Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bước đi với Đức Chúa Trời để gặt điều tốt

Bước đi với Đức Chúa Trời để gặt điều tốt

Bước đi với Đức Chúa Trời để gặt điều tốt

“Chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc”.—Ô-SÊ 8:7.

1. Làm thế nào chúng ta có thể bước đi với Đức Giê-hô-va?

CUỘC hành trình qua một vùng nguy hiểm sẽ an toàn hơn nếu có hướng dẫn viên kinh nghiệm dẫn đường. Thật là điều khôn ngoan khi đi theo hướng dẫn viên ấy thay vì đi một mình. Trong vài phương diện, việc này minh họa cho trường hợp của chúng ta. Nói theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va đã đề nghị hướng dẫn chúng ta đi qua sa mạc mênh mông của thế gian hung ác hiện tại. Chúng ta khôn ngoan khi bước đi với Ngài thay vì cố tự dẫn đưa bước của mình. Làm thế nào chúng ta có thể bước đi với Đức Chúa Trời? Bằng cách theo sự hướng dẫn Ngài cung cấp qua Lời của Ngài.

2. Điều gì sẽ được thảo luận trong bài này?

2 Trong bài trước chúng ta đã bàn về vở kịch tượng trưng nơi sách Ô-sê từ chương 1 đến 5. Như đã phân tích, vở kịch đó chứa đựng những bài học có thể giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời. Giờ đây chúng ta hãy thảo luận một số điểm nổi bật của chương 6 đến 9. Thật ích lợi nếu bắt đầu với một cái nhìn khái quát về bốn chương này.

Nội dung khái quát

3. Hãy tóm tắt nội dung sách Ô-sê từ chương 6 đến 9.

3 Đức Giê-hô-va phái Ô-sê đi nói tiên tri chủ yếu cho vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái phía bắc. Nước này, cũng được biết dưới tên Ép-ra-im là chi phái trổi hơn hết, đã chối bỏ Đức Chúa Trời. Sách Ô-sê chương 6 đến 9 cho thấy dân sự đã bất trung, phạm giao ước của Đức Giê-hô-va và thực hành điều ác. (Ô-sê 6:7) Họ tin vào những mối liên minh với các nước thế gian thay vì trở lại với Ngài. Vì cứ gieo điều ác, họ sẽ gặt điều ác. Nói cách khác, sự phán xét đang đến gần. Nhưng lời tiên tri của Ô-sê cũng chứa đựng một thông điệp ấm lòng. Dân sự được đảm bảo rằng họ có thể trở về với Đức Giê-hô-va và được thương xót nếu chứng tỏ thật lòng ăn năn.

4. Chúng ta sẽ xem xét những bài học thực tiễn nào từ sách tiên tri Ô-sê?

4 Qua bốn chương này, chúng ta sẽ được nhận thêm sự hướng dẫn giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời. Hãy xem xét bốn bài học thực tiễn: (1) Sự ăn năn thật được thể hiện qua việc làm, không chỉ bằng lời nói; (2) chỉ của-lễ thôi không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời; (3) Đức Giê-hô-va đau lòng khi những người thờ phượng Ngài lại chối bỏ Ngài; và (4) để gặt điều tốt, chúng ta phải gieo điều tốt.

Cách thể hiện sự ăn năn thật

5. Hãy cho biết ý chính của Ô-sê 6:1-3.

5 Lời tiên tri của Ô-sê dạy chúng ta nhiều điều về sự ăn năn và lòng thương xót. Nơi Ô-sê 6:1-3, chúng ta đọc: “Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va; vì Ngài đã xé chúng ta, song Ngài sẽ chữa lành cho; Ngài đã đánh chúng ta, song sẽ buộc vết-tích. Trong hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta tỉnh lại; ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy, chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài. Chúng ta khá nhìn-biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn-biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc-chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất”.

6-8. Sự ăn năn của dân Y-sơ-ra-ên có vấn đề gì?

6 Ai đã nói những câu này? Một số người cho rằng những lời này là của những người Y-sơ-ra-ên bất trung chỉ giả vờ ăn năn và lợi dụng lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, người khác lại cho rằng đó là những lời của nhà tiên tri Ô-sê đang nài khuyên dân sự trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Dù sao đi nữa, câu hỏi quan trọng là: Dân của vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái nói chung có trở lại cùng Đức Giê-hô-va và thể hiện sự ăn năn thật lòng không? Câu trả lời là không. Đức Giê-hô-va nói qua Ô-sê: “Ta sẽ làm gì cho ngươi, hỡi Ép-ra-im? Ta sẽ làm gì cho ngươi, hỡi Giu-đa? Vì lòng nhân-từ [“lòng tín nghĩa”, Nguyễn Thế Thuấn] của các ngươi giống như mây buổi sáng, như móc tan ra vừa lúc sớm mai”. (Ô-sê 6:4) Thật là một bằng chứng đáng buồn về tình trạng thiêng liêng tồi tệ của dân sự Đức Chúa Trời! Lòng tín nghĩa, hay lòng yêu thương trung tín, hầu như đã biến mất—giống như màn sương mai mau chóng tan biến khi mặt trời mọc lên. Mặc dù dân sự tỏ vẻ ăn năn, nhưng Đức Giê-hô-va không tìm thấy cơ sở để tỏ lòng thương xót. Vấn đề là gì?

7 Dân Y-sơ-ra-ên không ăn năn thật lòng. Về việc Đức Giê-hô-va bất bình với dân Ngài, Ô-sê 7:14 nói: “Chúng nó chẳng lấy lòng kêu-cầu ta, song chúng nó kêu-van trên giường mình”. Câu 16 nói thêm: “Chúng nó xây lại, song không hướng về Đấng Rất Cao”. Họ không muốn quay trở lại thờ phượng Đấng Chí Cao Giê-hô-va để phục hồi mối quan hệ với Ngài bằng cách thay đổi những gì cần thiết. Thật ra, họ không thật sự muốn bước đi với Đức Chúa Trời.

8 Sự ăn năn của dân Y-sơ-ra-ên có một vấn đề khác, đó là họ vẫn tiếp tục thực hành tội lỗi. Họ phạm nhiều tội như gian lận, giết người, trộm cắp, thờ hình tượng và liên minh thiếu khôn ngoan với các nước khác. Nơi Ô-sê 7:4, dân sự được ví như một cái “lò”, hay lò nướng bánh, hẳn là vì những ham muốn xấu xa thiêu đốt trong lòng họ. Trước một tình trạng tồi tệ về thiêng liêng như thế, họ có đáng được thương xót không? Chắc chắn không! Ô-sê bảo dân sự bội nghịch rằng Đức Giê-hô-va sẽ “nhớ lại sự gian-ác chúng nó, sẽ thăm-phạt tội-lỗi chúng nó”. (Ô-sê 9:9) Họ sẽ không được thương xót!

9. Lời của Ô-sê dạy chúng ta điều gì về sự ăn năn và lòng thương xót?

9 Khi đọc lời của Ô-sê, chúng ta học được gì về sự ăn năn và lòng thương xót? Gương cảnh báo của dân Y-sơ-ra-ên bất trung dạy chúng ta rằng để được Đức Giê-hô-va thương xót, chúng ta phải thể hiện sự ăn năn thật lòng. Bằng cách nào? Nước mắt hoặc lời nói suông không thể đánh lừa Đức Giê-hô-va. Sự ăn năn thật lòng phải được thể hiện qua hành động. Để được thương xót, người phạm tội phải hoàn toàn từ bỏ con đường tội lỗi và thay đổi đời sống cho phù hợp với tiêu chuẩn cao của sự thờ phượng cao cả dành cho Đức Giê-hô-va.

Chỉ của-lễ thôi không làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va

10, 11. Như trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên cho thấy, tại sao của-lễ thôi không làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va?

10 Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về bài học thứ hai giúp chúng ta bước đi với Đức Giê-hô-va: Chỉ của-lễ thôi không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ô-sê 6:6 nói: “Vì ta [Đức Giê-hô-va] ưa sự nhân-từ [“tín nghĩa”, NTT] mà không ưa của-lễ, ưa sự nhìn-biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của-lễ thiêu”. Hãy lưu ý là Đức Giê-hô-va ưa tín nghĩa, hay yêu thương trung tín—một đức tính xuất phát từ lòng—và yêu thương những ai có sự hiểu biết về Ngài. Nhưng có lẽ bạn tự hỏi: ‘Tại sao câu này lại nói Đức Giê-hô-va không ưa “của-lễ” và “của-lễ thiêu”? Chẳng phải Luật Pháp Môi-se đòi hỏi những của-lễ này hay sao?’

11 Đành rằng Luật Pháp đòi hỏi của-lễ và của-lễ thiêu, nhưng những người đương thời với Ô-sê có khuyết điểm nghiêm trọng. Họ dâng của-lễ theo bổn phận để phô trương lòng sùng đạo, nhưng lại thực hành tội lỗi. Qua đó cho thấy họ không có lòng yêu thương trung tín. Và cũng cho thấy họ đã chối bỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời vì không sống phù hợp với sự hiểu biết đó. Nếu không có lòng ngay và không sống công bình thì của-lễ họ dâng có giá trị gì chăng? Quả thật, của-lễ đó ghê tởm trước mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

12. Ô-sê 6:6 đưa ra lời cảnh báo nào cho người thời nay?

12 Những lời của Ô-sê đưa ra lời cảnh báo cho người sùng đạo ngày nay. Họ dâng của-lễ cho Đức Chúa Trời qua những nghi thức tôn giáo. Tuy nhiên, hình thức thờ phượng ấy hầu như không tác động đến hạnh kiểm của họ trong đời sống hàng ngày. Nếu lòng không thúc đẩy họ học và áp dụng sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời bằng cách từ bỏ các thực hành tội lỗi, liệu họ có thật sự làm đẹp lòng Đức Chúa Trời chăng? Chớ có nghĩ rằng những thực hành về tôn giáo tự nó làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va không hài lòng những người chỉ thờ phượng Ngài chiếu lệ thay vì thật sự sống theo Lời Ngài.—2 Ti-mô-thê 3:5.

13. Chúng ta dâng loại của-lễ nào, nhưng nên nhớ gì về giá trị của những của-lễ ấy?

13 Là tín đồ thật của Đấng Christ, chúng ta cũng phải nhớ rằng chỉ của-lễ thôi không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đành rằng chúng ta không dâng của-lễ bằng thú vật, nhưng chúng ta “dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Điều quan trọng là chúng ta chớ bao giờ trở nên như dân Y-sơ-ra-ên tội lỗi thời Ô-sê, nghĩ rằng chúng ta có thể đền bù hành vi tội lỗi bằng cách dâng của-lễ thể ấy cho Đức Chúa Trời. Hãy xem xét trường hợp của một chị trẻ lén lút phạm tội vô luân. Sau này chị thú nhận: “Tôi rao giảng nhiều hơn vì nghĩ rằng điều này ít nhiều sẽ đền bù cho tội lỗi của mình”. Dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh cũng đã làm như vậy. Tuy nhiên, của-lễ ngợi khen của chúng ta chỉ được Đức Giê-hô-va chấp nhận khi kèm theo động lực đúng đắn và hạnh kiểm tin kính.

Đức Giê-hô-va đau lòng khi những người thờ phượng Ngài chối bỏ Ngài

14. Lời tiên tri Ô-sê cho biết gì về những cảm nghĩ của Đức Chúa Trời?

14 Bài học thứ ba chúng ta rút được từ sách Ô-sê chương 6 đến 9 liên quan đến cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va khi những người thờ phượng Ngài lìa bỏ Ngài. Đức Chúa Trời vừa mềm mại vừa cứng rắn. Ngài thể hiện sự mềm mại qua lòng vui mừng và thương xót đối với những ai ăn năn. Nhưng khi họ không ăn năn, Ngài hành động cứng rắn và quyết liệt. Vì quan tâm sâu xa đến phúc lợi của chúng ta, Ngài vui khi chúng ta trung thành bước đi với Ngài. Thi-thiên 149:4 nói: “Đức Giê-hô-va đẹp lòng dân-sự Ngài”. Nhưng Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi tôi tớ Ngài bất trung?

15. Theo Ô-sê 6:7, một số người Y-sơ-ra-ên đã làm điều gì?

15 Đức Giê-hô-va phán về dân Y-sơ-ra-ên bất trung: “Theo cách người ta, chúng nó đã phạm lời giao-ước, và ở đó chúng nó đã phỉnh-dối ta”. (Ô-sê 6:7) Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “phỉnh-dối” cũng có nghĩa là “lừa gạt, phản bội”. Nơi Ma-la-chi 2:10-16, từ này cũng được dùng để mô tả thái độ bội bạc của những người Y-sơ-ra-ên không chung thủy với người hôn phối. Về cách dùng từ này nơi Ô-sê 6:7, một tài liệu tham khảo cho biết: “Hình ảnh ẩn dụ về hôn nhân là nhằm nói đến một mối liên lạc sâu sắc... Đây là trường hợp khi tình yêu bị phản bội”.

16, 17. (a) Dân Y-sơ-ra-ên làm gì với giao ước của Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta nên nhớ việc làm của chúng ta ảnh hưởng đến điều gì?

16 Đức Giê-hô-va xem dân Y-sơ-ra-ên như vợ theo nghĩa bóng, vì giao ước Ngài lập với nước này. Vì thế, khi dân Ngài vi phạm các điều khoản của giao ước thì như thể họ phạm tội ngoại tình vậy. Đức Chúa Trời giống như người chồng chung thủy, nhưng dân sự thì lìa bỏ Ngài!

17 Còn chúng ta thì sao? Đức Chúa Trời quan tâm đến việc chúng ta có bước đi với Ngài hay không. Đừng bao giờ quên rằng ‘Đức Chúa Trời là sự yêu-thương’ và những điều chúng ta làm sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của Ngài. (1 Giăng 4:16) Nếu theo đuổi lối sống sai trái, chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va buồn lòng. Ghi nhớ điều này trong trí có thể là sự ngăn ngừa hữu hiệu giúp chúng ta không nhượng bộ trước cám dỗ.

Làm thế nào để gặt điều tốt?

18, 19. Nguyên tắc nào chúng ta tìm thấy nơi Ô-sê 8:7, và nguyên tắc này đúng như thế nào trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên?

18 Chúng ta hãy xem xét bài học thứ tư trong lời tiên tri của Ô-sê: Làm thế nào để gặt điều tốt? Về sự ngu dại và sự hư không trong đường lối bất trung của dân Y-sơ-ra-ên, Ô-sê viết: “Chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc”. (Ô-sê 8:7) Ở đây chúng ta tìm thấy một nguyên tắc cần ghi nhớ: Có một mối tương quan trực tiếp giữa những điều chúng ta làm bây giờ và những gì xảy ra cho chúng ta sau này. Nguyên tắc này đúng như thế nào trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên bất trung?

19 Khi thực hành tội lỗi, những người Y-sơ-ra-ên đã gieo điều ác. Có thể nào họ tiếp tục làm thế mà không lãnh hậu quả không? Chắc chắn họ không thể thoát khỏi sự phán xét. Ô-sê 8:13 nói: “Ngài [Đức Giê-hô-va] nhớ lại sự gian-ác chúng nó, và sẽ thăm-phạt tội-lỗi chúng nó”. Và nơi Ô-sê 9:17, chúng ta đọc: “Đức Chúa Trời ta sẽ bỏ chúng nó, vì chúng nó không nghe Ngài; và chúng nó sẽ đi dông-dài trong các nước”. Đức Giê-hô-va sẽ trừng phạt họ. Bởi đã gieo điều ác, họ sẽ gặt điều ác. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời được thi hành vào năm 740 TCN khi quân A-si-ri lật đổ vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái và bắt dân chúng đi làm phu tù.

20. Những chuyện xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta điều gì?

20 Những gì xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta một lẽ thật căn bản: Gieo giống chi gặt giống ấy. Lời Đức Chúa Trời cảnh báo chúng ta: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. (Ga-la-ti 6:7) Nếu gieo điều ác, chúng ta sẽ gặt điều ác. Chẳng hạn, những ai theo đuổi lối sống vô luân sẽ gặt những hậu quả đắng cay. Đối với người phạm tội không ăn năn, kết cuộc của họ chẳng có gì là vui.

21. Làm thế nào chúng ta có thể gặt điều tốt?

21 Vậy làm thế nào để gặt điều tốt? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng một minh họa đơn giản. Nếu một nhà nông muốn thu hoạch lúa, ông có gieo hạt bắp chăng? Dĩ nhiên không! Muốn gặt hạt nào thì phải gieo hạt ấy. Cũng vậy, nếu muốn gặt điều tốt, chúng ta phải gieo điều tốt. Bạn có muốn tiếp tục gặt điều tốt, tức một đời sống thỏa lòng bây giờ với triển vọng sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời không? Nếu có, bạn phải tiếp tục gieo điều tốt bằng cách bước đi với Đức Chúa Trời và sống phù hợp với tiêu chuẩn công bình của Ngài.

22. Qua chương 6 đến 9 trong sách Ô-sê, chúng ta rút được những bài học nào?

22 Qua chương 6 đến 9 trong sách Ô-sê, chúng ta đã rút được bốn bài học giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời: (1) Sự ăn năn thật được thể hiện qua hành động; (2) chỉ của-lễ thôi không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời; (3) Đức Giê-hô-va đau lòng khi những người thờ phượng Ngài lại chối bỏ Ngài; và (4) để gặt điều tốt, chúng ta phải gieo điều tốt. Vậy, còn năm chương cuối của sách Ô-sê sẽ giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời như thế nào?

Bạn trả lời thế nào?

• Sự ăn năn thật được thể hiện qua cách nào?

• Tại sao chỉ của-lễ thôi không làm đẹp lòng Cha của chúng ta ở trên trời?

• Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi những người thờ phượng Ngài lại chối bỏ Ngài?

• Để gặt điều tốt, chúng ta phải gieo điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Như mây buổi sáng, lòng yêu thương trung tín của dân Y-sơ-ra-ên đã biến mất

[Hình nơi trang 23]

Những ham muốn xấu xa thiêu đốt trong lòng dân Y-sơ-ra-ên như một cái lò

[Hình nơi trang 24]

Tại sao Đức Giê-hô-va từ chối của-lễ của dân tộc Ngài?

[Hình nơi trang 25]

Để gặt điều tốt, chúng ta phải gieo điều tốt