Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các kỳ công sáng tạo tôn vinh Đức Giê-hô-va

Các kỳ công sáng tạo tôn vinh Đức Giê-hô-va

Các kỳ công sáng tạo tôn vinh Đức Giê-hô-va

GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời quả cao siêu hơn loài người bất toàn tưởng. Công trình sáng tạo của Ngài ở trên đất lẫn trên trời đều ngợi khen Ngài và khiến chúng ta thán phục.—Thi-thiên 19:1-4.

Là Đấng Tạo Hóa và Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ, chắc chắn Đức Giê-hô-va xứng đáng để các tạo vật vâng lời Ngài. Chúng ta chỉ là những người bình thường trên đất, nhưng nếu được Ngài nói chuyện thì quả là điều kinh ngạc biết bao! Giả sử Ngài nói chuyện với bạn, có lẽ qua một thiên sứ, chắc hẳn bạn sẽ chăm chú lắng nghe. Người công bình Gióp hẳn rất chăm chú lắng nghe khi Đức Chúa Trời nói với ông cách đây khoảng 3.500 năm. Chúng ta học được gì qua những lời Đức Chúa Trời phán với Gióp về trái đất, bầu trời và vũ trụ?

Ai đặt nền trái đất, và ai định giới hạn cho biển?

Từ giữa cơn gió trốt, Đức Chúa Trời hỏi Gióp về trái đất và biển. (Gióp 38:1-11) Không kiến trúc sư nào của loài người định được độ lớn của trái đất và rồi tạo nên nó. So sánh trái đất với một tòa nhà, Đức Chúa Trời hỏi Gióp: “Ai có trồng [“đặt”, Nguyễn Thế Thuấn] hòn đá góc của nó?” Không phải loài người! Các thiên sứ, con trai của Đức Chúa Trời, quan sát và vui mừng khi thấy Đức Giê-hô-va tạo dựng hành tinh này.

So với niên đại của Đức Chúa Trời, biển chỉ như một đứa bé sơ sinh được Ngài khoác áo cho. Biển “bể bờ và cất ra khỏi lòng đất [“lòng mẹ”, NTT]”. Đức Chúa Trời định giới hạn của biển như thể cài những chấn song và then cửa, còn thủy triều thì đều đặn lên xuống bởi sức hút của mặt trăng và mặt trời.

Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) cho biết: “Gió tạo nên phần lớn sóng ở đại dương, từ những gợn sóng lăn tăn đến những đợt sóng khổng lồ cao hơn 30 mét do bão gây ra... Sau khi gió lặng, từ nơi sóng bắt nguồn, chúng tiếp tục di chuyển trên đại dương và có thể đi rất xa. Chúng trở nên êm ả và thoải dài hơn. Cuối cùng sóng vào đến bờ, vỡ ra và tạo thành những đợt sóng vỗ”. Biển vâng lệnh Đức Chúa Trời: “Mầy đến đây, chớ không đi xa nữa, các lượn sóng kiêu-ngạo mầy phải dừng lại tại đây!”

Ai làm nên hừng đông?

Tiếp đến, Đức Chúa Trời hỏi Gióp về tác động của ánh sáng và về những vấn đề khác. (Gióp 38:12-18) Không ai có thể kiểm soát chu kỳ của ngày và đêm. Khi ánh sáng ban mai chiếu đến trái đất, nó phơi bày kẻ làm ác và khiến họ phải chạy trốn. Những kẻ tội lỗi làm điều ác vào lúc “chập tối”. (Gióp 24:15, 16) Nhưng nhiều kẻ ác bị hừng đông đuổi tan tác.

Trong tay Đức Chúa Trời, ánh ban mai như một con dấu đang được Ngài lăn trên đất và để lại nét đẹp đầy ấn tượng. Ánh sáng phơi bày nhiều màu sắc, như thể quả địa cầu được khoác những chiếc áo lộng lẫy. Ông Gióp không làm được gì trong việc này, và cũng chưa từng bước dưới đáy vực sâu để khảo sát kho báu của biển. Quả vậy, các nhà nghiên cứu ngày nay chỉ hiểu biết hạn hẹp về đời sống dưới đại dương!

Ai có kho tuyết và nơi chứa mưa đá?

Không ai đi cùng ánh sáng và bóng tối đến nơi ở của nó, hay vào kho tuyết và nơi chứa mưa đá mà Đức Chúa Trời dành cho “ngày chiến-trận và giặc-giã”. (Gióp 38:19-23) Khi Đức Giê-hô-va dùng mưa đá để đánh kẻ thù tại Ga-ba-ôn, “số những người bị chết về mưa đá nhiều hơn số những người bị dân Y-sơ-ra-ên giết bằng gươm”. (Giô-suê 10:11) Ngài có thể dùng mưa đá với những cục đá có kích cỡ không ai biết được để tiêu diệt kẻ ác theo phe Gót, tức Sa-tan.—Ê-xê-chi-ên 38:18, 22.

Những cục mưa đá to bằng quả trứng đã làm 25 người thiệt mạng và gây thương tích cho 200 người khác ở tỉnh Hà Nam, thuộc miền trung Trung Quốc vào tháng 7 năm 2002. Nói về cơn mưa đá năm 1545, nhà điêu khắc người Ý, ông Benvenuto Cellini, cho biết: “Khi chúng tôi còn cách Lyons khoảng một ngày đường... thì trời bắt đầu sấm sét ầm ầm... Sau đó, trên trời có tiếng nổ lớn kinh khủng đến nỗi tôi tưởng ngày tận thế đến; vì vậy tôi ghìm cương ngựa một lúc khi một trận mưa ập xuống nhưng chỉ toàn là đá, không hề có một giọt mưa... Lúc này, những cục mưa đá to đến bằng quả chanh lớn... Cơn bão hoành hành dữ dội một thời gian, nhưng cuối cùng thì dừng lại... Chúng tôi cho nhau xem các vết trầy và vết bầm; nhưng khi đi tới khoảng một dặm chúng tôi thấy một cảnh tượng điêu tàn không thể tả nổi, hơn cả những gì chúng tôi vừa trải qua. Cây cối gãy đổ và trơ trụi lá; xác gia súc nằm ngổn ngang ngoài đồng; cũng có nhiều mục đồng bị thiệt mạng; chúng tôi thấy nhiều cục đá lớn đến mức không thể cầm trong lòng hai bàn tay”.—Autobiography (Quyển II, 50), Harvard Classics, Tập 31, trang 352, 353.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi Đức Giê-hô-va mở kho tuyết và nơi chứa mưa đá để đánh kẻ thù của Ngài? Họ không thể nào sống sót nổi khi Ngài dùng tuyết và mưa đá để thi hành ý định Ngài.

Ai tạo ra mưa, sương, sương muối và nước đá?

Kế đến, Đức Giê-hô-va chất vấn Gióp về mưa, sương, sương móc hay sương muối và nước đá. (Gióp 38:24-30) Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành mưa, và ngay cả “đồng-vắng không có người ở” cũng được Ngài ban phước. Cha hay Đấng tạo ra mưa, nước đá và sương muối không phải là người phàm.

Tạp chí Nature Bulletin cho biết: “Nét đặc trưng lạ nhất và có lẽ quan trọng nhất [của nước đá] là nước giãn nở khi đông đặc... Lớp băng được hình thành và nổi trên ao hồ vào mùa đông, giúp thủy sinh vật có thể sống bên dưới mặt băng. Giả sử... nếu nước co và rắn lại khi bị đông, nước đá sẽ nặng hơn nước và chìm xuống đáy. Mặt nước tiếp tục đông đá cho đến khi cả ao hoặc hồ đều đông cứng... Ở những vùng lạnh giá trên thế giới, toàn bộ sông ngòi, ao hồ và ngay cả đại dương đều đóng băng vĩnh viễn”.

Chúng ta biết ơn xiết bao khi những nơi có nước không bị đông cứng! Và ắt hẳn chúng ta cảm tạ các công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va như mưa và sương đã làm cho thực vật trên đất được xanh tươi.

Ai đặt luật của các từng trời?

Kế tiếp, Đức Chúa Trời chất vấn Gióp về các từng trời. (Gióp 38:31-33) Chòm sao Rua thường được xem là thuộc nhóm Thất Tinh, một nhóm gồm bảy tinh tú lớn và một số tinh tú nhỏ hơn, cách mặt trời khoảng 380 năm ánh sáng. Con người không thể “riết các dây chằng Sao-rua lại”, tức gom chúng lại gần nhau. Chẳng ai có thể “tách các xiềng Sao-cầy”, thường được xem thuộc chòm sao Thiên Lang. Dù ngày nay chúng ta không biết chòm sao nào ông Gióp gọi là Huỳnh Đạo và Bắc Đẩu, nhưng con người không thể kiểm soát và chỉ đạo chúng. Loài người không thể thay đổi “luật của các từng trời”, tức những định luật điều khiển vũ trụ.

Đức Chúa Trời lập các định luật để điều khiển các thiên thể. Các luật ấy chi phối thời tiết, thủy triều, bầu khí quyển và ngay cả sự sống hiện hữu trên hành tinh này. Hãy nghĩ đến mặt trời. The Encyclopedia Americana (Bách khoa tự điển Hoa Kỳ, ấn bản năm 1996) cho biết: “Mặt trời cung cấp nhiệt lượng và ánh sáng cho trái đất, góp phần giúp cây cối tăng trưởng, làm bốc hơi nước ở biển và những nơi khác, góp phần tạo ra gió và đóng nhiều vai trò cần thiết để duy trì sự sống trên đất”. Tài liệu trên cũng nói: “Để hiểu được năng lượng của ánh sáng mặt trời lớn mạnh đến mức nào, chỉ cần nghĩ đến toàn bộ năng lượng được thể hiện qua gió, đập nước, sông ngòi và các nhiên liệu như gỗ, than, dầu khí. Toàn bộ các yếu tố trong nguồn năng lượng này đều đến từ ánh sáng mặt trời được trữ trong một hành tinh nhỏ bé [trái đất] cách mặt trời 150 triệu kilômét”.

Ai đặt sự khôn ngoan trong các tầng mây?

Đức Giê-hô-va bảo Gióp hãy nghĩ đến các từng mây. (Gióp 38:34-38) Con người không thể ra lệnh cho một đám mây xuất hiện và trút nước xuống. Nhưng con người quả rất lệ thuộc vào chu trình của nước do Đấng Tạo Hóa sắp đặt!

Chu trình của nước là gì? Theo một tài liệu tham khảo: “Chu trình của nước gồm bốn giai đoạn riêng biệt: tích nước, bốc hơi, mưa và tạo thành các dòng suối. Nước có thể được lưu trữ tạm thời trong lòng đất, đại dương và sông hồ, trong những lớp băng và sông băng. Từ mặt đất, nước bốc hơi, ngưng tụ thành mây, sau đó rơi xuống đất thành mưa hoặc tuyết, rồi cuối cùng chảy ra biển hoặc lại bốc hơi lên bầu khí quyển. Hầu hết lượng nước trên đất đều trải qua chu trình của nước nhiều lần đến mức không đếm được”.—Microsoft Encarta Reference Library 2005.

Những đám mây đầy nước giống như những bình nước của các từng trời. Khi Đức Giê-hô-va chạm nhẹ vào thì chúng có thể trút những cơn mưa lớn đến mức bụi đất trở thành bùn, đóng thành cục và dính vào nhau. Đức Chúa Trời có thể tạo ra mưa hoặc ngăn chúng lại.—Gia-cơ 5:17, 18.

Mưa thường đi kèm theo chớp, nhưng con người không thể ra lệnh cho tia chớp được. Những tia chớp xuất hiện như thể thưa với Đức Chúa Trời rằng: “Chúng tôi đây!” Compton’s Encyclopedia (Bách khoa tự điển của Compton) nói: “Tia chớp tạo ra những thay đổi đáng kể về hóa học trong bầu khí quyển. Khi tia chớp đi qua không khí, nó tạo nên một nhiệt lượng rất lớn kết hợp khí ni-tơ với oxy để tạo thành ni-trát và các hợp chất khác. Những hợp chất này rơi xuống đất cùng với mưa. Qua đó, bầu khí quyển có thể tiếp tục tạo thêm dưỡng chất cần thiết trong đất giúp cây cối tăng trưởng”. Sự hiểu biết tường tận về tia chớp vẫn còn là một bí ẩn đối với loài người chứ không phải đối với Đức Chúa Trời.

Các kỳ công sáng tạo ngợi khen Đức Chúa Trời

Các kỳ công sáng tạo thật sự tôn vinh Đấng Tạo Hóa của muôn vật. (Khải-huyền 4:11) Hẳn Gióp cảm động biết bao trước những lời phán của Đức Chúa Trời về trái đất và các thiên thể trong không gian!

Các kỳ công sáng tạo mà chúng ta vừa xem xét không phải là những câu hỏi và lời giải thích duy nhất mà Gióp được nghe. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu kỳ công đó cũng đủ thôi thúc chúng ta thốt lên: “Phải, Đức Chúa Trời là cực-đại, chúng ta không biết được Ngài”.—Gióp 36:26.

[Nguồn tư liệu nơi trang 14]

Bông tuyết: snowcrystals.net

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

Nhóm Thất Tinh: NASA, ESA and AURA/Caltech; cá: U.S. Fish & Wildlife Service, Washington, D.C./William W. Hartley