Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bản Kinh Thánh tiếng Ý—Một lịch sử đầy biến động

Bản Kinh Thánh tiếng Ý—Một lịch sử đầy biến động

Bản Kinh Thánh tiếng Ý—Một lịch sử đầy biến động

“KINH THÁNH là một trong những cuốn sách được lưu hành rộng rãi nhất ở nước ta [ Ý ], nhưng có lẽ cũng ở trong số những sách ít được đọc nhất. Vậy mà giáo dân vẫn ít được khuyến khích gần gũi với Kinh Thánh và cũng không được giúp đỡ bao nhiêu để đọc và nhận biết Kinh Thánh là Lời Chúa. Còn những người muốn hiểu Kinh Thánh thì thường lại không được ai ban phát bánh sự sống từ Lời Chúa”.

Lời phát biểu trên của Hội Đồng Giám Mục Ý trong một cuộc họp năm 1995 gợi lên một số thắc mắc. Trong những thế kỷ qua, người Ý có thường đọc Kinh Thánh không? Tại sao cuốn sách này lại được lưu hành muộn hơn so với những nước khác? Tại sao Kinh Thánh vẫn là một trong những sách ít người đọc nhất ở đất nước này? Xem xét lịch sử của bản Kinh Thánh tiếng Ý sẽ cung cấp một số câu trả lời.

Trải qua nhiều thế kỷ, các ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng La-tinh như Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, v.v... mới được hình thành. Ở những nước Châu Âu thuộc văn hóa La-tinh, bản ngữ—tức ngôn ngữ thường ngày của dân bản xứ—dần dần chiếm ưu thế và thậm chí được dùng trong các tác phẩm văn chương. Sự phát triển của bản ngữ đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc dịch Kinh Thánh. Bằng cách nào? Dần dần, giữa tiếng La-tinh—ngôn ngữ của giới tu sĩ—và bản ngữ gồm các thổ ngữ và phương ngữ, hình thành một hố sâu ngăn cách đến nỗi những người không có học vấn thì không thể hiểu được tiếng La-tinh.

Đến năm 1000, đối với đa phần người dân thuộc bán đảo Ý, bản Vulgate bằng tiếng La-tinh trở nên rất khó đọc, ngay cả khi họ sở hữu riêng một cuốn. Trong nhiều thế kỷ, giáo hội quản lý độc quyền hệ thống giáo dục, kể cả các trường đại học vốn ít ỏi cũng thuộc về họ. Chỉ một tầng lớp đặc biệt mới được theo học hệ giáo dục này. Vì vậy, Kinh Thánh dần dần trở thành “một cuốn sách xa lạ”. Dù vậy, vẫn có nhiều người ao ước một cuốn Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của mình để có thể hiểu được.

Nhiều người trong hàng giáo phẩm cảm thấy việc dịch Kinh Thánh sẽ làm lan tràn điều mà họ gọi là dị giáo. Theo sử gia Massimo Firpo, “việc dùng bản ngữ [hẳn đồng nghĩa với] sự sụp đổ của hàng rào ngôn ngữ [tiếng La-tinh] từng bảo vệ sự độc quyền của hàng giáo phẩm về mặt giáo lý”. Vì vậy, tình trạng thiếu hiểu biết về Kinh Thánh là do sự kết hợp giữa những yếu tố văn hóa, tôn giáo và xã hội. Đến nay tình trạng này vẫn còn tồn tại ở Ý.

Các sách trong Kinh Thánh bắt đầu được dịch

Vào thế kỷ 13 đã xuất hiện những bản dịch đầu tiên của vài sách trong Kinh Thánh từ tiếng La-tinh sang bản ngữ. Những bản dịch này được sao chép bằng tay nên giá rất cao. Vào thế kỷ 14, vì số lượng các bản dịch đã có nhiều nên khi gộp lại thì hầu như tất cả các sách trong Kinh Thánh đều được dịch sang bản ngữ. Tuy nhiên, dịch giả, thời gian và địa điểm thực hiện thì khác nhau tùy mỗi sách. Phần lớn các bản dịch này do những dịch giả ẩn danh thực hiện và chỉ những người giàu có hoặc học thức cao mới đủ điều kiện mua hoặc có khả năng để đọc.

Trong nhiều thế kỷ, đa phần dân chúng vẫn còn mù chữ. Ngay cả vào thời điểm thống nhất nước Ý vào năm 1861 thì 74,7 phần trăm dân số bị mù chữ. Khi chính phủ mới của Ý sắp thiết lập hệ thống giáo dục công lập miễn phí và bắt buộc đi học, Giáo Hoàng Pi-ô IX đã trình lên đức vua một lá thư vào năm 1870, kêu gọi vua phản đối điều luật ấy, mà theo lời miêu tả của giáo hoàng là một “nạn dịch” nhằm “xóa bỏ các trường Công Giáo”.

Bản dịch Kinh Thánh trọn bộ đầu tiên bằng tiếng Ý

Bản dịch Kinh Thánh trọn bộ đầu tiên bằng tiếng Ý được in ở Venice vào năm 1471, khoảng 16 năm sau khi kỹ thuật in bằng lối sắp chữ được sử dụng ở Châu Âu. Bản dịch này do ông Nicolò Malerbi, một tu sĩ dòng Camaldoli, thực hiện trong vòng tám tháng. Ông dựa rất nhiều vào các bản dịch lưu hành bấy giờ, so sánh với bản Vulgate bằng tiếng La-tinh để chỉnh sửa, và thay thế một số từ bằng ngôn ngữ của địa phương ông, vùng Venetia. Bản dịch của ông là bản in Kinh Thánh bằng tiếng Ý đầu tiên được lưu hành với số lượng đáng kể.

Một người khác cũng cho ra mắt một bản Kinh Thánh ở Venice là ông Antonio Brucioli. Ông là người theo chủ nghĩa nhân văn, có thiện cảm với đạo Tin Lành nhưng không bao giờ bỏ đạo Công Giáo. Vào năm 1532, Brucioli xuất bản cuốn Kinh Thánh mà ông đã dịch từ nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Đây là bản Kinh Thánh đầu tiên được dịch từ nguyên bản sang tiếng Ý. Tuy văn phong không được trau chuốt, nhưng so với kiến thức về ngôn ngữ cổ vào thời bấy giờ thì bản dịch này có tính chính xác rất đáng kể. Ông đã khôi phục danh Đức Chúa Trời với cách viết “Ieova” (Giê-hô-va) ở một số câu Kinh Thánh, tùy lần xuất bản. Trong gần một thế kỷ ở Ý, bản dịch của ông được người Tin Lành và người có quan điểm bất đồng với Công Giáo ưa chuộng.

Một số bản dịch khác bằng tiếng Ý được xuất bản, trong đó có những bản của Công Giáo, nhưng thật ra chỉ là những bản sửa lại từ bản Kinh Thánh của Brucioli. Không bản nào trong số các bản dịch này đạt số lượng lưu hành đáng kể. Vào năm 1607, ông Giovanni Diodati—một mục sư Tin Lành theo phái Calvin, có cha mẹ di cư sang Thụy Sĩ để lẩn tránh sự bắt bớ về tôn giáo—đã xuất bản ở Geneva một bản dịch khác cũng được dịch từ nguyên ngữ. Bản dịch của ông trở thành bản Kinh Thánh tiếng Ý mà đạo Tin Lành dùng trong nhiều thế kỷ. So với thời điểm được thực hiện, bản này được xem là bản dịch tiếng Ý xuất sắc. Bản dịch của Diodati đã giúp người dân Ý hiểu được sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Nhưng hàng giáo phẩm đã dùng quyền kiểm duyệt để cản trở việc lưu hành bản dịch này và những bản khác.

Kinh Thánh—“Một cuốn sách xa lạ”

Trong cuốn Enciclopedia Cattolica (Tự điển bách khoa Công Giáo) có viết: “Dù Giáo Hội luôn hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát sách báo, nhưng cho đến khi kỹ thuật in ấn ra đời, họ cảm thấy vẫn chưa cần thiết lập một danh mục sách cấm vì những tác phẩm bị xem là nguy hiểm đều bị thiêu hủy”. Ngay cả sau Phong Trào Cải Cách của Tin Lành, hàng giáo phẩm ở một số nước Châu Âu vẫn dồn hết nỗ lực để hạn chế việc lưu hành các cuốn sách bị xem thuộc về dị giáo. Khi đề tài về các bản dịch bản ngữ được đưa ra xem xét trong cuộc họp của Công Đồng Trent vào năm 1546, một bước ngoặt mới bắt đầu. Có hai quan điểm đối lập. Một bên ủng hộ việc cấm dịch Kinh Thánh cho rằng bản dịch bản ngữ là “mẹ và cội rễ của dị giáo”. Bên phản đối thì nói rằng “đối thủ” của họ, tức đạo Tin Lành, sẽ cho rằng giáo hội cấm dịch Kinh Thánh ra bản ngữ vì muốn che đậy “sự gian trá và lừa bịp”.

Vì bất đồng ý kiến nên Công Đồng đã không thể đi đến một lập trường rõ ràng nào ngoài việc công khai khẳng định tính xác thực của bản Vulgate, từ đó bản này được xem là bản dịch chính thức của đạo Công Giáo. Tuy nhiên, ông Carlo Buzzetti, giảng viên trường Đại Học dòng De Sales thuộc Giáo Hoàng, Rome, nhận xét rằng việc tuyên bố bản Vulgate là bản dịch “xác thực” “ngụ ý rằng, thực ra, chỉ có bản Kinh Thánh này mới được công nhận là có thẩm quyền”. Những sự kiện tiếp theo sẽ chứng thực điểm này.

Vào năm 1559, Giáo Hoàng Phao-lô IV lần đầu tiên cho ấn hành thư mục sách cấm, tức danh sách những tác phẩm mà người Công Giáo không được phép đọc, bán, biên dịch hoặc sở hữu. Những cuốn sách ấy bị xem là đồi trụy, nguy hiểm cho đức tin và đạo đức. Trong thư mục ấy, có bản dịch Kinh Thánh bản ngữ, kể cả bản dịch của Brucioli. Những người vi phạm bị rút phép thông công. Thư mục của năm 1596 thậm chí đưa ra những giới hạn gay gắt hơn. Không ai còn được phép dịch hoặc in ấn Kinh Thánh bản ngữ. Những bản Kinh Thánh này phải bị tiêu hủy.

Hậu quả là từ cuối thế kỷ 16, việc đốt Kinh Thánh trong sân nhà thờ diễn ra thường xuyên hơn. Trong tâm trí giáo dân nói chung, Kinh Thánh trở thành cuốn sách của dị giáo, và ý tưởng đó vẫn tồn tại lâu dài cho đến nay. Hầu hết các bản Kinh Thánh và sách bình luận về Kinh Thánh trong các thư viện của nhà nước cũng như tư nhân đều bị tiêu hủy, và trong 200 năm sau đó thì không còn người Công Giáo nào dịch Kinh Thánh sang tiếng Ý. Chỉ những bản dịch của các học giả đạo Tin Lành mới còn được lưu hành, nhưng một cách kín đáo vì sợ bị tịch thu. Vì vậy, sử gia Mario Cignoni nói: “Trên thực tế, giáo dân hoàn toàn ngưng đọc Kinh Thánh trong nhiều thế kỷ. Hầu như Kinh Thánh trở nên một cuốn sách xa lạ, hàng triệu người Ý suốt cuộc đời không hề đọc một trang Kinh Thánh”.

Lệnh cấm nới lỏng hơn

Sau đó, trong sắc lệnh đề ngày 13-6-1757 về thư mục sách cấm, Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XIV đã thay đổi lệnh cấm và “cho phép đọc những bản Kinh Thánh bản ngữ được Tòa Thánh công nhận và ấn hành dưới sự giám sát của các giám mục”. Vì thế, ông Antonio Martini, sau đó trở thành tổng giám mục của giáo phận Florence, đã bắt đầu dịch bản Vulgate. Phần thứ nhất được xuất bản năm 1769, và trọn bộ Kinh Thánh được hoàn tất năm 1781. Theo một tài liệu của Công Giáo, bản dịch của Martini là “bản dịch đầu tiên thật sự đáng kể đến”. Mãi tới lúc này, những tín đồ Công Giáo không biết tiếng La-tinh mới có thể đọc một bản Kinh Thánh được giáo hội công nhận. Trong vòng 150 năm sau, bản dịch của Martini là bản duy nhất được giáo hội Công Giáo Ý chấp thuận.

Một bước ngoặt khác diễn ra sau cuộc họp của Công Đồng Vatican II. Vào năm 1965, văn kiện Dei Verbum lần đầu tiên khuyến khích việc thực hiện “những bản dịch hợp chuẩn và chính xác... trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt khuyến khích bản dịch từ nguyên bản của Sách Thánh”. Không lâu trước đó, vào năm 1958, Pontificio istituto biblico (Học Viện Thánh Kinh thuộc Giáo Hoàng) đã ấn hành “bản Kinh Thánh trọn bộ đầu tiên của Công Giáo được dịch từ nguyên bản”. Trong bản dịch này, danh Đức Chúa Trời với cách viết “Jahve” (Gia-vê) được khôi phục ở vài câu.

Việc phản đối dịch Kinh Thánh ra bản ngữ đã gây nhiều tai hại, và hậu quả vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Như lời của ông Gigliola Fragnito, nó để lại hậu quả là “giáo dân không còn cảm thấy tự tin vào khả năng tự do suy nghĩ và lương tâm của họ”. Ngoài ra, cũng có sự ràng buộc của truyền thống tôn giáo mà nhiều người Công Giáo xem là quan trọng hơn Kinh Thánh. Tất cả những nhân tố này khiến người ta trở nên xa lạ với Kinh Thánh, ngay cả khi nạn mù chữ hầu như đã bị xóa bỏ.

Tuy nhiên, công việc truyền giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ý khiến người ta quan tâm đến Kinh Thánh trở lại. Năm 1963, Nhân Chứng đã phát hành Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp bằng tiếng Ý. Đến năm 1967 thì trọn bộ Kinh Thánh được xuất bản. Chỉ riêng tại nước Ý, có hơn 4.000.000 cuốn được phát hành. Bản dịch Thế Giới Mới đã khôi phục danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, và khác biệt với các bản dịch khác bởi cách dịch sát nghĩa nguyên bản.

Nhân Chứng Giê-hô-va đến từng nhà, đọc và giải thích thông điệp hy vọng chứa trong Kinh Thánh cho mọi người. (Công-vụ 20:20) Lần sau nếu gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, sao bạn không nhờ họ dùng Kinh Thánh của bạn cho xem trong đó nói gì về lời hứa tuyệt diệu của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ sớm thiết lập “đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở ”?—2 Phi-e-rơ 3:13.

[Bản đồ nơi trang 13]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Venice

ROME

[Hình nơi trang 15]

Danh Đức Chúa Trời trong bản dịch của Brucioli là Ieova

[Hình nơi trang 15]

Thư mục sách cấm bao gồm các bản dịch Kinh Thánh bản ngữ

[Nguồn tư liệu nơi trang 13]

Trang bìa của Kinh Thánh: Biblioteca Nazionale Centrale di Roma

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

Bản dịch của Brucioli: Biblioteca Nazionale Centrale di Roma; Thư mục sách cấm: Su concessione del Ministero per i Beni e le Attività Culturali