Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Nê-hê-mi

Những điểm nổi bật trong sách Nê-hê-mi

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Nê-hê-mi

MƯỜI HAI năm đã trôi qua kể từ khi những sự kiện sau cùng được ghi nơi sách E-xơ-ra của Kinh Thánh đã xảy ra. Giờ đây gần đến thời điểm “ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem”—sự kiện đánh dấu khởi đầu của thời gian 70 tuần lễ năm dẫn đến sự xuất hiện của Đấng Mê-si. (Đa-ni-ên 9:24-27) Sách Nê-hê-mi tường thuật về lịch sử của dân Đức Chúa Trời gồm việc xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Sách ghi chép về giai đoạn quan trọng kéo dài hơn 12 năm, từ năm 456 TCN đến khoảng sau năm 443 TCN.

Tổng Trấn Nê-hê-mi viết sách này. Đó là câu chuyện sống động về sự thờ phượng thật đã được tôn cao như thế nào khi hành động kiên quyết kết hợp với lòng tin cậy hoàn toàn nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nó cho thấy rõ Đức Giê-hô-va lèo lái sự việc ra sao để ý muốn Ngài được hoàn thành. Sách này cũng là câu chuyện của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và can đảm. Thông điệp của sách Nê-hê-mi gửi những bài học quý giá đến tất cả những người thờ phượng chân chính ngày nay, “vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

“VÁCH-THÀNH SỬA XONG”

(Nê-hê-mi 1:1–6:19)

Nê-hê-mi đang ở tại kinh đô Su-sơ, giữ nhiệm vụ đáng tin cậy bên cạnh Vua Ạt-ta-xét-xe Longimanus. Nghe tin dân mình “bị tai-nạn và sỉ-nhục lắm; còn vách-thành của Giê-ru-sa-lem thì hư-nát và các cửa nó đã bị lửa cháy”, Nê-hê-mi vô cùng lo âu. Ông khẩn thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời xin sự hướng dẫn. (Nê-hê-mi 1:3, 4) Cuối cùng thì vua để ý đến sự buồn rầu của Nê-hê-mi và cho phép ông lên đường trở về Giê-ru-sa-lem.

Sau khi đến Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi kín đáo đi kiểm tra tường thành trong bóng đêm, và ông tiết lộ cho người Do Thái biết về kế hoạch xây lại tường thành. Công việc xây dựng bắt đầu. Sự chống đối cũng bắt đầu. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo can đảm của Nê-hê-mi, “vách-thành sửa xong”.—Nê-hê-mi 6:15.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:1; 2:1—Có phải “năm thứ hai mươi” trong hai câu này được tính từ một mốc thời điểm không? Đúng vậy, năm thứ 20 là năm trị vì thứ 20 của Vua Ạt-ta-xét-xe. Tuy nhiên, cách tính trong hai câu này thì khác nhau. Chứng cứ lịch sử cho thấy Vua Ạt-ta-xét-xe lên ngôi vào năm 475 TCN. Vì theo phong tục, những thư lại người Ba-by-lôn tính năm trị vì của các vua nước Phe-rơ-sơ từ tháng Ni-san (tháng Ba/tháng Tư) năm này đến tháng Ni-san năm sau, vì vậy năm trị vì đầu tiên của Ạt-ta-xét-xe bắt đầu vào tháng Ni-san năm 474 TCN. Do đó, năm trị vì thứ 20 được đề cập nơi Nê-hê-mi 2:1 bắt đầu vào tháng Ni-san năm 455 TCN. Tháng Kít-lơ (tháng Mười Một/tháng Mười Hai) được đề cập nơi Nê-hê-mi 1:1 hợp lý là tháng Kít-lơ của năm trước—456 TCN. Thế nhưng, Nê-hê-mi cũng nói tháng đó thuộc năm trị vì thứ 20 của Ạt-ta-xét-xe. Có lẽ trong trường hợp này, ông đã tính các năm kể từ năm vua lên ngôi. Cũng có thể Nê-hê-mi tính thời gian theo năm trong lịch Do Thái thông dụng ngày nay, lấy tháng Tishri, tương ứng tháng Chín/tháng Mười, làm tháng đầu tiên trong năm. Dù trường hợp nào đi nữa, lệnh tu bổ thành Giê-ru-sa-lem được ban ra vào năm 455 TCN.

4:17, 18—Làm sao dân sự có thể xây lại tường thành chỉ bằng một tay? Đối với những người khiêng gánh thì việc này không thành vấn đề. Họ có thể dễ dàng dùng một tay đỡ những vật ở trên đầu hoặc vai, “còn một tay thì cầm binh-khí mình”. Những người phải dùng hai tay để làm công việc thì “có cây gươm mình đeo nơi lưng, rồi xây-sửa”. Họ sẵn sàng hành động nếu có kẻ thù tấn công.

5:7—Tại sao Nê-hê-mi “cãi-lẫy với [“quở trách”, Tòa Tổng Giám Mục] những người tước-vị và các quan-trưởng ”? Những người này đã cho đồng bào Do Thái vay lấy lãi, vi phạm Luật Pháp Môi-se. (Lê-vi Ký 25:36; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:19) Hơn nữa, người cho vay đòi lãi suất cao. Nếu trả tiền “lời một phần trăm” mỗi tháng, hẳn sẽ tương đương 12 phần trăm một năm. (Nê-hê-mi 5:11) Áp đặt lãi suất này trên những người vốn chịu gánh nặng của thuế má và thiếu thốn thực phẩm là một điều ác. Dùng Luật Pháp của Đức Chúa Trời, Nê-hê-mi đã quở trách những người giàu và phơi bày hành động sai trái của họ.

6:5—Vì những thư mật thường được cất trong một túi niêm phong, tại sao San-ba-lát gửi “thơ không niêm” cho Nê-hê-mi? Có thể San-ba-lát có ý đồ lan truyền những lời vu cáo trong lá thư không niêm phong ấy. Có lẽ ông hy vọng rằng điều ấy sẽ làm Nê-hê-mi tức giận đến mức bỏ công việc xây lại thành để đi biện hộ cho mình. Hoặc San-ba-lát có lẽ nghĩ rằng nội dung lá thư sẽ làm cho người Do Thái lo sợ rồi ngưng hết công việc. Nê-hê-mi không sợ hãi và vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc Đức Chúa Trời giao.

Bài học cho chúng ta:

1:4; 2:4; 4:4, 5. Khi đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn hoặc khi có những quyết định quan trọng, chúng ta nên “bền lòng mà cầu-nguyện” và hành động phù hợp với sự hướng dẫn thần quyền.—Rô-ma 12:12.

1:11–2:8; 4:4, 5, 15, 16; 6:16. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện chân thành của các tôi tớ Ngài.—Thi-thiên 86:6, 7.

1:4; 4:19, 20; 6:3, 15. Dù nhân hậu, Nê-hê-mi nêu gương là người năng động, dũng cảm chiến đấu vì sự công bình.

1:11–2:3. Nguồn vui chính của Nê-hê-mi không phải là địa vị quan tửu chánh đầy uy tín. Nguồn vui đó là việc đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Chẳng phải sự thờ phượng Đức Giê-hô-va và tất cả những gì nhằm đẩy mạnh sự thờ phượng ấy nên là mối quan tâm hàng đầu, và là nguồn vui chính của chúng ta hay sao?

2:4-8. Đức Giê-hô-va đã khiến Ạt-ta-xét-xe cho phép Nê-hê-mi trở về xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Châm-ngôn 21:1 nói: “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng-lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn”.

3:5, 27. Chúng ta không nên như những “người tước-vị” của dân Tê-cô-a, xem lao động chân tay không xứng đáng với chúng ta, dù đó là vì quyền lợi của sự thờ phượng thật. Thay vì thế, chúng ta noi gương người dân thường Tê-cô-a, sẵn sàng tận lực trong công việc.

3:10, 23, 28-30. Trong khi một số anh em có thể dọn đến nơi có nhu cầu lớn hơn về người công bố Nước Trời, đa phần chúng ta ủng hộ sự thờ phượng thật tại địa phương mình. Chúng ta làm thế bằng cách tham gia việc xây dựng Phòng Nước Trời và những hoạt động cứu trợ, nhưng cách chủ yếu là rao giảng về Nước Trời.

4:14. Khi đương đầu với sự chống đối, nhớ đến “Đấng cực-đại và đáng kinh” cũng có thể giúp chúng ta chế ngự được nỗi sợ hãi.

5:14-19. Tổng Trấn Nê-hê-mi là gương mẫu tuyệt vời cho các giám thị về tính khiêm tốn, tinh thần bất vị kỷ, và tính khéo léo. Dù sốt sắng trong việc thi hành Luật Pháp của Đức Chúa Trời, ông đã không áp bức người khác vì tư lợi. Ngược lại, ông tỏ ra quan tâm đến người nghèo và người bị áp bức. Nê-hê-mi đã nêu gương xuất sắc cho tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời về tính rộng rãi.

“ĐỨC CHÚA TRỜI TÔI ÔI, XIN HÃY NHỚ ĐẾN TÔI MÀ LÀM ƠN CHO TÔI!”

(Nê-hê-mi 7:1–13:31)

Ngay sau khi xây xong tường thành Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi cho lắp các cánh cổng và sắp đặt các phiên gác để bảo vệ thành. Ông tiến hành việc lập gia phổ trong dân sự. Khi mọi người nhóm hiệp “tại phố ở trước cửa Nước”, thầy tế lễ E-xơ-ra đọc sách Luật Pháp của Môi-se, còn Nê-hê-mi và những người Lê-vi thì giải nghĩa Luật Pháp cho dân sự hiểu. (Nê-hê-mi 8:1) Đọc biết về Lễ Lều Tạm, họ vui mừng cử hành lễ ấy.

Tiếp theo có một dịp nhóm lại khác. Trong dịp này, “dòng Y-sơ-ra-ên” xưng tội lỗi của toàn dân, những người Lê-vi nhắc lại cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên, và dân sự thề hứa “đi theo luật-pháp của Đức Chúa Trời”. (Nê-hê-mi 9:1, 2; 10:29) Vì thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn thưa dân, người ta bắt thăm cứ 10 người sống bên ngoài thành thì có 1 người dọn vào ở trong thành. Tiếp đến, lễ khánh thành vách thành Giê-ru-sa-lem diễn ra cách vui vẻ đến mức “sự vui-mừng của thành Giê-ru-sa-lem vang ra rất xa”. (Nê-hê-mi 12:43) Sau khi ở Giê-ru-sa-lem được 12 năm, Nê-hê-mi trở về phục vụ Vua Ạt-ta-xét-xe. Chẳng bao lâu, dân Do Thái tiêm nhiễm sự ô uế. Khi trở lại Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi hành động kiên quyết để sửa đổi tình trạng này. Về phần mình, ông khiêm nhường nài xin: “Đức Chúa Trời tôi ôi, xin hãy nhớ đến tôi mà làm ơn cho tôi!”—Nê-hê-mi 13:31.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

7:6-67—Trong danh sách do Nê-hê-mi lập, tại sao con số theo từng gia phổ của những người được trở về Giê-ru-sa-lem với Xô-rô-ba-bên lại khác so với danh sách của E-xơ-ra? (E-xơ-ra 2:1-65) Sở dĩ có những khác biệt này có lẽ vì E-xơ-ra và Nê-hê-mi tham khảo nguồn tài liệu khác nhau. Chẳng hạn, có thể số người đăng ký để trở về quê hương khác với số người đã thực sự trở về. Hai danh sách cũng có thể khác vì một số người Do Thái đã không thể lập phả hệ ngay từ buổi đầu, nhưng về sau họ đã làm. Tuy nhiên, cả hai danh sách có chung một điểm: Con số những người trở về lần đầu là 42.360, không kể tôi tớ và người ca hát.

10:34—Tại sao dân sự buộc phải lo việc cung cấp củi? Luật Pháp Môi-se không đòi hỏi dân sự cung cấp củi. Đòi hỏi này bắt nguồn từ nhu cầu. Cần có một lượng củi lớn để đốt những của-lễ trên bàn thờ. Dường như không đủ số người Nê-thi-nim, tức người không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng phục dịch trong đền thờ. Vì vậy, người ta bắt thăm để đảm bảo củi được cung cấp liên tục.

13:6—Nê-hê-mi vắng mặt ở Giê-ru-sa-lem bao lâu? Kinh Thánh chỉ nói “cuối một ít lâu”, Nê-hê-mi xin phép vua trở lại Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, khó xác định khoảng thời gian ông vắng mặt là bao lâu. Tuy nhiên, khi về đến Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi nhận thấy dân sự không chu cấp cho dòng tế lễ, cũng không giữ ngày Sa-bát. Nhiều người đã cưới vợ ngoại và con cháu họ thậm chí cũng không nói tiếng Do Thái. Hẳn Nê-hê-mi phải vắng mặt trong một thời gian dài nên tình trạng mới tồi tệ đến thế.

13:25, 28—Ngoài việc “quở-trách” những người Do Thái phạm tội, Nê-hê-mi đã có những hình thức sửa trị nào? Nê-hê-mi ‘rủa-sả họ’ bằng cách kể ra những lời kết án dựa theo Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Ông ‘đánh đập một vài người trong số họ’, có lẽ bằng cách ra lệnh xử phạt. Thể hiện sự phẫn nộ về đạo lý, ông đã ‘nhổ tóc họ’. Ông cũng đuổi cháu của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Ê-li-a-síp vì tội cưới con gái của San-ba-lát, người Hô-rôn.

Bài học cho chúng ta:

8:8. Là người dạy Lời Đức Chúa Trời, chúng ta “giải nghĩa” Lời ấy bằng cách phát âm rõ ràng, nhấn giọng và bằng cách giải thích chính xác cũng như làm rõ sự áp dụng của các câu Kinh Thánh.

8:10. Một người có “sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” khi nhận thức và thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cũng như vâng theo sự hướng dẫn thần quyền. Thật trọng yếu làm sao khi chúng ta siêng năng học hỏi Kinh Thánh, đều đặn tham dự các buổi họp và sốt sắng góp phần trong việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ!

11:2. Lìa bỏ cơ nghiệp tổ tiên để lại và dọn đến Giê-ru-sa-lem bao hàm việc một người phải tự trang trải mọi phí tổn và chấp nhận một số bất lợi. Những người tình nguyện làm điều này đã thể hiện tinh thần hy sinh. Chúng ta cũng có thể biểu lộ tinh thần tương tự khi tình nguyện phục vụ vì lợi ích người khác tại các đại hội và trong những dịp khác.

12:31, 38, 40 -42. Ca hát là một cách tốt để ngợi khen Đức Giê-hô-va và biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta. Tại các buổi họp đạo Đấng Christ, chúng ta nên hết lòng ca hát.

13:4-31. Chúng ta hãy coi chừng, không để chủ nghĩa vật chất, sự tham nhũng và sự bội đạo dần dà xâm nhập vào đời sống.

13:22. Nê-hê-mi nhận thức rõ ông phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải ý thức chúng ta chịu trách nhiệm với Ngài.

Được ân phước của Đức Giê-hô-va là trọng yếu!

Người viết Thi-thiên nói: “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây-cất làm uổng công”. (Thi-thiên 127:1) Sách Nê-hê-mi minh chứng thật sinh động lời này là đúng!

Bài học cho chúng ta thật rõ ràng. Trong mọi công việc, nếu muốn thành công, chúng ta phải được Đức Giê-hô-va ban phước. Liệu chúng ta có thể thật sự trông đợi Đức Giê-hô-va ban phước nếu không đặt sự thờ phượng thật lên hàng đầu trong đời sống? Vậy như Nê-hê-mi, việc thờ phượng Đức Giê-hô-va và đẩy mạnh sự thờ phượng ấy phải là mối quan tâm chính yếu của chúng ta.

[Hình nơi trang 8]

“Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy”

[Hình nơi trang 9]

Nê-hê-mi—một người năng động và nhân hậu—đến Giê-ru-sa-lem

[Các hình nơi trang 10, 11]

Bạn có biết làm thế nào để “giải nghĩa” Lời Đức Chúa Trời không?