Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn tin cậy Đức Chúa Trời đến độ nào?

Bạn tin cậy Đức Chúa Trời đến độ nào?

Bạn tin cậy Đức Chúa Trời đến độ nào?

“Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời”.—MA-THI-Ơ 6:33.

1, 2. Một người đàn ông trẻ tuổi đã quyết định thế nào về việc làm, và tại sao?

MỘT người đàn ông trẻ tuổi muốn trở nên hữu dụng hơn trong hội thánh. Nhưng việc làm cản trở anh đi dự các buổi họp đều đặn. Anh xử lý như thế nào trước tình huống đó? Anh đơn giản hóa đời sống, xin nghỉ việc và với thời gian tìm được một công việc mà không cản trở anh trong những sinh hoạt của tín đồ Đấng Christ. Hiện nay anh làm việc với số lương ít hơn trước, nhưng anh vẫn có thể chăm lo nhu cầu của gia đình và giúp hội thánh nhiều hơn.

2 Bạn có hiểu tại sao anh ấy đã quyết định như thế không? Bạn có nghĩ nếu trong cùng hoàn cảnh, chính mình cũng hành động như vậy không? Điều đáng khen là nhiều tín đồ Đấng Christ đã quyết định như thế, và hành động đó cho thấy họ tin tưởng nơi lời hứa của Chúa Giê-su: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:33) Họ tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ có đời sống yên ổn thay vì tin thế gian này.—Châm-ngôn 3:23, 26.

3. Tại sao một số người có lẽ tự hỏi không biết ngày nay tìm kiếm Nước Trời trước hết có còn thực tế không?

3 Vì chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, một số người có lẽ tự hỏi rằng quyết định của anh ấy có khôn ngoan không. Ngày nay, một phần nhân loại đang sống trong cảnh nghèo túng cùng cực trong khi phần khác thì hưởng mức sống cao nhất lịch sử. Hầu hết người dân ở những nước nghèo sẵn sàng nắm lấy bất cứ cơ hội nào để có đời sống dễ dàng hơn một chút. Mặt khác, nhiều người ở những nước giàu bị áp lực phải giữ mức sống của họ trước tình trạng kinh tế khó khăn, thị trường lao động bấp bênh và việc chủ nhân đòi hỏi quá nhiều. Nói về áp lực liên quan đến việc kiếm sống, một số người có lẽ tự hỏi: ‘Tìm kiếm Nước Trời trước hết có còn thực tế không?’ Để giúp trả lời câu hỏi này, hãy xem xét cử tọa đến nghe Chúa Giê-su giảng.

‘Đừng lo’

4, 5. Chúa Giê-su đã dùng minh họa thích hợp nào để cho thấy dân Đức Chúa Trời không nên quá lo lắng về đời sống hàng ngày?

4 Chúa Giê-su đang ở Ga-li-lê nói chuyện với đám đông người đến từ nhiều nơi. (Ma-thi-ơ 4:25) Ít người trong số đó giàu có, rất có thể hầu hết là dân nghèo. Nhưng Chúa Giê-su khuyến khích họ không nên đặt việc tìm kiếm của cải vật chất lên hàng ưu tiên, nhưng chất chứa một điều có giá trị hơn nhiều—tài sản thiêng liêng. (Ma-thi-ơ 6:19-21, 24) Ngài nói: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí-trọng hơn đồ ăn sao, thân-thể há chẳng quí-trọng hơn quần-áo sao?”—Ma-thi-ơ 6:25.

5 Đối với nhiều người đang lắng nghe, lời Chúa Giê-su có vẻ không thực tế. Họ biết rằng nếu không siêng năng làm việc, gia đình họ sẽ chịu khổ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhắc họ nhớ về loài chim. Chim kiếm sống từng ngày, nhưng Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng. Chúa Giê-su cũng nêu ra cách Đức Giê-hô-va cung cấp cho những hoa dại, vẻ đẹp của hoa còn hơn sự sang trọng của Vua Sa-lô-môn. Nếu Đức Giê-hô-va chăm sóc loài chim và bông hoa, thì Ngài còn chăm sóc chúng ta nhiều hơn biết bao! (Ma-thi-ơ 6:26-30) Như Chúa Giê-su đã nói, sự sống và thân thể của chúng ta quan trọng hơn cơm ăn áo mặc rất nhiều. Nếu chúng ta dồn hết nỗ lực chỉ để tìm kiếm bát cơm manh áo mà không còn gì cho Đức Giê-hô-va thì chúng ta đi trật chính mục đích của đời sống.—Truyền-đạo 12:13.

Một quan điểm thăng bằng

6. (a) Tín đồ Đấng Christ có bổn phận nào? (b) Tín đồ Đấng Christ đặt lòng tin cậy trọn vẹn vào đâu?

6 Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không khuyến khích cử tọa ngưng làm việc và ngồi chờ Đức Chúa Trời cung cấp cho gia đình họ. Ngay cả chim trời cũng phải tự tìm thức ăn và mớm mồi cho chim con. Vì thế, tín đồ Đấng Christ muốn ăn thì phải làm việc. Họ phải chu toàn bổn phận gia đình. Những tôi tớ và nô lệ tín đồ Đấng Christ phải siêng năng làm việc cho chủ. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12; 1 Ti-mô-thê 5:8; 1 Phi-e-rơ 2:18) Sứ đồ Phao-lô thường may trại để kiếm sống. (Công-vụ 18:1-4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9) Tuy nhiên, những tín đồ đó đã không xem việc làm là điều bảo đảm cho đời sống của họ. Họ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Nhờ thế mà họ có được sự bình an nội tâm mà những người khác không có. Người viết Thi-thiên nói: “Những người tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va khác nào núi Si-ôn không rúng-động, hằng còn đến đời đời”.—Thi-thiên 125:1.

7. Một người không vững vàng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có thể có quan điểm nào?

7 Bất cứ ai không vững vàng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có thể nghĩ khác. Đa số nhân loại xem của cải vật chất là yếu tố chính bảo đảm đời sống của họ. Vì vậy, cha mẹ khuyến khích con cái học lên cao, mong rằng như thế sẽ chuẩn bị cho chúng có việc làm với mức lương hấp dẫn. Điều đáng buồn là một số gia đình tín đồ Đấng Christ đã thấy họ phải trả giá rất cao khi con cái họ không chú trọng vào mục tiêu thiêng liêng và chạy theo của cải vật chất.

8. Tín đồ Đấng Christ nên giữ sự thăng bằng nào?

8 Vì thế, những tín đồ khôn ngoan nhận biết rằng lời khuyên của Chúa Giê-su có áp dụng cho thời nay cũng như thế kỷ thứ nhất, và họ cố gắng giữ quan điểm thăng bằng. Dù phải làm việc nhiều giờ để chu toàn bổn phận theo Kinh Thánh, họ không bao giờ để việc kiếm tiền làm cho họ mù quáng, không còn để ý đến những điều thiêng liêng quan trọng hơn.—Truyền-đạo 7:12.

“Chớ lo-lắng”

9. Chúa Giê-su trấn an những người hết lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su khuyên cử tọa: “Các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi”. (Ma-thi-ơ 6:31, 32) Quả là những lời đầy khích lệ! Nếu chúng ta hết lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Tuy nhiên, lời Chúa Giê-su cũng gợi suy nghĩ. Lời ấy nhắc nhở rằng nếu chạy theo của cải vật chất thì chúng ta có lối suy nghĩ giống như của “các dân ngoại”, tức những người không phải là tín đồ thật của Đấng Christ.

10. Khi người đàn ông trẻ tuổi đến hỏi Chúa Giê-su, ngài đã nói gì để làm bộc lộ điều người ấy thích nhất?

10 Vào dịp nọ, một người đàn ông trẻ tuổi rất giàu có đến hỏi Chúa Giê-su mình phải làm gì để được sống đời đời. Chúa Giê-su nhắc ông về những điều luật pháp đòi hỏi, lúc bấy giờ vẫn còn hiệu lực. Người ấy khẳng định với ngài: “Tôi đã giữ đủ các điều nầy; còn thiếu chi cho tôi nữa?” Câu trả lời của Chúa Giê-su đối với nhiều người có lẽ thiếu thực tế. Ngài phán: “Nếu ngươi muốn được trọn-vẹn, hãy đi bán hết gia-tài mà bố-thí cho kẻ nghèo-nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta”. (Ma-thi-ơ 19:16-21) Người trẻ này buồn rầu bỏ đi, không thể chấp nhận việc mất của cải. Ông ta ham thích của cải mình hơn là yêu mến Đức Giê-hô-va.

11, 12. (a) Về sự giàu có, Chúa Giê-su nói những lời nào để gợi suy nghĩ? (b) Của cải có thể cản trở việc phụng sự Đức Giê-hô-va như thế nào?

11 Sự kiện đó khiến cho Chúa Giê-su nói một điều không ai ngờ: “Người giàu vào nước thiên-đàng là khó lắm..., lạc-đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 19:23, 24) Phải chăng ngài có ý nói rằng không một người giàu nào sẽ hưởng được Nước Trời? Không, vì ngài nói tiếp: “Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được”. (Ma-thi-ơ 19:25, 26) Quả thật, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, một số người giàu thời đó đã trở thành tín đồ được xức dầu. (1 Ti-mô-thê 6:17) Tuy nhiên, Chúa Giê-su có lý do chính đáng khi nói những lời trên. Ngài đưa ra một lời cảnh báo.

12 Nếu một người lưu luyến của cải như người giàu trẻ tuổi đó, thì sẽ khó phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Điều đó có thể đúng với người vốn giàu có cũng như người “muốn nên giàu-có”. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Tin cậy quá nhiều vào của cải vật chất có thể khiến một người ít “ý thức về nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Vì vậy người ấy có lẽ không cảm thấy mình cũng cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:10-12) Người đó có thể muốn được đối xử đặc biệt trong hội thánh. (Gia-cơ 2:1-4) Và có thể dành nhiều thì giờ để hưởng của cải mình có thay vì phụng sự Đức Giê-hô-va.

Vun trồng quan điểm đúng

13. Người Lao-đi-xê đã có quan điểm sai lầm nào?

13 Một nhóm khác đã có quan điểm sai lầm về của cải vật chất là hội thánh ở Lao-đi-xê vào thế kỷ thứ nhất. Chúa Giê-su phán với họ: “Ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu-có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ-sở, khốn-khó, nghèo-ngặt, đui-mù, và lõa-lồ”. Không phải sự giàu có khiến cho những người Lao-đi-xê ở trong tình trạng đáng thương hại về thiêng liêng, nhưng chính là vì họ tin cậy nơi của cải hơn là Đức Giê-hô-va. Vì thế mà họ ở trong tình trạng hâm hẩm về thiêng liêng; sắp bị ‘nhả ra khỏi’ miệng Chúa Giê-su.—Khải-huyền 3:14-17.

14. Tại sao những tín đồ người Hê-bơ-rơ đáng được Phao-lô khen ngợi?

14 Mặt khác, Phao-lô khen những tín đồ người Hê-bơ-rơ về thái độ của họ lúc bị ngược đãi trước đó. Ông nói: “Anh em đã thương-xót kẻ bị tù, và vui lòng chịu của-cải mình bị cướp, bởi biết mình có của-cải quí hơn hằng còn luôn”. (Hê-bơ-rơ 10:34) Những tín đồ Đấng Christ đó không quá thất vọng vì bị mất của cải vật chất. Họ giữ được niềm vui vì nắm được một của cải giá trị nhất, “của-cải quí hơn hằng còn luôn”. Như người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su đã hy sinh tất cả để lấy một hột châu quý giá, họ cương quyết nắm chặt niềm hy vọng về Nước Trời bằng bất cứ giá nào. (Ma-thi-ơ 13:45, 46) Quả là một thái độ đáng khen!

15. Bằng cách nào một nữ tín đồ ở Liberia đặt quyền lợi Nước Trời lên trên hết?

15 Nhiều người ngày nay vun trồng thái độ đáng khen như thế. Chẳng hạn ở Liberia, một nữ tín đồ trẻ có được cơ hội vào đại học. Ở nước đó, cơ hội ấy được xem là cách để có một tương lai ổn định. Tuy nhiên, chị là một người tiên phong, rao giảng tin mừng trọn thời gian, và đã nhận được lời mời làm tiên phong đặc biệt tạm thời. Chị chọn tìm kiếm Nước Trời trước hết và tiếp tục công việc rao giảng trọn thời gian. Chị đi đến nhiệm sở và bắt đầu 21 học hỏi Kinh Thánh trong ba tháng. Chị trẻ tuổi này và hàng ngàn người như chị tìm kiếm Nước Trời trước hết dù phải hy sinh cơ hội được lợi về vật chất. Làm sao họ giữ được thái độ đó trong một thế gian thiên về vật chất? Họ đã vun trồng một số đức tính tốt. Chúng ta hãy bàn về một vài đức tính này.

16, 17. (a) Tại sao tính khiêm tốn là quan trọng nếu chúng ta muốn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? (b) Tại sao chúng ta nên vun trồng sự tin tưởng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời?

16 Khiêm tốn: Kinh Thánh nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con. Chớ khôn-ngoan theo mắt mình”. (Châm-ngôn 3:5-7) Đôi khi một đường lối nào đó có vẻ thực tế theo quan điểm người đời. (Giê-rê-mi 17:9) Nhưng một tín đồ thành thật thì trông cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 48:14) “Trong các việc”—trong những vấn đề liên quan đến hội thánh, học hành hay việc làm ngoài đời, giải trí, hoặc bất cứ điều gì khác—người ấy khiêm tốn tìm kiếm lời khuyên của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 73:24.

17 Tin cậy nơi các lời hứa của Đức Giê-hô-va: Phao-lô nói: “Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Nếu chúng ta không tin Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện các lời hứa của Ngài thì việc ‘dùng [“tận hưởng”, Bản Dịch Mới] thế-gian’ có vẻ là điều hợp lý. (1 Cô-rinh-tô 7:31) Mặt khác, nếu có đức tin vững mạnh, chúng ta sẽ cương quyết tìm kiếm Nước Trời trước hết. Làm sao có thể phát triển một đức tin vững chắc? Bằng cách luôn đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện chân thành và đều đặn học hỏi Kinh Thánh cá nhân. (Thi-thiên 1:1-3; Phi-líp 4:6, 7; Gia-cơ 4:8) Như Vua Đa-vít, chúng ta có thể cầu nguyện: “Đức Giê-hô-va ôi! tôi tin-cậy nơi Ngài; tôi nói: Ngài là Đức Chúa Trời tôi. Sự nhân-từ Chúa... thật lớn-lao thay!”—Thi-thiên 31:14, 19.

18, 19. (a) Tính siêng năng sốt sắng củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Tại sao tín đồ Đấng Christ nên sẵn lòng hy sinh?

18 Siêng năng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va: Phao-lô liên kết lòng tin cậy nơi lời hứa Đức Chúa Trời với tính siêng năng sốt sắng khi viết: “Chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt-sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy-dẫy sự trông-cậy cho đến cuối-cùng”. (Hê-bơ-rơ 6:11) Nếu chúng ta bận rộn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Mỗi lần cảm nghiệm được sự giúp đỡ đó, chúng ta tin cậy nơi Ngài nhiều hơn, chúng ta được ‘vững-vàng không rúng-động’. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Đức tin của chúng ta được củng cố, và niềm hy vọng được vững chắc.—Ê-phê-sô 3:16-19.

19 Sẵn sàng hy sinh: Phao-lô hy sinh một sự nghiệp nhiều triển vọng để theo Chúa Giê-su. Rõ ràng ông đã lựa chọn đúng, dù đời ông có lúc gặp khó khăn về vật chất. (1 Cô-rinh-tô 4:11-13) Đức Giê-hô-va không hứa cho một cuộc sống xa hoa, và đôi khi tôi tớ Ngài phải chịu gian khổ. Việc chúng ta sẵn sàng đơn giản hóa đời sống và chịu hy sinh chứng tỏ mức độ chúng ta cương quyết phụng sự Đức Giê-hô-va.—1 Ti-mô-thê 6:6-8.

20. Tại sao tính kiên nhẫn là thiết yếu đối với người đặt quyền lợi Nước Trời lên trên hết?

20 Kiên nhẫn: Môn đồ Gia-cơ khuyên giục anh em tín đồ đồng đạo: “Hỡi anh em, vậy hãy nhịn-nhục cho tới kỳ Chúa đến”. (Gia-cơ 5:7) Trong thế gian với nhịp sống hối hả này, rất khó để kiên nhẫn và nhịn nhục. Chúng ta muốn mọi sự phải xảy ra nhanh chóng. Nhưng Phao-lô khuyên chúng ta noi theo những người “bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”. (Hê-bơ-rơ 6:12) Hãy sẵn sàng chờ đợi nơi Đức Giê-hô-va. Sự sống đời đời trong địa đàng chắc chắn rất đáng cho chúng ta chờ đợi!

21. (a) Chúng ta cho thấy điều gì khi đặt quyền lợi Nước Trời lên trên hết? (b) Bài kế tiếp sẽ bàn luận điều gì?

21 Đúng vậy, lời khuyên của Chúa Giê-su về việc tìm kiếm Nước Trời trước hết rất thực tế. Khi làm thế, chúng ta chứng tỏ mình thật sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và chọn lối sống an toàn duy nhất dành cho tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng khuyên chúng ta tiếp tục ‘tìm kiếm sự công-bình của Đức Chúa Trời trước hết’. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ thấy tại sao lời khuyến khích này đặc biệt cần thiết ngày nay.

Bạn có thể giải thích không?

• Nói về vật chất, Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta có sự thăng bằng nào?

• Chúng ta rút tỉa bài học nào qua minh họa của Chúa Giê-su về lạc đà và lỗ kim?

• Những đức tính nào của tín đồ Đấng Christ giúp chúng ta tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Đa số người nghe Chúa Giê-su giảng là dân nghèo

[Hình nơi trang 23]

Người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su đã hy sinh tất cả để lấy một hột châu quý giá

[Hình nơi trang 23]

Người đàn ông trẻ tuổi giàu có ham thích của cải hơn là yêu mến Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 24]

Nếu chúng ta bận rộn trong công việc của Đức Giê-hô-va thì Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta