Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sách tiên tri Ô-sê giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời

Sách tiên tri Ô-sê giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời

Sách tiên tri Ô-sê giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời

“Chúng nó sẽ theo sau Đức Giê-hô-va”.—Ô-SÊ 11:10.

1. Sách Ô-sê nói về vở kịch tượng trưng nào?

BẠN có thích xem kịch với những nhân vật và cốt truyện có sức lôi cuốn không? Sách Ô-sê trong Kinh Thánh nói về một vở kịch tượng trưng. * Vở kịch ấy kể về những chuyện xảy ra trong gia đình ông Ô-sê, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, và liên quan đến cuộc hôn nhân theo nghĩa bóng mà Đức Giê-hô-va đã lập với dân Y-sơ-ra-ên xưa qua giao ước Luật Pháp Môi-se.

2. Chúng ta biết gì về ông Ô-sê?

2 Bối cảnh của vở kịch này được ghi nơi sách Ô-sê chương 1. Dường như Ô-sê sống trong vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái (còn gọi là Ép-ra-im, vì đó là chi phái trổi hơn hết). Ông là nhà tiên tri trong các triều đại bảy vị vua cuối của xứ Y-sơ-ra-ên, cùng thời với các vua xứ Giu-đa là Ô-xia, Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia. (Ô-sê 1:1) Như vậy, Ô-sê đã nói tiên tri ít nhất 59 năm. Dù sách mang tên ông đã được hoàn tất không lâu sau năm 745 TCN, ngày nay sách này vẫn có ý nghĩa khi hàng triệu người đang theo đường lối như đã được báo trước: “Chúng nó sẽ theo sau Đức Giê-hô-va”.—Ô-sê 11:10.

Nội dung khái quát cho thấy gì?

3, 4. Hãy cho biết vắn tắt sách Ô-sê từ chương 1 đến 5 đề cập đến điều gì.

3 Khi xem khái quát nội dung sách Ô-sê từ chương 1 đến 5 sẽ củng cố quyết tâm của chúng ta là bước đi với Đức Chúa Trời—bằng cách thực hành đức tin và theo đuổi một đường lối phù hợp với ý muốn Ngài. Dù dân cư vương quốc Y-sơ-ra-ên đã phạm tội ngoại tình về thiêng liêng, Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ lòng thương xót nếu họ ăn năn. Điều này được minh họa qua cách Ô-sê cư xử với vợ là Gô-me. Sau khi đã sinh cho ông một đứa con, dường như bà có thêm hai con ngoại hôn. Nhưng Ô-sê đã đưa bà về, như Đức Giê-hô-va sẵn lòng bày tỏ sự thương xót đối với dân Y-sơ-ra-ên ăn năn.—Ô-sê 1:1–3:5.

4 Đức Giê-hô-va kiện dân Y-sơ-ra-ên vì trong xứ này không có lẽ thật, lòng nhân từ, hoặc sự nhìn biết Đức Chúa Trời. Ngài sẽ thi hành sự phán xét trên xứ Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng và trên vương quốc Giu-đa ương ngạnh. Tuy nhiên, khi dân ở “trong cơn khốn-nạn”, họ sẽ tìm kiếm Đức Giê-hô-va.—Ô-sê 4:1–5:15.

Diễn tiến của vở kịch

5, 6. (a) Sự tà dâm lan tràn đến mức nào trong vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái? (b) Tại sao lời cảnh báo cho dân Y-sơ-ra-ên xưa lại có ý nghĩa cho chúng ta?

5 Đức Chúa Trời phán cùng Ô-sê: “Hãy đi, lấy một người vợ gian dâm, và con-cái ngoại-tình; vì đất nầy chỉ phạm sự tà-dâm, lìa-bỏ Đức Giê-hô-va”. (Ô-sê 1:2) Sự tà dâm lan tràn đến mức nào trong xứ Y-sơ-ra-ên? Kinh Thánh cho biết: “Lòng dâm làm lầm-lạc [dân của vương quốc gồm mười chi phái], và chúng nó phạm tội tà-dâm mà lìa-bỏ Đức Chúa Trời mình... Con gái các ngươi hành-dâm, và dâu các ngươi phạm tội ngoại-tình... Những đàn-ông đi riêng với đồ điếm-đĩ, và dâng của-lễ với đàn-bà dâm-đãng”.—Ô-sê 4:12-14.

6 Sự tà dâm lan tràn ở Y-sơ-ra-ên về nghĩa đen lẫn nghĩa thiêng liêng. Vì vậy Đức Giê-hô-va sẽ “phạt” dân Y-sơ-ra-ên. (Ô-sê 4:9) Lời cảnh báo này có ý nghĩa cho chúng ta vì Đức Giê-hô-va cũng sẽ trừng phạt những người phạm tội vô luân và tham gia vào sự thờ phượng không thanh sạch ngày nay. Nhưng những người bước đi với Đức Chúa Trời thì đáp ứng những tiêu chuẩn của Ngài về sự thờ phượng thanh sạch và nhận biết rằng ‘kẻ gian-dâm không được dự phần kế-nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời’.—Ê-phê-sô 5:5; Gia-cơ 1:27.

7. Cuộc hôn nhân của Ô-sê và Gô-me là hình ảnh cho điều gì?

7 Khi Ô-sê kết hôn với Gô-me, bà hẳn là một trinh nữ, và là một người vợ chung thủy lúc “sanh cho [ông] một trai”. (Ô-sê 1:3) Như vở kịch miêu tả, chẳng bao lâu sau khi giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ tại xứ Ê-díp-tô vào năm 1513 TCN, Đức Chúa Trời lập một giao ước với dân này tương tự như một hôn ước thanh sạch. Qua việc chấp nhận giao ước, dân Y-sơ-ra-ên hứa nguyện trung thành với “chồng”, Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 54:5) Thật vậy, cuộc hôn nhân thanh sạch của Ô-sê và Gô-me là hình ảnh cho cuộc hôn nhân tượng trưng giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng mọi sự diễn biến thật khác làm sao!

8. Vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái đã ra đời như thế nào, và bạn có thể nói gì về sự thờ phượng của họ?

8 Vợ của Ô-sê “lại chịu thai và sanh một gái”. Có lẽ bé gái đó và cả đứa bé sau đều là con ngoại hôn. (Ô-sê 1:6, 8) Vì Gô-me tượng trưng cho dân Y-sơ-ra-ên, bạn có thể thắc mắc: ‘Làm thế nào dân Y-sơ-ra-ên trở thành kẻ ngoại tình?’ Năm 997 TCN, mười chi phái của xứ Y-sơ-ra-ên tách ra khỏi hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min ở phía nam. Sự thờ phượng bò con được lập ra trong vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái ở phía bắc để dân sự không đi đến xứ Giu-đa thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Sự thờ phượng thần giả Ba-anh, với những cuộc truy hoan, đã dần bám rễ rất sâu trong xứ Y-sơ-ra-ên.

9. Như được báo trước nơi Ô-sê 1:6, điều gì đã xảy ra cho xứ Y-sơ-ra-ên?

9 Khi đứa con thứ hai, dường như là con ngoại hôn, của Gô-me chào đời, Đức Chúa Trời phán cùng Ô-sê: “Hãy đặt tên nó là Lô-Ru-ha-ma [nghĩa là “Kẻ không được thương xót”]; vì ta sẽ không thương-xót nhà Y-sơ-ra-ên nữa, và quyết không tha-thứ nó nữa [“đem nó đi cho khuất mắt”, Bản Diễn Ý, cước chú]”. (Ô-sê 1:6) Đức Giê-hô-va “đem nó đi” khi để cho người A-si-ri bắt dân Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù vào năm 740 TCN. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã tỏ lòng thương xót đối với vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái và cứu dân này nhưng không phải bởi cung, gươm, chiến trận, ngựa, hoặc bởi người cưỡi ngựa. (Ô-sê 1:7) Trong một đêm vào năm 732 TCN, chỉ một thiên sứ đã giết 185.000 quân A-si-ri đang đe dọa thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô xứ Giu-đa.—2 Các Vua 19:35.

Vụ kiện giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên

10. Hành vi ngoại tình của Gô-me minh họa cho điều gì?

10 Gô-me bỏ Ô-sê và trở thành “một người vợ gian dâm”, sống chung với người đàn ông khác. Điều này minh họa cho việc vương quốc Y-sơ-ra-ên đã liên minh chính trị với các nước thờ hình tượng và bắt đầu nương cậy vào chúng. Thay vì tin rằng những ân phước vật chất mà họ hưởng là do Đức Giê-hô-va ban, dân Y-sơ-ra-ên đã quy điều đó cho thần của các nước ấy và vi phạm hôn ước với Đức Chúa Trời bằng cách thờ tà thần. Thảo nào Đức Giê-hô-va đã kiện dân ngoại tình về thiêng liêng đó!—Ô-sê 1:2; 2:2, 12, 13.

11. Điều gì xảy ra với giao ước Luật Pháp khi Đức Giê-hô-va để cho dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa bị lưu đày?

11 Hình phạt nào dân Y-sơ-ra-ên phải chịu khi bỏ “chồng”? Đức Chúa Trời dẫn họ “vào đồng vắng” Ba-by-lôn—nước đã chinh phục A-si-ri—nơi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày vào năm 740 TCN. (Ô-sê 2:14) Khi tiêu diệt vương quốc gồm 10 chi phái, Đức Giê-hô-va đã không hủy hôn ước với Y-sơ-ra-ên nguyên thủy gồm 12 chi phái. Ngay cả khi để thành Giê-ru-sa-lem bị người Ba-by-lôn tàn phá vào năm 607 TCN và để cho dân Giu-đa bị lưu đày, Đức Chúa Trời cũng đã không hủy bỏ giao ước Luật Pháp Môi-se là hôn ước tượng trưng mà Ngài đã lập với 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Hôn ước ấy chỉ hoàn toàn bị hủy bỏ sau khi các nhà lãnh đạo Do Thái chối bỏ Chúa Giê-su Christ và giết ngài vào năm 33 CN.—Cô-lô-se 2:14.

Đức Giê-hô-va khuyên răn dân Y-sơ-ra-ên

12, 13. Nội dung của Ô-sê 2:6-8 là gì, và ứng nghiệm thế nào với dân Y-sơ-ra-ên?

12 Đức Chúa Trời khuyên răn dân Y-sơ-ra-ên “hãy cất-bỏ sự dâm-loạn”, nhưng y thị vẫn muốn đi theo các tình nhân mình. (Ô-sê 2:2, 5) Đức Giê-hô-va phán: “Vậy nên, nầy, ta sẽ lấy gai-gốc lấp đường ngươi; sẽ xây một bức tường nghịch cùng nó, và nó không thể tìm lối mình được nữa. Nó sẽ đuổi theo tình-nhân mình mà không kịp, tìm mà không gặp đâu. Đoạn nó sẽ nói rằng: Ta sẽ trở về cùng chồng thứ nhứt của ta; vì lúc đó ta sung-sướng hơn bây giờ. Thật nó chưa từng nhìn-biết rằng chính ta là Đấng đã ban lúa mì, rượu mới và dầu cho nó, đã thêm nhiều bạc và vàng mà chúng nó dùng cho Ba-anh”.—Ô-sê 2:6-8.

13 Dù xứ Y-sơ-ra-ên tìm sự trợ giúp nơi các nước từng là “tình-nhân” nhưng không ai có thể giúp y thị. Như thể y thị bị bụi gai chằng chịt vây quanh, nên không thể nhận được sự trợ giúp nào từ các tình nhân này. Sau ba năm bị quân A-si-ri vây hãm, thủ đô Sa-ma-ri thất thủ vào năm 740 TCN, và vương quốc gồm mười chi phái này không bao giờ được tái lập nữa. Chỉ một số người trong số những người Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù ý thức rằng mọi việc thật tốt biết bao khi tổ phụ họ còn phụng sự Đức Giê-hô-va. Số người còn sót lại đó hẳn sẽ từ bỏ việc thờ Ba-anh và phục hồi mối quan hệ trong giao ước với Đức Giê-hô-va.

Một cái nhìn mới về vở kịch

14. Ô-sê đã phục hồi mối quan hệ hôn nhân với Gô-me như thế nào?

14 Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa chuyện trong gia đình Ô-sê và mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với Đức Giê-hô-va, hãy xem xét những lời này: “Đức Giê-hô-va bảo ta rằng: Hãy đi, lại yêu một người đàn-bà tà-dâm đã có bạn yêu mình”. (Ô-sê 3:1) Ô-sê tuân theo lời phán này bằng cách chuộc lại Gô-me từ người đàn ông mà bà đang chung sống. Sau đó, Ô-sê nghiêm khắc khuyên răn vợ: “Ngươi khá chờ-đợi ta [“ở với tôi”, BDY] lâu ngày; đừng làm sự gian-dâm và chớ làm vợ cho người nam nào”. (Ô-sê 3:2, 3) Gô-me nghe lời sửa trị, và Ô-sê phục hồi mối quan hệ hôn nhân của hai người. Điều này áp dụng như thế nào qua cách Đức Chúa Trời cư xử với dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa?

15, 16. (a) Dân biết nghe lời sửa trị của Đức Chúa Trời sẽ được Ngài thương xót với điều kiện nào? (b) Ô-sê 2:18 đã được ứng nghiệm như thế nào?

15 Trong khi dân xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa bị làm phu tù ở Ba-by-lôn, Đức Chúa Trời đã dùng các nhà tiên tri ‘lấy lời ngọt-ngào nói cùng họ’. Để được Đức Chúa Trời thương xót, dân Ngài phải biểu lộ sự ăn năn và trở lại với “chồng” như Gô-me đã trở về với chồng mình. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ đem dân tộc Ngài, một dân tộc biết nghe lời sửa trị và được ví như một người vợ, ra khỏi “đồng vắng” Ba-by-lôn rồi mang họ về xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem. (Ô-sê 2:14, 15) Ngài đã thực hiện lời hứa này vào năm 537 TCN.

16 Đức Chúa Trời cũng làm ứng nghiệm lời hứa này: “Trong ngày đó, ta sẽ... lập ước cùng những thú đồng, những chim trời, và côn-trùng trên đất. Ta sẽ bẻ gãy và làm cho biến mất khỏi đất nầy những cung, những gươm, và giặc-giã; và sẽ khiến dân-sự được nằm yên-ổn”. (Ô-sê 2:18) Số người Y-sơ-ra-ên còn sót lại trở về quê hương sống yên ổn, không một loài thú nào làm cho họ lo sợ. Lời tiên tri trên cũng được ứng nghiệm vào năm 1919 CN, khi những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại được giải thoát khỏi “Ba-by-lôn lớn”, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới. Hiện nay họ sống yên ổn và vui vẻ trong một địa đàng thiêng liêng với các bạn đồng đạo, những người có hy vọng sống mãi mãi trên đất. Tính khí hung dữ không còn trong vòng những tín đồ Đấng Christ chân chính này.—Khải-huyền 14:8; Ê-sai 11:6-9; Ga-la-ti 6:16.

Ghi nhớ những bài học

17-19. (a) Chúng ta được khuyên noi theo những đức tính nào của Đức Chúa Trời? (b) Lòng thương xót và trắc ẩn của Đức Giê-hô-va nên tác động thế nào đến chúng ta?

17 Đức Chúa Trời có lòng thương xót và trắc ẩn, và chúng ta cũng phải thế. Những chương đầu của sách Ô-sê dạy chúng ta bài học này. (Ô-sê 1:6, 7; 2:23) Việc Đức Chúa Trời sẵn lòng thương xót dân Y-sơ-ra-ên ăn năn phù hợp với câu Châm-ngôn được soi dẫn: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”. (Châm-ngôn 28:13) Những người phạm tội biết ăn năn cũng được an ủi qua lời của người viết Thi-thiên: “Của-lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm-thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”.—Thi-thiên 51:17.

18 Lời tiên tri của Ô-sê nêu bật lòng trắc ẩn và thương xót của Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng. Nếu một số người đi trệch đường lối công bình của Ngài, họ có thể ăn năn và trở lại. Nếu họ làm điều đó, Đức Giê-hô-va đón tiếp họ. Ngài biểu lộ lòng thương xót đối với những người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn, dân mà Ngài đã lập hôn ước tượng trưng. Dù họ đã không vâng lời Đức Giê-hô-va và ‘làm phiền Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên, Ngài thương-xót và nhớ lại chúng nó chẳng qua là xác-thịt’. (Thi-thiên 78:38-41) Lòng thương xót thể ấy hẳn nên thôi thúc chúng ta tiếp tục bước đi với Đức Chúa Trời đầy lòng trắc ẩn, Đức Giê-hô-va.

19 Dù những tội lỗi như giết người, trộm cắp và tà dâm lan tràn trong xứ Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va vẫn ‘lấy lời ngọt-ngào nói cùng họ’. (Ô-sê 2:14; 4:2) Lòng chúng ta hẳn xúc động và mối quan hệ gắn bó với Đức Giê-hô-va được củng cố khi chúng ta suy ngẫm về lòng thương xót và trắc ẩn của Ngài. Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: ‘Tôi có thể noi gương thương xót và trắc ẩn của Đức Giê-hô-va nhiều hơn như thế nào trong cách cư xử với người khác? Nếu một anh chị đã xúc phạm đến tôi xin được thứ lỗi, liệu tôi có sẵn lòng tha thứ như Đức Chúa Trời không?’—Thi-thiên 86:5.

20. Hãy nêu một thí dụ cho thấy chúng ta nên tin chắc nơi sự trông cậy mà Đức Chúa Trời ban.

20 Đức Chúa Trời ban sự trông cậy thật. Chẳng hạn, Ngài hứa: ‘Ta sẽ ban cho nó trũng A-cô làm cửa trông-cậy’. (Ô-sê 2:15) Tổ chức xưa của Đức Giê-hô-va, được ví như người vợ của Ngài, đã có sự trông cậy chắc chắn là được trở về quê hương, nơi có “trũng A-cô”. Lời hứa ấy được thực hiện vào năm 537 TCN, cho chúng ta lý do chính đáng để vui mừng về sự trông cậy chắc chắn mà Đức Giê-hô-va đặt trước mặt chúng ta.

21. Sự hiểu biết giữ vai trò nào trong việc chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời?

21 Để luôn bước đi với Đức Chúa Trời, chúng ta cần tiếp tục thu thập và thực hành sự hiểu biết về Ngài trong đời sống. Dân Y-sơ-ra-ên xưa thiếu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va một cách trầm trọng. (Ô-sê 4:1, 6) Dầu vậy, một số người quý trọng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, tuân theo sự dạy dỗ ấy và được ban phước dồi dào. Ô-sê là một trong số những người đó. Cũng thế, trong thời Ê-li, 7.000 người không quỳ gối trước mặt Ba-anh. (1 Các Vua 19:18; Rô-ma 11:1-4) Lòng biết ơn của chúng ta đối với những dạy dỗ của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta tiếp tục bước đi với Ngài.—Thi-thiên 119:66; Ê-sai 30:21.

22. Chúng ta nên có quan điểm nào về sự bội đạo?

22 Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người lãnh đạo dân Ngài phải tránh xa sự bội đạo. Thế nhưng Ô-sê 5:1 nói: “Hỡi các thầy tế-lễ, hãy nghe điều nầy; hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, khá để ý; hỡi nhà vua, hãy lắng tai! Sự phán-xét có quan-hệ với các ngươi, vì các ngươi là bẫy ở Mích-ba, và giăng lưới trên Tha-bô”. Những người lãnh đạo bội đạo là bẫy và lưới cho dân Y-sơ-ra-ên, lôi cuốn dân này vào việc thờ hình tượng. Núi Tha-bô và nơi có tên Mích-ba rất có thể là trung tâm của sự thờ phượng giả ấy.

23. Bạn nhận được lợi ích nào qua việc xem xét sách Ô-sê từ chương 1 đến 5?

23 Đến đây, lời tiên tri của Ô-sê cho chúng ta thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thương xót, Đấng ban sự trông cậy và ân phước cho những người thực hành sự dạy dỗ của Ngài và tránh xa sự bội đạo. Giống như những người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn xưa, chúng ta hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va và luôn gắng sức làm vui lòng Ngài. (Ô-sê 5:15) Làm thế, chúng ta sẽ gặt điều tốt, có được niềm vui và sự bình an không gì sánh bằng mà tất cả những người trung thành bước đi với Đức Chúa Trời đều cảm nghiệm.—Thi-thiên 100:2; Phi-líp 4:6, 7.

[Chú thích]

^ đ. 1 Một vở kịch tượng trưng khác được nói đến nơi Ga-la-ti 4:21-26. Về điều này, xin xem Tháp Canh ngày 1-12-1992, trang 14, tiểu đề “Một vở kịch tượng trưng lý thú”.

Bạn trả lời thế nào?

• Cuộc hôn nhân của Ô-sê và Gô-me tượng trưng cho điều gì?

• Tại sao Đức Giê-hô-va kiện dân Y-sơ-ra-ên?

• Bài học nào trong sách Ô-sê từ chương 1 đến 5 gây ấn tượng cho bạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Bạn biết vợ của Ô-sê tượng trưng cho ai không?

[Hình nơi trang 19]

Dân A-si-ri chiến thắng dân thành Sa-ma-ri vào năm 740 TCN

[Hình nơi trang 20]

Dân sự vui mừng trở về quê hương