Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Rao cho kẻ bị cầm được tha”

“Rao cho kẻ bị cầm được tha”

“Rao cho kẻ bị cầm được tha”

NGAY khi bắt đầu thi hành thánh chức, Chúa Giê-su tuyên bố một phần trong sứ mạng của ngài là “rao cho kẻ bị cầm được tha”. (Lu-ca 4:19) Theo gương Thầy, tín đồ Đấng Christ thật rao giảng tin mừng cho “mọi người” thuộc mọi thành phần, giải thoát họ khỏi cảnh giam cầm về thiêng liêng và giúp họ cải thiện đời sống.—1 Ti-mô-thê 2:4.

Ngày nay, điều này cũng bao gồm việc rao giảng cho những tù nhân phạm các tội khác nhau và những người quý trọng sự giải thoát về mặt thiêng liêng. Chúng ta hãy đọc lời tường thuật đầy khích lệ này về hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va trong các trại giam ở Ukraine và những nơi khác ở Âu Châu.

Trước kia nghiện ngập, nay là tín đồ Đấng Christ

Trong cuộc đời 38 năm của Serhii, * anh bị giam hết 20 năm. Trong thời gian ngồi tù, anh còn phải học cho xong chương trình phổ thông. Anh nói: “Nhiều năm trước, tôi bị tù vì tội giết người, và nay vẫn chưa mãn án. Trong tù tôi rất bạo ngược, và những tù nhân khác đều sợ tôi”. Điều đó có giúp anh cảm thấy được tự do không? Không, vì nhiều năm Serhii đã làm nô lệ cho ma túy, rượu chè và thuốc lá.

Sau đó, một người bạn tù chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với anh. Lẽ thật như một tia sáng chiếu vào bóng tối. Trong vòng vài tháng, anh thoát khỏi sự nghiện ngập, trở thành người rao giảng tin mừng và làm báp têm. Anh Serhii hiện đang bận rộn trong tù, làm người rao giảng trọn thời gian của Đức Giê-hô-va. Anh giúp được bảy tội phạm thay đổi lối sống và trở thành anh em thiêng liêng. Sáu người đã được trả tự do, nhưng Serhii vẫn còn ở trong tù. Anh không bực tức về điều này vì anh vui mừng là mình có thể giúp người khác nhận được sự giải thoát về thiêng liêng.—Công-vụ 20:35.

Một người học với Serhii trong tù là Victor, trước kia là người buôn bán và nghiện ma túy. Sau khi được ra tù, Victor tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng và cuối cùng tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Thánh Chức tại Ukraine. Hiện nay anh phụng sự với tư cách là người tiên phong đặc biệt ở Moldova. Anh nói: “Tôi bắt đầu hút thuốc khi lên 8, lạm dụng rượu lúc 12, và dùng ma túy lúc 14 tuổi. Tôi muốn thay đổi lối sống nhưng mọi cố gắng đều thất bại. Rồi đến năm 1995, khi vợ chồng tôi dự tính dọn đi để tránh bạn bè xấu thì vợ tôi bị một tên điên khùng đâm chết. Đời sống tôi lúc ấy vô cùng ảm đạm. ‘Bây giờ vợ tôi ở đâu? Điều gì xảy ra khi người ta chết?’ Những câu hỏi này mãi lảng vảng trong đầu nhưng tôi không tìm được giải đáp. Tôi càng lúc càng dùng ma túy nhiều hơn để lấp khoảng trống trong tâm hồn. Tôi bị bắt vì buôn bán ma túy và bị kết án 5 năm tù. Trong tù, Serhii giúp tôi tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc đó. Tôi đã cố gắng bỏ ma túy nhiều lần, nhưng chỉ có lần này tôi thành công nhờ sự giúp đỡ của Kinh Thánh. Lời Đức Chúa Trời quả có tác động mạnh!”—Hê-bơ-rơ 4:12.

Những tội phạm chai lì nay thay đổi

Vasyl chưa hề dùng ma túy, nhưng anh không thoát khỏi cảnh giam cầm. Anh giải thích: “Tôi rất ghiền đánh quyền cước. Tôi tự luyện cách đánh mà không để lại dấu vết nào”. Vasyl dùng những cách hung bạo để cướp bóc người ta. Anh kể: “Tôi ngồi tù ba lần, vì thế vợ tôi đã ly dị tôi. Vào lần cuối, trong lúc thụ án 5 năm, tôi có dịp đọc qua những ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này thúc đẩy tôi đọc Kinh Thánh, nhưng vẫn còn làm điều tôi thật sự ưa thích—đánh quyền cước bất kể luật lệ.

“Tuy nhiên, sau sáu tháng đọc Kinh Thánh tôi thấy có điều thay đổi trong lòng. Thắng một trận đấu không còn khiến tôi thỏa mãn như trước nữa. Vì thế tôi bắt đầu phân tích đời sống mình theo lời ghi nơi Ê-sai 2:4 và nhận biết rằng nếu không điều chỉnh lối suy nghĩ, tôi sẽ phải ở tù suốt đời. Vì thế tôi bỏ hết những dụng cụ đánh đấm và bắt đầu sửa đổi nhân cách. Điều này không dễ, nhưng suy ngẫm và cầu nguyện dần dần giúp tôi dứt bỏ tật xấu. Đôi khi tôi khóc lóc van xin Đức Giê-hô-va cho tôi sức mạnh để từ bỏ sự đam mê này. Cuối cùng, tôi đã thành công.

“Sau khi ra tù, tôi được sum họp với gia đình. Hiện nay tôi làm việc trong mỏ than. Công việc này cho tôi có thì giờ đi rao giảng với vợ và làm tròn trách nhiệm trong hội thánh”.

Mykola cùng các bạn anh đã cướp một số ngân hàng ở Ukraine. Hậu quả là anh bị kết án mười năm tù. Trước khi bị giam, anh đi nhà thờ chỉ một lần—để chuẩn bị cướp nhà thờ đó. Chuyện ấy không thành, nhưng lần đó khiến Mykola nghĩ rằng Kinh Thánh chắc hẳn toàn là những câu chuyện nhàm chán về các tu sĩ Chính Thống Giáo, đèn nến và những ngày lễ tôn giáo. Anh nói: “Tôi không biết chính xác tại sao, nhưng tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Tôi rất ngạc nhiên khi khám phá ra Kinh Thánh không như những gì mình nghĩ!” Anh xin học Kinh Thánh và báp têm năm 1999. Nhìn anh bây giờ khó mà tưởng tượng được anh tôi tớ thánh chức khiêm nhường này ngày trước lại là một người hung bạo mang vũ khí cướp ngân hàng!

Vladimir bị tuyên án tử hình. Trong thời gian đợi xử tử, anh cầu nguyện Đức Chúa Trời và hứa rằng nếu được tha, anh sẽ phụng sự Ngài. Trong thời gian ấy, luật pháp thay đổi, án tử hình được giảm xuống thành tù chung thân. Để giữ lời hứa, anh bắt đầu tìm kiếm tôn giáo thật. Anh đã học một lớp hàm thụ và nhận được bằng cấp của đạo Cơ Đốc Phục Lâm, nhưng anh không cảm thấy thỏa mãn.

Thế nhưng sau khi đọc Tháp Canh Tỉnh Thức! trong thư viện trại giam, Vladimir viết thư xin văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ukraine gửi người đến thăm anh. Khi những anh địa phương đến thăm, Vladimir đã tự xem mình là một Nhân Chứng và rao giảng trong tù rồi. Anh được giúp để hội đủ điều kiện làm người công bố về Nước Trời. Lúc bài này được viết, Vladimir và bảy người khác trong tù đang đợi làm báp têm. Nhưng họ gặp phải một vấn đề. Vì những người ở tù chung thân bị nhốt tùy theo niềm tin tôn giáo của mình, nên Vladimir và những bạn tù có cùng niềm tin ở chung một chỗ. Vậy thì họ rao giảng cho ai? Họ rao giảng tin mừng cho những lính canh và bằng cách viết thư.

Nazar từ Ukraine dọn qua Cộng Hòa Czech rồi anh nhập băng đảng trộm cắp. Vì vậy mà anh bị tù ba năm rưỡi. Trong thời gian ở tù, khi Nhân Chứng Giê-hô-va từ thành phố Karlovy Vary đến rao giảng, anh chấp nhận học lẽ thật và hoàn toàn cải hóa. Thấy được điều này, một người lính canh trong tù nói với những người bạn tù của Nazar: “Nếu tất cả các anh giống như người Ukraine kia thì cuối cùng tôi có thể đổi việc”. Một người khác nói: “Những Nhân Chứng Giê-hô-va này đúng là chuyên gia thứ thiệt. Một người vào tù là tội phạm; khi ra khám là người đàng hoàng”. Hiện nay Nazar được trở về nhà. Anh học nghề mộc và đã kết hôn. Cả hai vợ chồng đều là người rao giảng trọn thời gian. Anh thật biết ơn về những chuyến viếng thăm của các Nhân Chứng!

Chính thức công nhận

Không chỉ những tù nhân mới biết ơn những gì Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm. Ông Miroslaw Kowalski, phát ngôn viên của một trại giam tại Ba Lan nói: “Chúng tôi rất biết ơn các cuộc viếng thăm của họ. Một số các tù nhân đã có quá khứ đáng thương. Có lẽ họ không bao giờ được đối xử như con người... Sự giúp đỡ [của các Nhân Chứng] rất đáng quý vì chúng tôi thiếu nhân viên và người cải huấn”.

Một người quản lý trại tù khác ở Ba Lan viết cho văn phòng chi nhánh, hỏi xin Nhân Chứng gia tăng thêm hoạt động trong tù. Tại sao? Ông giải thích: “Nếu đại diện Hội Tháp Canh đến thăm thường xuyên hơn thì có lẽ các tù nhân phát triển được những đức tính đáng chuộng, nhờ đó họ bớt hung hăng và dễ hòa đồng hơn”.

Một tờ báo ở Ukraine tường thuật về một tù nhân bị trầm uất đã tìm cách tự tử nhưng rồi nhận được sự giúp đỡ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bài báo nói: “Hiện nay, tâm thần người này dần dần được bình phục, vâng theo lề lối trong tù và là gương mẫu cho các tù nhân khác”.

Những lợi ích ngoài cổng tù

Lợi ích của công việc Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm không chỉ giới hạn bên trong trại tù mà vẫn tiếp tục sau khi những tù nhân được trả tự do. Hai nữ tín đồ Đấng Christ, Brigitte và Renate, đã giúp những người đó trong vài năm. Một tờ báo Đức Main-Echo Aschaffenburg viết về họ: “Họ chăm sóc những nữ tù nhân từ ba đến năm tháng sau khi những người này được trả tự do, khuyến khích họ tìm một mục đích cho đời sống... Hai người này được chính thức công nhận là nhân viên quản chế tình nguyện... Họ cũng có lối giao tiếp xây dựng và tích cực với các nhân viên trại giam”. Một số người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nhờ sự giúp đỡ nhân từ này.

Ngay cả các nhân viên trại giam cũng nhận được lợi ích từ công việc giáo dục của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thí dụ, ông Roman là một thiếu tá quân đội và tâm lý gia trong một nhà tù ở Ukraine. Khi Nhân Chứng đến nhà, ông đồng ý học Kinh Thánh. Sau đó ông được biết Nhân Chứng Giê-hô-va không được phép liên lạc với các tù nhân nơi ông làm việc. Vì vậy, ông xin người quản lý trại giam cho phép ông trong lúc làm việc được dùng Kinh Thánh để nói với các tù nhân. Ông được chấp thuận và kết quả là có khoảng mười tù nhân tỏ ra chú ý. Roman thường chia sẻ sự hiểu biết về Kinh Thánh với những tù nhân này và nỗ lực của ông đem lại kết quả tốt đẹp. Sau khi được trả tự do, một số tù nhân tiếp tục tiến bộ và trở thành tín đồ Đấng Christ. Thấy được quyền lực của Lời Đức Chúa Trời, Roman nghiêm chỉnh học Kinh Thánh hơn. Ông rời quân đội và tiếp tục dạy dỗ Kinh Thánh. Hiện nay, Roman tham gia vào công việc rao giảng cùng với một cựu tù nhân.

Một tù nhân viết: “Ở đây chúng tôi sống nhờ Kinh Thánh, những ấn phẩm về Kinh Thánh và nhờ học hỏi Kinh Thánh”. Những lời này miêu tả thích hợp nhu cầu cần ấn phẩm về Kinh Thánh trong một số trại tù. Một hội thánh ở Ukraine báo cáo về công việc dạy dỗ Kinh Thánh trong trại tù địa phương: “Văn phòng quản lý rất biết ơn về các ấn phẩm mà chúng tôi cung cấp. Mỗi số Tháp Canh Tỉnh Thức! chúng tôi đem cho họ 60 cuốn”. Một hội thánh khác viết: “Chúng tôi cung cấp sách báo cho 20 thư viện nhỏ trong một trại cải huấn và mỗi thư viện đều có những ấn phẩm chính của chúng ta. Tổng số là 20 thùng ấn phẩm”. Trong một nhà tù, những lính canh có trọn bộ tạp chí của chúng ta trong thư viện để những tù nhân có thể đọc được mỗi số.

Trong năm 2002, văn phòng chi nhánh ở Ukraine đã thành lập Ban Trại Giam. Cho đến nay, Ban này đã liên lạc với 120 trại cải huấn và đã chỉ định những hội thánh giúp các tù nhân ở đó. Mỗi tháng họ nhận được khoảng 50 thư của tù nhân, đa số hỏi xin ấn phẩm hoặc xin học Kinh Thánh. Chi nhánh gửi sách, tạp chí và sách mỏng cho họ cho đến khi các anh em địa phương liên lạc được với họ.

Sứ đồ Phao-lô viết cho các anh em đồng đạo: “Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng-xích”. (Hê-bơ-rơ 13:3) Ông nói về những người đã bị tù vì đức tin. Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va nhớ đến những người bị giam, đến thăm trại tù và “rao cho kẻ bị cầm được tha”.—Lu-ca 4:19.

[Chú thích]

^ đ. 5 Một số tên đã được đổi.

[Hình nơi trang 9]

Bức tường trại giam ở L’viv, Ukraine

[Hình nơi trang 10]

Anh Mykola

[Hình nơi trang 10]

Anh Vasyl và vợ, Iryna

[Hình nơi trang 10]

Anh Victor