Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi theo tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va

Noi theo tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va

Noi theo tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va

‘Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài, nhưng Ngài nhịn-nhục’.—2 PHI-E-RƠ 3:9.

1. Đức Giê-hô-va ban cho con người món quà vô giá nào?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ban cho chúng ta món quà mà không ai có thể cho được. Món quà ấy rất đặc biệt và quý giá, không thể mua hoặc kiếm được. Đó là sự sống muôn đời và đối với đa số chúng ta là đời sống bất tận trong địa đàng trên đất. (Giăng 3:16) Thật thích thú biết bao! Sẽ không còn những điều gây đau buồn nữa, chẳng hạn như tranh chấp, hung bạo, nghèo khổ, tội ác, bệnh tật và ngay cả cái chết. Người ta sẽ sống trong hòa bình và hợp nhất trọn vẹn dưới sự cai trị yêu thương của Nước Đức Chúa Trời. Chúng ta mong mỏi Địa Đàng ấy biết bao!—Ê-sai 9:5, 6; Khải-huyền 21:4, 5.

2. Tại sao Đức Giê-hô-va chưa loại trừ hệ thống của Sa-tan?

2 Đức Giê-hô-va cũng trông mong đến ngày mà Ngài sẽ thiết lập Địa Đàng trên đất. Lý do là vì Ngài chuộng sự công bình và chính trực. (Thi-thiên 33:5) Ngài không hài lòng khi thấy thế gian thờ ơ hoặc chống đối nguyên tắc công bình của Ngài, một thế gian bác bỏ uy quyền của Ngài và ngược đãi, bắt bớ dân Ngài. Thế nhưng, Ngài chưa ra tay loại trừ hệ thống gian ác của Sa-tan là có lý do chính đáng. Lý do đó có liên quan đến quyền cai trị của Ngài. Trong thời gian giải quyết những vấn đề này, Đức Giê-hô-va thể hiện một đức tính đáng mến mà nhiều người ngày nay không có. Đó là tính nhịn nhục.

3. (a) Trong Kinh Thánh, từ gốc tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được dịch là “nhịn nhục” có nghĩa gì? (b) Giờ đây chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Có một từ trong tiếng Hy Lạp mà bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội nhiều lần dịch là “nhịn-nhục”. Từ này có nghĩa đen là “tinh thần lâu dài”. Trong cả tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp, từ “nhịn nhục” đều hàm ý chịu đựng và chậm giận. Sự nhịn nhục của Đức Giê-hô-va có ích thế nào cho chúng ta? Chúng ta rút tỉa bài học nào qua tính nhịn nhục và chịu đựng của Đức Giê-hô-va cũng như của những tôi tớ trung thành với Ngài? Làm sao chúng ta biết tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va không phải là vô hạn? Chúng ta hãy xem.

Xem xét tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va

4. Sứ đồ Phi-e-rơ viết gì về tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va?

4 Nói về tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:8, 9) Hãy lưu ý hai điểm được nêu ra đây có thể giúp chúng ta hiểu được tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va.

5. Quan điểm của Đức Giê-hô-va về thời gian ảnh hưởng thế nào đến hành động của Ngài?

5 Điểm thứ nhất là quan điểm của Đức Giê-hô-va về thời gian không giống như chúng ta. Đối với Đấng sống muôn đời, một ngàn năm cũng như một ngày. Ngài không bị áp lực hoặc giới hạn bởi thời gian, nhưng không phải vì thế mà Ngài chậm hành động. Đức Giê-hô-va khôn ngoan vô tận, nên Ngài biết chính xác khi nào nên hành động vì lợi ích của tất cả mọi người liên hệ và kiên nhẫn chờ đợi thời điểm ấy. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta kết luận rằng Đức Giê-hô-va lãnh đạm trước sự đau khổ mà tôi tớ Ngài phải chịu trong suốt thời gian này. Ngài là Đức Chúa Trời có “lòng thương-xót”, hiện thân của tình yêu thương. (Lu-ca 1:78; 1 Giăng 4:8) Ngài có khả năng loại trừ hoàn toàn và vĩnh viễn bất cứ tai hại nào mà sự đau khổ tạm thời đã gây ra.—Thi-thiên 37:10.

6. Chúng ta chớ nên kết luận gì về Đức Chúa Trời, và tại sao?

6 Dĩ nhiên, chờ đợi một điều mà mình hằng mong mỏi không phải là dễ. (Châm-ngôn 13:12) Vì thế, khi người ta không chóng làm tròn lời hứa, những người khác có thể kết luận rằng họ không muốn làm. Nghĩ thế về Đức Chúa Trời quả là thiếu khôn ngoan! Nếu chúng ta lầm lẫn việc Đức Chúa Trời nhịn nhục là vì Ngài trễ nãi thì thời gian kéo dài dễ khiến chúng ta sinh ra nghi ngờ và chán nản, và rồi rơi vào mối nguy cơ bị buồn ngủ về thiêng liêng. Còn tệ hại hơn nữa, chúng ta có thể bị dẫn dụ bởi những người mà Phi-e-rơ dặn chúng ta tránh xa, đó là những người chế nhạo, không có đức tin. Những người đó nhạo báng: “Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế”.—2 Phi-e-rơ 3:4.

7. Tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va có liên quan thế nào đến việc Ngài muốn người ta ăn năn?

7 Điểm thứ hai chúng ta học được qua lời của Phi-e-rơ là Đức Giê-hô-va nhịn nhục vì Ngài muốn mọi người ăn năn. Những người ngoan cố không chịu từ bỏ đường xấu sẽ bị Đức Giê-hô-va hành quyết. Tuy vậy, Đức Chúa Trời không vui về cái chết của kẻ dữ, nhưng Ngài vui khi thấy người ta ăn năn, từ bỏ đường xấu và tiếp tục sống. (Ê-xê-chi-ên 33:11) Vì thế mà Ngài tiếp tục nhịn nhục và cho tin mừng rao truyền trên khắp đất để người ta có cơ hội được sống.

8. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời nhịn nhục trong cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

8 Chúng ta cũng thấy Đức Chúa Trời nhịn nhục trong cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên xưa. Trong nhiều thế kỷ, Ngài nhẫn nhịn trước thái độ ngỗ nghịch của họ. Qua các tiên tri, nhiều lần Ngài khuyên họ: “Khá từ-bỏ đường ác của các ngươi, hãy gìn-giữ điều-răn và luật-lệ ta, tùy theo các mạng-lịnh ta cậy những tiên-tri, là tôi-tớ ta, mà truyền cho tổ-phụ các ngươi”. Kết quả là gì? Đáng tiếc là dân ấy “không muốn nghe”.—2 Các Vua 17:13, 14.

9. Chúa Giê-su phản ánh tính nhịn nhục của Cha ngài như thế nào?

9 Cuối cùng thì Đức Giê-hô-va phái Con Ngài xuống trái đất. Chúa Giê-su không ngừng kêu gọi dân Do Thái hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phản ánh tính nhịn nhục của Cha ngài một cách hoàn hảo. Biết rõ mình sắp bị hành quyết, ngài buồn rầu nói: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!” (Ma-thi-ơ 23:37) Lời nói tha thiết này chắc hẳn không phải là của một quan tòa cay nghiệt sẵn sàng xử phạt người khác, nhưng là lời của một người bạn trìu mến đầy kiên nhẫn. Giống như Cha trên trời, Chúa Giê-su muốn dân ăn năn để tránh bị phán xét. Một số người nghe lời cảnh báo của ngài và tránh được sự đoán phạt xảy ra cho Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN.—Lu-ca 21:20-22.

10. Tính nhịn nhục của Đức Chúa Trời có lợi cho chúng ta như thế nào?

10 Chẳng phải tính nhịn nhục của Đức Chúa Trời làm chúng ta khâm phục sao? Dù loài người trắng trợn vi phạm luật pháp của Đức Giê-hô-va, nhưng Ngài cho mỗi cá nhân chúng ta cùng với hàng triệu người khác cơ hội được biết Ngài và nhận lấy hy vọng cứu rỗi. Phi-e-rơ viết cho anh em tín đồ Đấng Christ: “Phải nhìn biết rằng sự nhịn-nhục lâu-dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc anh em”. (2 Phi-e-rơ 3:15) Chúng ta chẳng biết ơn sao về việc Đức Giê-hô-va đã nhịn nhục để chúng ta có cơ hội được cứu rỗi? Trong khi phụng sự Đức Giê-hô-va ngày này qua ngày khác, chẳng lẽ chúng ta không cầu xin Ngài tiếp tục nhịn nhục với chúng ta hay sao?—Ma-thi-ơ 6:12.

11. Hiểu được lý do Đức Giê-hô-va nhịn nhục sẽ thôi thúc chúng ta làm gì?

11 Khi hiểu tại sao Đức Giê-hô-va nhịn nhục, chúng ta có thể kiên nhẫn chờ đợi đến khi Ngài mang lại sự cứu rỗi, và không bao giờ kết luận rằng Ngài chậm thực hiện lời hứa. (Ca-thương 3:26) Trong khi tiếp tục cầu nguyện cho Nước Đức Chúa Trời đến, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời biết khi nào là thời điểm tốt nhất để đáp lại lời cầu nguyện ấy. Ngoài ra, chúng ta được thôi thúc noi theo tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va trong cách chúng ta đối xử với anh em và với những người mình gặp khi đi rao giảng. Chúng ta cũng không muốn bất cứ ai bị hủy diệt nhưng muốn thấy họ ăn năn và cũng có hy vọng sống đời đời như chúng ta.—1 Ti-mô-thê 2:3, 4.

Xem xét tính nhịn nhục của các nhà tiên tri

12, 13. Phù hợp với Gia-cơ 5:10, nhà tiên tri Ê-sai đã nhịn nhục chịu đựng như thế nào?

12 Xem xét tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta quý trọng và vun trồng đức tính ấy. Những người bất toàn không dễ vun trồng tính nhịn nhục, nhưng có thể làm được. Và chúng ta có thể học từ gương những tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời. Môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên-tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu-mực về sự chịu khổ và nhịn-nhục cho mình”. (Gia-cơ 5:10) Khi biết người khác đối phó được với những gì chúng ta phải đối phó thì điều này quả là khích lệ và an lòng biết bao!

13 Chẳng hạn, nhà tiên tri Ê-sai chắc hẳn cần nhịn nhục khi rao giảng. Đức Giê-hô-va hàm ý đó khi phán bảo ông: “Đi đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi. Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa-lành chăng!” (Ê-sai 6:9, 10) Dù dân chúng không chịu nghe, Ê-sai vẫn kiên nhẫn rao truyền thông điệp cảnh báo tối thiểu là 46 năm! Cũng vậy, tính nhịn nhục sẽ giúp chúng ta nhẫn nại rao giảng tin mừng, mặc dù nhiều người không muốn nghe.

14, 15. Điều gì đã giúp Giê-rê-mi đối phó với nghịch cảnh và sự nản lòng?

14 Dĩ nhiên, khi thi hành thánh chức, các nhà tiên tri không những phải đương đầu với sự thờ ơ lãnh đạm mà còn phải chịu bắt bớ. Giê-rê-mi bị cùm, giam cầm và quăng xuống hố. (Giê-rê-mi 20:2; 37:15; 38:6) Chính những người mà ông muốn giúp đã ngược đãi ông. Thế nhưng Giê-rê-mi không sinh lòng cay đắng, cũng không trả thù. Ông kiên nhẫn chịu đựng nhiều thập niên.

15 Sự bắt bớ và chế giễu không khiến Giê-rê-mi nín lặng, và ngày nay, cũng không làm chúng ta nín lặng. Dĩ nhiên, có lẽ đôi khi chúng ta cảm thấy nản lòng. Giê-rê-mi cũng cảm thấy như vậy. Ông viết: “Lời của Đức Giê-hô-va làm cho tôi cả ngày bị sỉ-nhục chê-cười. Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa”. Sau đó chuyện gì xảy ra? Giê-rê-mi có ngưng rao giảng không? Ông tiếp: “Trong lòng tôi như lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt-mỏi vì nín-lặng, không chịu được nữa”. (Giê-rê-mi 20:8, 9) Hãy lưu ý rằng khi ông để ý đến những lời chế giễu của người ta thì ông mất đi niềm vui. Nhưng khi ông tập trung vào ý nghĩa tốt đẹp và tầm quan trọng của thông điệp, ông được lại niềm vui. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va ở với Giê-rê-mi “như một tay anh-hùng đáng khiếp”, cho ông thêm sức để rao truyền lời Đức Chúa Trời một cách sốt sắng và dạn dĩ.—Giê-rê-mi 20:11.

16. Làm sao chúng ta giữ được niềm vui trong công việc rao giảng tin mừng?

16 Nhà tiên tri Giê-rê-mi có tìm được niềm vui trong công việc mình không? Chắc chắn có! Ông nói với Đức Giê-hô-va: “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui-mừng hớn-hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời..., vì tôi được xưng bằng danh Ngài!” (Giê-rê-mi 15:16) Giê-rê-mi vui mừng về đặc ân được đại diện Đức Chúa Trời và rao giảng lời Ngài. Chúng ta cũng có thể vui mừng như thế. Hơn nữa, như các thiên sứ trên trời, chúng ta vui mừng khi nhiều người trên khắp đất chấp nhận thông điệp, ăn năn, và đang đi trên con đường dẫn đến sự sống đời đời.—Lu-ca 15:10.

“Sự nhịn-nhục của Gióp”

17, 18. Gióp nhịn nhục như thế nào, và kết quả ra sao?

17 Sau khi nói về các nhà tiên tri thời xưa, môn đồ Gia-cơ viết: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”. (Gia-cơ 5:11) Từ gốc trong tiếng Hy Lạp được dịch là “nhịn-nhục” trong câu 11 ở đây khác với từ mà Gia-cơ dùng trong câu 10. Nói về sự khác nhau giữa hai từ này, một học giả viết: “Từ trong câu trước nói về sự kiên trì chịu đựng khi người ta ngược đãi chúng ta, còn từ trong câu sau chỉ sự can đảm nín chịu khi gặp những điều làm mình đau buồn”.

18 Gióp bị khốn khổ tột độ. Ông mất hết tài sản, con cái và mang căn bệnh đau đớn. Ông cũng phải đối phó với những lời buộc tội giả dối là Đức Giê-hô-va trừng phạt ông. Gióp không im lặng chịu đựng đau khổ, nhưng ông than vãn về tình cảnh của mình và thậm chí còn cho rằng mình công bình hơn Đức Chúa Trời. (Gióp 35:2) Tuy nhiên, ông không hề mất đức tin và lòng trung kiên cũng không lay chuyển. Ông không rủa sả Đức Chúa Trời như Sa-tan đã nói. (Gióp 1:11, 21) Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va “ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang-thì”. (Gióp 42:12) Ngài ban lại sức khỏe cho Gióp, cho ông tài sản gấp đôi, và cho ông hưởng đời sống đầy đủ hạnh phúc với những người thân. Nhờ trung thành nhịn nhục và chịu đựng, Gióp cũng hiểu Đức Giê-hô-va rõ hơn.

19. Chúng ta học được gì qua lòng kiên nhẫn nhịn nhục của Gióp?

19 Chúng ta học được gì qua lòng kiên nhẫn nhịn nhục của Gióp? Như Gióp, chúng ta có thể bị bệnh hoặc gặp những khó khăn khác. Chúng ta có thể không hiểu rõ tại sao Đức Giê-hô-va để cho chúng ta phải chịu thử thách nào đó. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn điều này: Nếu trung thành, chúng ta sẽ được ban phước. Đức Giê-hô-va không quên thưởng cho những người sốt sắng tìm kiếm Ngài. (Hê-bơ-rơ 11:6) Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”.—Ma-thi-ơ 24:13; 10:22.

“Ngày của Chúa sẽ đến”

20. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn ngày của Chúa sẽ đến?

20 Dù Đức Giê-hô-va nhịn nhục, nhưng Ngài công bình và sẽ không dung túng sự gian ác mãi. Sự nhịn nhục của Ngài có giới hạn. Phi-e-rơ viết: “Ngài chẳng tiếc thế-gian xưa... phạt đời gian-ác nầy”. Trong lúc Nô-ê và gia đình được sống sót, thế gian không tin kính thời đó đã bị chìm trong Nước Lụt. Đức Giê-hô-va cũng phán xét Sô-đôm và Gô-mô-rơ, đốt chúng thành tro. Những sự phán xét này là để làm “gương cho người gian-ác về sau”. Chúng ta có thể chắc chắn điều này: “Ngày của Chúa sẽ đến”.—2 Phi-e-rơ 2:5, 6; 3:10.

21. Làm sao chúng ta có thể cho thấy mình kiên nhẫn nhịn nhục, và chúng ta sẽ xem xét đề tài nào trong bài kế tiếp?

21 Thế thì chúng ta hãy noi theo tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va bằng cách giúp người khác ăn năn để họ được cứu. Chúng ta cũng hãy noi theo gương các nhà tiên tri bằng cách kiên nhẫn rao truyền tin mừng bất kể sự lãnh đạm của người khác. Ngoài ra, giống như Gióp, nếu chúng ta chịu đựng thử thách và giữ lòng trung kiên thì chắc chắn sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào. Chúng ta có mọi lý do để vui mừng trong thánh chức khi biết rằng Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho dân Ngài trong nỗ lực rao giảng tin mừng trên khắp đất. Chúng ta sẽ thấy điều này trong bài kế tiếp.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao Đức Giê-hô-va tỏ tính nhịn nhục?

• Chúng ta học được gì qua tính nhịn nhục của các nhà tiên tri?

• Gióp đã nhịn nhục như thế nào, và kết quả là gì?

• Làm sao chúng ta biết tính nhịn nhục của Đức Giê-hô-va không phải là vô hạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Chúa Giê-su phản ánh tính nhịn nhục của Cha ngài một cách hoàn hảo

[Các hình nơi trang 20]

Đức Giê-hô-va tưởng thưởng Giê-rê-mi về tính nhịn nhục như thế nào?

[Các hình nơi trang 21]

Đức Giê-hô-va tưởng thưởng Gióp về tính nhịn nhục như thế nào?