Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Người từ mọi thứ tiếng” được nghe tin mừng

“Người từ mọi thứ tiếng” được nghe tin mừng

“Người từ mọi thứ tiếng” được nghe tin mừng

“Có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra,... mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.—XA-CHA-RI 8:23.

1. Làm thế nào Đức Giê-hô-va sắp xếp thời điểm và khung cảnh tốt nhất để bắt đầu công việc rao truyền đạo Đấng Christ cho các dân tộc trong nhiều thứ tiếng?

THỜI ĐIỂM và khung cảnh thật lý tưởng. Hôm ấy là ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Trước đó nhiều tuần, người Do Thái và những người cải đạo từ ít nhất 15 địa phận ở trong và ngoài Đế Quốc La Mã đến đầy Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua. Ngày hôm đó, không như tình trạng hỗn loạn ở thành Ba-bên cổ xưa, hàng ngàn người này không chỉ nghe mà còn hiểu tin mừng do những người bình thường đầy dẫy thánh linh công bố bằng nhiều thứ tiếng được sử dụng trong Đế Quốc La Mã. (Công-vụ 2:1-12) Ngày đó đánh dấu sự ra đời của hội thánh đạo Đấng Christ và sự khởi đầu của công việc giáo dục các dân tộc trong nhiều thứ tiếng mà ngày nay vẫn còn được tiến hành.

2. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các môn đồ Chúa Giê-su đã làm cử tọa gồm nhiều gốc gác phải sửng sốt như thế nào?

2 Các môn đồ Chúa Giê-su có lẽ nói tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ thông dụng vào thời đó. Họ cũng nói tiếng Hê-bơ-rơ, ngôn ngữ dùng ở đền thờ. Tuy nhiên, vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm ấy, khi nói bằng các thứ tiếng địa phương của những người trong cử tọa, họ đã làm cho nhóm người này sửng sốt. Kết quả là gì? Những lẽ thật rất quan trọng mà những người này được nghe trong tiếng mẹ đẻ đã tác động đến lòng họ. Cuối ngày hôm đó, nhóm nhỏ các môn đồ gia tăng đến hơn 3.000 người!—Công-vụ 2:37-42.

3, 4. Công việc rao giảng đã mở rộng như thế nào khi các môn đồ dọn đi khỏi Giê-ru-sa-lem, Giu-đê và Ga-li-lê?

3 Ít lâu sau sự kiện trọng đại đó, làn sóng bắt bớ nổi lên ở Giê-ru-sa-lem, và “những kẻ đã bị tan-lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền... Tin-lành”. (Công-vụ 8:1-4) Chẳng hạn, nơi Công-vụ chương 8 chúng ta đọc về Phi-líp, có lẽ là người rao giảng nói tiếng Hy Lạp. Phi-líp rao giảng cho người Sa-ma-ri. Ông cũng rao giảng cho viên quan người Ê-thi-ô-bi và người này đã hưởng ứng thông điệp về Đấng Christ.—Công-vụ 6:1-5; 8:5-13, 26-40; 21:8, 9.

4 Khi dời nhà và tìm nơi sinh sống bên ngoài ranh giới thành Giê-ru-sa-lem, Giu-đê và Ga-li-lê, các tín đồ Đấng Christ gặp những hàng rào sắc tộc và ngôn ngữ. Một số tín đồ này có lẽ chỉ có kinh nghiệm làm chứng cho người Do Thái mà thôi. Nhưng môn đồ Lu-ca tường thuật: “Có một vài người quê ở Chíp-rơ và Sy-ren đến thành An-ti-ốt, cũng giảng-dạy cho người Gờ-réc nữa, truyền Tin-lành của Đức Chúa Jêsus cho họ”.—Công-vụ 11:19-21.

Một Đức Chúa Trời không thiên vị—Thông điệp cho mọi người

5. Tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va được thể hiện rõ như thế nào liên quan đến tin mừng?

5 Các diễn tiến đó phù hợp với đường lối của Đức Chúa Trời; sự thiên vị trái ngược hẳn với bản chất của Ngài. Sau khi được Đức Giê-hô-va giúp để thay đổi quan điểm về dân ngoại, sứ đồ Phi-e-rơ nói với lòng biết ơn: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể [“không thiên vị”, Bản Diễn Ý] ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35; Thi-thiên 145:9) Khi sứ đồ Phao-lô, người từng bắt bớ tín đồ Đấng Christ, tuyên bố Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu-rỗi”, ông xác nhận một lần nữa Đức Chúa Trời hoàn toàn không thiên vị. (1 Ti-mô-thê 2:4) Tính không thiên vị của Đấng Tạo Hóa thể hiện rõ qua sự kiện hy vọng về Nước Trời được mở ra cho mọi dân không phân biệt nam nữ, chủng tộc, dân tộc hay ngôn ngữ.

6, 7. Những lời tiên tri nào trong Kinh Thánh nói trước về việc rao truyền tin mừng cho nhiều dân tộc trong nhiều thứ tiếng?

6 Sự phát triển quốc tế này đã được nói trước nhiều thế kỷ. Theo lời tiên tri của Đa-ni-ên, “[Chúa Giê-su] được ban cho quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người”. (Đa-ni-ên 7:14) Sự kiện tạp chí này được phát hành trong 151 thứ tiếng trên khắp thế giới, nhờ vậy bạn có thể đọc về Nước của Đức Giê-hô-va, cho thấy lời tiên tri đó của Kinh Thánh đang được ứng nghiệm.

7 Kinh Thánh nói trước về một thời kỳ mà các dân thuộc mọi thứ tiếng sẽ được nghe thông điệp mang lại sự sống. Miêu tả sự thờ phượng thật sẽ thu hút nhiều người như thế nào, Xa-cha-ri tiên tri: “Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa [tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh, thuộc “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”], mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. (Xa-cha-ri 8:23; Ga-la-ti 6:16) Và thuật lại điều ông thấy trong một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng nói: “Tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con”. (Khải-huyền 7:9) Chúng ta đã thấy những lời tiên tri đó trở thành sự thật!

Rao giảng cho mọi người

8. Thực tế nào ngày nay đòi hỏi phải thích ứng trong công việc rao giảng?

8 Thời nay, ngày càng có nhiều người di cư. Nói về di trú, sự toàn cầu hóa đã mở ra một kỷ nguyên mới. Vô số người từ những vùng chiến tranh và kinh tế suy thoái đã dọn đến những nơi ổn định hơn, tìm một lối sống bảo đảm về vật chất. Ở nhiều nước vì có nhiều người nhập cư và tị nạn nên những cộng đồng nói tiếng nước ngoài đã được thành lập. Chẳng hạn như ở Phần Lan có hơn 120 thứ tiếng được sử dụng; ở Úc con số đó lên đến hơn 200. Chỉ riêng một thành phố ở Hoa Kỳ—San Diego—đã có hơn 100 thứ tiếng được sử dụng!

9. Chúng ta nên có quan điểm nào về sự có mặt của những người nói thứ tiếng khác trong khu vực rao giảng?

9 Là người rao truyền đạo Đấng Christ, chúng ta có xem sự có mặt của những người nhập cư nói tiếng khác là một trở ngại cho thánh chức không? Chắc chắn không! Thay vì thế, chúng ta vui thích xem đó là sự mở rộng khu vực rao giảng—‘đồng-ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt’. (Giăng 4:35) Chúng ta cố gắng chăm sóc những người có ý thức về nhu cầu tâm linh, dù họ thuộc dân tộc nào hoặc nói thứ tiếng nào. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Kết quả là mỗi năm càng có thêm nhiều người thuộc “mọi tiếng” trở thành môn đồ Đấng Christ. (Khải-huyền 14:6) Chẳng hạn, kể từ tháng 8 năm 2004, công việc rao giảng ở Đức được thực hiện trong khoảng 40 thứ tiếng. Cũng tháng đó, tin mừng được rao giảng ở Úc trong gần 30 thứ tiếng, mười năm trước con số này chỉ là 18. Ở Hy Lạp, Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng trong gần 20 thứ tiếng. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế phổ biến, trên thế giới có khoảng 80 phần trăm Nhân Chứng Giê-hô-va nói một thứ tiếng khác.

10. Mỗi người công bố có vai trò nào trong việc dạy dỗ “muôn dân”?

10 Quả thật, mệnh lệnh của Chúa Giê-su “hãy đi dạy-dỗ muôn-dân” hiện đang được thi hành! (Ma-thi-ơ 28:19) Sốt sắng thực thi nhiệm vụ này, Nhân Chứng Giê-hô-va tích cực rao giảng trong 235 xứ, phân phát ấn phẩm trong hơn 400 thứ tiếng. Trong lúc tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp các sách báo cần thiết để thực hiện công việc rao giảng, cá nhân những người công bố Nước Trời cần chủ động truyền đạt thông điệp Kinh Thánh cho mọi người trong ngôn ngữ họ hiểu dễ dàng nhất. (Giăng 1:7) Nỗ lực chung này giúp hàng triệu người thuộc những nhóm ngôn ngữ khác nhau nhận được lợi ích từ tin mừng. (Rô-ma 10:14, 15) Đúng thế, mỗi người chúng ta đều đóng một vai trò trọng yếu!

Đáp ứng sự đòi hỏi của thách thức

11, 12. (a) Nhiều người đáp ứng những thách thức nào, và thánh linh giúp như thế nào? (b) Tại sao việc rao giảng cho người khác bằng tiếng mẹ đẻ của họ thường có ích?

11 Ngày nay, nhiều người công bố Nước Trời muốn học một ngoại ngữ, nhưng họ không thể trông mong hoặc chờ đợi sự ban cho mầu nhiệm của thánh linh Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 13:8) Học một thứ tiếng mới không phải là dễ. Ngay cả những người đã biết nói một thứ tiếng khác có thể vẫn phải điều chỉnh lối suy nghĩ và phương pháp để thông điệp Kinh Thánh có sức thu hút đối với những người nói thứ tiếng đó nhưng có gốc gác và văn hóa khác. Thêm vào đó, những người nhập cư thường nhút nhát rụt rè; muốn hiểu cách suy nghĩ của họ cần phải chịu khó.

12 Tuy nhiên, thánh linh vẫn hoạt động trong vòng các tôi tớ Đức Giê-hô-va khi họ nỗ lực giúp những người nói thứ tiếng khác. (Lu-ca 11:13) Thay vì truyền khả năng nói các thứ tiếng, thánh linh có thể thôi thúc chúng ta muốn giao tiếp với những người không nói ngôn ngữ của chúng ta. (Thi-thiên 143:10) Người ta có thể hiểu đại khái khi chúng ta rao giảng hoặc dạy dỗ thông điệp Kinh Thánh bằng thứ tiếng họ không quen thuộc. Tuy nhiên, muốn tác động đến lòng người nghe, điều tốt hơn thường là dùng tiếng mẹ đẻ của họ—ngôn ngữ diễn đạt được nguyện vọng, động lực và niềm hy vọng sâu kín trong lòng họ.—Lu-ca 24:32.

13, 14. (a) Điều gì thúc đẩy một số người đảm nhận thánh chức rao giảng trong ngôn ngữ khác? (b) Tinh thần hy sinh được thể hiện như thế nào?

13 Nhiều người công bố Nước Trời đã đảm nhận thánh chức rao giảng trong cánh đồng ngoại ngữ khi thấy có nhiều người hưởng ứng lẽ thật Kinh Thánh. Những người khác cảm thấy hăng hái hơn khi thánh chức rao giảng là một thách thức thú vị. Một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở nam Âu ghi nhận: “Nhiều người đến từ Đông Âu đang khao khát lẽ thật”. Thật thỏa lòng biết bao khi giúp những người sẵn sàng tiếp nhận tin mừng như thế!—Ê-sai 55:1, 2.

14 Tuy nhiên, để đạt kết quả trong công việc này, chúng ta cần phải quyết tâm và có tinh thần hy sinh. (Thi-thiên 110:3) Chẳng hạn, một số gia đình Nhân Chứng người Nhật đã từ bỏ nhà cửa tiện nghi ở các thành phố lớn và dọn đến những nơi hẻo lánh để giúp dân nhập cư người Trung Quốc hiểu được Kinh Thánh. Ở bờ biển miền tây Hoa Kỳ, những người công bố thường xuyên lái xe một hai tiếng để đến hướng dẫn những cuộc học hỏi Kinh Thánh với người Phi-líp-pin. Ở Na Uy, một cặp vợ chồng dạy một gia đình người Afghanistan. Cặp vợ chồng Nhân Chứng dùng sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? * bằng tiếng Anh và tiếng Na Uy. Gia đình người Afghanistan đó đọc các đoạn trong tiếng Ba Tư, một ngôn ngữ gần với tiếng của họ là Dari. Họ nói chuyện bằng tiếng Anh và tiếng Na Uy. Tinh thần hy sinh và linh động đó được ban phước dồi dào khi những người nước ngoài hưởng ứng tin mừng. *

15. Làm thế nào tất cả chúng ta đều có thể tham gia công việc rao giảng đa ngữ?

15 Bạn có thể tham gia trong công việc đa ngữ này không? Tại sao không bắt đầu bằng cách để ý xem những người sống trong khu vực bạn thường nói những thứ tiếng nào? Rồi có thể mang theo một ít tờ giấy nhỏ hoặc sách mỏng trong các thứ tiếng đó. Sách nhỏ Good News for People of All Nations (Tin mừng cho mọi dân), được ra mắt năm 2004, là công cụ hữu ích để rao truyền hy vọng về Nước Trời bằng một thông điệp đơn giản, tích cực trong nhiều thứ tiếng.—Xin xem trang 32.

“Thương người khách lạ”

16. Các anh có trách nhiệm có thể biểu lộ lòng quan tâm bất vị kỷ như thế nào trong việc giúp những người nói ngoại ngữ?

16 Dù có học một thứ tiếng khác hay không, tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào công việc giáo dục về thiêng liêng cho những người nước ngoài sống trong khu vực chúng ta. Đức Giê-hô-va dạy dân Ngài phải “thương người khách lạ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:18, 19) Chẳng hạn, tại một thành phố lớn ở Bắc Mỹ có năm hội thánh dùng một Phòng Nước Trời. Giống như nhiều Phòng Nước Trời khác, mỗi năm các hội thánh luân phiên thay đổi giờ họp, và hội thánh tiếng Trung Hoa ở đó sẽ phải họp vào chiều tối ngày Chủ Nhật. Tuy nhiên, với giờ họp đó, nhiều người nhập cư làm việc trong các nhà hàng sẽ không thể tham dự được. Các trưởng lão trong những hội thánh khác đã vui lòng điều chỉnh để hội thánh tiếng Trung Hoa có thể họp sớm hơn vào Chủ Nhật.

17. Chúng ta nên có cảm nghĩ nào khi một anh hay chị quyết định đến nơi khác để giúp một nhóm ngoại ngữ?

17 Các giám thị có lòng yêu thương sẽ khen ngợi những anh chị nào có kinh nghiệm, đủ điều kiện và muốn đến nơi khác để giúp các nhóm ngoại ngữ. Anh chị em địa phương có thể luyến tiếc những người dạy dỗ Kinh Thánh kinh nghiệm như thế, nhưng các giám thị có cùng cảm nghĩ như các trưởng lão ở Lít-trơ và Y-cô-ni. Những trưởng lão đó không cố giữ Ti-mô-thê lại khi Phao-lô muốn người đi theo, mặc dù Ti-mô-thê rất hữu dụng cho hội thánh của họ. (Công-vụ 16:1-4) Ngoài ra, những người dẫn đầu trong công việc rao giảng không ngã lòng trước sự khác biệt về cách suy nghĩ, phong tục hoặc cách cư xử của người nước ngoài. Thay vì thế, vì tin mừng họ sẵn sàng tiếp nhận sự đa dạng và tìm cách vun trồng quan hệ tốt với những người này.—1 Cô-rinh-tô 9:22, 23.

18. Cái cửa lớn nào đang mở ra chờ đón mọi người?

18 Như đã được tiên tri, tin mừng đang được rao giảng bằng “mọi thứ tiếng trong các nước”. Vẫn còn nhiều triển vọng gia tăng trong cánh đồng nói ngoại ngữ. Hàng ngàn người công bố tháo vát đã bước vào “cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc”. (1 Cô-rinh-tô 16:9) Thế nhưng cũng cần những yếu tố khác nữa để rao giảng trong những khu vực đó, như bài tiếp theo sẽ cho thấy.

[Chú thích]

^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 14 Có những kinh nghiệm khác được kể lại trong bài “Những hy sinh nhỏ bé mang lại ân phước dồi dào”, Tháp Canh ngày 1-4-2004, trang 24-28.

Bạn có thể giải thích không?

• Chúng ta có thể noi theo gương Đức Giê-hô-va như thế nào về việc thể hiện tính không thiên vị đối với mọi người?

• Chúng ta nên có quan điểm nào về những người sống trong khu vực nhưng không nói ngôn ngữ của chúng ta?

• Tại sao việc rao giảng cho người khác bằng tiếng mẹ đẻ của họ là điều có ích?

• Làm thế nào chúng ta tỏ lòng quan tâm đối với người nước ngoài sống trong khu vực chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Bản đồ/​Hình nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Rô-ma

CƠ-RẾT

A-SI

PHI-RI-GI

BAM-PHI-LY

BÔNG

CÁP-BA-ĐỐC

MÊ-SÔ-BÔ-TA-MI

MÊ-ĐI

BẠT-THÊ

Ê-LAM

A-RA-BI

LI-BY

Ê-DÍP-TÔ

GIU-ĐÊ

Giê-ru-sa-lem

[Các vùng biển]

Địa Trung Hải

Biển Đen

Biển Đỏ

Vịnh Ba Tư

[Hình]

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, những người đến từ 15 địa phận trong và ngoài Đế Quốc La Mã được nghe tin mừng trong tiếng mẹ đẻ

[Các hình nơi trang 24]

Nhiều người nước ngoài hưởng ứng lẽ thật Kinh Thánh

[Hình nơi trang 25]

Tấm biển Phòng Nước Trời có năm thứ tiếng