Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh mục cổ nhất xác nhận Kinh Thánh chính điển

Danh mục cổ nhất xác nhận Kinh Thánh chính điển

Danh mục cổ nhất xác nhận Kinh Thánh chính điển

“DƯỜNG NHƯ mỗi dòng được viết ra là để gợi tính hiếu kỳ của những người muốn biết về lịch sử đạo Đấng Christ thời ban đầu”. Người ta miêu tả một tài liệu cổ như thế. Bạn biết đó là tài liệu nào không?

Đó là Mảnh Muratori, một văn bản mà bạn có lẽ đã nghe hoặc chưa từng nghe đến. Dù thế nào đi nữa, bạn có lẽ tự hỏi: “Điều gì khiến Mảnh Muratori đặc biệt đến thế?” Nó là danh mục cổ nhất liệt kê các sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.

Có lẽ bạn nghĩ một vài sách nào đó nằm trong mục lục các sách Kinh Thánh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vào một thời trong quá khứ, một số người không chắc cuốn nào là sách thuộc Kinh Thánh, bạn có thấy ngạc nhiên không? Mảnh Muratori liệt kê các sách được xem là viết dưới sự soi dẫn. Như bạn biết, nội dung chính xác của Kinh Thánh là điều rất quan trọng. Vậy, tài liệu đó cho biết gì về những sách hiện nay hợp thành Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp? Trước hết, chúng ta hãy xem xét vài chi tiết về tài liệu này.

Phát hiện Mảnh Muratori

Mảnh Muratori là một phần của sách chép tay gồm 76 tờ giấy da, mỗi tờ có khổ 27x17 centimét. Sử gia lỗi lạc người Ý là Ludovico Antonio Muratori (1672-1750) phát hiện mảnh này tại Thư Viện Ambrosia, ở Milan, Ý. Vào năm 1740, Muratori công bố phát hiện của mình, vì thế mảnh này mang tên là Mảnh Muratori. Dường như sách chép tay này được viết vào thế kỷ thứ tám tại tu viện cổ ở Bobbio, gần Piacenza, bắc Ý. Người ta chuyển sách này sang Thư Viện Ambrosia vào đầu thế kỷ 17.

Mảnh Muratori gồm 85 dòng chữ ghi trên tờ thứ 10 và 11 trong sách chép tay đó. Mảnh này viết bằng tiếng La-tinh, chắc hẳn do một người không kỹ lưỡng lắm sao chép lại. Tuy nhiên, người ta đã tìm ra được một số lỗi của người chép khi so sánh văn bản của mảnh này với văn bản của bốn bản khác được sao chép vào thế kỷ 11 và 12.

Viết vào lúc nào?

Bạn có lẽ thắc mắc những tài liệu trong Mảnh Muratori được bắt đầu viết khi nào. Dường như nguyên bản được viết bằng tiếng Hy Lạp nhiều thế kỷ trước khi dịch sang tiếng La-tinh. Bản dịch này là Mảnh Muratori. Sau đây là một chi tiết giúp chúng ta xác định được niên đại của nguyên bản. Mảnh Muratori có nói đến sách Shepherd, một sách không thuộc về Kinh Thánh, do một người tên là Hermas viết “rất gần đây, vào thời chúng ta, tại thành phố Rome”. Các học giả xác định Hermas viết xong sách Shepherd trong giai đoạn từ năm 140 cho tới năm 155 CN. Vì thế, bạn có thể thấy tại sao người ta xác định thời điểm nguyên bản tiếng Hy Lạp của Mảnh Muratori được viết là vào giai đoạn từ năm 170 đến năm 200 CN.

Việc nguyên bản đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến thành phố Rome cho thấy nó có thể đã được biên soạn ở thành phố này. Nhưng người ta vẫn đang bàn cãi ai là người viết. Người thì cho là Clement người Alexandria, người khác lại cho là Melito người Sardis hoặc Polycrates người Ephesus. Tuy nhiên, phần lớn học giả nói đó là Hippolytus, người viết nhiều tác phẩm tiếng Hy Lạp và sống tại Rome vào thời mà có lẽ văn bản của mảnh này được soạn thảo. Dù bạn thấy điều này không đáng chú ý lắm, nhưng chắc bạn muốn biết thêm về nội dung của Mảnh Muratori để hiểu tại sao văn bản này quý đến thế.

Tài liệu trong Mảnh Muratori

Mảnh này không những ghi tên các sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp mà còn bình luận về các sách đó và về những người viết. Nếu đọc văn bản, bạn sẽ không thấy những dòng đầu của bản chép tay này và nó có vẻ chấm dứt một cách đột ngột. Văn bản bắt đầu bằng lời đề cập đến Phúc Âm Lu-ca và cho biết người viết sách này là một thầy thuốc. (Cô-lô-se 4:14) Tài liệu này nói sách Lu-ca là sách Phúc Âm thứ ba, vì thế bạn có thể biết là phần đầu bị mất rất có thể nói về hai sách Phúc Âm Ma-thi-ơ và Mác. Nếu nghĩ như thế, bạn sẽ thấy Mảnh Muratori giống với suy nghĩ của bạn vì mảnh này nói sách Phúc Âm thứ tư là do Giăng viết.

Mảnh Muratori xác nhận sách Công-vụ các Sứ-đồ là do Lu-ca viết cho “Thê-ô-phi-lơ quí-nhân”. (Lu-ca 1:1, 3; Công-vụ 1:1) Kế đến mảnh này ghi danh sách những lá thư của sứ đồ Phao-lô gửi cho các tín đồ ở những thành: Cô-rinh-tô (hai thư), Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, Ga-la-ti, Tê-sa-lô-ni-ca (hai thư) và Rô-ma, cũng như thư gửi cho Phi-lê-môn, Tít và Ti-mô-thê (hai thư). Tài liệu này cũng nói thư của Giu-đe và hai thư của Giăng là những sách được soi dẫn. Lá thư thứ nhất của sứ đồ Giăng cùng với sách Phúc Âm do ông viết đã được đề cập đến một cách gián tiếp. Khải-huyền là sách cuối trong danh mục các sách được xem là viết dưới sự soi dẫn.

Điều đáng lưu ý là mảnh này đề cập đến một sách Khải-huyền do Phi-e-rơ viết, nhưng cho biết là một số người nghĩ rằng tín đồ Đấng Christ không nên đọc. Người viết mảnh này cảnh báo là vào thời ông, các sách giả mạo đã được lưu hành. Mảnh Muratori nói rõ không nên chấp nhận những sách này “vì mật đắng không thể trộn lẫn với mật ong”. Tài liệu này còn nói đến những sách không nên được xem là thánh thư. Lý do là vì những sách đó được viết sau thời các sứ đồ, như sách Shepherd do Hermas viết, hoặc vì những sách đó được viết ra để ủng hộ dị giáo.

Qua những điều trên, có lẽ bạn nhận thấy Mảnh Muratori không liệt kê thư gửi người Hê-bơ-rơ, hai thư của Phi-e-rơ và thư của Gia-cơ. Tuy nhiên, sau khi nói về khả năng của người sao chép, Tiến Sĩ Geoffrey Mark Hahneman nhận xét: “Điều hợp lý là cho rằng mảnh này có thể đã liệt kê tên những sách khác, nhưng phần đó nay không còn nữa, và trong số đó có lẽ có thư của Gia-cơ và thư viết cho người Hê-bơ-rơ (cũng như 1 Phi-e-rơ)”.—The Muratorian Fragment and the Development of the Canon.

Vì thế, Mảnh Muratori xác nhận rằng phần lớn các sách ngày nay tìm thấy trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp đã được xem là sách chính điển vào thế kỷ thứ hai CN. Tất nhiên, việc các sách trong Kinh Thánh được xem là chính điển—tức phải được liệt kê vào Kinh Thánh—không tùy vào việc các sách này được ghi trong một danh mục cổ xưa nào đó. Điều chứng tỏ các sách trong Kinh Thánh là tác phẩm của thánh linh chính là nội dung của chúng. Tất cả các sách đều xác nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời là tác giả và hoàn toàn hòa hợp với nhau. Sự hòa hợp và cân xứng của 66 sách chính điển trong Kinh Thánh chứng thực tính hợp nhất và hoàn chỉnh của chúng. Vì thế, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu chấp nhận những sách đó chính là Lời Đức Giê-hô-va, chứa đựng lẽ thật viết dưới sự soi dẫn và được bảo tồn cho đến thời chúng ta.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

[Hình nơi trang 13]

Ludovico Antonio Muratori

[Hình nơi trang 14]

Thư Viện Ambrosia

[Hình nơi trang 15]

Mảnh Muratori

[Nguồn tư liệu]

Diritti Biblioteca Ambrosiana. Vietata la riproduzione. Aut. No. F 157 / 05

[Nguồn tư liệu nơi trang]

Fragments: Diritti Biblioteca Ambrosiana. Vietata la riproduzione. Aut. No. F 157 / 05; Muratori, based on line art: © 2005 Brown Brothers