Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bằng chứng của tình yêu thương, đức tin và vâng lời

Bằng chứng của tình yêu thương, đức tin và vâng lời

Bằng chứng của tình yêu thương, đức tin và vâng lời

SÁNG ngày 16 tháng 5 năm 2005, một buổi sáng êm dịu, mát trời, ánh nắng chan hòa phủ khắp bầu trời Nông Trại Tháp Canh tại Wallkill, New York. Cơn mưa buổi ban mai đã để lại những giọt nước lấp lánh đọng trên bãi cỏ xanh mịn và trên những bụi hoa. Bên cạnh bờ ao, tám chú vịt con cùng mẹ nhẹ nhàng lướt trên mặt nước yên tĩnh. Du khách thán phục vẻ đẹp của phong cảnh. Họ ghé tai thì thầm với nhau như không muốn phá tan sự yên tĩnh của buổi ban mai.

Những du khách này là Nhân Chứng Giê-hô-va đến từ 48 nước trên khắp thế giới. Họ không đến để ngắm cảnh. Họ muốn xem những gì diễn ra bên trong tòa nhà gạch đỏ rộng rãi, cơ sở mới nhất được xây thêm tại khu nhà Bê-tên Hoa Kỳ ở Wallkill. Bên trong tòa nhà ấy, một lần nữa họ lại thán phục, nhưng lần này khung cảnh không yên tĩnh.

Từ trên tầng gác lửng, khách tham quan nhìn xuống một hệ thống chằng chịt máy móc. Năm chiếc máy in to lớn nằm trên nền xi măng tráng bóng với diện tích lớn hơn sáu sân bóng đá. Đây là nơi in Kinh Thánh, sách và tạp chí. Những cuộn giấy to lớn, mỗi cuộn nặng 1.700 kilôgam, quay nhanh như các bánh xe vận tải. Mỗi cuộn dài 23 kilômét tuôn giấy xuyên qua nhiều cơ phận máy in chỉ trong 25 phút. Trong lúc ấy, máy vừa in vừa làm khô mực và vừa làm nguội giấy để có thể gấp lại. Rồi các tạp chí này được chuyền đi trên băng tải đặt trên cao đến nơi đóng thùng và gửi đến các hội thánh. Các máy khác thì in những tay sách—tức những tập gồm một số trang—và những tay sách này được chuyển rất nhanh đến khu chứa cao tới tận trần nhà trước khi gửi qua khu đóng sách. Hệ thống máy điện toán điều khiển tự động quá trình in ấn một cách hòa hợp và chính xác.

Rời xưởng in, quan khách đến xem khu đóng sách. Nơi đây, máy móc cho ra những sách đóng bìa cứng và Kinh Thánh bìa da với số lượng lên đến 50.000 quyển mỗi ngày. Các tay sách được sắp xếp, đóng lại và cắt xén, rồi sau đó được đóng bìa. Máy cho sách vào thùng, dán lại, ghi nhãn và đặt lên các tấm nâng hàng bằng hệ thống tự động. Ngoài ra, hệ thống dây chuyền ghép và đóng thùng sách bìa giấy có khả năng cho ra khoảng 100.000 quyển mỗi ngày. Riêng bộ phận này cũng có rất nhiều máy móc—rất nhiều động cơ, băng tải, bánh xe răng, bánh xe và dây curoa—tất cả chạy với tốc độ thật nhanh để sản xuất các ấn phẩm Kinh Thánh.

Máy in cao tốc vận hành thật chính xác là máy tiên tiến nhất hiện có, một kỳ công của kỹ thuật hiện nay. Như chúng ta sẽ thấy, máy đó là bằng chứng của tình yêu thương, đức tin và sự vâng lời của dân sự Đức Giê-hô-va. Nhưng vì sao lại phải dời bộ phận in ấn từ Brooklyn, New York, đến Wallkill?

Một lý do chính là để đơn giản hóa việc in ấn và đóng thùng gửi đi bằng cách tập trung các hoạt động về một chỗ. Nhiều năm qua, sách được in và gửi đi từ thành phố Brooklyn, còn tạp chí thì được in và gửi đi từ Wallkill. Tập trung các hoạt động này sẽ giảm bớt nhân lực và khéo tận dụng ngân quỹ hơn. Ngoài ra, các máy in ở Brooklyn đã cũ nên chi nhánh đặt mua hai máy in “MAN Roland Lithoman” từ bên Đức. Xưởng in tại Brooklyn không đủ chỗ vì hai máy này quá lớn.

Đức Giê-hô-va hỗ trợ cho công việc

Mục tiêu của việc in ấn vẫn luôn luôn là nhằm truyền bá tin mừng về Nước Trời. Ngay từ lúc đầu đã có bằng chứng rõ ràng là Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc này. Từ năm 1879 đến năm 1922, Hội phải dùng cơ sở tư nhân để in sách. Vào năm 1922, Hội mướn một tòa nhà sáu tầng tại 18 Concord Street ở Brooklyn và mua máy móc để in sách. Thời đó, vài người nghi ngờ cho rằng các anh em chúng ta không thể làm được việc này.

Một trong những người nghi ngờ đó là vị giám đốc cơ sở mà đã in phần lớn sách của chúng ta. Khi đến thăm xưởng in tại Concord Street, ông nói: “Quý vị có được một cơ sở in tốt nhất, nhưng lại không có ai ở đây biết in như thế nào. Trong sáu tháng, tất cả máy móc này chỉ còn là một đống sắt vụn; và quý vị sẽ thấy là quý vị phải nhờ chúng tôi in sách báo vì chúng tôi là những người chuyên nghiệp và có kinh nghiệm”.

Anh giám thị xưởng in lúc đó là Robert J. Martin nhận xét: “Nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng họ không nghĩ đến bàn tay của Chúa; Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta... Không lâu sau chúng ta đã sản xuất được sách”. Trong suốt 80 năm kế tiếp, Nhân Chứng Giê-hô-va tự in hàng tỷ ấn phẩm bằng máy in riêng.

Rồi vào ngày 5-10-2002, tại phiên họp thường niên của Hội Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, có một thông báo cho biết là Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương đã chấp thuận việc dời xưởng in của chi nhánh Hoa Kỳ về Wallkill. Chi nhánh đặt mua hai máy in mới, và ngày giao máy là vào tháng 2 năm 2004. Các anh em phải thiết kế kiến trúc, nới rộng xưởng in và cần phải hoàn tất trong vòng 15 tháng để kịp nhận máy. Sau đó, công việc lắp đặt máy đóng sách mới và công việc vận chuyển cần phải hoàn tất trong vòng chín tháng kế tiếp. Vài người có thể đã nghi ngờ khi nghe nói đến thời gian dự trù cho công trình này—một điều dường như không thể thực hiện. Tuy nhiên, các anh em tin rằng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va thì công việc sẽ thực hiện được.

“Một tinh thần vui vẻ hợp tác”

Các anh em đã khởi công vì biết rằng dân của Đức Giê-hô-va sẽ tình nguyện góp sức. (Thi-thiên 110:3) Công trình này to lớn nên cần phải có nhiều công nhân hơn số công nhân thuộc các ban xây dựng của nhà Bê-tên. Từ Hoa Kỳ và Canada có hơn 1.000 anh chị em có tay nghề về xây cất đã tình nguyện phục vụ từ một tuần đến ba tháng trong chương trình tình nguyện tạm thời. Những người khác phục vụ theo chương trình tôi tớ quốc tế dài hạn hoặc người tình nguyện quốc tế ngắn hạn cũng được mời tham gia trong công trình này. Các Ủy Ban Xây Cất Vùng cũng góp sức rất nhiều.

Đối với nhiều người, tình nguyện phục vụ trong công trình tại Wallkill là cả một sự tốn kém về di chuyển cũng như phải tạm nghỉ việc. Tuy vậy, các anh chị em vẫn vui lòng hy sinh. Việc cung cấp thêm chỗ ở và thức ăn cho nhiều anh chị em tình nguyện đã tạo cơ hội cho chính gia đình Bê-tên nỗ lực góp phần hỗ trợ công trình. Hơn 535 thành viên gia đình Bê-tên ở Brooklyn, Patterson và Wallkill tình nguyện làm thêm cho công trình xây cất vào Thứ Bảy ngoài công tác hàng ngày của họ. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của dân Đức Chúa Trời để góp phần vào công trình mang tính chất lịch sử này chỉ có thể thực hiện được nhờ có Đức Giê-hô-va hỗ trợ.

Những người khác thì đóng góp tài chính. Chẳng hạn, một em gái chín tuổi tên Abby đã viết lá thư như sau: “Con rất biết ơn các cô chú đã làm việc để in những sách báo thật hay. Con có thể đi thăm các cô chú một ngày gần đây. Ba con nói là năm tới sẽ đi, con sẽ đeo thẻ có tên con để cô chú nhận ra con. Con xin gửi 20 đô la [Mỹ] để thêm tiền mua máy in mới. Đó là tiền ăn quà của con nhưng con muốn gửi đến cô chú”.

Một chị viết: “Xin các anh nhận những chiếc nón này như một món quà nhỏ mà tôi đã đan. Tôi muốn tặng những chiếc nón này cho những anh chị làm việc tại công trình ở Wallkill. Sách tiên đoán thời tiết cho biết là mùa đông năm nay sẽ rất lạnh. Họ nói đúng hay sai thì tôi không biết, nhưng tôi biết một điều là nhiều công việc phải làm ngoài trời, và tôi muốn các anh chị được ấm đầu. Tôi không biết nghề mà các anh cần, nhưng tôi có thể đan, nên tôi quyết định giúp những gì tôi có thể làm được”. Chị kèm theo 106 chiếc nón!

Xưởng in được hoàn thành đúng theo kế hoạch. Anh giám thị xưởng in là John Larson nói: “Quả là một tinh thần vui vẻ hợp tác. Còn ai có thể nghi ngờ là Đức Chúa Trời đã ban phước cho công việc này? Mọi việc tiến hành thật nhanh chóng. Tôi nhớ vào tháng 5 năm 2003, tôi đứng trong vũng bùn nhìn các anh em đổ nền và rồi không đầy một năm sau, cũng đứng tại chỗ đó, tôi thấy máy in đang hoạt động”.

Lễ khánh thành

Buổi lễ khánh thành xưởng in và ba tòa nhà cư xá đã được tổ chức tại Wallkill vào ngày Thứ Hai, 16-5-2005. Cơ sở Bê-tên tại Patterson và Brooklyn cũng như nhà Bê-tên Canada đã được nối kết qua hệ thống truyền hình. Tổng cộng có đến 6.049 người được thưởng thức chương trình buổi lễ. Anh Theodore Jaracz, một thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, là chủ tọa buổi lễ, anh kể sơ qua lịch sử của công việc in. Qua màn phỏng vấn và chiếu video, hai thành viên của Ủy Ban Chi Nhánh Hoa Kỳ là John Larson và John Kikot đã ôn lại quá trình của kế hoạch xây cất lẫn hoạt động in ấn tại Hoa Kỳ. Anh John Barr là thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương nói bài kết thúc để dâng hiến xưởng in và ba tòa nhà cư xá mới cho Đức Giê-hô-va.

Suốt tuần sau đó, nhiều thành viên Bê-tên từ Patterson và Brooklyn có cơ hội đi tham quan khu mới xây. Tổng cộng đã có 5.920 người đến tham quan.

Chúng ta nghĩ gì về xưởng in?

Qua bài giảng lễ hiến dâng, anh Barr nhắc cử tọa rằng xưởng in, dù có thể gây được ấn tượng tốt, nhưng đó không chỉ là về máy móc mà mục tiêu chính là về con người. Ấn phẩm chúng ta in có tác động mạnh mẽ đến đời sống của người khác.

Mỗi máy in mới có khả năng in một triệu tờ giấy nhỏ chỉ trong hơn một giờ! Nhưng chỉ một tờ giấy nhỏ cũng có thể tác động sâu xa đến đời sống của một người. Chẳng hạn, vào năm 1921, một toán công nhân sửa chữa đường sắt tại Nam Phi làm việc dọc theo đường ray xe lửa. Một người trong toán này tên là Christiaan thấy một miếng giấy kẹt dưới đường ray; đó là tờ giấy nhỏ của chúng ta. Christiaan đọc và hết sức chú ý. Ông vội chạy đến gặp con rể và nói một cách hứng thú: “Hôm nay ba đã tìm được lẽ thật rồi!” Không lâu sau, họ viết thư xin thêm thông tin. Chi nhánh Nam Phi đã gửi thêm những ấn phẩm về Kinh Thánh. Hai người đó học, làm báp têm và chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh với người khác. Kết quả là nhiều người chấp nhận lẽ thật. Tính đến những năm đầu thập niên 1990, đã có hơn một trăm con cháu của hai người đó trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va—kết quả đến từ việc một người tìm được tờ giấy nhỏ dưới đường ray!

Anh Barr nói thêm rằng ấn phẩm mà chúng ta in giúp người ta đến với lẽ thật, bền đỗ trong lẽ thật, khuyến giục họ sốt sắng hơn và tạo được sự hợp nhất trong vòng anh em. Quan trọng hơn hết, các ấn phẩm mà tất cả chúng ta phân phát đem lại vinh hiển cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời!

Đức Giê-hô-va có quan điểm gì về xưởng in?

Anh Barr cũng mời cử tọa xem xét quan điểm của Đức Giê-hô-va về xưởng in. Ngài chắc chắn không tùy thuộc vào xưởng in. Ngài có thể khiến đá rao ra tin mừng! (Lu-ca 19:40) Hơn nữa, tính chất phức tạp, to lớn, tốc độ nhanh hay năng xuất cao của máy không hề làm cho Ngài phải thán phục. Chẳng phải Ngài đã tạo ra cả vũ trụ hay sao? (Thi-thiên 147:10, 11) Đức Giê-hô-va biết phương pháp hay hơn để xuất bản các ấn phẩm, phương pháp mà con người không thể phát minh hoặc ngay cả tưởng tượng. Thế thì, Đức Giê-hô-va thấy điều gì thật sự có giá trị? Chắc chắn qua xưởng in này, Ngài thấy những đức tính quý giá của dân Ngài—tình yêu thương, đức tin và vâng lời.

Một câu chuyện cho thấy khía cạnh của tình yêu thương. Một em gái làm bánh cho ba mẹ em. Hẳn nhiên là ba mẹ em rất cảm động. Dù bánh có ngon hay không, điều làm cha mẹ cảm động là thấy con yêu mình, biểu lộ qua cử chỉ biết ơn. Tương tự, khi Đức Giê-hô-va thấy xưởng in này, Ngài không chỉ thấy những tòa nhà và máy móc mà còn thấy tình yêu thương đã tỏ ra vì danh Ngài.—Hê-bơ-rơ 6:10.

Hơn nữa, như Đức Giê-hô-va thấy chiếc tàu là biểu hiện đức tin của Nô-ê, Ngài thấy xưởng in này là bằng chứng rõ ràng về đức tin của chúng ta. Đức tin về điều gì? Nô-ê có đức tin về những điều mà Đức Giê-hô-va báo trước sẽ thành sự thật. Còn chúng ta tin rằng mình đang sống trong ngày sau rốt, rằng tin mừng là thông điệp quan trọng nhất cần được loan ra khắp đất và rằng điều trọng yếu là người ta được nghe tin mừng đó. Chúng ta biết thông điệp của Kinh Thánh có thể cứu mạng người ta.—Rô-ma 10:13, 14.

Chắc chắn, qua xưởng in này Đức Giê-hô-va cũng thấy chúng ta bày tỏ sự vâng lời. Như chúng ta biết, ý muốn Ngài là tin mừng phải được giảng ra khắp đất trước khi sự cuối cùng đến. (Ma-thi-ơ 24:14) Xưởng in này cùng với những xưởng in ở các nơi khác trên thế giới sẽ góp phần thực hiện sứ mạng đó.

Tình yêu thương, đức tin và vâng lời thể hiện qua việc tài trợ, xây dựng và điều hành các cơ sở này cũng phản ánh những hoạt động sốt sắng của dân Đức Giê-hô-va khắp nơi trong khi họ tiếp tục rao báo lẽ thật cho những ai lắng nghe.

[Khung/​Các hình nơi trang 11]

MỞ RỘNG VIỆC IN ẤN TẠI HOA KỲ

1920: Tạp chí được in bằng máy in quay đầu tiên tại 35 Myrtle Avenue, Brooklyn.

1922: Xưởng in dời đến tòa nhà sáu tầng tại 18 Concord Street. Máy đang in sách.

1927: Xưởng in được dời đến cơ sở mới tại 117 Adams Street.

1949: Thêm tòa nhà chín tầng làm tăng gấp đôi xưởng in.

1956: Xưởng in ở Adams Street lại tăng gấp đôi khi xây thêm tòa nhà ở 77 Sands Street.

1967: Tòa nhà mười tầng được xây lên, nhờ đó có được xưởng in nối với nhau, lớn gấp mười lần xưởng in đầu tiên.

1973: Xưởng in phụ tại Wallkill được xây chủ yếu là để sản xuất tạp chí.

2004: Tất cả công việc in ấn, đóng sách và vận chuyển tại Hoa Kỳ được tập trung về Wallkill.