Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy cẩn thận, chớ sinh lòng kiêu ngạo

Hãy cẩn thận, chớ sinh lòng kiêu ngạo

Hãy cẩn thận, chớ sinh lòng kiêu ngạo

“Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo”.—GIA-CƠ 4:6.

1. Hãy nêu một ví dụ về niềm hãnh diện thích đáng.

BẠN có bao giờ cảm thấy hết sức hãnh diện về một việc nào đó không? Phần đông chúng ta đều đã cảm nhận niềm vui thích đó. Cảm thấy hãnh diện về điều gì đó không nhất thiết là xấu. Chẳng hạn, khi một cặp vợ chồng đạo Đấng Christ xem học bạ của con gái và thấy con mình được phê là có hạnh kiểm tốt và chăm chỉ, nét mặt họ hẳn tràn đầy vẻ hài lòng. Sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng hành hãnh diện về hội thánh mới mà họ đã giúp thành lập vì các anh em đã trung thành chịu đựng sự ngược đãi.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1, 6; 2:19, 20; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1, 4.

2. Tại sao lòng kiêu hãnh thường là điều nên tránh?

2 Qua những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng niềm hãnh diện hoặc kiêu hãnh có thể bao hàm sự vui thích về một hành động hoặc vật sở hữu. Thế nhưng, thông thường sự kiêu hãnh phản ánh lòng tự phụ không thích đáng, cảm nghĩ mình hay hơn người vì tài năng, diện mạo, của cải hoặc địa vị mình có. Tính này thường thể hiện qua thái độ kiêu ngạo. Là tín đồ Đấng Christ, chắc chắn chúng ta phải tránh thái độ kiêu hãnh như thế. Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta vốn có tính ích kỷ do tổ tiên là A-đam truyền lại. (Sáng-thế Ký 8:21) Vì thế, lòng chúng ta dễ khiến mình cảm thấy kiêu hãnh vì những lý do không chính đáng. Chẳng hạn, tín đồ Đấng Christ phải cưỡng lại sự kiêu hãnh về chủng tộc, của cải, học vấn, tài năng hay thành tích làm việc so với người khác. Kiêu hãnh về những điều như thế là sai và không làm hài lòng Đức Giê-hô-va.—Giê-rê-mi 9:23; Công-vụ 10:34, 35; 1 Cô-rinh-tô 4:7; Ga-la-ti 5:26; 6:3, 4.

3. Kiêu ngạo là gì, và Chúa Giê-su nói gì về tính đó?

3 Còn một lý do khác nữa cho thấy tại sao nên tránh sự kiêu hãnh không chính đáng. Nếu chúng ta để cho tính này phát triển trong lòng, nó có thể trở thành tính kiêu hãnh đáng khinh gọi là kiêu ngạo. Kiêu ngạo là gì? Một người kiêu ngạo không chỉ nghĩ mình giỏi hơn người, mà còn khinh thường người khác, xem họ thấp kém hơn mình. (Lu-ca 18:9; Giăng 7:47-49) Chúa Giê-su liệt kê tính “kiêu-ngạo” cùng với những tính xấu khác là ‘tự lòng mà ra’ và “làm cho dơ-dáy người”. (Mác 7:20-23) Tín đồ Đấng Christ có thể thấy việc tránh sinh lòng kiêu ngạo là trọng yếu như thế nào.

4. Làm thế nào việc xem xét những gương trong Kinh Thánh về tính kiêu ngạo có thể giúp ích chúng ta?

4 Xem xét một số lời tường thuật trong Kinh Thánh về những kẻ kiêu ngạo có thể giúp bạn tránh tính kiêu ngạo. Nhờ đó bạn sẽ biết cách nhận ra những cảm nghĩ kiêu hãnh không chính đáng có thể tiềm ẩn trong lòng hoặc có thể phát triển qua thời gian. Điều này sẽ giúp bạn loại bỏ những ý nghĩ hoặc cảm xúc có thể khiến lòng trở nên kiêu ngạo. Nhờ thế, bạn sẽ tránh được ảnh hưởng không hay khi Đức Chúa Trời hành động để thực hiện lời cảnh báo của Ngài: “Ta sẽ cất-bỏ kẻ vui-sướng kiêu-ngạo khỏi giữa ngươi; rày về sau ngươi sẽ không còn kiêu-ngạo trên núi thánh ta nữa”.—Sô-phô-ni 3:11.

Đức Chúa Trời xử trí những kẻ kiêu ngạo

5, 6. Pha-ra-ôn đã tỏ ra kiêu ngạo như thế nào, và hậu quả ra sao?

5 Bạn cũng có thể biết được quan điểm của Đức Giê-hô-va về tính kiêu ngạo qua cách Ngài xử trí những người cai trị đầy quyền lực như Pha-ra-ôn. Không có gì nghi ngờ Pha-ra-ôn là người rất kiêu ngạo. Tự xem mình như một vị thần mà người ta phải tôn thờ, ông khinh bỉ những người nô lệ, tức dân Y-sơ-ra-ên. Hãy xem phản ứng của ông ta trước lời yêu cầu cho phép dân Y-sơ-ra-ên đi đến đồng vắng để “giữ một lễ” cho Đức Giê-hô-va. “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi?” Đó là câu trả lời kiêu ngạo của Pha-ra-ôn.—Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1, 2.

6 Sau khi Pha-ra-ôn bị sáu tai vạ, Đức Giê-hô-va bảo Môi-se nói với vua Ai Cập này: “Ngươi vẫn còn tự hào bắt nạt dân Ta không thả nó đi”? (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:17, Nguyễn Thế Thuấn) Kế đó Môi-se tuyên bố tai vạ thứ bảy—mưa đá tàn phá xứ Ai Cập. Khi dân Y-sơ-ra-ên được thả đi sau tai vạ thứ mười, Pha-ra-ôn liền đổi ý và đuổi theo họ. Cuối cùng, Pha-ra-ôn và đạo binh của ông bị rơi vào bẫy ở Biển Đỏ. Hãy tưởng tượng họ đã nghĩ gì khi thấy nước ập xuống! Tính kiêu ngạo của Pha-ra-ôn đã dẫn đến kết quả nào? Đội binh tinh nhuệ của ông ta nói: “Hãy trốn khỏi dân Y-sơ-ra-ên đi, vì Đức Giê-hô-va thế dân đó mà chiến-cự cùng chúng ta”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:25.

7. Các vua Ba-by-lôn tỏ ra kiêu ngạo như thế nào?

7 Những nhà cai trị kiêu ngạo khác cũng bị Đức Giê-hô-va hạ nhục. Một người trong số đó là San-chê-ríp, vua xứ A-si-ri. (Ê-sai 36:1-4, 20; 37:36-38) Cuối cùng A-si-ri bị Ba-by-lôn chinh phục, nhưng hai vua kiêu ngạo người Ba-by-lôn cũng bị hạ nhục. Hãy nhớ lại bữa tiệc của Vua Bên-xát-sa khi ông và quan khách uống rượu bằng ly chén lấy từ đền thờ Đức Giê-hô-va, và ca ngợi các thần Ba-by-lôn. Thình lình, những ngón tay người xuất hiện và viết một thông điệp trên tường. Nhà tiên tri Đa-ni-ên được triệu đến để giải thích những lời bí ẩn đó. Ông nhắc nhở Vua Bên-xát-sa: “Đức Chúa Trời Rất Cao đã ban ngôi vua... cho cha vua là Nê-bu-cát-nết-sa. Nhưng vì lòng người tự-cao... nên người bị truất mất ngôi vua và lột hết sự vinh-hiển. Hỡi vua Bên-xát-sa, con của người, vua cũng vậy, dầu vua đã biết hết các việc ấy, mà lòng vua cũng không chịu nhún-nhường chút nào”. (Đa-ni-ên 5:3, 18, 20, 22) Ngay đêm đó, quân Mê-đi và Phe-rơ-sơ xâm chiếm Ba-by-lôn, và Bên-xát-sa bị giết chết.—Đa-ni-ên 5:30, 31.

8. Đức Giê-hô-va đã xử trí một vài kẻ kiêu ngạo ra sao?

8 Cũng hãy nghĩ đến những người kiêu ngạo khinh bỉ dân Đức Giê-hô-va: Gô-li-át người khổng lồ Phi-li-tin, Ha-man tể tướng của Phe-rơ-sơ và Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba, người cai trị tỉnh Giu-đê. Vì kiêu ngạo, ba người này bị Đức Chúa Trời xử phải chết một cách nhục nhã. (1 Sa-mu-ên 17:42-51; Ê-xơ-tê 3:5, 6; 7:10; Công-vụ 12:1-3, 21-23) Cách Đức Giê-hô-va xử trí những người kiêu ngạo đó cho thấy rõ sự thật này: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. (Châm-ngôn 16:18) Thật vậy, không có gì nghi ngờ là “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo”.—Gia-cơ 4:6.

9. Các vua thành Ty-rơ chứng tỏ là kẻ phản bội như thế nào?

9 Khác hẳn những vua kiêu ngạo của Ai Cập, A-si-ri và Ba-by-lôn, vua thành Ty-rơ có lần giúp ích cho dân Đức Chúa Trời. Trong triều đại của Vua Đa-vít và Vua Sa-lô-môn, ông đã cung cấp các nghệ nhân và vật liệu cho việc xây cất cung điện và đền thờ Đức Chúa Trời. (2 Sa-mu-ên 5:11; 2 Sử-ký 2:11-16) Đáng buồn là các vua Ty-rơ sau này chống lại dân của Đức Giê-hô-va. Tại sao thế?—Thi-thiên 83:3-7; Giô-ên 3:4-6; A-mốt 1:9, 10.

“Lòng ngươi đã kiêu-ngạo”

10, 11. (a) Ai có thể được so sánh với các vua Ty-rơ? (b) Điều gì khiến người Ty-rơ thay đổi thái độ đối với dân Y-sơ-ra-ên?

10 Đức Giê-hô-va soi dẫn nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên để vạch trần tội lỗi và kết án triều đại các vua Ty-rơ. Thông điệp đó dành cho “vua Ty-rơ” nhưng chứa đựng những lời thích hợp với cả triều đại Ty-rơ lẫn kẻ phản bội đầu tiên; ấy là Sa-tan, kẻ “chẳng bền giữ được lẽ thật”. (Ê-xê-chi-ên 28:12; Giăng 8:44) Sa-tan từng là một tạo vật thần linh trung thành trong tổ chức của Đức Giê-hô-va gồm các con trên trời. Qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ly khai của cả triều đại Ty-rơ lẫn Sa-tan:

11 “Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời. Ngươi đã có đầy mình mọi thứ ngọc báu... Ngươi là một chê-ru-bim được xức dầu đương che-phủ... Đường-lối ngươi trọn-vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian-ác trong ngươi. Nhân ngươi buôn-bán thạnh-lợi, lòng ngươi đầy sự hung-dữ, và ngươi đã phạm tội; vậy... hỡi chê-ru-bim che-phủ kia, ta diệt ngươi... Lòng ngươi đã kiêu-ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh-hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn-ngoan mình”. (Ê-xê-chi-ên 28:13-17) Đúng thế, sự kiêu ngạo đã khiến các vua Ty-rơ hung dữ chống lại dân của Đức Giê-hô-va. Thành Ty-rơ đã trở thành trung tâm thương mại cực kỳ giàu có và nổi tiếng về các sản phẩm đẹp. (Ê-sai 23:8, 9) Các vua Ty-rơ đã trở nên tự phụ và bắt đầu đàn áp dân Đức Chúa Trời.

12. Điều gì khiến Sa-tan phản bội, và hắn đã tiếp tục làm gì?

12 Tương tự, tạo vật thần linh mà sau này trở thành Sa-tan đã từng có sự khôn ngoan cần thiết để thi hành bất cứ nhiệm vụ nào mà Đức Chúa Trời giao phó. Thay vì biết ơn, hắn trở nên “tự-kiêu” và bắt đầu khinh thường cách Đức Chúa Trời cai trị. (1 Ti-mô-thê 3:6) Vì quá tự phụ, hắn bắt đầu thèm muốn được A-đam và Ê-va thờ phượng. Tham vọng xấu xa này cưu mang và sinh ra tội ác. (Gia-cơ 1:14, 15) Sa-tan cám dỗ Ê-va ăn trái của cây duy nhất mà Đức Chúa Trời cấm. Rồi hắn dùng bà để khiến A-đam cũng ăn trái cấm. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Như thế cặp vợ chồng đầu tiên đã bác bỏ quyền cai trị của Đức Chúa Trời, và trên thực tế, họ trở thành kẻ thờ phượng Sa-tan. Tính kiêu ngạo của hắn không có giới hạn. Hắn cố cám dỗ mọi tạo vật thông minh trên trời và dưới đất, kể cả Chúa Giê-su Christ, để họ thờ phượng hắn và như thế bác bỏ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 4:8-10; Khải-huyền 12:3, 4, 9.

13. Tính kiêu ngạo đã dẫn đến hậu quả nào?

13 Như vậy bạn có thể thấy tính kiêu ngạo bắt nguồn từ Sa-tan; đây là nguyên nhân cơ bản của tội lỗi, đau khổ và sự bại hoại trong thế gian ngày nay. Là “chúa đời nầy”, Sa-tan tiếp tục khêu gợi cảm xúc không đúng đắn là kiêu hãnh và kiêu ngạo. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Hắn biết thì giờ mình không còn bao nhiêu, nên tranh chiến với các tín đồ chân chính của Đấng Christ. Mục tiêu của hắn là làm họ từ bỏ Đức Chúa Trời, trở nên tư kỷ, khoe khoang và xấc xược hay kiêu ngạo. Kinh Thánh báo trước nhiều người sẽ thể hiện những nét tính ích kỷ như thế trong “ngày sau-rốt”.—2 Ti-mô-thê 3:1, 2; Tòa Tổng Giám Mục; Khải-huyền 12:12, 17.

14. Đức Giê-hô-va cư xử với các tạo vật thông minh theo quy tắc nào?

14 Về phần Chúa Giê-su Christ thì ngài mạnh dạn vạch trần hậu quả xấu xa do tính kiêu ngạo của Sa-tan gây ra. Ít nhất vào ba dịp và với sự hiện diện của những kẻ thù tự cho mình là công bình, Chúa Giê-su nêu ra quy tắc mà Đức Giê-hô-va cư xử với loài người: “Ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.—Lu-ca 14:11; 18:14; Ma-thi-ơ 23:12.

Tránh sinh lòng kiêu ngạo

15, 16. Điều gì đã khiến A-ga trở nên kiêu ngạo?

15 Có lẽ bạn lưu ý thấy những ví dụ nêu trên về tính kiêu ngạo đều là những người có quyền thế. Phải chăng điều này có nghĩa là người bình thường không có khuynh hướng kiêu ngạo? Chắc chắn không phải vậy. Hãy xem một trường hợp xảy ra trong nhà Áp-ra-ham. Vị tộc trưởng này không có con thừa kế, và bà Sa-ra vợ ông đã quá tuổi sinh con. Phong tục thời đó cho phép người đàn ông trong hoàn cảnh Áp-ra-ham lấy vợ lẽ để sinh con. Đức Chúa Trời tạm dung những cuộc hôn nhân như thế vì chưa đến lúc để Ngài tái lập tiêu chuẩn hôn nhân thời ban đầu cho những người thờ phượng thật.—Ma-thi-ơ 19:3-9.

16 Áp-ra-ham đồng ý làm theo lời khuyên lơn của vợ là sinh con thừa kế qua người đầy tớ gái Ê-díp-tô tên là A-ga. Là vợ lẽ của Áp-ra-ham, A-ga thọ thai. Lẽ ra bà phải rất biết ơn về địa vị vinh dự của mình. Thế nhưng bà lại sinh lòng kiêu ngạo. Kinh Thánh tường thuật: “Khi con đòi thấy mình thọ-thai, thì khinh-bỉ bà chủ mình”. Thái độ đó gây nhiều xung đột trong nhà Áp-ra-ham khiến Sa-ra đã khắt khe với A-ga nên bà bỏ đi. Nhưng có giải pháp cho vấn đề này. Thiên sứ của Đức Chúa Trời khuyên bảo A-ga: “Ngươi hãy trở về chủ ngươi, và chịu-lụy dưới tay người”. (Sáng-thế Ký 16:4, 9) A-ga hẳn đã nghe lời, đổi thái độ đối với Sa-ra, vì thế trở thành tổ mẫu của vô số người.

17, 18. Tại sao tất cả chúng ta đều cần phải cẩn thận tránh tính kiêu ngạo?

17 Trường hợp của A-ga cho thấy khi hoàn cảnh khá hơn, một người có thể trở nên kiêu ngạo. Bài học là ngay cả một tín đồ Đấng Christ dù thành tâm phụng sự Đức Chúa Trời cũng có thể trở nên kiêu ngạo khi đạt được giàu sang hoặc uy quyền. Thái độ đó cũng có thể nảy sinh nếu được người khác khen ngợi về sự thành đạt, khôn ngoan hay tài năng. Thật vậy, tín đồ Đấng Christ phải thận trọng không để mình sinh lòng kiêu ngạo, nhất là khi đạt được thành công hoặc được giao phó thêm trách nhiệm.

18 Quan điểm của Đức Chúa Trời về tính kiêu ngạo là lý do mạnh mẽ nhất để tránh tính xấu này. Lời Ngài nói: “Mặt tự cao, lòng kiêu-ngạo, và ngọn đèn của kẻ ác, đều là tội-lỗi”. (Châm-ngôn 21:4) Điều đáng chú ý là Kinh Thánh đặc biệt khuyên răn những tín đồ “giàu ở thế-gian nầy” là đừng “kiêu-ngạo”. (1 Ti-mô-thê 6:17; Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:11-17) Những tín đồ nào không giàu có nên tránh “con mắt ganh-đố”, và họ nên nhớ rằng bất cứ ai, dù giàu hay nghèo, cũng có thể sinh lòng kiêu ngạo.—Mác 7:21-23.

19. Ô-xia đã làm hỏng thành tích tốt của mình như thế nào?

19 Tính kiêu ngạo cùng với những tính xấu xa khác có thể làm hư hại mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Hãy lấy một thí dụ, vào thời ban đầu triều đại Vua Ô-xia, “người làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va,... rắp lòng tìm-kiếm Đức Chúa Trời; và người tìm-kiếm bao lâu, thì Đức Chúa Trời khiến cho người đặng may-mắn bấy lâu”. (2 Sử-ký 26:4, 5) Nhưng đáng buồn là Vua Ô-xia làm hỏng thành tích tốt của mình, vì “lòng [ông] bèn kiêu-ngạo, đến nỗi làm điều ác”. Ông trở nên quá tự phụ, nên cả gan vào trong đền thờ để xông hương. Khi các thầy tế lễ khuyên ông chớ hành động vượt quyền như thế, “Ô-xia bèn nổi giận”. Hậu quả là Đức Giê-hô-va giáng cho ông bệnh phung, và cho đến chết ông mất ân huệ của Đức Chúa Trời.—2 Sử-ký 26:16-21.

20. (a) Vua Ê-xê-chia suýt làm hỏng thành tích tốt của mình như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

20 Bạn có thể đối chiếu trường hợp Ô-xia với Vua Ê-xê-chia. Vào một dịp, vua này suýt làm hỏng thành tích xuất sắc của mình vì “lòng người tự-cao”. Đáng mừng là “Ê-xê-chia hạ sự tự-cao trong lòng mình xuống” và có lại ân huệ của Đức Chúa Trời. (2 Sử-ký 32:25, 26) Hãy lưu ý rằng biện pháp cứu chữa cho tính kiêu ngạo của Ê-xê-chia là sự hạ mình hay khiêm nhường. Đúng thế, tính khiêm nhường ngược với tính kiêu ngạo. Vì vậy, trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào để vun trồng và giữ tính khiêm nhường của người tín đồ Đấng Christ.

21. Các tín đồ khiêm nhường của Đấng Christ có thể mong chờ điều gì?

21 Tuy nhiên, mong sao chúng ta không quên mọi hậu quả mà tính kiêu ngạo đã gây ra. Vì “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo”, chúng ta hãy cương quyết cưỡng lại những cảm nghĩ kiêu hãnh không thích đáng. Khi cố gắng là những tín đồ khiêm nhường của Đấng Christ, chúng ta có thể mong chờ được sống sót qua ngày lớn của Đức Chúa Trời, khi những kẻ kiêu ngạo và hậu quả họ gây ra sẽ không còn nữa. Rồi “sự tự-cao của loài người sẽ bị dằn xuống, và sự cậy mình của người ta sẽ bị hạ đi; trong ngày đó chỉ Đức Giê-hô-va là tôn-trọng”.—Ê-sai 2:17.

Những điểm để suy ngẫm

• Bạn miêu tả người kiêu ngạo như thế nào?

• Tính kiêu ngạo bắt nguồn từ đâu?

• Điều gì có thể khiến một người trở nên kiêu ngạo?

• Tại sao chúng ta phải cẩn thận để tránh sinh lòng kiêu ngạo?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Vì kiêu ngạo, Pha-ra-ôn đã bị hạ nhục

[Hình nơi trang 24]

Địa vị tốt hơn đã khiến A-ga trở nên kiêu ngạo

[Hình nơi trang 25]

Ê-xê-chia tự hạ mình, nhờ đó được lại ân huệ của Đức Chúa Trời