Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một thế giới bất công

Một thế giới bất công

Một thế giới bất công

BẠN có đồng ý là chúng ta đang sống trong một thế giới bất công không? Hẳn là bạn đồng ý. Nói cho cùng, dù chúng ta có tài gì và chúng ta có khôn ngoan dự tính cho đời mình cách mấy, không có gì bảo đảm là chúng ta sẽ giàu có, thành công hay ngay cả có được thức ăn. Thường thì kết cuộc xảy ra như Vua Sa-lô-môn khôn ngoan thời xưa đã nói: “Bánh ăn... không thuộc phía người khôn, của cải không thuộc kẻ thạo đời, sủng mộ không thuộc người tài trí”. Tại sao? Ông trả lời: “Thời cơ may rủi có thể đến cho họ hết thảy”.—Truyền-đạo [Giảng Viên] 9:11, Nguyễn Thế Thuấn.

“Trong thời tai-họa xảy đến thình lình”

Thật vậy, “thời cơ may rủi” thường có nghĩa là vì chúng ta có mặt không đúng chỗ và không đúng lúc, do đó những kế hoạch đã sắp đặt kỹ lưỡng và những hy vọng ấp ủ trong lòng của chúng ta bị phá hỏng. Theo Sa-lô-môn, chúng ta “như cá mắc lưới, chim phải bẫy-dò... trong thời tai-họa xảy đến thình lình”. (Truyền-đạo 9:12) Chẳng hạn, hàng triệu người làm việc cực nhọc vun xới đất đai, trồng trọt để có đồ ăn cho gia đình, nhưng bỗng nhiên gặp phải “thời tai-họa” khi bị hạn hán làm hư hại mùa màng.

Những người khác cố gắng giúp, nhưng thậm chí sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới đối với nạn nhân của “thời tai-họa” thường có vẻ không được công bằng. Thí dụ, để chống lại nạn đói trong một năm gần đây, “toàn thể lục địa [Phi Châu] nhận được sự trợ giúp chỉ bằng một phần năm số tiền dùng cho chiến tranh vùng Vịnh”, theo lời một cơ quan cứu trợ. Có công bằng không khi những nước có khả năng tài chính chi cho cuộc chiến của chỉ một nước gấp năm lần so với số tiền mà họ chi để giảm bớt nỗi khổ sở và đau đớn do nạn đói gây ra cho cả lục địa? Có công bằng không khi nhiều người được sung túc về vật chất trong khi một phần tư dân số trên thế giới vẫn sống trong cảnh nghèo cùng cực hoặc mỗi năm hàng triệu trẻ em chết vì những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được? Hẳn là không!

Hiển nhiên, ngoài vấn đề “thời cơ may rủi” còn có điều khác liên quan khi “thời tai-họa xảy đến thình lình”. Bạo lực ghê gớm ngoài vòng kiểm soát của chúng ta cũng chi phối đời sống và những gì xảy ra cho chúng ta. Điều đó rất đúng về những gì xảy ra vào mùa thu năm 2004 tại Beslan, Bắc Ossetia (thuộc Nga), khi hàng trăm người, trong số đó có nhiều trẻ em ngày đầu tiên đến trường, đã bị giết trong cuộc đụng độ dữ dội giữa quân khủng bố và lực lượng an ninh. Đành rằng, những người chết hay sống sót trong thảm họa đó phần lớn là vì may rủi—nhưng nguyên nhân chính của “thời tai-họa” này là cuộc đụng độ do con người gây ra.

Phải chăng sẽ như thế mãi?

“Nhưng đời là thế”, một số người sẽ nói như vậy khi đề cập đến sự bất công. “Nó luôn là thế và sẽ mãi như thế”. Theo họ thì người mạnh luôn hiếp đáp kẻ yếu và người giàu luôn bóc lột kẻ nghèo. Tình trạng này cùng với “thời cơ may rủi” sẽ còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày nào mà nhân loại còn hiện hữu.

Có thực sự phải như thế không? Sẽ có ngày nào mà những ai dùng khả năng một cách thông minh và khôn ngoan có thể gặt được phần thưởng xứng đáng với công lao của mình không? Có ai làm được một điều gì để thay đổi vĩnh viễn thế giới bất công này không? Hãy xem bài kế tiếp nói gì về vấn đề này.

[Nguồn tư liệu nơi trang 2]

TRANG BÌA: Người đàn ông với đứa bé: UN PHOTO 148426/McCurry/Stockbower

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

MAXIM MARMUR/AFP/Getty Images