Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”

“Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”

“Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”

“CHÚNG TA đã gặp Đấng Mê-si”. “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật-pháp, và các đấng tiên-tri cũng có nói đến”. Hai người Do Thái nhiệt tình sống vào thế kỷ thứ nhất đã thốt lên những lời đáng chú ý trên. Cuối cùng, Đấng Mê-si mà mọi người mong chờ đã đến. Họ tin chắc như thế!—Giăng 1:35-45.

Khi bạn nghĩ đến bối cảnh lịch sử và tôn giáo thời đó, điều mà họ quả quyết càng đáng chú ý hơn. Một số tự cho mình là người giải phóng dân chúng đã xuất hiện một cách rầm rộ và đầy hứa hẹn, nhưng hy vọng của mọi người đã sớm tiêu tan khi những kẻ đó không giải phóng được người Do Thái ra khỏi ách đô hộ của La Mã.—Công-vụ 5:34-37.

Tuy nhiên, hai người Do Thái nói trên là Anh-rê và Phi-líp tin chắc rằng họ đã gặp được Đấng Mê-si thật. Hơn nữa, vào những năm kế tiếp, họ càng tin chắc hơn khi được tận mắt chứng kiến người đó làm nhiều việc đầy quyền phép nhằm làm ứng nghiệm những điều liên quan đến vai trò của Đấng Mê-si.

Tại sao hai người đó cũng như nhiều người khác tin nơi nhân vật này và quả quyết rằng người này không phải là một Đấng Mê-si mạo danh, lường gạt và làm cho họ thất vọng? Có bằng chứng đáng tin nào cho thấy nhân vật này là Đấng Mê-si thật?

Theo lời tường thuật lịch sử, Anh-rê và Phi-líp nhận ra Giê-su người Na-xa-rét, người từng làm thợ mộc, là Đấng Mê-si đã hứa mà nhiều người mong đợi. (Giăng 1:45) Một sử gia rất thận trọng thời đó là Lu-ca cho biết lần xuất hiện này của Đấng Mê-si là vào “năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ”. (Lu-ca 3:1-3) Năm thứ 15 của triều đại Sê-sa Ti-be-rơ bắt đầu vào tháng 9 năm 28 CN và chấm dứt vào tháng 9 năm 29 CN. Lu-ca còn cho biết người Do Thái lúc đó “vẫn trông-đợi” Đấng Mê-si đến. (Lu-ca 3:15) Tại sao người ta trông đợi sự xuất hiện của ngài vào khoảng thời gian đó? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.

Bằng chứng là Đấng Mê-si

Vì Đấng Mê-si có vai trò trọng yếu nên điều dễ hiểu là Đấng Tạo Hóa Giê-hô-va hẳn phải cung cấp bằng chứng rõ ràng nhằm giúp những người trung thành và để ý nhận ra đấng đã hứa ấy. Tại sao? Vì nhờ đó những người thận trọng sẽ không bị kẻ mạo danh đánh lừa.

Khi trình diện trước chính phủ nước ngoài, một đại sứ cần trình ủy nhiệm thư chứng nhận mình được bổ nhiệm vào chức vụ đó. Tương tự thế, từ nhiều năm trước Đức Giê-hô-va đã cho ghi những điều kiện mà Đấng Mê-si phải hội đủ. Vì thế, khi Đấng Mê-si đến, cũng như ngài đến với giấy chứng minh, hay ủy nhiệm thư, chứng nhận lai lịch của ngài.

Điều kiện cần có để xác định Đấng Mê-si được ghi lại trong nhiều lời tiên tri của Kinh Thánh hàng thế kỷ về trước. Các lời đó cho biết trước từng chi tiết về cách Đấng Mê-si đến, đặc điểm của thánh chức ngài, những đau đớn ngài phải trải qua và cách ngài chết. Có lẽ bạn thấy thích thú khi biết những lời tiên tri đáng tin cậy ấy cũng báo trước việc ngài sống lại, được đưa lên địa vị cao trọng bên hữu Đức Chúa Trời, và những ân phước mà ngài sẽ đem lại khi cai trị Nước Trời. Như thế, những lời tiên tri trong Kinh Thánh cho biết đặc điểm riêng biệt ví như dấu vân tay, giúp nhận ra người duy nhất mang dấu vân tay đó.

Hiển nhiên, khi Chúa Giê-su xuất hiện vào năm 29 CN, không phải tất cả mọi lời tiên tri về Đấng Mê-si đều được ứng nghiệm ngay lúc ấy. Chẳng hạn, ngài chưa bị giết và chưa được sống lại. Dù vậy, Anh-rê, Phi-líp và nhiều người khác đặt đức tin nơi Chúa Giê-su vì những điều ngài làm và dạy. Họ thấy có rất nhiều chứng cớ chứng minh ngài đúng là Đấng Mê-si. Nếu bạn sống vào thời đó và có cơ hội trực tiếp xem xét bằng chứng với một tinh thần cởi mở, hẳn chính bạn cũng phải tin rằng Chúa Giê-su đích thật là Đấng Mê-si.

Bức tranh toàn phần

Điều gì đã giúp bạn kết luận như thế? Trải qua nhiều thế kỷ, các nhà tiên tri trong Kinh Thánh cho biết Đấng Mê-si phải hội đủ những điều kiện rõ ràng để người ta nhận ra ngài mà không bị lầm lẫn. Họ đã cung cấp nhiều chi tiết, nhờ đó một bức hình về Đấng Mê-si dần dần hiện rõ. Ông Henry H. Halley nhận xét: “Hãy lấy một thí dụ là có một nhóm người, mỗi người từ một nước, chưa từng gặp hay liên lạc với nhau, tụ họp lại một nơi. Mỗi người đưa ra một mảnh đá cẩm thạch do họ khắc, và khi họ ráp những mảnh đá đó lại thì chúng tạo thành một bức tượng toàn vẹn. Chẳng phải điều hợp lý để nghĩ là có một nhân vật nào đó đã gửi cho mỗi người những chi tiết rõ ràng về phần mà họ phải làm hay sao?” Rồi ông hỏi: “Làm thế nào giải thích được việc những người khác nhau, sống trong các thế kỷ khác nhau, và trong một thời gian dài trước khi Chúa Giê-su đến, đã có thể viết ra các chi tiết lạ lùng về cuộc đời và việc làm của Chúa Giê-su, nếu không phải là do có trí tuệ siêu phàm điều khiển việc ghi chép này?” Ông Halley kết luận điều đó là “phép lạ của mọi thời đại!”

“Phép lạ” này được nói đến lần đầu nơi sách thứ nhất của Kinh Thánh. Sau khi ghi lời tiên tri đầu tiên về vai trò của Đấng Mê-si, người viết sách Sáng-thế Ký còn cho biết thêm đấng ấy sẽ đến qua dòng dõi của Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 3:15; 22:15-18) Một chi tiết khác tiết lộ Đấng Mê-si sẽ ra từ chi phái Giu-đa. (Sáng-thế Ký 49:10) Qua trung gian Môi-se, Đức Chúa Trời đã nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng Đấng Mê-si sẽ là một đấng giải cứu và là phát ngôn viên quan trọng hơn Môi-se.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18.

Vào thời Vua Đa-vít, lời tiên tri tiết lộ rằng Đấng Mê-si sẽ là người kế tự ngôi Đa-vít và Nước ngài được “vững-lập đến mãi mãi”. (2 Sa-mu-ên 7:13-16) Sách Mi-chê cho biết Đấng Mê-si được sinh ra tại thành Đa-vít, Bết-lê-hem. (Mi-chê 5:1) Còn Ê-sai báo trước ngài sẽ được sinh ra bởi một người nữ đồng trinh. (Ê-sai 7:14) Và nhà tiên tri Ma-la-chi báo trước một người như Ê-li sẽ loan báo việc ngài đến.—Ma-la-chi 4:5, 6.

Một chi tiết rõ ràng hơn về Đấng Mê-si được ghi trong sách Đa-ni-ên. Lời tiên tri cho biết rõ năm Đấng Mê-si xuất hiện: “Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần-lễ, và sáu mươi hai tuần-lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường-phố và hào, trong kỳ khó-khăn”.—Đa-ni-ên 9:25.

Vua Phe-rơ-sơ là Ạt-ta-xét-xe đã “ra lệnh” tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem vào năm thứ 20 sau khi lên ngôi. Triều đại của ông bắt đầu năm 474 TCN, như vậy năm thứ 20 là năm 455 TCN. (Nê-hê-mi 2:1-8) Vì thế, thời kỳ 69 tuần lễ tiên tri (gồm 7 và 62) là khoảng thời gian bắt đầu từ lúc có lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem cho đến lúc Đấng Mê-si xuất hiện. Sáu mươi chín tuần theo nghĩa đen tương đương với 483 ngày, tức ít hơn hai năm. Nhưng khi áp dụng quy luật tiên tri ‘một năm thay cho một ngày’, chúng ta biết được Đấng Mê-si xuất hiện 483 năm sau, tức năm 29 CN.—Dân-số Ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6. *

Dù có một số người tự nhận là Đấng Mê-si xuất hiện vào nhiều thời điểm khác nhau, duy chỉ một mình Chúa Giê-su người Na-xa-rét xuất hiện vào năm 29 CN. (Lu-ca 3:1, 2) Ngay năm đó, Chúa Giê-su đến với Giăng Báp-tít để làm báp têm trong nước. Rồi ngài được xức dầu bằng thánh linh để trở thành Đấng Mê-si. Sau đó, Giăng—người dọn đường giống như tiên tri Ê-li được báo trước—đã giới thiệu Chúa Giê-su với Anh-rê và một môn đồ khác. Giăng gọi Chúa Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”.—Giăng 1:29; Lu-ca 1:13-17; 3:21-23.

Gia phả và danh tánh của Đấng Mê-si

Những lời tiên tri được soi dẫn liên kết Đấng Mê-si với riêng một số gia đình người Do Thái. Vậy, thật hợp lý để nghĩ rằng Đấng Tạo Hóa toàn trí toàn thức sắp đặt cho Đấng Mê-si đến vào thời điểm mà người ta có thể tra trong gia phả để xác định gốc gác của ngài.

Cuốn Cyclopedia của McClintock và Strong tuyên bố: “Người ta có thể chắc chắn là gia phả của các chi phái và dòng họ người Do Thái bị tiêu hủy khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá [năm 70 CN], nhưng điều này không thể nào xảy ra trước năm đó”. Có nhiều chứng cứ rõ ràng để tin rằng Ma-thi-ơ và Lu-ca viết sách Phúc Âm trước năm 70 CN. Vì thế, họ chắc đã tra cứu những gia phả này để biên soạn về gốc gác của Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 1:1-16; Lu-ca 3:23-38) Vì vấn đề có tầm quan trọng như thế, hẳn nhiều người sống vào thời ấy đã muốn kiểm tra gốc gác của Chúa Giê-su.

Ứng nghiệm ngẫu nhiên nơi Chúa Giê-su?

Tuy nhiên, có thể nào những lời tiên tri về Đấng Mê-si đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su một cách ngẫu nhiên? Một học giả trả lời trong cuộc phỏng vấn: “Không thể nào. Tỉ lệ chênh lệch quá lớn nên không thể nào là sự ngẫu nhiên. Có người tính toán thử và chỉ với tám lời tiên tri thôi mà tỉ lệ xảy ra là một trên một trăm triệu tỉ”. Để minh họa điều này, ông nói: “Nếu bạn để số lượng đồng bạc Mỹ kim đó trên đất, thì chúng sẽ phủ cả diện tích Tiểu Bang Texas [690.000 kilômét vuông] với bề dày là 0,6 mét. Nếu bạn đánh dấu một đồng bạc trong số đó, rồi để cho một người bị bịt mắt đi tìm nó khắp cả tiểu bang, liệu người đó có thể nhặt được đồng bạc đã được đánh dấu không?” Sau đó ông tuyên bố: “Đối với bất cứ người nào trong lịch sử có khả năng trùng hợp chỉ với tám lời tiên tri [về Đấng Mê-si] thì tỉ lệ cũng tương tự”.

Vâng, trong ba năm rưỡi làm thánh chức, Chúa Giê-su không những chỉ làm ứng nghiệm tám lời tiên tri mà còn nhiều hơn nữa. Với quá nhiều bằng chứng như thế, học giả đó kết luận: “Chúa Giê-su—và trong suốt lịch sử chỉ một mình ngài—mới có thể làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri như thế”.

Đấng Mê-si “đến”

Rõ ràng, Đấng Mê-si đến năm 29 CN là Chúa Giê-su, người Na-xa-rét. Lúc đó ngài đến với tư cách một Đấng Cứu Chuộc chịu khổ và khiêm nhường. Ngài không đến như một vị vua bách chiến bách thắng nhằm phá tan ách đô hộ của người La Mã, như đa số người Do Thái và ngay cả những môn đồ ngài dường như mong đợi. (Ê-sai, chương 53; Xa-cha-ri 9:9; Công-vụ 1:6-8) Tuy nhiên, việc ngài đến trong tương lai với sức mạnh và quyền hành lớn thì đã được báo trước.—Đa-ni-ên 2:44; 7:13, 14.

Việc học kỹ lưỡng những lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp những người có khả năng lý luận trên cả thế giới tin chắc rằng Đấng Mê-si đã đến vào thế kỷ thứ nhất, và ngài sẽ trở lại. Bằng chứng cho thấy sự trở lại của ngài, như báo trước, đã xảy ra vào năm 1914. * (Ma-thi-ơ 24:3-14) Vào năm ấy, trong lãnh vực vô hình, Chúa Giê-su được tấn phong làm Vua Nước Trời. Không lâu nữa, ngài sẽ ra tay tẩy sạch trái đất khỏi mọi ảnh hưởng của cuộc phản nghịch tại vườn Ê-đen. Kế tiếp, Triều Đại Một Ngàn Năm của ngài sẽ đem lại ân phước cho tất cả những ai bày tỏ đức tin nơi ngài là Dòng Dõi đã hứa, tức Đấng Mê-si, là đấng “cất tội-lỗi thế-gian”.—Giăng 1:29; Khải-huyền 21:3, 4.

Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng thảo luận với bạn bằng chứng của việc đó và chỉ rõ trong Kinh Thánh những điều liên quan đến sự cai trị của Đấng Mê-si có nghĩa gì cho bạn và người thân yêu.

[Chú thích]

^ đ. 17 Để biết thêm chi tiết về Đa-ni-ên 9:25, xin xem sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), Tập 2, trang 899-904; và sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!, trang 186-192, cả hai sách đều do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 27 Để biết thêm chi tiết, xin xem chương 10 và 11 sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 6, 7]

455 TCN, “lệnh tu bổ... Giê-ru-sa-lem”

29 CN, Đấng Mê-si đến

483 năm (69 tuần lễ tiên tri)—Đa-ni-ên 9:25

1914, Đấng Mê-si được tấn phong trên trời

Đấng Mê-si sắp chấm dứt mọi gian ác và biến đổi trái đất thành địa đàng