Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào thiện thắng ác?

Làm thế nào thiện thắng ác?

Làm thế nào thiện thắng ác?

Vua Đa-vít là một người có tâm tốt. Ông yêu mến Đức Chúa Trời sâu đậm, khao khát sự công chính và thương xót người yếu thế. Thế nhưng chính vị vua tốt này đã phạm tội ngoại tình với vợ của một bầy tôi thân tín của ông. Và khi biết người phụ nữ ấy, tức Bát-Sê-ba, đã có thai, ông cố giấu nhẹm tội và cuối cùng sắp xếp để chồng bà bị giết. Sau đó, ông lấy bà làm vợ.—2 Sa-mu-ên 11:1-27.

HIỂN NHIÊN, con người có khả năng làm nhiều việc thiện. Vậy, tại sao họ lại gây ra quá nhiều tội ác như thế? Kinh Thánh cho biết một số nguyên nhân căn bản, đồng thời cũng tiết lộ cách Đức Chúa Trời sẽ vĩnh viễn loại bỏ sự gian ác qua trung gian Chúa Giê-su.

Khuynh hướng thiên về điều xấu

Chính Vua Đa-vít đã nhận ra một nguyên nhân của sự gian ác. Sau khi tội ác của ông bị vạch trần, ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động của mình. Về sau, với lòng ăn năn ông thừa nhận: “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian-ác, mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi”. (Thi-thiên 51:5) Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định để các bà mẹ sinh ra những đứa con tội lỗi. Tuy nhiên, khi Ê-va rồi đến A-đam phản nghịch Đức Chúa Trời, họ đã mất khả năng sinh ra những người con hoàn toàn, không tội lỗi. (Rô-ma 5:12) Và khi nhân số gia tăng, khuynh hướng thiên về điều xấu của con người càng bộc lộ rõ, như Sáng-thế Ký 8:21 nói: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”.

Nếu không được kiểm soát, khuynh hướng này có thể dẫn tới sự “gian-dâm... thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình, bè-đảng, ganh-gổ” và nhiều hành vi tai hại khác mà Kinh Thánh mô tả là “việc làm của xác-thịt”. (Ga-la-ti 5:19-21) Trong trường hợp Vua Đa-vít, ông đã chiều theo sự yếu đuối của xác thịt, phạm tội tà dâm và điều đó đã dẫn đến nhiều xung đột trong gia đình ông. (2 Sa-mu-ên 12:1-12) Lẽ ra ông có thể cưỡng lại khuynh hướng xấu này. Nhưng khi nuôi dưỡng lòng ham muốn đối với Bát-Sê-ba, ông đã rơi vào quy luật mà sau này môn đồ Gia-cơ miêu tả: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”.—Gia-cơ 1:14, 15.

Những cuộc tàn sát tập thể, cưỡng hiếp và cướp phá được nói đến trong bài trước là những trường hợp tồi tệ nhất cho thấy những gì đã xảy ra khi người ta để ham muốn xấu điều khiển hành động mình.

Sự thiếu hiểu biết sinh ra tội ác

Kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô cho thấy nguyên nhân thứ hai khiến người ta làm ác. Đến cuối đời, Phao-lô có tiếng là người tử tế và yêu thương. Ông đã dốc sức phục vụ anh em tín đồ Đấng Christ một cách bất vị kỷ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7-9) Nhưng trước đó, khi còn được gọi là Sau-lơ, ông đã “hằng ngăm-đe và chém-giết” nhóm người này. (Công-vụ 9:1, 2) Tại sao Phao-lô lại tán đồng và nhúng tay vào những việc ác chống lại tín đồ Đấng Christ thời ban đầu? Ông thú nhận đó là vì ông “ngu-muội”. (1 Ti-mô-thê 1:13) Thật vậy, lúc ấy Phao-lô “nhiệt tâm với Thượng Đế, nhưng nhiệt tâm đó dựa trên hiểu biết sai lầm”.—Rô-ma 10:2, Bản Diễn Ý.

Giống như Phao-lô, nhiều người có lòng thành đã dự phần vào việc ác do thiếu sự hiểu biết chính xác về ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã cảnh báo môn đồ: “Giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời”. (Giăng 16:2) Các Nhân Chứng ngày nay của Đức Giê-hô-va cảm nghiệm được sự thật trong lời của Chúa Giê-su. Ở nhiều xứ, họ bị bắt bớ, thậm chí sát hại bởi chính những người tự xưng là thờ Đức Chúa Trời. Rõ ràng, nhiệt tâm sai lầm đó không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thật.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6.

Cha của cái ác

Chúa Giê-su nêu rõ nguyên nhân chính của cái ác. Khi nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo định giết ngài, Chúa Giê-su tuyên bố: “Các ngươi bởi cha mình, là ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người”. (Giăng 8:44) Chính Sa-tan là kẻ, vì ích kỷ, đã dụ dỗ A-đam và Ê-va phản nghịch Đức Chúa Trời. Vì sự phản nghịch ấy, tội lỗi đã xâm nhập thế gian, dẫn đến sự chết cho toàn thể nhân loại.

Tâm địa hiểm độc của Sa-tan càng lộ rõ hơn qua cách hắn đối xử với Gióp. Khi Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan thử thách lòng trung kiên của Gióp, hắn đã không thỏa mãn với việc tước sạch tài sản mà còn gây ra cái chết cho mười người con của ông. (Gióp 1:9-19) Trong những thập niên gần đây, làn sóng tội ác gia tăng một cách đáng kể vì sự bất toàn và thiếu hiểu biết của con người, và vì sự can thiệp ngày càng sâu của Sa-tan vào những vấn đề của nhân loại. Kinh Thánh cho biết Ma-quỉ “đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó”. Lời tiên tri ấy cũng báo trước chính xác rằng việc bị đánh đuổi đó sẽ khiến Sa-tan gây “khốn-nạn cho đất” hơn bao giờ hết. Tuy không thể buộc người ta làm ác, Sa-tan là bậc thầy trong việc “dỗ-dành cả thiên-hạ”.—Khải-huyền 12:9, 12.

Loại bỏ khuynh hướng thiên về điều xấu

Muốn vĩnh viễn loại trừ cái ác khỏi xã hội, cần loại bỏ khuynh hướng bẩm sinh thiên về điều xấu và sự thiếu hiểu biết của con người cùng ảnh hưởng của Sa-tan. Trước tiên, làm thế nào loại bỏ khuynh hướng thiên về điều xấu trong lòng người?

Không một bác sĩ hay loại thuốc nào do con người bào chế có thể thực hiện được điều này. Nhưng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cung cấp phương thuốc để chữa khỏi tội lỗi và sự bất toàn di truyền cho những ai sẵn sàng chấp nhận phương thuốc ấy. Sứ đồ Giăng viết: “Huyết của Đức Chúa Jêsus... làm sạch mọi tội chúng ta”. (1 Giăng 1:7) Khi tình nguyện dâng hiến mạng sống hoàn toàn của ngài, Chúa Giê-su đã “gánh tội-lỗi chúng ta trong thân-thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội-lỗi, được sống cho sự công-bình”. (1 Phi-e-rơ 2:23) Sự hy sinh của ngài sẽ loại bỏ những hậu quả do hành vi gian ác của A-đam để lại. Phao-lô nói ngài đã “làm giá chuộc mọi người”. (1 Ti-mô-thê 2:6) Thật vậy, sự chết của Đấng Christ đã mở đường cho nhân loại nhận lại sự hoàn toàn mà A-đam đánh mất.

Dù vậy, bạn có thể thắc mắc: ‘Nếu sự chết của Chúa Giê-su cách nay gần 2.000 năm có thể giúp nhân loại lấy lại sự hoàn toàn, thì tại sao cái ác và sự chết vẫn tồn tại?’ Tìm được lời giải đáp cho câu hỏi ấy có thể giúp loại bỏ nguyên nhân thứ hai gây ra cái ác—sự thiếu hiểu biết của con người về ý định của Đức Chúa Trời.

Sự hiểu biết chính xác phát huy điều thiện

Hiểu biết chính xác về những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đang làm để xóa bỏ cái ác có thể giúp người có lòng thành tránh vô tình tán đồng những việc ác, hoặc tệ hơn nữa là “đánh giặc cùng Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 5:38, 39) Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẵn sàng bỏ qua những sai lầm chúng ta đã phạm trước đây vì thiếu hiểu biết. Sứ đồ Phao-lô nói với những người ở A-thên: “Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu-muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn-năn, vì Ngài đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, bởi Người Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên-hạ”.—Công-vụ 17:30, 31.

Bản thân Phao-lô đã thấy bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giê-su khi ngài trực tiếp nói chuyện và ngăn ông bắt bớ tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. (Công-vụ 9:3-7) Ngay khi nhận được sự hiểu biết chính xác về ý định của Đức Chúa Trời, Phao-lô đã thay đổi và trở thành một người tốt theo gương của Đấng Christ. (1 Cô-rinh-tô 11:1; Cô-lô-se 3:9, 10) Ngoài ra, ông còn sốt sắng rao truyền ‘tin mừng về nước Đức Chúa Trời’. (Ma-thi-ơ 24:14) Suốt gần 2.000 năm sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, ngài đã lựa chọn trong vòng nhân loại những người sẽ cùng cai trị với ngài trong Nước Trời, như Phao-lô.—Khải-huyền 5:9, 10.

Trong suốt thế kỷ qua cho đến tận ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va đã sốt sắng thi hành sứ mạng được Chúa Giê-su giao phó: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Những ai hưởng ứng thông điệp này có triển vọng sống mãi trên đất dưới sự cai trị của Đấng Christ. Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Giúp người khác thu thập sự hiểu biết này là việc thiện tốt nhất một người có thể làm.

Bất kể mọi sự gian ác chung quanh, những người chấp nhận tin mừng Nước Trời vẫn thể hiện các đức tính như “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. (Ga-la-ti 5:22) Theo gương Chúa Giê-su, họ không “lấy ác trả ác cho ai”. (Rô-ma 12:17) Trong đời sống cá nhân, họ cố gắng “lấy điều thiện thắng điều ác”.—Rô-ma 12:21; Ma-thi-ơ 5:44.

Điều thiện hoàn toàn chiến thắng

Bằng sức riêng, con người sẽ không bao giờ có thể chiến thắng cha đẻ của cái ác, Sa-tan Ma-quỉ. Nhưng chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Chúa Giê-su để giày đạp đầu Sa-tan. (Sáng-thế Ký 3:15; Rô-ma 16:20) Ngài cũng sẽ truyền cho Chúa Giê-su “đánh tan và hủy-diệt” mọi hệ thống chính trị, đa số đã gây nhiều tội ác trong suốt lịch sử. (Đa-ni-ên 2:44; Truyền-đạo 8:9) Trong ngày phán xét sắp tới này, tất cả những ai ‘không vâng-phục tin mừng của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta... sẽ bị hình-phạt hư-mất đời đời’.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8, 9; Sô-phô-ni 1:14-18.

Một khi Sa-tan cùng những tay sai hắn đã bị loại trừ, từ trên trời Chúa Giê-su sẽ giúp những người sống sót khôi phục lại tình trạng ban đầu của trái đất. Đấng Christ cũng sẽ hồi sinh những người xứng đáng được sống trên trái đất biến thành địa đàng. (Giăng 5:26-29; Thi-thiên 37:29) Khi làm thế, ngài sẽ vô hiệu hóa một số hậu quả của sự gian ác mà con người phải chịu.

Đức Giê-hô-va không buộc con người phải chấp nhận tin mừng về Chúa Giê-su. Nhưng Ngài cho họ cơ hội để thu thập sự hiểu biết mang lại sự sống. Tận dụng ngay cơ hội này là điều vô cùng quan trọng đối với bạn! (Sô-phô-ni 2:2, 3) Nếu làm thế, bạn sẽ học được cách đương đầu với những điều ác đang gây khốn khổ cho bạn, và hiểu được làm thế nào Chúa Giê-su sẽ hoàn toàn chiến thắng cái ác.—Khải-huyền 19:11-16; 20:1-3, 10; 21:3, 4.

[Hình nơi trang 5]

Do thiếu hiểu biết chính xác, Sau-lơ tán đồng việc ác

[Hình nơi trang 7]

Giúp người khác thu thập sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời là việc thiện tốt nhất một người có thể làm