Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trở nên người rao giảng linh hoạt và dễ thích ứng

Trở nên người rao giảng linh hoạt và dễ thích ứng

Trở nên người rao giảng linh hoạt và dễ thích ứng

“Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào”.—1 CÔ-RINH-TÔ 9:22.

1, 2. (a) Sứ đồ Phao-lô là người rao giảng hữu hiệu về phương diện nào? (b) Phao-lô bày tỏ quan điểm nào về nhiệm vụ được giao phó?

ÔNG hòa đồng với cả giới trí thức lẫn người may trại bình dân. Ông có sức thuyết phục đối với giới quyền cao chức trọng người La Mã lẫn giới nông dân người Phi-ri-gi. Các lá thư của ông tác động đến tinh thần của cả người Hy Lạp cấp tiến lẫn người Do Thái bảo thủ. Lập luận của ông không thể bác được đồng thời sức thuyết phục cũng rất mạnh mẽ. Ông cố gắng tìm điểm chung với mọi người để có thể giúp một số người đặt đức tin nơi Đấng Christ.—Công-vụ 20:21.

2 Người đó là sứ đồ Phao-lô, chắc hẳn ông là một người truyền giáo linh hoạt và hữu hiệu. (1 Ti-mô-thê 1:12) Ông được Chúa Giê-su giao cho sứ mạng “đem danh [Đấng Christ] đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con-cái Y-sơ-ra-ên”. (Công-vụ 9:15) Ông có quan điểm nào về nhiệm vụ này? Ông tuyên bố: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin-lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó”. (1 Cô-rinh-tô 9:19-23) Chúng ta có thể học được gì qua gương của Phao-lô để hữu hiệu hơn trong việc rao giảng và dạy dỗ?

Một người đã thay đổi, nay hoàn thành nhiệm vụ khó khăn

3. Trước khi cải đạo, Phao-lô có thái độ nào đối với tín đồ Đấng Christ?

3 Phải chăng Phao-lô là người vốn có tính chịu đựng, hay quan tâm đến người khác, thích hợp với nhiệm vụ ông được giao phó? Chắc chắn không! Thái độ cuồng tín đã khiến Sau-lơ (tên gọi trước kia của Phao-lô) trở thành kẻ hung bạo bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Khi còn trẻ, ông đã tán thành việc giết Ê-tiên. Sau đó, Phao-lô đã tàn nhẫn lùng bắt các tín đồ. (Công-vụ 7:58; 8:1, 3; 1 Ti-mô-thê 1:13) Ông hằng “ngăm-đe và chém-giết môn-đồ của Chúa”. Ông không chỉ tìm bắt các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem mà còn mở rộng chiến dịch bắt bớ đến tận Đa-mách ở phía bắc.—Công-vụ 9:1, 2.

4. Phao-lô phải điều chỉnh điều gì để thực hiện nhiệm vụ được giao phó?

4 Nguyên do khiến Phao-lô căm thù đạo Đấng Christ rất có thể là vì ông tin chắc rằng đạo mới này sẽ làm bại hoại Do Thái Giáo bằng cách pha trộn đạo Do Thái với những tư tưởng không lành mạnh của ngoại giáo. Điều này cũng dễ hiểu vì Phao-lô đã là “người Pha-ri-si”, danh hiệu này có nghĩa là “người tách biệt”. (Công-vụ 23:6) Hãy tưởng tượng Phao-lô hẳn đã kinh ngạc biết bao khi được cho biết Đức Chúa Trời đã chọn ông để rao giảng về Đấng Christ cho chính Dân Ngoại! (Công-vụ 22:14, 15; 26:16-18) Người Pha-ri-si thậm chí không ăn chung với những người mà họ xem là có tội! (Lu-ca 7:36-39) Chắc chắn ông phải cố gắng rất nhiều để xét lại và điều chỉnh quan điểm của mình sao cho phù hợp với ý Đức Chúa Trời vì Ngài muốn mọi người được cứu rỗi.—Ga-la-ti 1:13-17.

5. Trong thánh chức, chúng ta có thể noi gương Phao-lô như thế nào?

5 Có thể chúng ta cũng phải làm giống như Phao-lô. Khi càng ngày càng gặp nhiều người khác nhau trong cánh đồng đa ngữ, chúng ta cần cố gắng để xem xét thái độ của mình và loại bỏ mọi thành kiến. (Ê-phê-sô 4:22-24) Dù ý thức hay không, chúng ta đều chịu ảnh hưởng của xã hội và quá trình giáo dục. Vì thế mà chúng ta có những quan điểm và thái độ thiên vị, đầy thành kiến và cứng nhắc. Chúng ta phải khắc phục những cảm nghĩ như thế nếu muốn tìm được và giúp những người giống như chiên. (Rô-ma 15:7) Đó chính là điều Phao-lô đã làm. Ông chấp nhận thách đố nới rộng thánh chức. Vì lòng yêu thương, ông vun trồng những kỹ năng dạy dỗ, là điều đáng cho chúng ta noi theo. Thật vậy, khi tìm hiểu về thánh chức của vị “sứ-đồ cho dân ngoại” này, chúng ta sẽ thấy ông là người ân cần để ý đến người khác, linh động và khéo léo trong việc rao giảng và dạy dỗ. *Rô-ma 11:13.

Một người rao giảng thể hiện tính linh hoạt

6. Phao-lô ân cần để ý đến gốc gác người nghe như thế nào, và kết quả ra sao?

6 Phao-lô ân cần để ý đến niềm tin và gốc gác của người nghe. Khi nói với Vua Ạc-ríp-ba II, Phao-lô thừa nhận nhà vua là người biết “rõ mọi thói-tục người Giu-đa, và cũng biết sự cãi-lẫy của họ”. Rồi Phao-lô khéo léo dùng những gì ông biết về niềm tin của Ạc-ríp-ba và thảo luận về những vấn đề mà vua hiểu rõ. Lập luận của Phao-lô rõ ràng và có sức thuyết phục đến độ Ạc-ríp-ba nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín-đồ Đấng Christ!”—Công-vụ 26:2, 3, 27, 28.

7. Phao-lô thể hiện tính linh động như thế nào khi rao giảng cho đám đông ở Lít-trơ?

7 Phao-lô cũng thể hiện tính linh động. Hãy lưu ý ông dùng phương pháp khác như thế nào khi cố khuyên ngăn đám đông ở thành Lít-trơ đừng thờ ông và Ba-na-ba như những vị thần. Người ta cho rằng dân nói tiếng Li-cao-ni đó là nhóm dân ít học và mê tín hơn những người khác trong thành. Theo Công-vụ 14:14-18, Phao-lô nêu ra công trình sáng tạo và sự phong phú trong thiên nhiên là bằng chứng về sự cao trọng hơn của Đức Chúa Trời. Lý lẽ đó dễ hiểu, và hẳn đã “ngăn-trở dân-chúng dâng cho [Phao-lô và Ba-na-ba] một tế-lễ”.

8. Qua những cách nào Phao-lô cho thấy ông linh động mặc dù đôi khi có cảm xúc mạnh?

8 Tất nhiên, Phao-lô không hoàn toàn và đôi khi có cảm xúc mạnh về một số điều. Chẳng hạn, vào một dịp khi bị đối xử bất công và nhục nhã, ông đã nhiếc móc một người Do Thái tên là A-na-nia. Nhưng khi được cho biết ông đã vô tình sỉ nhục thầy tế lễ thượng phẩm, Phao-lô liền xin lỗi. (Công-vụ 23:1-5) Ở A-thên, thoạt đầu ông đã “tức giận, vì thấy thành đều đầy những thần-tượng”. Thế nhưng, khi thuyết giảng ở Đồi Mars, Phao-lô không tỏ thái độ tức giận đó. Trái lại, ông nói chuyện với người A-thên ở nơi hội họp công cộng của họ, biện luận dựa trên điểm chung bằng cách đề cập đến bàn thờ có chạm chữ: “Thờ Chúa Không Biết”, và trích dẫn lời một thi nhân của họ.—Công-vụ 17:16-28.

9. Phao-lô tỏ ra khéo léo như thế nào khi tiếp xúc với những cử tọa khác nhau?

9 Khi tiếp xúc với những cử tọa khác nhau, Phao-lô biểu lộ tính khéo léo một cách tài tình. Ông lưu ý đến những yếu tố ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của cử tọa, như văn hóa và môi trường. Khi viết cho các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma, ông biết rõ rằng họ sống ở thủ đô của cường quốc lớn nhất thời bấy giờ. Điểm chủ yếu của lá thư Phao-lô viết cho các tín đồ ở Rô-ma là quyền phép cứu chuộc của Đấng Christ chiến thắng quyền lực hủy hoại của tội lỗi A-đam. Ông nói với các tín đồ ở Rô-ma và những người xung quanh bằng ngôn từ có thể tác động đến lòng họ.—Rô-ma 1:4; 5:14, 15.

10, 11. Phao-lô chọn minh họa thích hợp với người nghe như thế nào? (Cũng xem cước chú).

10 Phao-lô đã làm gì khi muốn giải thích những lẽ thật sâu sắc của Kinh Thánh cho người nghe? Vị sứ đồ này rất lão luyện trong việc dùng hình ảnh minh họa phổ biến và dễ hiểu để giải thích những ý niệm phức tạp về thiêng liêng. Thí dụ, Phao-lô biết rằng người dân ở Rô-ma quen thuộc với chế độ nô lệ trên khắp Đế Quốc La Mã. Thật vậy, trong số những người ông viết thư cho, có lẽ nhiều người là nô lệ. Vì thế, Phao-lô dùng tình trạng nô lệ làm minh họa để củng cố lý lẽ mạnh mẽ của mình về việc một người chọn vâng phục hoặc tội lỗi hoặc sự công bình.—Rô-ma 6:16-20.

11 Một sách tham khảo viết: “Trong xã hội La Mã, chủ có thể thả một nô lệ vô điều kiện, hoặc người nô lệ có thể mua lại quyền tự do bằng cách trả tiền cho chủ. Hoặc nếu quyền sở hữu được chuyển sang một vị thần thì người nô lệ cũng có thể được tự do”. Một người nô lệ tự do có thể tiếp tục làm việc và lãnh lương của chủ. Phao-lô có lẽ ám chỉ thực hành này khi ông viết về việc một người chọn vâng phục chủ nào—tội lỗi hay sự công bình. Tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma đã được giải thoát khỏi tội lỗi và giờ đây thuộc về Đức Chúa Trời. Họ được tự do để phụng sự Ngài, nhưng nếu muốn, họ vẫn có thể phục vụ tội lỗi—chủ cũ. Minh họa đơn giản nhưng quen thuộc đó sẽ khiến các tín đồ ở Rô-ma tự hỏi: ‘Tôi đang phụng sự chủ nào?’ *

Học qua gương của Phao-lô

12, 13. (a) Cần có nỗ lực nào ngày nay để tác động đến lòng nhiều người nghe? (b) Bạn thấy điều gì giúp đạt hiệu quả khi rao giảng cho những người thuộc gốc gác khác nhau?

12 Như Phao-lô, chúng ta phải ân cần để ý đến người khác, biết linh động và khéo léo để tác động đến lòng của nhiều người nghe. Để giúp người nghe hiểu được tin mừng, chúng ta không chỉ tiếp xúc qua loa, nói vài lời đã chuẩn bị trước hoặc để lại ấn phẩm giải thích Kinh Thánh mà còn muốn làm nhiều hơn. Chúng ta cố gắng nhận ra nhu cầu và mối lo lắng, những cái thích và những cái không thích, cũng như những mối lo sợ và thành kiến của họ. Mặc dù điều này đòi hỏi phải suy xét và cố gắng rất nhiều, nhưng những người công bố Nước Trời trên khắp thế giới đang sốt sắng làm như thế. Chẳng hạn, văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Hung-ga-ri báo cáo: “Các anh em địa phương tôn trọng phong tục và lối sống của những người thuộc các nhóm dân khác và không đòi hỏi họ phải thích nghi với phong tục địa phương”. Nhân Chứng ở những nơi khác cũng cố gắng làm thế.

13 Trong một nước ở Viễn Đông, đa số người ta quan tâm đến vấn đề sức khỏe, dạy dỗ con cái và học vấn. Người công bố Nước Trời ở đó cố gắng chú trọng những đề tài này thay vì thảo luận về các vấn đề như tình trạng suy thoái trên thế giới hoặc những vấn đề phức tạp trong xã hội. Tương tự, những người công bố tại một thành phố lớn ở Hoa Kỳ để ý thấy dân cư ở một nơi trong khu vực rao giảng quan tâm đến những vấn đề như sự tham nhũng, tắc nghẽn giao thông và tội ác. Nhân Chứng dùng hữu hiệu những đề tài này để bắt đầu các cuộc thảo luận về Kinh Thánh. Dù chọn đề tài nào đi nữa, những người dạy Kinh Thánh hữu hiệu cố gắng giữ cuộc thảo luận sao cho tích cực và khích lệ, nhấn mạnh giá trị thực tế của việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh ngay bây giờ và triển vọng tươi sáng mà Đức Chúa Trời ban cho trong tương lai.—Ê-sai 48:17, 18; 52:7.

14. Hãy nêu những cách chúng ta có thể thích ứng với những nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của người ta.

14 Vì người ta thuộc nhiều nền văn hóa, có trình độ học vấn và tôn giáo rất khác nhau, nên việc thay đổi phương pháp rao giảng sẽ mang lại hiệu quả. Cách chúng ta nói chuyện với người tin có Đấng Tạo Hóa nhưng không tin Kinh Thánh sẽ khác với cách mình nói với người không tin có Đức Chúa Trời. Đối với người nghĩ rằng mọi ấn phẩm tôn giáo đều là công cụ tuyên truyền thì chúng ta sẽ dùng một cách nhưng khi nói với người chấp nhận những gì Kinh Thánh dạy thì chúng ta lại dùng cách khác. Vì người ta có trình độ học vấn khác nhau nên chúng ta cũng cần có tính linh động. Những người khéo dạy dỗ sẽ dùng cách lập luận và minh họa thích hợp với tình huống.—1 Giăng 5:20.

Giúp đỡ người mới rao giảng

15, 16. Tại sao cần phải huấn luyện người mới đi rao giảng?

15 Phao-lô không chỉ quan tâm đến việc cải tiến phương pháp giảng dạy của ông mà thôi. Ông nhận thấy cần phải huấn luyện và giúp những người thuộc thế hệ trẻ, như Ti-mô-thê và Tít, để trở thành người rao giảng hữu hiệu. (2 Ti-mô-thê 2:2; 3:10, 14; Tít 1:4) Cũng thế, nhu cầu bức thiết là cung cấp và nhận sự huấn luyện sẵn có ngày nay.

16 Năm 1914, có khoảng 5.000 người công bố Nước Trời trên khắp thế giới; ngày nay, mỗi tuần có chừng 5.000 người mới làm báp têm! (Ê-sai 54:2, 3; Công-vụ 11:21) Khi những người mới bắt đầu kết hợp với hội thánh đạo Đấng Christ và mong muốn tham gia thánh chức rao giảng, họ cần được huấn luyện và hướng dẫn. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Điều trọng yếu là chúng ta áp dụng phương pháp của Chúa Giê-su trong việc dạy dỗ và huấn luyện môn đồ. *

17, 18. Bằng cách nào chúng ta có thể giúp người mới có được sự tự tin trong thánh chức?

17 Chúa Giê-su không chỉ đơn giản tìm một nhóm người rồi bảo các sứ đồ đến nói chuyện với họ. Trước tiên ngài nhấn mạnh nhu cầu phải rao giảng rồi khuyến khích môn đồ phải thường xuyên cầu nguyện. Kế đó ngài sắp đặt ba điều căn bản để giúp họ: người bạn đồng hành, khu vực và thông điệp. (Ma-thi-ơ 9:35-38; 10:5-7; Mác 6:7; Lu-ca 9:2, 6) Chúng ta cũng có thể làm thế. Dù giúp con em, học viên mới hoặc một người đã ngưng tham gia công việc rao giảng một thời gian, điều thích hợp là cố gắng cung cấp sự huấn luyện theo cách này.

18 Những người mới cần khá nhiều sự giúp đỡ để tự tin hơn trong việc trình bày thông điệp Nước Trời. Bạn có thể giúp họ chuẩn bị và thực tập một lời trình bày đơn giản và thu hút không? Khi đi rao giảng, hãy để họ quan sát học hỏi cách bạn trình bày khi đến vài nhà đầu. Bạn có thể làm theo gương Ghê-đê-ôn, người đã nói với đồng đội: “Hãy ngó ta, và làm y như ta làm”. (Các Quan Xét 7:17) Rồi cho người mới đó cơ hội tham gia. Hãy nhiệt tình ngợi khen những cố gắng của người mới, và khi thích hợp, hãy cho lời khuyên ngắn gọn.

19. Khi cố gắng ‘làm đầy đủ mọi phận-sự về chức-vụ’, bạn quyết tâm làm gì?

19 Để ‘làm đầy đủ mọi phận-sự về chức-vụ’, chúng ta quyết tâm tập cách rao giảng linh động và chúng ta cũng muốn huấn luyện người mới làm như thế. Khi xét đến tầm quan trọng của mục tiêu chúng ta—đó là truyền đạt sự hiểu biết về Đức Chúa Trời dẫn đến sự cứu rỗi—chúng ta tin chắc rằng trở nên “mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào” là điều rất đáng công.—2 Ti-mô-thê 4:5; 1 Cô-rinh-tô 9:22.

[Chú thích]

^ đ. 5 Để biết Phao-lô thể hiện những đức tính này như thế nào trong thánh chức, hãy xem Công-vụ 13:9, 16-42; 17:2-4; 18:1-4; 19:11-20; 20:34; Rô-ma 10:11-15; 2 Cô-rinh-tô 6:11-13.

^ đ. 11 Tương tự, khi giải thích mối quan hệ mới giữa Đức Chúa Trời và các “con” được xức dầu của Ngài, Phao-lô dùng một khái niệm pháp lý mà độc giả của ông ở Đế Quốc La Mã khá quen thuộc. (Rô-ma 8:14-17) Sách St. Paul at Rome nói: “Việc nhận con nuôi vốn là tập quán của La Mã, và liên hệ chặt chẽ với quan niệm của người La Mã về gia đình”.

^ đ. 16 Hiện nay, trong tất cả các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va có chương trình Người Tiên Phong Trợ Giúp Người Khác. Chương trình này tận dụng kinh nghiệm và sự huấn luyện mà những người rao giảng trọn thời gian đã có được để trợ giúp những người công bố ít kinh nghiệm hơn.

Bạn còn nhớ không?

• Bằng cách nào chúng ta có thể noi gương Phao-lô trong thánh chức?

• Rất có thể chúng ta cần phải thay đổi điều gì về cách suy nghĩ?

• Làm thế nào chúng ta có thể giữ cho thông điệp được tích cực?

• Người rao giảng mới cần gì để có sự tự tin?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 29]

Sứ đồ Phao-lô ân cần để ý đến người khác, linh động và khéo léo trong việc rao giảng và dạy dỗ

[Câu nổi bật nơi trang 31]

Chúa Giê-su sắp đặt ba điều căn bản để giúp môn đồ: người bạn đồng hành, khu vực và thông điệp

[Các hình nơi trang 28]

Nhờ biết thích ứng, Phao-lô đạt hiệu quả khi rao giảng cho những cử tọa khác nhau

[Hình nơi trang 30]

Những người rao giảng hữu hiệu lưu tâm đến phong tục, văn hóa của người nghe

[Hình nơi trang 31]

Những người rao giảng linh hoạt giúp người mới chuẩn bị cho thánh chức