Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta cần Đấng Mê-si?

Chúng ta cần Đấng Mê-si?

Chúng ta cần Đấng Mê-si?

CÓ LẼ bạn thắc mắc: “Chúng ta có cần Đấng Mê-si không?” Vâng, tìm hiểu xem Đấng Mê-si thật sự có ảnh hưởng gì đến bạn là điều rất hợp lý.

Theo ý kiến của những người đáng tôn trọng, chắc chắn bạn cũng như bao người khác đều cần đến Đấng Mê-si. Một chuyên gia luật Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất đã viết về Đấng Mê-si: “Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả [“đều thành tựu trong Ngài”, Bản Dịch Mới]”. Như vậy ông đã nhấn mạnh vai trò trọng yếu của Đấng Mê-si trong ý định ban phước cho toàn thể nhân loại của Đấng Tạo Hóa. (2 Cô-rinh-tô 1:20) Vai trò của ngài cần yếu đến độ sự giáng thế và cuộc đời của ngài là trọng tâm của lời tiên tri. Trong sách hướng dẫn của Henry H. Halley được hàng triệu độc giả tham khảo trong suốt 70 năm qua, ông xác nhận: “Cựu Ước được viết ra nhằm tạo sự mong đợi cũng như mở đường cho [Đấng Mê-si] đến”. Nhưng việc ngài đến có cần thiết không? Tại sao bạn cần quan tâm đến điều này?

“Mê-si” có nghĩa là “Đấng Xức Dầu” và đồng nghĩa với từ “Christ” mà nhiều người biết đến. Quyển Encyclopædia Britannica (Bách khoa tự điển Anh Quốc), ấn bản năm 1970, gọi ngài là “đấng cứu chuộc vĩ đại nhất”, và vì hành động bất kính của cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, nên ngài phải đến trái đất. Họ được tạo ra hoàn toàn, với triển vọng tốt đẹp là được sống mãi mãi trong địa đàng, nhưng họ đã đánh mất tương lai đó. Một thiên sứ phản nghịch, về sau được gọi là Sa-tan Ma-quỉ, đã ám chỉ rằng Đấng Tạo Hóa của họ quá khắt khe và đời sống sẽ tốt hơn nếu họ tự quyết định điều gì là thiện và điều gì là ác.—Sáng-thế Ký 3:1-5.

Ê-va bị lừa và đã tin lời nói dối đó. A-đam hẳn đã đặt tình vợ chồng trên cả sự trung thành với Đức Chúa Trời, vì thế trở thành kẻ đồng lõa trong cuộc phản nghịch do Ma-quỉ chủ mưu. (Sáng-thế Ký 3:6; 1 Ti-mô-thê 2:14) Qua những gì họ làm, không những họ đánh mất triển vọng sống đời đời trong địa đàng mà còn truyền lại cho con cháu tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi là sự chết.—Rô-ma 5:12.

Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của chúng ta, ngay lập tức đã đưa ra giải pháp nhằm xóa bỏ tác hại dây chuyền do hành động phản nghịch gây ra. Ngài thực hiện biện pháp giải hòa bằng một cách mà sau này trở thành nguyên tắc pháp lý của Luật Môi-se—nguyên tắc của sự tương xứng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:21; 1 Giăng 3:8) Cần phải áp dụng nguyên tắc pháp lý này trước khi bất kỳ con cháu bất hạnh nào của A-đam và Ê-va có thể nhận được sự sống đời đời trong địa đàng như Đấng Tạo Hóa đã dự định cho gia đình nhân loại. Điều này dẫn đến Đấng Mê-si.

Khi tuyên án Ma-quỉ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời công bố lời tiên tri đầu tiên: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. (Sáng-thế Ký 3:15) Một học giả Kinh Thánh viết rằng “lời hứa về Đấng Mê-si ghi trong Kinh Thánh bắt đầu với lời công bố [này]”. Một học giả khác nhận xét rằng Đấng Mê-si được Đức Chúa Trời dùng để “làm đảo ngược lại mọi tai họa của tội lỗi ban đầu”, và đồng thời đem lại ân phước cho gia đình nhân loại.—Hê-bơ-rơ 2:14, 15.

Tuy nhiên, bạn có thể thấy rằng nhân loại hiện nay chẳng những không được ban phước mà còn ở trong tình trạng vô vọng. Do đó, The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) ghi: “Nhiều người Do Thái vẫn còn trông mong Đấng Mê-si đến” và tin rằng ngài “sẽ sửa chữa những điều sai trái cũng như dẹp tan các kẻ thù của dân tộc”. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng Đấng Mê-si đã đến. Có lý do gì để tin điều Kinh Thánh nói không? Bài kế tiếp sẽ trả lời câu hỏi này.