Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”

“Lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”

“Lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”

TRONG suốt một ngày hội nghị dài của Nhân Chứng Giê-hô-va, chị Kim gắng tập trung lắng nghe, ghi chép đồng thời giữ cho đứa con gái mới hai tuổi rưỡi ngồi yên. Khi chương trình kết thúc, một chị Nhân Chứng ngồi cùng hàng quay sang nhiệt thành khen cách hai anh chị coi sóc con gái. Lời khen ấy có ý nghĩa với chị Kim đến độ nhiều năm sau chị vẫn còn nhắc tới: “Khi mệt mỏi tại buổi nhóm họp, tôi thường nhớ lại những lời chị ấy nói. Đến bây giờ, những lời tử tế ấy vẫn khích lệ tôi tiếp tục dạy dỗ con gái”. Thật thế, lời khen đúng lúc có thể giúp một người lên tinh thần. Kinh Thánh nói: “Lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”—Châm-ngôn 15:23.

Tuy nhiên, việc khen người khác có thể không dễ dàng đối với một số người trong chúng ta. Đôi khi đó là do chúng ta quá bận tâm đến những thiếu sót của mình. Một tín đồ Đấng Christ nói: “Tôi có cảm giác như thể mình đang đứng trên đất lún. Càng nâng người khác lên, tôi càng lún sâu trong sự mặc cảm”. Những yếu tố như sự e thẹn, thiếu tự tin hay sợ bị hiểu lầm cũng có thể là một trở ngại. Ngoài ra, nếu trong thời niên thiếu chúng ta hiếm khi được tán dương thì khi lớn lên, chúng ta cũng thấy khó khen người khác.

Nhưng nếu biết lời khen có tác động tốt cho cả người khen lẫn người nhận, có lẽ bạn sẽ muốn cố gắng nói lời khen đúng lúc. (Châm-ngôn 3:27) Vậy, việc khen ngợi mang lại những lợi ích nào? Chúng ta hãy xem qua một số điều.

Lợi ích của lời khen

Lời khen thích hợp xây dựng lòng tự tin. Chị Elaine đã có gia đình, cho biết: “Khi được khen, tôi cảm thấy mình được người khác tin cậy”. Thật vậy, với người thiếu tự tin, lời khen có thể giúp họ có thêm can đảm để vượt qua những khó khăn trở ngại và qua đó tìm được niềm vui trong cuộc sống. Người trẻ đặc biệt được khích lệ khi được khen một cách đúng mức. Một thiếu niên từng bị nản lòng vì có những ý tưởng bi quan, tâm sự: “Em luôn cố gắng làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va nhưng đôi khi em cảm thấy dù có cố gắng đến đâu, vẫn không đủ. Mỗi khi được khen, em cảm thấy rất vui”. Câu châm ngôn sau trong Kinh Thánh quả không sai: “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”.—Châm-ngôn 25:11.

Lời khen có tác dụng khích lệ và động viên. Một người truyền giáo trọn thời gian nói: “Lời khen khuyến khích tôi làm thánh chức nhiều hơn và tốt hơn”. Một người mẹ có hai con nhận thấy các con chị thường bình luận nhiều hơn khi được các anh chị trong hội thánh khen. Thật vậy, lời khen có thể khích lệ các em trẻ tiến bộ về mặt thiêng liêng. Thật ra, chúng ta ai cũng cần biết mình được người khác quý trọng. Thế giới đầy căng thẳng này có thể khiến chúng ta mệt mỏi và chán nản. Một trưởng lão nói: “Những lúc nản lòng, nếu được khen, tôi cảm thấy như thể Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của tôi”. Chị Elaine cũng có tâm tình tương tự: “Đôi khi tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va mượn lời anh em để tỏ sự chuẩn chấp của Ngài”.

Lời khen có thể tạo cảm giác được đùm bọc. Lời khen chân thật là biểu hiện của sự quan tâm và có thể tạo không khí ấm cúng, an toàn và tôn trọng lẫn nhau. Nó là bằng chứng cho thấy chúng ta thật sự yêu mến và quý trọng anh em đồng đạo. Chị Josie, nay đã có con, cho biết: “Trước đây, tôi phải cố gắng bênh vực lẽ thật trong một gia đình không cùng tôn giáo. Hồi ấy, mỗi khi được các anh chị vững vàng trong đức tin khen, tôi càng quyết tâm giữ vững lẽ thật”. Quả vậy, “chúng ta làm chi-thể cho nhau”.—Ê-phê-sô 4:25.

Thói quen thích khen giúp chúng ta nhìn thấy những điểm tốt nơi người khác. Chúng ta nên nhìn vào ưu điểm, chứ không phải khuyết điểm của người khác. Anh David là một trưởng lão, cho biết kinh nghiệm: “Quý trọng những gì người khác làm sẽ thúc đẩy chúng ta khen ngợi họ thường xuyên hơn”. Ghi nhớ là Đức Giê-hô-va và Con Ngài luôn rộng rãi khen những người bất toàn sẽ thúc đẩy chúng ta sẵn lòng khen người khác.—Ma-thi-ơ 25:21-23; 1 Cô-rinh-tô 4:5.

Những ai xứng đáng được khen ngợi?

Là Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên xứng đáng được khen ngợi. (Khải-huyền 4:11) Tuy Ngài không cần được khích lệ hay vun trồng thêm lòng tự tin, nhưng khi chúng ta ngợi khen sự vĩ đại và lòng yêu thương nhân từ Ngài, Đức Giê-hô-va gần chúng ta hơn, nhờ đó chúng ta tạo được mối quan hệ mật thiết với Ngài. Ngợi khen Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta giữ thái độ đúng đắn và khiêm tốn trước những thành quả của mình, và quy sự vinh hiển cho Ngài. (Giê-rê-mi 9:23, 24) Ngoài ra, một lý do khác thúc đẩy chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời là vì Ngài đã ban triển vọng sống mãi mãi cho tất cả những ai xứng đáng. (Khải-huyền 21:3, 4) Vua Đa-vít thời xưa đã nhiệt thành “ngợi-khen danh Đức Chúa Trời, và lấy sự cảm-tạ mà tôn-cao Ngài”. (Thi-thiên 69:30) Mong sao chúng ta cũng có ước muốn đó.

Anh em đồng đạo cũng xứng đáng được khen ngợi. Khi khen họ, chúng ta hành động phù hợp với mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là “coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. (Hê-bơ-rơ 10:24) Một gương mẫu về phương diện này là sứ đồ Phao-lô. Ông đã viết cho hội thánh Rô-ma: “Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức-tin anh em đã đồn khắp cả thế-gian”. (Rô-ma 1:8) Cũng thế, sứ đồ Giăng đã ngợi khen một anh em đồng đạo tên là Gai-út vì gương mẫu xuất sắc của ông trong việc “làm theo lẽ thật”.—3 Giăng 1-4.

Ngày nay, khi anh em đồng đạo nêu gương trong việc thể hiện những đức tính giống Đấng Christ, chuẩn bị kỹ và trình bày tốt khi có phần trong chương trình nhóm họp, hay đóng góp lời bình luận chân thành tại các buổi nhóm, đó là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn với từng người. Những em nhỏ cố gắng tra tìm các câu Kinh Thánh trong các buổi nhóm họp cũng đáng được tán dương. Chị Elaine, được nói đến ở trên, nhận xét: “Mỗi người chúng ta có một tài khác nhau. Công nhận những gì người khác làm là thể hiện lòng biết ơn đối với đủ mọi tài năng mà Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài”.

Trong gia đình

Còn đối với những người thân trong gia đình thì sao? Các bậc cha mẹ phải dành rất nhiều thời gian, công sức và sự quan tâm yêu thương để chăm lo cho nhu cầu tâm linh, tình cảm và vật chất của gia đình. Chắc chắn họ xứng đáng được người hôn phối cũng như con cái khen ngợi. (Ê-phê-sô 5:33) Chẳng hạn, Lời Đức Chúa Trời nói về một người nữ tài đức: “Con cái nàng chỗi-dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chỗi-dậy, và khen-ngợi nàng”.—Châm-ngôn 31:10, 28.

Con cái cũng xứng đáng được khen ngợi. Đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ chỉ quen ra lệnh nhưng lại hiếm khi khen con cái khi chúng cố gắng bày tỏ lòng hiếu kính và vâng lời. (Lu-ca 3:22) Nếu được khen trong những năm đầu đời, thường trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương và tự tin hơn.

Việc khen ngợi người khác quả đòi hỏi sự cố gắng nhưng cũng mang lại nhiều lợi ích. Thật vậy, càng thường xuyên khen ngợi những người xứng đáng, chúng ta sẽ càng có nhiều niềm vui hơn.—Công-vụ 20:35.

Thái độ đúng đối với lời khen

Tuy nhiên, nhận được lời khen đôi khi lại là một thử thách. (Châm-ngôn 27:21) Chẳng hạn, nó có thể nuôi dưỡng sự tự cao nơi những người có khuynh hướng kiêu ngạo. (Châm-ngôn 16:18) Vì vậy, chúng ta cần thận trọng. Sứ đồ Phao-lô cho lời khuyên rất thực tế: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người”. (Rô-ma 12:3) Để giúp người khác tránh rơi vào bẫy tự cao, có lẽ điều khôn ngoan là không nên chú trọng khen trí thông minh hay vẻ đẹp bề ngoài. Thay vào đó, chúng ta nên khen những việc làm tốt của họ.

Khi khen và nhận lời khen với thái độ đúng, rõ ràng chúng ta được lợi ích. Lời khen có thể thúc đẩy chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về mọi điều tốt lành mình làm được, và khuyến khích chúng ta tiếp tục có hạnh kiểm tốt.

Lời khen chân thật, đúng người đúng việc là một món quà mà tất cả chúng ta đều có khả năng tặng cho người khác. Khi được trao tặng một cách ân cần, đôi khi lời khen có ý nghĩa đối với người nhận hơn chúng ta tưởng nhiều.

[Khung/​Hình nơi trang 18]

Bức thư khiến cô ấy xúc động

Một anh giám thị lưu động vẫn nhớ rõ câu chuyện đã xảy ra khi anh và vợ trở về nhà sau một ngày rao giảng trong cái giá rét của mùa đông. Anh kể: “Nhà tôi bị lạnh, nản lòng và nói cô ấy cảm thấy không thể tiếp tục công việc lưu động được nữa. Cô ấy tâm sự: ‘Sẽ tốt hơn biết mấy nếu chúng ta phụng sự trọn thời gian tại một hội thánh, được ở một chỗ và giúp các học viên Kinh Thánh riêng của mình’. Tôi chưa muốn quyết định ngay và khuyên cô ấy nên tiếp tục công việc cho đến hết tuần. Nếu đến lúc đó, cô ấy vẫn muốn từ bỏ công việc, tôi sẽ tôn trọng cảm nghĩ của cô ấy. Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi ghé bưu điện và nhận được một lá thư của văn phòng chi nhánh dành riêng cho cô ấy. Lá thư gửi đến cô ấy lời khen nhiệt thành về những nỗ lực trong thánh chức, cũng như sự kiên trì chịu đựng khi mỗi tuần phải ngủ một nơi khác. Lời khen đó đã khiến cô ấy xúc động đến độ không bao giờ còn nhắc tới chuyện ngưng công việc lưu động nữa. Nhiều khi cô ấy còn khích lệ tôi khi tôi có ý ngưng công việc”. Anh chị này đã tiếp tục công việc lưu động trong gần 40 năm.

[Hình nơi trang 17]

Trong hội thánh anh chị, những ai xứng đáng được khen ngợi?

[Hình nơi trang 19]

Lời khen và sự yêu thương chăm sóc giúp trẻ phát triển