Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ chúng ta

Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ chúng ta

Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ chúng ta

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì”.​—Thi-thiên 23:1.

1-3. Tại sao việc Đa-vít ví Đức Giê-hô-va như người chăn chiên không có gì đáng ngạc nhiên?

NẾU có ai bảo bạn miêu tả cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài, bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ dùng hình ảnh nào để minh họa cách chăm sóc dịu dàng của Ngài đối với các tôi tớ trung thành? Cách đây hơn 3.000 năm, một soạn giả Thi-thiên là Vua Đa-vít dùng một hình ảnh minh họa liên quan đến nghề của ông thời còn trẻ để viết lời miêu tả bóng bẩy về Đức Giê-hô-va.

2 Lúc còn trẻ, Đa-vít từng chăn chiên nên ông biết về việc chăm sóc chiên. Ông hiểu rõ là nếu không có người trông nom thì chiên dễ bị lạc và trở thành mồi của kẻ trộm hoặc thú dữ. (1 Sa-mu-ên 17:34-36) Không có người chăn chăm sóc, có lẽ chúng không tìm được đồng cỏ và thức ăn. Khi về già, hẳn Đa-vít có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về những giờ phút ông dẫn dắt, che chở chiên và cho chúng ăn.

3 Đa-vít nhớ lại công việc chăn chiên khi được soi dẫn để miêu tả sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài, và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bài Thi-thiên 23, do Đa-vít viết, bắt đầu bằng câu: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì”. Chúng ta hãy xem tại sao câu này rất thích hợp. Sau đó cũng qua bài Thi-thiên 23, chúng ta sẽ hiểu được cách nào Đức Giê-hô-va chăm sóc những người thờ phượng Ngài như một người chăn chăm sóc chiên mình.—1 Phi-e-rơ 2:24.

Một hình ảnh minh họa thích hợp

4, 5. Kinh Thánh miêu tả chiên có những đặc điểm nào?

4 Đức Giê-hô-va được gọi bằng nhiều tước hiệu, nhưng danh hiệu “Đấng chăn-giữ” nói lên sự dịu dàng âu yếm nhất. (Thi-thiên 80:1) Biết về hai điều sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Đức Giê-hô-va được gọi cách thích hợp là Đấng Chăn Giữ: thứ nhất là bản chất của chiên và thứ hai là công việc cùng đức tính của người chăn tốt.

5 Kinh Thánh thường nói về những đặc điểm của chiên, miêu tả chúng sẵn sàng đáp lại sự trìu mến của người chăn (2 Sa-mu-ên 12:3), không hung dữ (Ê-sai 53:7), và không có khả năng tự vệ. (Mi-chê 5:7) Một nhà văn đã nhiều năm nuôi chiên ghi nhận: “Chiên không thể ‘tự lo cho mình’ như một số người nghĩ. Hơn bất cứ loài vật nào khác, chúng luôn cần có người chú ý và chăm sóc kỹ”. Để sống sót, những con vật yếu ớt này cần có người chăn chăm sóc.—Ê-xê-chi-ên 34:5.

6. Một từ điển Kinh Thánh giải thích thế nào về cuộc sống thường ngày của người chăn chiên thời xưa?

6 Công việc thường ngày của người chăn thời xưa là gì? Một từ điển Kinh Thánh giải thích: “Sáng sớm ông cho bầy chiên ra khỏi chuồng, dẫn chúng đến nơi ăn cỏ. Ông trông chừng chúng suốt ngày để không con nào đi lạc. Nếu có con nào đi lạc khỏi bầy thì phải tìm cho được rồi dẫn nó trở lại... Đến đêm, ông đem bầy chiên về chuồng, dùng gậy đếm từng con khi chúng đi qua cửa để chắc chắn không mất con nào... Ông thường phải canh giữ bầy chiên suốt đêm vì thú dữ có thể tấn công, hoặc kẻ trộm rình rập để ra tay”. *

7. Tại sao đôi khi người chăn cần phải kiên nhẫn và dịu dàng hơn?

7 Có những lúc chiên, nhất là những chiên cái có mang và chiên con, đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, dịu dàng hơn nữa. (Sáng-thế Ký 33:13) Một sách tham khảo Kinh Thánh viết: “Chiên mẹ thường sinh con lúc ở xa trên triền núi. Người chăn quan tâm canh giữ chiên mẹ suốt giai đoạn yếu đuối này của nó, rồi bế chiên con về chuồng. Trong vài ngày trước khi chiên con đi được, ông bế nó hoặc mang nó trước ngực áo mình”. (Ê-sai 40:10, 11) Rõ ràng, một người chăn tốt vừa phải mạnh mẽ vừa phải dịu dàng.

8. Đa-vít nêu ra những lý do nào để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

8 Chẳng phải câu “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi” là lời miêu tả thích hợp về Cha trên trời của chúng ta hay sao? Khi xem xét bài Thi-thiên 23, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời chăm sóc chúng ta như thế nào với sức mạnh và sự dịu dàng của một người chăn chiên. Nơi câu 1, Đa-vít bày tỏ lòng tin cậy là Đức Chúa Trời sẽ cung cấp mọi thứ cần thiết cho chiên Ngài để họ “chẳng thiếu-thốn gì”. Trong những câu tiếp theo, Đa-vít nêu ra ba lý do khiến ông có lòng tin cậy này: Đức Giê-hô-va dẫn dắt, che chở và nuôi các chiên Ngài. Chúng ta hãy bàn về từng lý do một.

‘Ngài dẫn tôi’

9. Đa-vít miêu tả cảnh thanh bình nào, và bằng cách nào chiên đến được một nơi như thế?

9 Lý do thứ nhất là Đức Giê-hô-va dẫn dắt dân Ngài. Đa-vít viết: “Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi, dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh. Ngài bổ lại linh-hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công-bình, vì cớ danh Ngài”. (Thi-thiên 23:2, 3) Một bầy chiên nằm bình thản trong đồng cỏ dư dật—ở đây Đa-vít miêu tả một hình ảnh thỏa nguyện, khoan khoái và yên ổn. Từ Hê-bơ-rơ dịch là “đồng-cỏ” có thể có nghĩa là “nơi thoải mái”. Có lẽ chiên tự chúng sẽ không tìm được nơi tốt để nghỉ ngơi. Người chăn phải dắt chúng đến một “nơi thoải mái” như thế.

10. Đức Chúa Trời biểu lộ lòng tin tưởng nơi chúng ta như thế nào?

10 Ngày nay Đức Giê-hô-va dẫn dắt chúng ta bằng cách nào? Một cách là qua gương mẫu. Lời Ngài khuyến giục chúng ta “hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 5:1) Văn cảnh của những lời đó nói đến lòng thương xót, tha thứ và sự yêu thương. (Ê-phê-sô 4:32; 5:2) Chắc chắn là Đức Giê-hô-va nêu gương tốt nhất về việc thể hiện những đức tính thu hút đó. Ngài có thiếu thực tế không khi bảo chúng ta noi gương Ngài? Không. Lời khuyên được soi dẫn đó thực ra còn là một sự bày tỏ tuyệt diệu lòng tin tưởng của Ngài nơi chúng ta. Như thế nào? Chúng ta được tạo ra theo hình Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta được phú cho phẩm chất đạo đức và khả năng cảm thụ về tâm linh. (Sáng-thế Ký 1:26) Vì thế, Đức Giê-hô-va biết rằng dù bất toàn, chúng ta có tiềm năng vun trồng cùng những đức tính mà Ngài thể hiện. Hãy thử nghĩ—Đức Chúa Trời đầy yêu thương tin tưởng chúng ta có thể giống như Ngài. Nếu chúng ta noi gương Ngài, Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến ‘nơi bình-tịnh’ theo nghĩa bóng. Giữa thế gian hung bạo này, chúng ta sẽ “được ở yên-ổn”, có được sự bình an nhờ biết mình được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Thi-thiên 4:8; 29:11.

11. Khi dẫn dắt chiên, Đức Giê-hô-va lưu ý đến điều gì, và việc này phản ánh thế nào qua điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta?

11 Khi dẫn dắt chúng ta, Đức Giê-hô-va rất dịu dàng và kiên nhẫn. Người chăn lưu ý đến những giới hạn của chiên mình, vì thế dẫn dắt “theo bước một của súc-vật”. (Sáng-thế Ký 33:14) Đức Giê-hô-va cũng dẫn dắt “theo bước một của” chiên Ngài. Ngài lưu ý đến khả năng và hoàn cảnh của chúng ta. Có thể nói là Ngài điều chỉnh bước đi hay nhịp bước, không bao giờ đòi hỏi quá sức chúng ta. Điều Ngài đòi hỏi là chúng ta làm hết lòng. (Cô-lô-se 3:23) Nhưng nói gì nếu bạn lớn tuổi và không thể làm những gì mình từng làm? Hoặc nếu bạn bị một chứng bệnh nghiêm trọng khiến phải chịu những giới hạn thì sao? Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta thấy được cái hay của việc Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta làm hết lòng. Không có hai người nào hoàn toàn giống nhau. Phụng sự hết lòng có nghĩa là dùng hết sức lực mà bạn có để thi hành thánh chức. Mặc dù những yếu đuối có thể ảnh hưởng nhịp bước của chúng ta, Đức Giê-hô-va xem trọng sự thờ phượng hết lòng của chúng ta.—Mác 12:29, 30.

12. Điều gì trong Luật Pháp Môi-se minh họa việc Đức Giê-hô-va dẫn dắt “theo bước một của” chiên?

12 Để minh họa việc Đức Giê-hô-va dẫn dắt “theo bước một của” chiên, hãy xem Luật Pháp Môi-se nói gì về của-lễ chuộc lỗi. Đức Giê-hô-va muốn người ta dâng của-lễ vì lòng biết ơn. Đồng thời, các của-lễ được xếp loại tùy theo khả năng của người dâng. Luật Pháp nói: “Nếu không phương-thế lo cho có một chiên... thì phải... đem đến cho Đức Giê-hô-va một cặp cu hay là cặp bồ-câu con”. Còn nếu không đủ sức dâng cặp bồ câu thì sao? Thì người đó có thể đem “bột lọc”. (Lê-vi Ký 5:7, 11) Điều này cho thấy Đức Chúa Trời không đòi hỏi quá sức người dâng của-lễ. Vì Đức Chúa Trời không thay đổi, chúng ta có thể an tâm biết rằng Ngài không bao giờ đòi hỏi điều gì ngoài khả năng của chúng ta; ngược lại, Ngài vui lòng chấp nhận những gì chúng ta có thể dâng. (Ma-la-chi 3:6) Được một Đấng Chăn Giữ có lòng thông cảm như thế dẫn dắt quả là niềm vui thích!

“Tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa ở cùng tôi”

13. Nơi Thi-thiên 23:4, Đa-vít nói một cách thân mật hơn như thế nào, và tại sao điều này không có gì lạ?

13 Đa-vít nêu ra lý do thứ hai khiến ông tin chắc: Đức Giê-hô-va che chở bầy của Ngài. Ông viết: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa ở cùng tôi: Cây trượng và cây gậy của Chúa an-ủi tôi”. (Thi-thiên 23:4) Trong câu này, Đa-vít dùng đại từ “Chúa” thay vì “Ngài” khi nói với Đức Giê-hô-va. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ này biểu thị cách nói thân mật hơn. Điều này không có gì lạ, vì ông đang nói về việc Đức Chúa Trời đã giúp ông như thế nào để chịu đựng nghịch cảnh. Nhiều lần ông đã trải qua trũng bóng chết—những lần sinh mạng ông bị đe dọa. Nhưng ông không để sự sợ hãi chế ngự, vì ông cảm thấy Đức Chúa Trời—với “cây trượng” và “cây gậy” trong tư thế sẵn sàng—đang ở cùng ông. Việc nhận biết sự che chở này đã an ủi Đa-vít và hẳn khiến ông gần gũi Đức Giê-hô-va hơn. *

14. Kinh Thánh bảo đảm điều gì với chúng ta về sự che chở của Đức Giê-hô-va, nhưng điều này không có nghĩa gì?

14 Ngày nay Đức Giê-hô-va che chở chiên Ngài như thế nào? Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng không kẻ chống đối nào—dù các quỉ hay loài người—sẽ loại trừ được chiên Ngài khỏi đất. Đức Giê-hô-va không bao giờ để cho điều đó xảy ra. (Ê-sai 54:17; 2 Phi-e-rơ 2:9) Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đấng Chăn Giữ chúng ta sẽ che chở chúng ta khỏi mọi tai họa. Chúng ta vẫn phải chịu những thử thách thông thường của con người, và chúng ta phải đương đầu với sự chống đối mà mọi tín đồ chân chính của Đấng Christ đều gặp phải. (2 Ti-mô-thê 3:12; Gia-cơ 1:2) Đôi khi có thể nói chúng ta “đi trong trũng bóng chết”. Chẳng hạn, mạng sống chúng ta có thể bi đe dọa vì sự ngược đãi hoặc sự khủng hoảng nào đó về sức khỏe. Hoặc một người thân với chúng ta đang trong cơn nguy kịch hay thậm chí qua đời. Trong những giai đoạn dường như đen tối nhất, Đấng Chăn Giữ ở với chúng ta, và Ngài sẽ gìn giữ chúng ta. Như thế nào?

15, 16. (a) Bằng những cách nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đối phó với những trở ngại mà mình gặp phải? (b) Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta trong thử thách.

15 Đức Giê-hô-va không hứa là sẽ can thiệp bằng phép lạ. * Nhưng chúng ta có thể chắc chắn điều này: Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ trở ngại nào chúng ta gặp phải. Ngài có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với “sự thử-thách trăm bề”. (Gia-cơ 1:2-5) Người chăn chiên không chỉ dùng cây trượng hay cây gậy để ngăn ngừa thú dữ mà còn để thúc chiên đi đúng hướng. Đức Giê-hô-va có thể “thúc” chúng ta, có lẽ qua một anh chị em đồng đạo, để áp dụng lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Điều này có thể giúp ích nhiều trong hoàn cảnh chúng ta. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. (Phi-líp 4:13) Bằng thánh linh, Ngài có thể cung cấp cho chúng ta sức mạnh vượt quá mức bình thường. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Thánh linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta chịu đựng bất cứ thử thách nào do Sa-tan gây ra. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Chẳng phải chúng ta an tâm khi biết rằng Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta hay sao?

16 Đúng vậy, dù ở trong trũng bóng tối nào đi nữa, chúng ta không phải đi qua một mình. Đấng Chăn Giữ ở cùng chúng ta, giúp chúng ta bằng những cách mà có thể lúc đầu chúng ta không hiểu rõ. Hãy xem kinh nghiệm của một trưởng lão đạo Đấng Christ; anh được chẩn đoán là bị u ác tính trong não. “Phải thú nhận là lúc đầu tôi tự hỏi không biết Đức Giê-hô-va có giận tôi hay thậm chí có yêu thương tôi không. Nhưng tôi kiên quyết không lìa khỏi Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, tôi bày tỏ những lo âu với Ngài. Và Đức Giê-hô-va giúp tôi, thường an ủi tôi qua các anh chị em. Nhiều người chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích của bản thân khi phải đối phó với bệnh tật nghiêm trọng. Những ý kiến hợp lý của họ nhắc nhở tôi rằng những gì tôi trải qua không có gì khác lạ cả. Sự giúp đỡ thực tiễn, kể cả những nhã ý thật cảm động đã trấn an tôi rằng Đức Giê-hô-va không phật lòng với tôi. Tất nhiên, tôi phải tiếp tục chiến đấu với căn bệnh của mình, và không biết kết cuộc sẽ ra sao. Nhưng tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va ở cùng tôi và Ngài sẽ tiếp tục giúp tôi qua thử thách này”.

“Chúa dọn bàn cho tôi”

17. Đa-vít miêu tả Đức Giê-hô-va như thế nào nơi Thi-thiên 23:5, và tại sao điều này không mâu thuẫn với minh họa về người chăn chiên?

17 Đa-vít giờ đây nêu ra lý do thứ ba để tin cậy Đấng Chăn Giữ của ông: Đức Giê-hô-va nuôi các chiên Ngài một cách dư dật. Đa-vít viết: “Chúa dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù-nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn”. (Thi-thiên 23:5) Trong câu này, Đa-vít miêu tả Đấng Chăn Giữ của ông là một chủ nhân rộng rãi, cung cấp dư dật thức ăn và nước uống. Hai minh họa—người chăn chu đáo và chủ nhân rộng rãi—không mâu thuẫn nhau. Xét cho cùng, một người chăn tốt phải biết nơi nào có đồng cỏ xanh tươi và đủ nước uống để bầy chiên “chẳng thiếu-thốn gì”.—Thi-thiên 23:1, 2.

18. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va là một chủ nhân rộng rãi?

18 Phải chăng Đấng Chăn Giữ của chúng ta cũng là một chủ nhân rộng rãi? Điều đó là chắc chắn! Hãy thử nghĩ đến chất lượng, số lượng và sự phong phú của thức ăn thiêng liêng mà chúng ta hiện đang được hưởng. Qua lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Đức Giê-hô-va đã cung cấp cho chúng ta những ấn phẩm hữu ích và những chương trình phong phú tại các buổi họp, hội nghị và đại hội—tất cả đều làm thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Chắc chắn không hề thiếu thức ăn thiêng liêng. “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã xuất bản hàng triệu cuốn Kinh Thánh và ấn phẩm giúp học hỏi Kinh Thánh; những ấn phẩm đó hiện đã phát hành trong 413 thứ tiếng. Đức Giê-hô-va đã cung cấp nhiều loại thức ăn thiêng liêng khác nhau—từ “sữa”, những dạy dỗ cơ bản về Kinh Thánh, đến “đồ-ăn đặc”, những điều thiêng liêng sâu sắc hơn. (Hê-bơ-rơ 5:11-14) Nhờ vậy, khi phải quyết định điều gì hay đối phó với vấn đề, chúng ta thường tìm thấy đúng những gì mình cần. Chúng ta sẽ ra sao nếu không có thức ăn thiêng liêng như thế? Đấng Chăn Giữ chúng ta quả là Đấng cung cấp rộng rãi!—Ê-sai 25:6; 65:13.

“Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va”

19, 20. (a) Nơi Thi-thiên 23:6, Đa-vít bày tỏ niềm tin chắc nào, và bằng cách nào chúng ta cũng có thể tin chắc như thế? (b) Bài tiếp theo sẽ thảo luận điều gì?

19 Sau khi suy ngẫm về cách Đấng Chăn Giữ và Đấng Cung Cấp chăm sóc ông, Đa-vít kết luận: “Quả thật, trọn đời tôi phước-hạnh và sự thương-xót sẽ theo tôi; tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài”. (Thi-thiên 23:6) Đa-vít nói với tấm lòng tràn đầy sự biết ơn và tin tưởng—biết ơn khi nhớ lại quá khứ và tin tưởng khi nhìn về tương lai. Người từng chăn chiên này rất an tâm, biết rằng hễ ông còn gần gũi Đấng Chăn Giữ trên trời, như thể ở trong nhà Ngài, ông sẽ luôn luôn được Đức Giê-hô-va yêu thương chăm sóc.

20 Chúng ta thật biết ơn về những lời bóng bẩy ghi trong bài Thi-thiên 23! Đa-vít khó có thể tìm được cách nào thích hợp hơn để miêu tả cách Đức Giê-hô-va dẫn dắt, che chở và nuôi các chiên Ngài. Lời diễn tả nồng ấm của Đa-vít đã được lưu giữ để cho chúng ta niềm tin chắc rằng chúng ta cũng có thể trông cậy Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ mình. Đúng vậy, bao lâu chúng ta gần gũi Đức Giê-hô-va thì bấy lâu Ngài sẽ chăm sóc chúng ta như Đấng Chăn Giữ yêu thương, “cho đến lâu dài”, thậm chí muôn đời. Tuy nhiên, là chiên Ngài, chúng ta có bổn phận bước đi với Đấng Chăn Giữ vĩ đại, Đức Giê-hô-va. Bài tiếp theo sẽ thảo luận điều này bao hàm những gì.

[Chú thích]

^ đ. 13 Đa-vít soạn một số bài Thi-thiên để ngợi khen Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông khỏi cảnh hiểm nghèo.—Chẳng hạn hãy xem lời ghi chú ở đầu bài Thi-thiên 18, 34, 56, 57, 59 và 63.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao việc Đa-vít ví Đức Giê-hô-va như người chăn chiên là thích hợp?

• Đức Giê-hô-va dẫn dắt chúng ta với sự hiểu biết như thế nào?

• Bằng cách nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng thử thách?

• Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va là một chủ nhân rộng rãi?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Như người chăn chiên ở Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va dẫn dắt chiên Ngài