Có ai thật sự thay đổi được thế giới không?
Có ai thật sự thay đổi được thế giới không?
“Những người nghèo nói với chúng tôi điều trước tiên họ muốn là hòa bình và an ninh, rồi kế đến là cơ hội cải thiện đời sống. Họ muốn được sống trong một hệ thống quốc gia và quốc tế công bằng, để các nỗ lực của họ không bị sự lấn áp của những nước giàu và những công ty giàu phá hỏng”.
ĐÓ LÀ lời vị giám đốc một cơ quan cứu trợ quốc tế đã tả hy vọng và nguyện vọng của dân nghèo. Thật vậy, lời bà nói cũng diễn tả đúng ước muốn của tất cả nạn nhân tai ương và bất công trên thế giới. Tất cả những người đó ao ước được sống trong một thế giới thật hòa bình và an ninh. Một thế giới như thế có bao giờ thành hiện thực không? Có ai thực sự có quyền lực và khả năng để thay đổi một thế giới toàn là bất công?
Nỗ lực để thay đổi
Nhiều người đã thử làm. Thí dụ như Florence Nightingale, một phụ nữ Anh sống vào thế kỷ 19, đã dâng hiến cuộc đời nhằm cung cấp sự chăm sóc y tế sạch sẽ và ân cần cho những người bệnh. Vào thời của bà—trước khi người ta khám phá ra cách khử trùng và thuốc kháng sinh—sự chăm sóc tại bệnh viện không được như hiện nay. Theo một quyển sách ghi nhận, “các y tá” là những người “thiếu học, không sạch sẽ, có tiếng say sưa và vô luân”. Bà Florence Nightingale có đạt được thành công nào không trong cố gắng làm thay đổi thế giới ngành y tá? Có, bà đã thành công. Tương tự thế, vố số người ân cần, bất vị kỷ đã thành công vượt bực trong nhiều lãnh vực của cuộc sống như giáo dục, y tế, nhà cửa, cung cấp thực phẩm và chống mù chữ, đó là chỉ kể một vài lãnh vực. Kết quả là đã có những cải tiến đáng kể để nâng cao phẩm chất đời sống của hàng triệu người bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nhắm mắt trước sự thật phũ phàng là: Hàng trăm triệu người vẫn bị khốn khổ vì chiến tranh, tội ác, bệnh tật, đói kém và những tai ương khác. “Nạn nghèo đói giết 30.000 người mỗi ngày”, theo cơ quan cứu trợ Concern của Ireland. Ngay cả nạn nô lệ vẫn tồn tại dù đó là mục tiêu của những nhà cải cách trong các thế kỷ qua. “Hiện nay số người nô lệ còn nhiều hơn so với tất cả những người bị bắt khỏi Phi Châu vào thời mua bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương”, theo sách Disposable People—New Slavery in the Global Economy.
Điều gì cản trở các cố gắng của con người nhằm đem lại sự thay đổi trọn vẹn và lâu dài? Có phải chỉ đơn giản là ảnh hưởng của những người giàu và những người có thế lực, hay là có gì khác nữa?
Những trở ngại của sự thay đổi
Theo Lời Đức Chúa Trời, sự cản trở lớn nhất cho những cố gắng của con người nhằm đem lại một thế giới thật sự công bằng là Sa-tan Ma-quỉ. Sứ đồ Giăng cho chúng ta biết “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Thật thế, hiện nay Sa-tan đang “dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9) Cho đến ngày ảnh hưởng xấu xa của hắn bị loại trừ, thì thế giới vẫn còn những nạn nhân của sự gian ác và bất công. Điều gì đưa đến tình trạng đáng buồn này?
Cha mẹ đầu tiên của chúng ta, A-đam và Ê-va, được Đức Chúa Trời ban cho một trái đất, nơi có triển vọng trở thành địa đàng hoàn hảo cho cả gia đình nhân loại—một thế giới “rất tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:31) Ai gây ra sự thay đổi? Chính Sa-tan. Hắn thách đố Đức Chúa Trời về quyền đặt ra luật lệ mà con người phải theo. Hắn cho rằng cách cai trị của Đức Chúa Trời là bất công. Hắn xúi giục A-đam và Ê-va chọn sống theo ý riêng, tự quyết định điều gì thiện và điều gì ác. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Điều này đưa đến một trở ngại thứ hai cho nỗ lực của con người nhằm đem lại một thế giới công bằng, đó là tội lỗi và bất toàn.—Rô-ma 5:12.
Tại sao lại cho phép điều đó?
Có thể có người thắc mắc: ‘Nhưng vì sao Đức Chúa Trời lại để cho tình trạng tội lỗi và bất toàn phát triển? Vì sao Ngài không dùng quyền
năng vô hạn của Ngài loại trừ những kẻ phản loạn và bắt đầu lại?’ Giải pháp đó nghe có vẻ giản dị. Tuy nhiên, việc sử dụng quyền lực sẽ gây nên vấn đề nghiêm trọng. Chẳng phải việc lạm dụng quyền lực là nguyên nhân chính khiến những người nghèo và người bị áp bức trên thế giới này kêu ca sao? Điều này chẳng nêu lên nghi vấn trong trí và trong lòng những người chân thật khi một nhà độc tài dùng uy quyền để loại trừ bất cứ ai bất đồng với chính sách của mình sao?Để trấn an những người có lòng thành thật rằng Ngài không phải là bạo chúa lạm dụng quyền lực, Đức Chúa Trời quyết định để cho những kẻ phản loạn là Sa-tan và con người được quyền hành động theo ý riêng thay vì theo những luật pháp và nguyên tắc của Ngài—trong một thời gian hạn định. Thời gian sẽ chứng tỏ chỉ có cách cai trị của Đức Chúa Trời là đúng. Và cũng cho thấy những giới hạn Ngài đặt ra đều vì lợi ích của chúng ta. Thật vậy, thảm họa của sự bất tuân, chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời cho thấy những giới hạn mà Ngài đặt ra là tốt. Và hậu quả của sự phản loạn chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn có lý do chính đáng trong việc sử dụng quyền năng lớn của Ngài để loại trừ mọi sự gian ác khi Ngài muốn. Điều đó rất gần đến.—Sáng-thế Ký 18:23-32; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Thi-thiên 37:9, 10, 38.
Cho đến lúc Đức Chúa Trời hành động thì chúng ta vẫn phải sống trong một hệ thống bất công, ai cũng “đều than-thở và chịu khó-nhọc”. (Rô-ma 8:22) Dù chúng ta làm gì để thay đổi sự việc, chúng ta không thể nào loại trừ được Sa-tan, cũng như không thể trừ tiệt sự bất toàn—nguyên nhân chính của mọi đau khổ. Hiển nhiên, chúng ta không cách nào sửa chữa được ảnh hưởng của tội lỗi di truyền từ A-đam.—Thi-thiên 49:7-9.
Chúa Giê-su Christ sẽ đem lại sự thay đổi vĩnh viễn
Phải chăng điều đó có nghĩa là tình trạng này hoàn toàn vô vọng? Chắc chắn là không. Một nhân vật có nhiều quyền lực hơn con người đã được trao cho nhiệm vụ đem lại sự thay đổi lâu dài. Đó là ai? Đó là Chúa Giê-su Christ. Ngài được tả trong Kinh Thánh là Vua và Cứu-Chúa của gia đình nhân loại.—Công-vụ 5:31.
Hiện nay ngài đang chờ đến “giờ” Đức Chúa Trời ấn định để hành động. (Khải-huyền 11:18) Thật ra ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ làm cho “muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên-tri”. (Công-vụ 3:21) Chẳng hạn Chúa Giê-su sẽ “giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ... Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo”. (Thi-thiên 72:12-16) Qua Chúa Giê-su Christ, Đức Chúa Trời hứa sẽ “dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất”. (Thi-thiên 46:9) Ngài còn hứa: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. Người mù, người điếc, người què—tất cả những ai chịu ảnh hưởng của bệnh tật—sẽ được phục hồi để có sức khỏe hoàn toàn. (Ê-sai 33:24; 35:5, 6; Khải-huyền 21:3, 4) Ngay cả những người đã chết trong quá khứ cũng nhận được ân phước. Ngài cũng hứa sẽ làm sống lại những nạn nhân của bất công và áp bức.—Giăng 5:28, 29.
Chúa Giê-su Christ không đem lại sự thay đổi tạm thời hay lưng chừng. Ngài sẽ dẹp sạch hết tất cả những gì gây trở ngại để có một thế giới thật sự công bằng. Ngài sẽ cất bỏ tội lỗi và sự bất toàn, đồng thời hủy diệt Sa-tan Ma-quỉ và những ai theo phe phản nghịch của hắn. (Khải-huyền 19:19, 20; 20:1-3, 10) Tình trạng khốn cùng và đau khổ mà Đức Chúa Trời tạm để cho xảy ra “sẽ chẳng... dậy lên lần thứ hai”. (Na-hum 1:9) Đó là điều mà Chúa Giê-su nghĩ đến khi ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho Nước Trời đến và ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện “ở đất như trời!”—Ma-thi-ơ 6:10.
Có lẽ bạn phản đối: ‘Nhưng chẳng phải chính Chúa Giê-su đã nói “các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình” hay sao? Chẳng phải là câu đó có ý nói lúc nào cũng có nạn bất công và nghèo đói sao?’ (Ma-thi-ơ 26:11) Có, Chúa Giê-su đã nói là luôn luôn có người nghèo. Tuy nhiên, bối cảnh lời ngài và những lời hứa của Kinh Thánh cho thấy ngài có ý nói là sẽ luôn có kẻ nghèo ngày nào mà hệ thống này còn tồn tại. Ngài biết rằng không một người trong vòng nhân loại có khả năng dẹp được nạn bất công và nghèo khó trên thế giới. Ngài cũng biết rằng ngài sẽ thay đổi tất cả những điều đó. Ngài sắp sửa đem đến một hệ thống hoàn toàn mới—“trời mới đất mới”, nơi đó không còn đau đớn, bệnh tật, nghèo khó và sự chết.—2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1.
“Chớ quên việc lành”
Phải chăng điều đó có nghĩa là làm bất cứ việc gì để giúp người khác là vô ích? Chắc chắn là không. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta giúp đỡ người khác khi họ đương đầu với thử thách và gặp phải cảnh đau buồn. Vua Sa-lô-môn thời xưa nói: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”. (Châm-ngôn 3:27) Và sứ đồ Phao-lô đã khuyên: “Chớ quên việc lành và lòng bố-thí”.—Hê-bơ-rơ 13:16.
Chính Chúa Giê-su Christ đã khuyên chúng ta làm bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm để giúp người khác. Ngài kể minh họa về một người Sa-ma-ri gặp một người đàn ông bị đánh và bị cướp. Chúa Giê-su nói về người Sa-ma-ri là ông đã “động lòng thương” dùng những gì ông có để rịt lại vết thương và giúp người đó bình phục. (Lu-ca 10:29-37) Người Sa-ma-ri có lòng trắc ẩn đó đã không thay đổi thế giới, nhưng ông làm được một điều quan trọng trong đời sống của một người khác. Chúng ta cũng có thể làm được như thế.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su Christ có khả năng làm nhiều hơn để giúp những người khác. Ngài thật sự thay đổi được thế giới, và ngài sắp sửa làm thế. Khi ngài ra tay, những nạn nhân hiện nay của sự bất công có thể cải thiện cuộc sống và hưởng được hòa bình và an ninh thật.—Thi-thiên 4:8; 37:10, 11.
Trong khi chờ đợi điều đó, mong rằng chúng ta không ngại “làm điều thiện” về thiêng liêng lẫn vật chất cho tất cả những nạn nhân của một thế giới bất công.—Ga-la-ti 6:10.
[Các hình nơi trang 5]
Florence Nightingale đã thật sự đem lại nhiều thay đổi cho thế giới ngành y tá
[Nguồn tư liệu]
Courtesy National Library of Medicine
[Các hình nơi trang 7]
Môn đồ của Đấng Christ làm điều tốt lành cho người khác
[Nguồn tư liệu nơi trang 4]
The Star, Johannesburg, S.A.