Điều ác lấn lướt điều thiện
Điều ác lấn lướt điều thiện
TRONG thế giới ngày nay, dường như ít ai sẵn lòng quên mình vì người khác. Tuy nhiên, cũng có người mong muốn “tạo sự thay đổi”—làm điều thiện cho người. Mỗi năm, vô số người đã đóng góp hàng tỉ Mỹ kim cho những mục đích mà họ xem là cao đẹp. Chẳng hạn như ở Anh, số tiền quyên góp đã đạt đến mức kỷ lục là 13 tỉ Mỹ kim vào năm 2002. Từ năm 1999 đến nay, mười nhà hảo tâm đã đóng góp hoặc hứa tặng hơn 38 tỉ Mỹ kim để giúp đỡ người nghèo.
Những người hoạt động từ thiện đã thực hiện được những việc như trả chi phí y tế cho các gia đình có thu nhập thấp, đỡ đầu trẻ em các gia đình neo đơn, tài trợ những chương trình chủng ngừa ở các nước đang phát triển, tặng cuốn sách mới đầu tiên cho trẻ em nghèo, cung cấp gia súc cho nông dân ở các nước nghèo và phân phát hàng cứu trợ cho nạn nhân ở những vùng bị thiên tai.
Những sự kiện trên cho thấy con người có khả năng làm điều thiện. Nhưng đáng buồn là cũng có người gây ra những tội ác vô cùng tàn bạo.
Điều ác lan tràn
Kể từ cuối Thế Chiến II, thế giới đã ghi nhận gần 50 cuộc diệt chủng và thảm sát vì lý do chính trị. Tạp chí American Political Science Review viết: “Những biến cố này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 12 triệu và có thể lên đến 22 triệu dân thường. Con số này còn cao hơn số thương vong trong những cuộc nội chiến và chiến tranh giữa các quốc gia kể từ năm 1945”.
Trong suốt hậu bán thế kỷ 20, gần 2,2 triệu người bị giết ở Cam-pu-chia vì lý do chính trị. Xung đột sắc tộc ở Rwanda khiến hơn 800.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em bị sát hại. Còn những cuộc thảm sát vì lý do tôn giáo và chính trị ở Bosnia thì giết hại hơn 200.000 người.
Kể ra những tội ác gần đây hơn, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phát biểu vào năm 2004: “Ở Iraq, chúng ta thấy dân thường bị thảm sát một cách tàn nhẫn, trong khi nhân viên cứu trợ, phóng viên và những dân thường khác bị bắt làm con tin và bị giết thật dã man. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy những tù nhân Iraq bị ngược đãi nhục nhã. Ở Darfur, toàn bộ dân chúng buộc phải rời khỏi mái ấm của họ. Nhà cửa bị hủy phá. Sự cưỡng
hiếp cũng là một chiến lược. Ở miền bắc Uganda, trẻ em bị hành hạ gây thương tật và bị buộc tham gia những hoạt động dã man không thể tưởng. Còn ở Beslan, học sinh bị bắt làm con tin và bị sát hại cách tàn nhẫn”.Ngay cả ở những nước “văn minh”, tội ác xuất phát từ óc kỳ thị chủng tộc dường như cũng ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, vào năm 2004, tờ Independent News cho biết ở Anh Quốc “số nạn nhân của các vụ tấn công hay hành hung do kỳ thị chủng tộc đã tăng mười một lần trong thập kỷ qua”.
Tại sao con người có khả năng làm điều thiện lại gây ra những tội ác khủng khiếp như thế? Liệu chúng ta có thể thoát khỏi điều ác không? Như bài tiếp theo cho thấy, Kinh Thánh sẽ trả lời thỏa đáng những câu hỏi nan giải này.
[Nguồn tư liệu nơi trang 2]
TRANG BÌA: Mark Edwards/Still Pictures/Peter Arnold, Inc.