Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Sử-ký Thứ Nhì

Những điểm nổi bật trong sách Sử-ký Thứ Nhì

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Sử-ký Thứ Nhì

TRONG phần mở đầu sách Sử-ký Thứ Nhì của Kinh Thánh, Vua Sa-lô-môn đang cai trị trên nước Y-sơ-ra-ên. Sách này kết thúc bằng những lời này của vua Phe-rơ-sơ là Si-ru phán cùng dân Do Thái lưu đày tại xứ Ba-by-lôn: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời... bảo ta xây-cất cho Ngài một cái đền ở tại Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân-sự Ngài, hãy trở lên Giê-ru-sa-lem; nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người ấy ở cùng người!” (2 Sử-ký 36:23) Thầy tế lễ E-xơ-ra hoàn tất sách này vào năm 460 TCN, ông viết lại những điều xảy ra trong 500 năm—từ năm 1037 TCN đến 537 TCN.

Lệnh của Vua Si-ru cho phép người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem và tái lập sự thờ phượng Đức Giê-hô-va ở đó. Tuy nhiên, những năm dài bị lưu đày ở Ba-by-lôn đã khiến những người hồi hương này thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc của họ. Sách Sử-ký Thứ Nhì tóm tắt một cách sống động, cho họ biết những biến cố xảy ra dưới triều đại các vua thuộc dòng Đa-vít. Lời tường thuật cũng đáng cho chúng ta chú ý vì nêu bật những ân phước có được qua sự vâng lời Đức Chúa Trời thật và hậu quả thảm hại khi bất tuân lệnh Ngài.

MỘT VUA XÂY ĐỀN CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

(2 Sử-ký 1:1–9:31)

Đức Giê-hô-va ban cho Vua Sa-lô-môn điều mà lòng vua ao ước—sự khôn ngoan và tri thức—cùng với sự giàu có và tôn vinh. Vua xây một đền tráng lệ cho Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem, và dân sự “đều vui-vẻ và mừng-rỡ”. (2 Sử-ký 7:10) Vua Sa-lô-môn được “trổi hơn các vua trên đất về sự khôn-ngoan”.—2 Sử-ký 9:22.

Sau khi cai trị Y-sơ-ra-ên được 40 năm, Sa-lô-môn ‘an-giấc cùng tổ-phụ mình; Rô-bô-am, con trai người, cai-trị thế cho người’. (2 Sử-ký 9:31) E-xơ-ra không ghi lại việc Sa-lô-môn đi lệch khỏi sự thờ phượng thật. Những điểm tiêu cực duy nhất mà ông đề cập là vua đã thiếu khôn ngoan tậu cho mình thêm nhiều ngựa từ Ai Cập và cưới con gái Pha-ra-ôn. Vì vậy, nhà chép sử ký này trình bày sự việc với cái nhìn tích cực.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:14—Tại sao gốc gác của người thợ thủ công ghi nơi đây khác với điều được ghi nơi 1 Các Vua 7:14? Sách Thứ Nhất Các Vua nói đến mẹ người thợ đồng là “một đàn-bà góa về chi-phái Nép-ta-li” vì bà đã kết hôn với người thuộc chi phái đó. Nhưng bà là người thuộc chi phái Đan. Sau khi chồng mất, bà tái hôn với người xứ Ty-rơ, và con trai họ chính là người thợ được đề cập nơi đây.

2:18; 8:10—Những câu này nói rằng số quan trưởng làm đốc công và quản đốc coi sóc phu thợ là 3.600 cộng với 250, còn 1 Các Vua 5:16; 9:23 lại nói con số đó là 3.300 cộng với 550. Tại sao những số này khác nhau? Dường như có sự khác nhau trong cách người ta chia những quan trưởng. Có lẽ trong sách Sử-ký Thứ Nhì phân biệt 3.600 người không phải dân Y-sơ-ra-ên và 250 người Y-sơ-ra-ên làm quan trưởng, còn sách Thứ Nhất Các Vua phân biệt 3.300 quản đốc với 550 giám thị cấp cao. Dù tính cách nào thì tổng số những người làm quan trưởng vẫn là 3.850.

4:2-4—Tại sao tượng bò được dùng để xây bệ của biển đúc? Trong Kinh Thánh, bò tượng trưng sức mạnh. (Ê-xê-chi-ên 1:10; Khải-huyền 4:6, 7) Chọn bò làm biểu tượng là thích hợp vì 12 con bò bằng đồng làm bệ của “biển” nặng khoảng 30 tấn. Làm tượng bò vì mục đích này hoàn toàn không vi phạm điều răn thứ hai, tức là điều răn cấm làm hình tượng để thờ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5.

4:5—Tổng cộng sức chứa của biển đúc là bao nhiêu? Khi đổ đầy, biển này có thể chứa ba ngàn bát hoặc khoảng 66.000 lít. Tuy nhiên, người ta thường đổ nước đầy chừng hai phần ba biển. Câu 1 Các Vua 7:26 ghi: “Nó đựng hai ngàn bát [44.000 lít]”.

5:4, 5, 10—Những đồ đạc nào từ đền tạm được đem vào đền thờ của Sa-lô-môn? Một vật duy nhất từ nơi đền tạm được đem qua đền thờ của Sa-lô-môn là hòm giao ước. Sau khi xây cất đền thờ, đền tạm được dời từ Ga-ba-ôn đến Giê-ru-sa-lem và hình như được lưu giữ ở đó.—2 Sử-ký 1:3, 4.

Bài học cho chúng ta:

1:11, 12. Điều Sa-lô-môn cầu xin chứng tỏ cho Đức Giê-hô-va thấy rằng vua tha thiết muốn có sự khôn ngoan và hiểu biết. Lời cầu nguyện của chúng ta quả thật cho Đức Chúa Trời thấy lòng mình tha thiết với điều gì. Phân tích nội dung lời cầu nguyện của chúng ta là điều khôn ngoan.

6:4. Hết lòng biết ơn về sự nhân từ và tốt lành của Đức Giê-hô-va phải thúc đẩy chúng ta chúc tụng Đức Giê-hô-va, tức là ca ngợi Ngài với lòng yêu thương và biết ơn.

6:18-21. Dù không công trình kiến trúc nào có thể chứa nổi Đức Chúa Trời, đền thờ được dùng làm trung tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngày nay Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va là những trung tâm thờ phượng thật trong cộng đồng.

6:19, 22, 32. Đức Giê-hô-va có thể nghe lời cầu nguyện của tất cả mọi người—từ vua cho tới người thấp hèn nhất trong nước—ngay cả đến người ngoại bang có lòng chân thành đến với Ngài. *Thi-thiên 65:2.

CÁC VUA KẾ VỊ THUỘC DÒNG ĐA-VÍT

(2 Sử-ký 10:1–36:23)

Nước Y-sơ-ra-ên bị chia hai—vương quốc phương bắc gồm mười chi phái và vương quốc phương nam gồm hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min. Những thầy tế lễ và người Lê-vi trong cả Y-sơ-ra-ên đặt sự trung thành với giao ước Nước Trời lên trên chủ nghĩa quốc gia và ủng hộ con Vua Sa-lô-môn là Rô-bô-am. Chỉ hơn 30 năm sau khi đền thờ được hoàn tất, các đồ quý giá nơi đó bị cướp bóc.

Trong số 19 vị vua sau Rô-bô-am, có 5 người trung thành, 3 người lúc đầu tốt nhưng sau bất trung, và 1 người ăn năn trở lại. Các vua còn lại đều làm ác dưới mắt Đức Giê-hô-va. * Sách này nhấn mạnh các hoạt động của năm vị vua đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Lời tường thuật về Vua Ê-xê-chia phục hồi các hoạt động của đền thờ và Vua Giô-si-a sắp đặt để cử hành một Lễ Vượt Qua trọng thể chắc hẳn đã là sự khích lệ lớn cho những người Do Thái chú ý đến việc tái lập sự thờ phượng Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

13:5—Nhóm từ “giao-ước bằng muối” có nghĩa gì? Vì có tác dụng bảo quản, muối tượng trưng cho sự lâu bền và bất biến. Vậy, “giao-ước bằng muối” có ý nói đến một khế ước hợp pháp.

14:2-5; 15:17—Vua A-sa có dẹp sạch tất cả “các nơi cao” không? Dường như không. Có lẽ Vua A-sa chỉ dẹp các nơi cao có liên quan đến sự thờ các thần giả nhưng không dẹp ở những nơi mà dân chúng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Cũng có thể là các nơi cao được xây lại vào những năm sau này trong triều đại Vua A-sa. Những nơi cao này bị con ông là Vua Giô-sa-phát phá hủy. Thật ra, các nơi cao ấy không mất hẳn, ngay cả trong thời Giô-sa-phát.—2 Sử-ký 17:5, 6; 20:31-33.

15:9; 34:6—Chi phái Si-mê-ôn giữ vị thế nào trước sự phân rẽ của nước Y-sơ-ra-ên? Vì có sản nghiệp ở giữa vùng đất Giu-đa, về mặt địa lý thì chi phái Si-mê-ôn nằm trong vương quốc Giu-đa và Bên-gia-min. (Giô-suê 19:1) Tuy nhiên, về mặt tôn giáo và chính trị thì chi phái này đi theo vương quốc Y-sơ-ra-ên phương bắc. (1 Các Vua 11:30-33; 12:20-24) Vì thế mà chi phái Si-mê-ôn được kể chung với vương quốc gồm mười chi phái.

35:3—Vua Giô-si-a đem hòm thánh từ đâu đến đền thờ? Chúng ta không biết hòm giao ước bị một trong số các vua ác dời đi hay Vua Giô-si-a đem hòm ấy đến giữ ở một nơi an toàn trong lúc sửa sang nhiều chỗ trong đền thờ, Kinh Thánh không đề cập đến. Sau thời Vua Sa-lô-môn, hòm giao ước chỉ được nhắc đến một lần là khi Vua Giô-si-a đem hòm về đền thờ.

Bài học cho chúng ta:

13:13-18; 14:11, 12; 32:9-23. Quả là bài học quý giá chúng ta học được về tầm quan trọng của việc nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va!

16:1-5, 7; 18:1-3, 28-32; 21:4-6; 22:10-12; 28:16-22. Liên minh với dân ngoại hoặc những người không tin đạo đưa đến hậu quả thảm hại. Chúng ta nên khôn ngoan tránh có bất cứ liên hệ nào không cần thiết với thế gian.—Giăng 17:14, 16; Gia-cơ 4:4.

16:7-12; 26:16-21; 32:25, 26. Sự kiêu căng khiến Vua A-sa làm điều quấy trong những năm cuối của đời ông. Tinh thần kiêu ngạo đã khiến Vua Ô-xia suy sụp. Vua Ê-xê-chia hành động thiếu khôn ngoan và có lẽ kiêu hãnh khi cho sứ thần Ba-by-lôn xem những báu vật của ông. (Ê-sai 39:1-7) Kinh Thánh cảnh báo: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”.—Châm-ngôn 16:18.

16:9. Đức Giê-hô-va giúp những người có lòng trọn thành với Ngài, và sẵn sàng dùng quyền năng của Ngài giúp ích cho họ.

18:12, 13, 23, 24, 27. Như Mi-chê, chúng ta nên can đảm và bạo dạn nói về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài.

19:1-3. Đức Giê-hô-va tìm thấy điều tốt của chúng ta ngay cả trong lúc chúng ta làm buồn lòng Ngài.

20:1-28. Chúng ta có thể tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ cho chúng ta tìm được Ngài khi chúng ta khiêm nhường hướng về Ngài xin được hướng dẫn.—Châm-ngôn 15:29.

20:17. Muốn “xem thấy sự giải-cứu của Đức Giê-hô-va”, chúng ta cần “dàn ra” trong việc tích cực ủng hộ Nước Đức Chúa Trời. Thay vì tự giải quyết vấn đề theo ý riêng, chúng ta phải “đứng yên”, hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va.

24:17-19; 25:14. Thờ hình tượng tỏ ra là cạm bẫy cho Vua Giô-ách và con ông là A-ma-xia. Ngày nay, sự thờ hình tượng cũng lôi cuốn như vậy, đặc biệt trong những hình thức khó nhận ra như sự thèm muốn hay chủ nghĩa quốc gia.—Cô-lô-se 3:5; Khải-huyền 13:4.

32:6, 7. Chúng ta cũng phải vững lòng bền chí “mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời” và đánh trận thiêng liêng.—Ê-phê-sô 6:11-18.

33:2-9, 12, 13, 15, 16. Một người biểu lộ tấm lòng ăn năn thành thật bằng cách từ bỏ đường lối sai quấy và cương quyết nỗ lực làm điều đúng. Vì lòng ăn năn chân thật, một người dù đã làm ác như Vua Ma-na-se cũng có thể được Đức Giê-hô-va thương xót.

34:1-3. Bất cứ nghịch cảnh nào xảy ra thuở nhỏ cũng không ngăn cản chúng ta biết Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài. Một ảnh hưởng tích cực mà Vua Giô-si-a đã có lúc còn nhỏ có lẽ qua ông nội là Vua Ma-na-se, sau khi ông ăn năn. Những ảnh hưởng tích cực mà Giô-si-a có thể có cuối cùng đã đem lại kết quả tốt. Điều ấy cũng có thể xảy ra cho chúng ta.

36:15-17. Đức Giê-hô-va đầy lòng thương xót và kiên nhẫn, nhưng không phải vô hạn định. Người ta phải hưởng ứng công việc rao giảng về Nước Trời nếu muốn sống sót khi Đức Giê-hô-va kết liễu hệ thống gian ác này.

36:17, 22, 23. Lời Đức Giê-hô-va luôn luôn ứng nghiệm.—1 Các Vua 9:7, 8; Giê-rê-mi 25:9-11.

Một sách thúc đẩy hành động

Câu 2 Sử-ký 34:33 ghi: “Giô-si-a cất hết thảy sự gớm-ghiếc khỏi các xứ thuộc về dân Y-sơ-ra-ên, và buộc hết thảy những người ở xứ Y-sơ-ra-ên phải phục-sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ”. Điều gì thúc đẩy Vua Giô-si-a làm thế? Khi thư ký Sa-phan đem cuốn sách Luật Pháp của Đức Giê-hô-va mới tìm được đến cho Giô-si-a, vua đã truyền đọc lớn. Hết sức cảm động trước những gì nghe được, Vua Giô-si-a sốt sắng ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch trọn đời mình.

Đọc Lời Đức Chúa Trời và suy ngẫm những gì mình đọc có thể tác động sâu xa đến chúng ta. Chẳng phải suy ngẫm về lời tường thuật các vị vua thuộc dòng Đa-vít khuyến khích chúng ta noi gương những vua đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tránh hành động như những vua không tin cậy Ngài hay sao? Sách Sử-ký Thứ Nhì thôi thúc chúng ta dành sự thờ phượng chuyên độc cho Đức Chúa Trời thật và giữ trung thành với Ngài. Thông điệp trong đó chắc chắn là lời sống và linh nghiệm.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Chú thích]

^ đ. 9 Muốn biết thêm về lễ khánh thành đền thờ và những bài học rút ra từ lời cầu nguyện của Vua Sa-lô-môn vào dịp ấy, xin xem Tháp Canh ngày 1-7-2005, trang 28-31.

^ đ. 1 Muốn biết về danh sách các vua Giu-đa theo thứ tự thời gian, xin xem Tháp Canh ngày 1-8-2005, trang 12.

[Hình nơi trang 18]

Bạn biết tại sao bò là biểu tượng thích hợp đặt dưới bệ của biển đúc không?

[Các hình nơi trang 21]

Dù lúc nhỏ không có nhiều ảnh hưởng tốt, nhưng khi lớn Giô-si-a trung thành với Đức Giê-hô-va