc và bị cho nghỉ việc bất ngờ là mối đe dọa có thật đối với nhiều người, kể cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va. “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”. (Truyền-đạo 9:11, NW) Ngay cả chúng ta có thể ở trong tình trạng phải thốt lên lời như của Đa-vít: “Sự bối-rối nơi lòng tôi đã thêm nhiều”. (Thi-thiên 25:17) Bạn có thể đối phó với những tình huống khó khăn như thế không? Những tình huống đó có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm linh và tình trạng tài chính của bạn. Nếu đang thất nghiệp, bạn có thể lo sao cho cuộc sống được trở lại bình thường như trước không?

Đối phó với cảm xúc căng thẳng

Nhà tâm lý học Janusz Wietrzyński giải thích: “Đàn ông bị khổ nhiều hơn khi mất việc” vì thường thường người ta coi đàn ông là người kiếm tiền nuôi gia đình. Ông nói rằng khi thất nghiệp, người đàn ông có thể bị “xáo trộn về cảm xúc”, lúc thì giận dữ, lúc thì cảm thấy vô vọng. Một người cha bị mất việc có thể mất đi lòng tự trọng và trở nên “ưa cãi lộn với gia đình”.

Anh Adam, một tín đồ Đấng Christ có hai con, giải thích cảm xúc của anh khi bị mất việc: “Tôi rất dễ trở nên bực bội. Cái gì cũng làm tôi tức tối. Ngay cả khi ngủ, tôi toàn mơ đến công ăn việc làm và làm sao để nuôi vợ con. Vợ tôi cũng bất ngờ bị thất nghiệp nữa”. Khi anh Ryszard và vợ là chị Mariola bị thất nghiệp, họ có một con nhỏ và nợ nhà băng một món tiền lớn. Người vợ kể lại: “Tôi thường xuyên bị cắn rứt. Lương tâm tôi cho biết là tôi đã tính sai khi mượn tiền nhà băng. Tôi luôn nghĩ tất cả đều là lỗi tại tôi”. Khi gặp những hoàn cảnh như thế, chúng ta có thể dễ nóng giận, lo âu, hoặc cay đắng và cảm xúc có thể vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được những cảm xúc không hay nảy sinh trong lòng chúng ta?

Những lời khuyên hữu hiệu của Kinh Thánh cho biết cách duy trì thái độ tích cực. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Đến với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện sẽ cho chúng ta “sự bình-an của Đức Chúa Trời”, một tâm trạng bình an dựa trên đức tin nơi Ngài. Vợ anh Adam là chị Irena nói: “Trong những lời cầu nguyện, chúng tôi trình bày với Đức Giê-hô-va về hoàn cảnh của chúng tôi và làm thế nào chúng tôi có thể làm cho đời sống giản dị hơn nữa. Chồng tôi có tính hay lo lắng, nhưng giờ thì anh ấy cảm thấy là sẽ có giải pháp”.

Nếu bỗng nhiên bị mất việc thì bạn có dịp áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su trong Bài Giảng trên Núi: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc... Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:25, 33) Anh Ryszard và chị Mariola áp dụng lời khuyên này để đối phó với những cảm xúc của mình. Chị Mariola hồi tưởng lại và nói: “Chồng tôi luôn luôn an ủi tôi và nhấn mạnh là Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ chúng tôi”. Chồng chị phụ thêm: “Vì bền chí cầu nguyện chung với nhau nên chúng tôi đến gần Đức Chúa Trời hơn, gần gũi nhau hơn và điều này cho chúng tôi một niềm an ủi mà chúng tôi cần”.

Thánh linh của Đức Chúa Trời cũng có thể giúp chúng ta đối phó với cảm xúc và phát triển tính tiết độ hay tự chủ. Đức tính này có thể giúp chúng ta bình tĩnh. (Ga-la-ti 5:22) Điều này không phải dễ dàng, nhưng có thể đạt được vì Chúa Giê-su hứa rằng: “Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài [sao]!”—Lu-ca 11:13; 1 Giăng 5:14, 15.

Chớ sao lãng nhu cầu thiêng liêng

Bỗng nhiên bị mất việc có thể lúc đầu gây lo sợ ngay cả cho một tín đồ Đấng Christ có tính thăng bằng. Tuy nhiên, chúng ta chớ sao lãng những nhu cầu về thiêng liêng. Thí dụ, hãy xem gương của Môi-se khi ông 40 tuổi. Cuộc đời ông đảo lộn khi bị mất hết chức tước trong hàng quý tộc và phải đi chăn chiên, một việc mà dân Ê-díp-tô khinh thường. (Sáng-thế Ký 46:34) Môi-se đã phải trở nên thích hợp với hoàn cảnh mới. Trong 40 năm sau, ông để Đức Giê-hô-va uốn nắn và chuẩn bị hầu ông có thể gánh vác những trách nhiệm trong tương lai. (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-22; Công-vụ 7:29, 30; Hê-bơ-rơ 11:24-26) Dù gặp khó khăn, Môi-se nhắm vào những điều thiêng liêng, sẵn sàng để Đức Giê-hô-va huấn luyện. Mong sao chúng ta chớ bao giờ để những tình huống khó khăn làm những điều thiêng liêng phai mờ trong tâm trí chúng ta!

Mặc dù bị mất việc một cách bất ngờ có thể làm chúng ta gian nan, nhưng đây là lúc tốt để chúng ta thắt chặt mối quan hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và dân Ngài. Anh Adam, được đề cập ở trên, cảm thấy như vậy. Anh nói: “Khi cả hai vợ chồng chúng tôi bị mất việc, chúng tôi không hề nghĩ đến việc bỏ những buổi họp của đạo Đấng Christ hoặc bớt tham gia vào hoạt động rao giảng tin mừng. Điều này giúp chúng tôi tránh quá lo lắng về ngày mai”. Anh Ryszard cũng có cảm nghĩ tương tự: “Nếu không có những buổi họp và không đi rao giảng, chúng tôi không thể nào đối phó nổi và chắc chắn chúng tôi đã phải ngày đêm lo lắng. Trò chuyện về thiêng liêng với những người khác giúp chúng tôi được lên tinh thần và chú ý đến nhu cầu của họ chứ không chỉ nghĩ về nhu cầu của riêng mình”.—Phi-líp 2:4.

Thật vậy, thay vì lo nghĩ về công ăn việc làm, hãy cố dùng thì giờ mình có vào những hoạt động thiêng liêng, học hỏi cá nhân, tham gia vào những hoạt động của hội thánh hoặc nới rộng thánh chức. Thay vì không có gì để làm, bạn sẽ “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”. Điều này sẽ đem lại niềm vui cho cả bạn lẫn những người chân thật hưởng ứng thông điệp về Nước Trời mà bạn rao báo.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

Cung cấp vật chất cho gia đình

Tuy nhiên, đồ ăn về thiêng liêng không cho chúng ta được no bụng. Chúng ta nên nhớ nguyên tắc sau đây: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Anh Adam công nhận: “Tuy các anh chị trong hội thánh sẵn lòng giúp đỡ, nhưng vì là tín đồ Đấng Christ, chúng tôi có trách nhiệm tìm kiếm việc làm”. Chúng ta có thể trông mong được Đức Giê-hô-va và dân Ngài giúp đỡ, nhưng chúng ta chớ bao giờ quên là chúng ta cần phải chủ động đi tìm việc làm.

Chủ động làm gì? Anh Adam giải thích: “Không nên ngồi ở nhà và mong đợi Đức Chúa Trời ra tay làm phép lạ. Khi tìm việc, không nên ngần ngại cho chủ biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va. Thường thường chủ coi trọng điều này”. Anh Ryszard khuyên: “Hãy hỏi những người quen để xem họ biết nơi nào có việc không, tiếp tục liên hệ với cơ quan tìm việc, và đọc mục cần người giúp việc như: ‘Cần một phụ nữ trông nom người tàn tật’ hoặc ‘Công việc tạm thời: Cần người gác cổng’. Hãy tiếp tục tìm việc! Không nên quá kén chọn dù phải làm việc nhỏ mọn hoặc việc không vừa ý”.

Đúng vậy, “Chúa giúp-đỡ [bạn]”. Ngài sẽ “chẳng lìa [bạn] đâu, chẳng bỏ [bạn] đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5, 6) Bạn không phải lo lắng quá mức. Một người soạn Thi-thiên là Đa-vít đã viết: “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”. (Thi-thiên 37:5) “Phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va” có nghĩa là chúng ta nhờ cậy nơi Ngài và làm mọi chuyện theo đường lối Ngài, ngay cả khi tình huống có vẻ không thuận lợi đối với chúng ta.

Để quán xuyến gia đình, anh Adam và chị Irena đi rửa cửa kiếng, lau chùi cầu thang và chi tiêu tằn tiện. Họ cũng thường xuyên đến cơ quan tìm việc xem có việc hay không. Chị Irena nói: “Chúng tôi được giúp đỡ thật đúng lúc”. Chồng chị phụ thêm: “Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy là những vấn đề mà chúng tôi thưa với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện đã không hẳn phù hợp với ý định của Ngài. Điều này giúp chúng tôi học được một bài học là phải nương cậy vào sự khôn ngoan của Ngài và không hành động theo sự hiểu biết riêng của mình. Tốt hơn là bình tĩnh chờ đợi Đức Chúa Trời cho biết cách giải quyết”.—Gia-cơ 1:4.

Anh Ryszard và chị Mariola làm nhiều công việc lặt vặt đồng thời tham gia vào việc làm chứng tại những khu vực có nhiều nhu cầu. Anh Ryszard nói: “Chúng tôi kiếm được việc đúng vào lúc chúng tôi không còn gì để ăn. Có những việc trả lương cao nhưng chúng tôi không nhận vì những việc này không cho phép chúng tôi chu toàn trách nhiệm thần quyền. Chúng tôi muốn chờ đợi Đức Giê-hô-va”. Hai anh chị này tin là Đức Giê-hô-va đã khéo léo sắp xếp mọi sự để họ có thể mướn được một chỗ ở rất rẻ và anh Ryszard cuối cùng đã tìm được việc.

Mất đi sinh kế có thể gây đau buồn, nhưng sao bạn không coi đó như một dịp để chính bạn cảm nghiệm được sự kiện là Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ bạn? Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc bạn. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Qua nhà tiên tri Ê-sai, Ngài hứa: “Chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”. (Ê-sai 41:10) Chớ bao giờ để một điều gì bất ngờ xảy ra làm bạn mất tinh thần, kể cả khi bị mất việc. Hãy làm hết sức mình và để mọi chuyện trong tay Đức Giê-hô-va. Hãy chờ đợi Ngài, dù phải chờ đợi một cách “yên-lặng”. (Ca-thương 3:26) Bạn sẽ nhận được ân phước dồi dào.—Giê-rê-mi 17:7.

[Hình nơi trang 9]

Dùng thời giờ vào những hoạt động thiêng liêng

[Các hình nơi trang 10]

Biết cách tằn tiện và không nên quá kén chọn khi tìm việc