Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Làm chứng cho muôn dân”

“Làm chứng cho muôn dân”

“Làm chứng cho muôn dân”

‘Các ngươi sẽ làm chứng về ta cho đến cùng trái đất’.—CÔNG-VỤ 1:8.

1. Lần đầu tiên các môn đồ nghe lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:14 là vào lúc nào và ở đâu?

LỜI Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14 rất quen đến độ nhiều người trong chúng ta thuộc lòng. Lời tiên tri ấy thật đáng chú ý biết bao! Hãy tưởng tượng các môn đồ hẳn đã nghĩ gì khi nghe lời ấy lần đầu! Đó là vào năm 33 CN. Các môn đồ đã ở với Chúa Giê-su khoảng ba năm, và giờ đây họ cùng ngài đến Giê-ru-sa-lem. Họ thấy các phép lạ và lắng nghe những điều ngài dạy dỗ. Dù yêu thích lẽ thật quý giá mà Chúa Giê-su dạy, họ cũng biết rằng không phải mọi người đều có cùng cảm nghĩ như họ. Có những người đầy thế lực thù ghét Chúa Giê-su.

2. Các môn đồ sẽ gặp những nguy cơ và thử thách nào?

2 Bốn môn đồ ngồi gần Chúa Giê-su trên Núi Ô-li-ve, chăm chú lắng nghe khi ngài nói về những nguy cơ và thử thách mà họ sẽ gặp. Trước đó, Chúa Giê-su nói với họ rằng ngài sẽ bị giết. (Ma-thi-ơ 16:21) Giờ đây ngài nói rõ họ cũng sẽ bị chống đối dữ tợn: “Người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn-nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta”. Nhưng không phải chỉ có thế. Các tiên tri giả sẽ dỗ dành nhiều người. Những người khác sẽ bị vấp phạm, phản bội và ghen ghét lẫn nhau. Một số nữa, thật ra là “phần nhiều người”, để cho sự yêu mến đối với Đức Chúa Trời và Lời Ngài nguội lần.—Ma-thi-ơ 24:9-12.

3. Tại sao lời Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:14 thật đáng kinh ngạc?

3 Sau khi tiên tri về những điều đáng buồn xảy ra, Chúa Giê-su nói một điều hẳn đã khiến cho các môn đồ kinh ngạc. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Đúng vậy, công việc mà Chúa Giê-su bắt đầu ở Y-sơ-ra-ên—để “làm chứng cho lẽ thật”—sẽ tiếp tục và lan rộng ra khắp đất. (Giăng 18:37) Đây quả là lời tiên tri đáng kinh ngạc! Để giảng “cho muôn dân” là một thử thách; làm công việc này trước sự ‘ghen-ghét của mọi dân’ chắc hẳn là một phép lạ. Thực hiện được công tác lớn lao này không những làm nổi bật quyền tối thượng và năng lực Đức Giê-hô-va mà còn đề cao tình yêu thương, lòng thương xót và kiên nhẫn của Ngài. Ngoài ra, công việc này cũng cho các tôi tớ Ngài cơ hội để bày tỏ đức tin và lòng trung thành.

4. Chúa Giê-su bảo ai thực hiện công việc làm chứng, và ngài cho sự an ủi nào?

4 Chúa Giê-su cho các môn đồ biết rõ rằng họ có một công việc to lớn phải làm. Trước khi lên trời, ngài hiện ra cho họ thấy và phán: “Khi Đức Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Dĩ nhiên, chẳng bao lâu sau có những người khác cùng hợp tác với họ trong công việc này. Thế nhưng số môn đồ vẫn còn ít. Quả là an ủi biết bao khi biết rằng thánh linh mạnh mẽ của Đức Chúa Trời sẽ giúp sức cho họ để thực hiện công việc mà Ngài giao phó!

5. Về công việc làm chứng, các môn đồ không biết điều gì?

5 Các môn đồ biết họ phải rao giảng tin mừng và “dạy-dỗ muôn-dân”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Nhưng họ không biết phải làm chứng kỹ lưỡng đến độ nào, và cũng không biết khi nào sự cuối cùng sẽ đến. Chúng ta cũng không biết. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va quyết định những điều đó. (Ma-thi-ơ 24:36) Khi công việc làm chứng được thực hiện đến mức độ mà Đức Giê-hô-va mong muốn, Ngài sẽ chấm dứt hệ thống gian ác này. Chỉ đến lúc ấy, các tín đồ Đấng Christ mới thấy rõ công việc rao giảng đã được thực hiện đến giới hạn mà Đức Giê-hô-va đã định. Các môn đồ thời ban đầu khó có thể tưởng tượng được công việc làm chứng rộng lớn đến mức nào trong thời kỳ cuối cùng.

Việc làm chứng vào thế kỷ thứ nhất

6. Điều gì xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN và chẳng bao lâu sau đó?

6 Trong thế kỷ thứ nhất, công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ đã đem lại kết quả đáng kinh ngạc. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 môn đồ tụ họp trong một phòng trên lầu tại Giê-ru-sa-lem. Thánh linh của Đức Chúa Trời đổ xuống trên họ, sứ đồ Phi-e-rơ đã giảng một cách hào hứng, giải thích ý nghĩa của phép lạ này. Có khoảng 3.000 người tin đạo và làm báp têm. Đó chỉ là sự khởi đầu. Dù những nhà lãnh đạo tôn giáo nỗ lực ngăn chặn công việc rao giảng tin mừng, nhưng “mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội-thánh”. Chẳng bao lâu, “số tín-đồ lên đến độ năm ngàn”. Sau đó, “số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm”.—Công-vụ 2:1-4, 8, 14, 41, 47; 4:4; 5:14.

7. Tại sao việc cải đạo của Cọt-nây là một sự kiện quan trọng?

7 Vào năm 36 CN, có một sự kiện quan trọng xảy ra—Cọt-nây, một người ngoại đã cải đạo và báp têm. Khi hướng dẫn sứ đồ Phi-e-rơ đến với người biết kính sợ Đức Chúa Trời này, Đức Giê-hô-va đã cho thấy mệnh lệnh của Chúa Giê-su về việc “dạy-dỗ muôn-dân” không chỉ giới hạn cho những người Do Thái ở những nơi khác nhau. (Công-vụ 10:44, 45) Những người dẫn đầu thời ấy đã phản ứng ra sao? Khi các sứ đồ và những trưởng lão ở Giu-đê nhận biết tin mừng cũng được giảng cho các dân—những người không phải là Do Thái—họ tôn vinh Đức Chúa Trời. (Công-vụ 11:1, 18) Trong thời gian đó, công việc rao giảng tiếp tục đạt được kết quả trong vòng người Do Thái. Nhiều năm sau, khoảng năm 58 CN, ngoài những người ngoại tin đạo, còn có “mấy vạn người Giu-đa đã tin”.—Công-vụ 21:20.

8. Tin mừng ảnh hưởng đến người ta như thế nào?

8 Mặc dù số tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất gia tăng một cách đáng kể, nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng đó không chỉ là con số mà còn nói đến nhiều cá nhân. Thông điệp Kinh Thánh mà họ nghe có tác động mạnh. (Hê-bơ-rơ 4:12) Thông điệp ấy thay đổi hẳn đời sống người nghe. Người ta bắt đầu sống một đời sống đạo đức, mặc lấy nhân cách mới và trở nên hòa thuận với Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 4:22, 23) Ngày nay nhiều người cũng làm thế. Và tất cả những ai chấp nhận tin mừng đều có triển vọng tuyệt diệu được sống đời đời.—Giăng 3:16.

Cùng làm việc với Đức Chúa Trời

9. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nhận biết họ có đặc ân và trách nhiệm nào?

9 Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã không khoe khoang về những thành quả họ đạt được. Họ nhận biết công việc rao giảng là nhờ “quyền-phép Đức Thánh-Linh”. (Rô-ma 15:13, 19) Đức Giê-hô-va chính là Đấng làm cho lớn mạnh về thiêng liêng. Đồng thời những tín đồ ấy biết rằng họ có đặc ân và trách nhiệm “cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 3:6-9) Do đó, phù hợp với lời khuyên của Chúa Giê-su, họ gắng sức làm công việc mà mình được giao phó.—Lu-ca 13:24.

10. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã cố gắng như thế nào để làm chứng cho muôn dân?

10 Là “sứ-đồ cho dân ngoại”, Phao-lô đi biển và đường bộ hàng ngàn dặm, thiết lập nhiều hội thánh trong các tỉnh La Mã ở vùng Tiểu Á và Hy Lạp. (Rô-ma 11:13) Ông cũng đến thành Rô-ma và có lẽ đến cả Tây Ban Nha nữa. Trong lúc ấy sứ đồ Phi-e-rơ—được giao trách nhiệm “giảng Tin-lành cho người chịu phép cắt-bì”—đi về hướng khác, đến Ba-by-lôn, một trung tâm quan trọng của Do Thái Giáo thời ấy. (Ga-la-ti 2:7-9; 1 Phi-e-rơ 5:13) Trong số nhiều người gắng sức làm việc cho Chúa có những người nữ như Try-phe-nơ và Try-phô-sơ. Một người nữ khác tên là Bẹt-si-đơ cũng “đã làm việc nhiều cho Chúa”.—Rô-ma 16:12.

11. Đức Giê-hô-va ban ân phước cho các môn đồ trong nỗ lực của họ như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va ban ân phước dồi dào cho những người đó và những người sốt sắng khác trong nỗ lực của họ. Chưa đầy 30 năm sau khi Chúa Giê-su tiên tri về công việc làm chứng cho muôn dân, Phao-lô viết rằng tin mừng đã “được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”. (Cô-lô-se 1:23) Sự cuối cùng đã đến lúc ấy không? Có, theo nghĩa là sự cuối cùng đã đến trên hệ thống Do Thái vào năm 70 CN khi quân La Mã đến hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va cũng đã định công việc làm chứng lớn rộng hơn nhiều phải được thực hiện trước khi Ngài chấm dứt toàn thể hệ thống trên đất của Sa-tan.

Công việc làm chứng ngày nay

12. Các Học Viên Kinh Thánh thời đầu hiểu thế nào về mệnh lệnh rao giảng?

12 Vào phần cuối của thế kỷ 19, sự thờ phượng thanh sạch đã được tái lập sau khi sự bội đạo lan tràn trong một thời gian dài. Các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, hiểu rõ mệnh lệnh về việc đào tạo môn đồ trên khắp đất. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Đến năm 1914, có khoảng 5.100 người tham gia tích cực vào hoạt động rao giảng, và tin mừng đã lan rộng đến 68 xứ. Tuy nhiên, các Học Viên Kinh Thánh thời ban đầu đó không hiểu hết ý nghĩa của lời ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14. Đến cuối thế kỷ 19, Kinh Thánh, sách chứa đựng tin mừng, được những Thánh Kinh hội phiên dịch và in ra trong nhiều thứ tiếng và phân phát khắp thế giới. Vì thế trong vài thập niên, các Học Viên Kinh Thánh nghĩ rằng công việc làm chứng cho muôn dân đã được thực hiện rồi.

13, 14. Có sự hiểu biết nào rõ hơn về ý muốn và ý định của Đức Chúa Trời được trình bày trong Tháp Canh năm 1928?

13 Dần dần, Đức Giê-hô-va cho dân Ngài hiểu rõ hơn về ý muốn và ý định của Ngài. (Châm-ngôn 4:18) Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1928 nói: “Chúng ta có thể nào cho rằng Kinh Thánh được phổ biến nghĩa là công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời đã được thực hiện trên khắp đất như đã tiên tri không? Chắc chắn không! Dù Kinh Thánh được phân phát, nhưng nhóm nhỏ nhân chứng trên đất của Đức Chúa Trời vẫn cần in những ấn phẩm giải thích [ý định] của Đức Chúa Trời và viếng thăm từng nhà, nơi mà những cuốn Kinh Thánh này đã được phân phát. Nếu không, người ta sẽ không biết chính phủ của Đấng Mê-si đã được thành lập trong thời kỳ của chúng ta”.

14 Số Tháp Canh ấy nói thêm: “Vào năm 1920,... Học Viên Kinh Thánh đã hiểu đúng được lời tiên tri của Chúa ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14. Lúc ấy, họ nhận ra ‘tin-lành nầy’ được giảng trên khắp đất để làm chứng cho dân ngoại, tức muôn dân, không phải là tin mừng về Nước Trời sẽ đến nhưng là tin mừng về Vua Mê-si đã bắt đầu cai trị trên khắp đất”.

15. Kể từ thập niên 1920, công việc làm chứng được lan rộng như thế nào?

15 “Nhóm nhỏ nhân chứng” ấy vào thập niên 1920 đã không còn nhỏ mãi. Trong những thập niên sau đó, đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác” đã được nhận diện và bắt đầu được thu nhóm lại. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Ngày nay, có 6.613.950 người công bố về tin mừng trong 235 xứ. Quả là lời tiên tri được ứng nghiệm một cách tuyệt diệu! ‘Tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời’ chưa từng được rao giảng đến mức độ rộng lớn như thế. Chưa hề có tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va ở trên đất nhiều đến thế.

16. Các Nhân Chứng đã thực hiện được những gì trong năm công tác vừa qua? (Xin xem bảng thống kê nơi trang 27-30).

16 Đám đông Nhân Chứng này rất bận rộn trong năm công tác 2005. Họ đã dành ra hơn một tỷ giờ để làm công việc công bố tin mừng trong 235 xứ. Có hàng triệu viếng thăm lại và học hỏi Kinh Thánh. Nhân Chứng Giê-hô-va đã thực hiện công việc này. Họ đã dành thì giờ và tài chính để đem Lời Đức Chúa Trời đến cho người khác. (Ma-thi-ơ 10:8) Qua thánh linh mạnh mẽ, Đức Giê-hô-va tiếp tục giúp sức cho các tôi tớ Ngài để thực hiện ý muốn Ngài.—Xa-cha-ri 4:6.

Siêng năng làm chứng

17. Dân tộc Đức Giê-hô-va đáp ứng thế nào trước lời Chúa Giê-su phán về việc rao giảng tin mừng?

17 Dù đã gần 2.000 năm trôi qua kể từ khi Chúa Giê-su nói rằng tin mừng sẽ được rao giảng, lòng sốt sắng của dân Đức Chúa Trời đối với công việc ấy vẫn không suy giảm. Chúng ta biết rằng qua sự nhẫn nại làm điều lành, chúng ta phản ánh đức tính yêu thương, thương xót và kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va. Như Ngài, chúng ta không muốn bất cứ người nào bị hủy diệt nhưng muốn họ ăn năn và hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 5:18-20; 2 Phi-e-rơ 3:9) Nhờ có thánh linh của Đức Chúa Trời, Nhân Chứng Giê-hô-va sốt sắng tiếp tục công bố tin mừng cho đến cùng trái đất. (Rô-ma 12:11) Kết quả là dân chúng khắp mọi nơi chấp nhận lẽ thật và làm theo sự hướng dẫn yêu thương của Đức Giê-hô-va. Hãy xem xét vài trường hợp.

18, 19. Hãy kể vài kinh nghiệm của những người đã hưởng ứng tin mừng.

18 Anh Charles là một nông dân ở miền tây Kenya. Năm 1998, anh bán hơn 8.000 kilôgam thuốc lá và nhận được chứng chỉ là Người Trồng Thuốc Lá Xuất Sắc Nhất. Vào lúc đó, anh bắt đầu học hỏi Kinh Thánh. Chẳng bao lâu anh hiểu ra rằng một người dính dáng đến việc sản xuất thuốc lá là vi phạm mệnh lệnh của Chúa Giê-su là yêu thương người lân cận. (Ma-thi-ơ 22:39) Khi kết luận rằng ‘người trồng thuốc lá xuất sắc nhất’ thật ra là ‘kẻ sát nhân xuất sắc nhất’, anh Charles xịt thuốc cho chết hết cây. Sau đó anh tiếp tục tiến bộ và dâng mình làm báp têm. Bây giờ anh là một tiên phong đều đều và là tôi tớ thánh chức.

19 Chắc chắn Đức Giê-hô-va đang làm rúng động các nước qua công việc làm chứng trên khắp đất, và “những sự ao-ước”—tức các dân—đang đến. (A-ghê 2:7) Chẳng hạn, anh Pedro ở Bồ Đào Nha đã vào chủng viện lúc 13 tuổi. Mục tiêu của anh là trở thành giáo sĩ và dạy Kinh Thánh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, anh bỏ chủng viện vì nhận thấy Kinh Thánh ít được dạy trong lớp. Sáu năm sau, anh học môn tâm lý tại một trường đại học ở Lisbon. Anh sống với người dì là một Nhân Chứng Giê-hô-va và dì ấy khuyến khích anh học Kinh Thánh. Trong thời gian đó, Pedro không chắc Đức Chúa Trời hiện hữu, anh cũng không thể quyết định mình nên học Kinh Thánh hay không. Anh nói với giáo sư tâm lý về sự do dự của mình. Giáo sư ấy nói tâm lý học dạy rằng những người không thể quyết định thì có khuynh hướng tự hủy diệt. Vì thế, Pedro quyết định học Kinh Thánh. Anh mới báp têm cách đây không lâu và hiện đang hướng dẫn những người khác học Kinh Thánh.

20. Tại sao chúng ta vui mừng khi thấy công việc rao giảng cho muôn dân được thực hiện trên phạm vi rộng lớn như thế?

20 Chúng ta vẫn không biết công việc làm chứng cho mọi dân sẽ được thực hiện đến mức độ nào, và cũng không biết khi nào sự cuối cùng sẽ đến. Chúng ta chỉ biết rằng ngày ấy gần đến. Chúng ta vui mừng rằng công việc rao giảng về tin mừng trên phạm vi rộng lớn như thế là một trong những dấu hiệu cho biết Nước Đức Chúa Trời sắp đến để thay thế các chính phủ thế gian. (Đa-ni-ên 2:44) Mỗi năm trôi qua, hàng triệu người được cơ hội nghe và hưởng ứng tin mừng, điều này tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta cương quyết giữ lòng trung thành và cùng các anh em trên khắp đất bận rộn trong công việc làm chứng cho muôn dân. Làm thế, chúng ta sẽ cứu chính mình và những người nghe chúng ta.—1 Ti-mô-thê 4:16.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao Ma-thi-ơ 24:14 là lời tiên tri đáng chú ý?

• Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu cố gắng như thế nào trong việc rao giảng, và kết quả là gì?

• Làm sao các học viên Kinh Thánh hiểu được nhu cầu phải làm chứng cho muôn dân?

• Điều gì gây ấn tượng với bạn khi xem xét hoạt động của dân tộc Đức Giê-hô-va trong năm công tác vừa qua?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 27-30]

BÁO CÁO NĂM CÔNG TÁC 2005 CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

(Xin xem ấn phẩm)

[Bản đồ/​Các hình nơi trang 25]

Phao-lô đi biển và đường bộ hàng ngàn dặm để rao giảng tin mừng

[Hình nơi trang 24]

Đức Giê-hô-va hướng dẫn Phi-e-rơ đến làm chứng cho Cọt-nây và gia đình ông