Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm kiếm sự công bình sẽ che chở chúng ta

Tìm kiếm sự công bình sẽ che chở chúng ta

Tìm kiếm sự công bình sẽ che chở chúng ta

“Trước hết, hãy tìm-kiếm... sự công-bình của [Đức Chúa Trời]”.—MA-THI-Ơ 6:33.

1, 2. Một chị tín đồ trẻ đã có quyết định nào, và tại sao chị quyết định như thế?

MỘT nữ tín đồ trẻ ở Á Châu làm thư ký cho văn phòng chính phủ. Chị tận tâm, đến sở làm sớm và không la cà trong giờ làm việc. Tuy nhiên, vì chị chưa được nhận làm nhân viên chính thức, nên người ta phải duyệt xét lại hồ sơ. Ông giám đốc của cơ quan nói với chị là sẽ nhận chị chính thức và thậm chí còn thăng chức nữa nếu chị chịu quan hệ tình dục với ông. Chị từ chối thẳng, dù điều này có nghĩa là chị sẽ mất việc làm.

2 Chị tín đồ này có thiếu thực tế không? Không. Chị cẩn thận làm theo lời của Chúa Giê-su: “Trước hết, hãy tìm-kiếm... sự công-bình của [Đức Chúa Trời]”. (Ma-thi-ơ 6:33) Đối với chị, việc theo nguyên tắc công bình quan trọng hơn là có được lợi thế bằng cách làm điều vô luân.—1 Cô-rinh-tô 6:18.

Tầm quan trọng của sự công bình

3. Sự công bình là gì?

3 “Sự công-bình” ám chỉ tình trạng trung kiên và thanh liêm về đạo đức. Từ này bằng tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh hàm ý nói về “sự ngay thẳng” hoặc “sự chính trực”, chứ không phải là thái độ tự xưng công bình, xét đoán người khác theo tiêu chuẩn của mình. (Lu-ca 16:15) Đây là sự chính trực theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, sự công bình của Đức Chúa Trời.—Rô-ma 1:17; 3:21.

4. Tại sao sự công bình là quan trọng đối với tín đồ Đấng Christ?

4 Tại sao sự công bình là quan trọng? Vì Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời của sự công-bình”, quý mến dân Ngài khi họ thực hành sự công bình. (Thi-thiên 4:1; Châm-ngôn 2:20-22; Ha-ba-cúc 1:13) Bất cứ ai làm điều không công bình không thể có mối quan hệ mật thiết với Ngài. (Châm-ngôn 15:8) Vì vậy, sứ đồ Phao-lô khuyên giục Ti-mô-thê: “Hãy tránh khỏi tình-dục trai-trẻ, mà tìm những điều công-bình”, cùng với những đức tính thiết yếu khác. (2 Ti-mô-thê 2:22) Cũng vì vậy mà Phao-lô nói đến ‘áo giáp bằng sự công-bình” khi liệt kê những phần của bộ khí giới thiêng liêng.—Ê-phê-sô 6:14.

5. Bằng cách nào những người bất toàn có thể tìm kiếm sự công bình?

5 Dĩ nhiên, không người nào công bình theo nghĩa tuyệt đối. Tất cả đều gánh chịu sự bất toàn từ A-đam, và tất cả đều tội lỗi, không công bình từ lúc sinh ra. Nhưng Chúa Giê-su nói chúng ta nên tìm kiếm sự công bình. Điều này có thể được sao? Được, vì Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài để làm giá chuộc cho chúng ta, và nếu thực hành đức tin nơi giá chuộc ấy, Đức Giê-hô-va sẽ sẵn sàng tha thứ tội lỗi của chúng ta. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16; Rô-ma 5:8, 9, 12, 18) Dựa trên cơ sở đó, khi chúng ta học tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va và hết sức vâng giữ theo—cầu nguyện xin giúp khắc phục những nhược điểm—Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta. (Thi-thiên 1:6; Rô-ma 7:19-25; Khải-huyền 7:9, 14) Điều này thật an ủi biết bao!

Công bình trong một thế gian bất công

6. Tại sao thế gian là một nơi nguy hiểm cho tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

6 Khi môn đồ Chúa Giê-su nhận được sứ mệnh làm chứng về ngài “cho đến cùng trái đất”, họ phải đương đầu với một tình thế khó khăn. (Công-vụ 1:8) Họ được giao nhiệm vụ rao giảng trong ‘thế-gian phục dưới quyền ma-quỉ’, tức Sa-tan. (1 Giăng 5:19) Thế gian bị nhiễm “thần”, tức tinh thần gian ác mà Sa-tan cổ xúy, và tín đồ Đấng Christ phải sống trong môi trường đồi bại của hắn. (Ê-phê-sô 2:2) Đối với họ, thế gian là một nơi nguy hiểm. Chỉ bằng cách tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời trước hết, họ mới có thể chịu đựng và giữ vẹn lòng trung kiên. Hầu hết tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã chịu đựng được, nhưng có một ít người đã đi trệch khỏi “đường công-bình”.—Châm-ngôn 12:28; 2 Ti-mô-thê 4:10.

7. Những trách nhiệm nào đòi hỏi tín đồ Đấng Christ phải chống lại những ảnh hưởng tai hại?

7 Thế gian có an toàn hơn cho tín đồ Đấng Christ ngày nay không? Chắc chắn không! Hiện nay nó còn đồi bại hơn thời thế kỷ thứ nhất. Ngoài ra, Sa-tan đã bị quăng xuống trái đất và đang gây chiến dữ tợn chống lại các tín đồ được xức dầu, tức “con-cái khác của người [đàn bà], là những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:12, 17) Hắn cũng tấn công bất cứ người nào ủng hộ “con-cái” đó. Nhưng tín đồ Đấng Christ không thể trốn khỏi thế gian. Dù không thuộc về thế gian, họ phải sống trong thế gian. (Giăng 17:15, 16) Và họ phải rao giảng trong thế gian để tìm kiếm những người có lòng hướng thiện và dạy họ trở thành môn đồ của Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Vì tín đồ Đấng Christ không hoàn toàn tránh được những ảnh hưởng tai hại của thế gian, nên họ phải kháng cự lại chúng. Chúng ta hãy xem xét bốn ảnh hưởng đó.

Cạm bẫy vô luân

8. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên quay sang thờ các thần của dân Mô-áp?

8 Gần cuối đoạn đường 40 năm trong đồng vắng, nhiều người Y-sơ-ra-ên không theo con đường công bình nữa. Họ đã chứng kiến nhiều hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va, và họ sắp sửa đi vào Đất Hứa. Nhưng vào thời điểm trọng đại đó, họ quay sang thờ các thần của dân Mô-áp. Tại sao? Họ không cưỡng lại được “sự mê-tham của xác-thịt”. (1 Giăng 2:16) Lời tường thuật nói: “Dân... khởi thông-dâm cùng những con gái Mô-áp”.—Dân-số Ký 25:1.

9, 10. Tình trạng nào ngày nay khiến chúng ta phải luôn cảnh giác về ảnh hưởng bại hoại của những ham muốn xác thịt?

9 Biến cố đó cho thấy cách mà những ham muốn xấu xa của xác thịt có thể làm băng hoại những người bất cẩn. Chúng ta nên rút ra bài học từ đó, nhất là khi nhiều người xem sự vô luân là một lối sống được chấp nhận. (1 Cô-rinh-tô 10:6, 8) Một báo cáo từ Hoa Kỳ cho biết: “Đến khoảng năm 1970, việc sống chung [của các cặp nam nữ chưa cưới nhau] là bất hợp pháp trong các tiểu bang Hoa Kỳ, nhưng bây giờ đó là chuyện thường tình. Hơn 50 phần trăm tất cả các cặp vợ chồng kết hôn lần đầu đã sống chung trước khi cưới”. Việc này và những thực hành luông tuồng tương tự không chỉ xảy ra trong một nước, nhưng trên khắp thế giới. Và điều đáng buồn là một số tín đồ Đấng Christ đã theo chiều hướng đó, dù cho bị mất chỗ đứng trong hội thánh.—1 Cô-rinh-tô 5:11.

10 Ngoài ra, những lời tuyên truyền cổ xúy đường lối vô luân dường như ở khắp mọi nơi. Phim ảnh và chương trình truyền hình có ý cho rằng những người trẻ quan hệ tính dục trước hôn nhân không có gì sai quấy. Những quan hệ đồng tính luyến ái được xem là bình thường. Và nhiều chương trình ngày càng có thêm cảnh tình dục trắng trợn. Những hình ảnh đồi trụy cũng dễ truy cập trên Internet. Chẳng hạn, người phụ trách chuyên mục trên báo tường thuật rằng một hôm đứa con bảy tuổi của ông khi đi học về đã hứng thú kể cho cha biết là bạn nó thấy được một trang Web trên Internet có hình những người đàn bà khỏa thân làm chuyện bậy bạ. Người cha kinh hoảng, nhưng biết bao nhiêu trẻ con đã xem những trang Web này mà không cho cha mẹ biết? Ngoài ra, bao nhiêu cha mẹ biết được nội dung của những trò chơi video của con họ? Nhiều trò chơi phổ biến đề cao những điều vô luân gớm ghiếc, cũng như tà thuật và hung bạo.

11. Bằng cách nào gia đình có thể được che chở khỏi sự vô luân của thế gian?

11 Làm sao gia đình có thể kháng cự “sự giải trí” đồi bại đó? Bằng cách trước hết tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời, từ chối không dính líu đến bất cứ điều gì vô luân. (2 Cô-rinh-tô 6:14; Ê-phê-sô 5:3) Cha mẹ giám sát đúng đắn các sinh hoạt của con cái và khắc ghi vào lòng chúng tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và luật pháp công bình của Ngài. Làm thế sẽ giúp củng cố con cái chống lại sự khiêu dâm, những trò chơi video khiêu dâm, phim ảnh vô luân và những sự cám dỗ bậy bạ khác.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9. *

Mối nguy hiểm của áp lực cộng đồng

12. Vấn đề nào đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất?

12 Khi Phao-lô đến Lít-trơ ở Tiểu Á, ông đã chữa lành một người bằng phép lạ. Lời tường thuật nói: “Dân-chúng thấy sự Phao-lô đã làm, thì kêu lên bằng tiếng Li-cao-ni rằng: Các thần đã lấy hình loài người mà xuống cùng chúng ta. Chúng bèn xưng Ba-na-ba là thần Giu-bi-tê, còn Phao-lô là thần Mẹt-cu-rơ, vì là người đứng đầu giảng đạo”. (Công-vụ 14:11, 12) Sau đó cũng đám đông ấy muốn giết Phao-lô và Ba-na-ba. (Công-vụ 14:19) Rõ ràng những người ấy dễ bị ảnh hưởng của áp lực cộng đồng. Dường như một số người trong vùng đó, sau khi trở thành tín đồ Đấng Christ, cũng vẫn còn mê tín. Trong thư viết cho các tín đồ ở Cô-lô-se, Phao-lô cảnh báo họ chống lại khuynh hướng “thờ-lạy các thiên-sứ”.—Cô-lô-se 2:18.

13. Tín đồ Đấng Christ phải tránh một số tập tục nào, và làm sao có thể được sức mạnh để làm thế?

13 Ngày nay, các tín đồ thật cũng cần tránh những phong tục phổ thông căn cứ vào những dạy dỗ tôn giáo sai lầm vi phạm nguyên tắc của đạo Đấng Christ. Chẳng hạn trong một số nước, nhiều lễ quán về ngày sinh và ngày chết căn cứ vào tín ngưỡng sai lầm là linh hồn loài người vẫn còn sống sau khi thể xác chết. (Truyền-đạo 9:5, 10) Có những vùng còn giữ tập tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục của những thiếu nữ. Đây là một thực hành độc ác, không phù hợp với sự chăm sóc yêu thương mà cha mẹ tín đồ Đấng Christ có bổn phận bày tỏ với con cái. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; Ê-phê-sô 6:4) Làm sao tín đồ Đấng Christ có thể kháng cự áp lực cộng đồng và từ bỏ những thực hành đó? Bằng cách hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 31:6) Đức Chúa Trời công bình sẽ thêm sức và chăm sóc cho những người nào hết lòng nói với Ngài: “Ngài là nơi nương-náu tôi, và là đồn-lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài”.—Thi-thiên 91:2; Châm-ngôn 29:25.

Đừng quên Đức Giê-hô-va

14. Ít lâu trước khi vào Đất Hứa, Đức Giê-hô-va căn dặn dân Y-sơ-ra-ên điều gì?

14 Ít lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Đức Giê-hô-va căn dặn họ không được quên Ngài. Ngài phán: “Ngươi khá cẩn-thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ-gìn những điều-răn, mạng-lịnh, và luật-lệ của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi chăng; lại e sau khi đã ăn no-nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài-sản mình dư-dật rồi, thì bấy giờ lòng ngươi tự-cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:11-14.

15. Bằng cách nào chúng ta có thể biết chắc mình không quên Đức Giê-hô-va?

15 Ngày nay, trường hợp tương tự có thể xảy ra không? Có, nếu chúng ta đặt ưu tiên sai chỗ. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời trước hết, thì sự thờ phượng thanh sạch là điều quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Như Phao-lô khuyến khích, chúng ta sẽ “lợi-dụng thì-giờ” và có tinh thần bức thiết trong thánh chức. (Cô-lô-se 4:5; 2 Ti-mô-thê 4:2) Nhưng nếu việc nhóm họp và rao giảng đối với chúng ta ít quan trọng hơn sự nghỉ ngơi giải trí hoặc tìm cách vui chơi, thì chúng ta có thể quên Đức Giê-hô-va theo nghĩa là đặt Ngài vào hàng thứ nhì trong đời sống. Phao-lô nói rằng trong ngày sau rốt, người ta “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:4) Những tín đồ chân thật đều đặn xem xét chính mình để biết chắc họ không bị lối suy nghĩ đó ảnh hưởng.—2 Cô-rinh-tô 13:5.

Coi chừng tinh thần độc lập

16. Ê-va và một số người vào thời Phao-lô thể hiện tinh thần sai quấy nào?

16 Trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã gợi được lòng ham muốn độc lập ích kỷ của Ê-va. Bà muốn tự quyết định điều gì đúng và điều gì sai. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Vào thế kỷ thứ nhất, một số người trong hội thánh Cô-rinh-tô cũng có tinh thần độc lập tương tự đó. Họ tưởng mình biết nhiều hơn Phao-lô, và ông mỉa mai gọi họ là “các sứ đồ siêu đẳng”.—2 Cô-rinh-tô 11:3-5; Bản Dịch Mới; 1 Ti-mô-thê 6:3-5

17. Làm sao chúng ta có thể tránh phát triển tinh thần độc lập?

17 Trong thế gian ngày nay, nhiều người “lên mình kiêu-ngạo”, và một số tín đồ Đấng Christ đã bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ đó. Thậm chí một số người còn chống lại lẽ thật nữa. (2 Ti-mô-thê 3:4; Phi-líp 3:18) Về sự thờ phượng thật, điều thiết yếu là chúng ta trông cậy Đức Giê-hô-va hướng dẫn và hợp tác với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cùng các trưởng lão hội thánh. Đó là một cách tìm kiếm sự công bình, và nó che chở chúng ta tránh phát triển tinh thần độc lập. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Thi-thiên 25:9, 10; Ê-sai 30:21) Hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu là “trụ và nền của lẽ thật”. Đức Giê-hô-va đã cung cấp hội thánh ấy để che chở và hướng dẫn chúng ta. (1 Ti-mô-thê 3:15) Nhận biết vai trò trọng yếu của hội thánh đó sẽ giúp chúng ta ‘không làm sự chi vì hư-vinh’ trong khi khiêm nhường vâng phục ý muốn công bình của Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 2:2-4; Châm-ngôn 3:4-6.

Noi theo Chúa Giê-su

18. Chúng ta được khuyến khích noi theo Chúa Giê-su trong những cách nào?

18 Kinh Thánh tiên tri về Chúa Giê-su: “Chúa ưa sự công-bình, và ghét điều gian-ác”. (Thi-thiên 45:7; Hê-bơ-rơ 1:9) Quả là một thái độ tốt đáng cho chúng ta noi theo! (1 Cô-rinh-tô 11:1) Chúa Giê-su không những biết tiêu chuẩn ngay thẳng của Đức Giê-hô-va mà ngài còn yêu thích nữa. Vì vậy, khi Sa-tan thử thách ngài trong đồng vắng, Chúa Giê-su đã không lưỡng lự nhưng cương quyết không đi trệch khỏi “con đường công-bình”.—Châm-ngôn 8:20; Ma-thi-ơ 4:3-11.

19, 20. Tìm kiếm sự công bình mang lại những kết quả tốt nào?

19 Quả thật những ham muốn của xác thịt có thể rất mạnh. (Rô-ma 7:19, 20) Tuy nhiên, nếu chúng ta quý sự công bình thì đức tính này sẽ củng cố chúng ta chống lại điều ác. (Thi-thiên 119:165) Lòng yêu thích sự công bình sâu đậm sẽ che chở chúng ta khi phải đương đầu với điều sai quấy. (Châm-ngôn 4:4-6) Hãy nhớ rằng khi chiều theo sự cám dỗ, chúng ta để cho Sa-tan thắng. Kháng cự hắn và đem chiến thắng cho Đức Giê-hô-va là điều tốt hơn biết bao!—Châm-ngôn 27:11; Gia-cơ 4:7, 8.

20 Vì tìm kiếm sự công bình, các tín đồ thật “được đầy trái công-bình đến bởi Đức Chúa Jêsus-Christ, làm cho sáng danh và khen-ngợi Đức Chúa Trời”. (Phi-líp 1:10, 11) Họ mặc lấy “người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”. (Ê-phê-sô 4:24) Họ thuộc về Đức Giê-hô-va và sống để phụng sự Ngài chứ không phải làm vui lòng mình. (Rô-ma 14:8; 1 Phi-e-rơ 4:2) Điều đó chi phối tư tưởng và hành động của họ. Quả thật họ làm cho Cha trên trời vui lòng biết bao!—Châm-ngôn 23:24.

[Chú thích]

^ đ. 11 Những đề nghị giá trị giúp cha mẹ che chở gia đình khỏi ảnh hưởng vô luân được nêu ra trong sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao tìm kiếm sự công bình là trọng yếu?

• Bằng cách nào một tín đồ bất toàn tìm kiếm sự công bình?

• Tín đồ Đấng Christ phải tránh những điều nào trong thế gian?

• Việc tìm kiếm sự công bình che chở chúng ta như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Đối với môn đồ Chúa Giê-su, thế gian là nơi nguy hiểm

[Hình nơi trang 27]

Con cái được dạy yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ được củng cố để chống lại sự vô luân

[Hình nơi trang 28]

Một số người Y-sơ-ra-ên quên Đức Giê-hô-va sau khi trở nên thịnh vượng trong Đất Hứa

[Hình nơi trang 29]

Như Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ ghét sự không công bình