Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những thị trấn hẻo lánh ở Bolivia nghe tin mừng

Những thị trấn hẻo lánh ở Bolivia nghe tin mừng

Những thị trấn hẻo lánh ở Bolivia nghe tin mừng

CHÚNG TÔI gồm khoảng 20 người tụ tập ở bãi cát, hăng hái chuẩn bị cho chuyến hành trình dài một ngày đến những thôn làng ở vùng thượng lưu. Chúng tôi ở dưới chân rặng núi Andes, nơi mà con sông Beni đổ về vùng đồng bằng mênh mông của lưu vực sông Amazon. Phong cảnh nơi đây đẹp lạ thường.

Tuy nhiên, chúng tôi không phải là du khách. Vài người là dân địa phương; một số người trong chúng tôi từ những thành phố xa xôi dọn đến sống ở Rurrenabaque. Rurrenabaque là một thị trấn nhỏ xinh xắn trồng nhiều cây có hoa với những ngôi nhà mái lá và các con đường yên tĩnh mà thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe gắn máy chở khách chạy qua. Tại sao chúng tôi đi đến nơi này?

Sự việc trên là trường hợp điển hình cho những gì đang diễn ra ở nhiều nơi trong xứ Bolivia. Nhân Chứng Giê-hô-va từ các thành phố và những nước khác đem tin mừng Nước Trời đến các thôn quê.—Ma-thi-ơ 24:14.

Bolivia nằm giữa Nam Mỹ. Nước này có diện tích gấp đôi nước Pháp nhưng dân số chỉ đông hơn một phần mười nước Pháp một chút. Phần đông dân Bolivia sống ở thành phố và các thị trấn khai thác mỏ nằm trên những độ cao ngút trời hoặc là sống trong các nông trại thuộc vùng thung lũng. Còn ở những vùng đất thấp nhiệt đới, các thị trấn bị chia cách bởi những cánh rừng trải dài ngút ngàn.

Vào thập niên 1950 và 1960, những giáo sĩ dạn dĩ như Betty Jackson, Elsie Meynberg, Pamela Moseley và Charlotte Tomaschafsky dẫn đầu công việc rao giảng ở nhiều thị trấn hẻo lánh. Họ dạy lẽ thật Kinh Thánh cho những người có lòng thành thật và giúp thành lập những hội thánh nhỏ. Vào thập niên 1980 và 1990, số Nhân Chứng Giê-hô-va gia tăng gấp sáu, đa số là ở các thành phố. Giờ đây mỗi khu vực đều có hội thánh. Bạn có thể tìm thấy hội thánh ở những quận giàu có, nơi mà người ta làm việc trong những cao ốc, sống trong những biệt thự sang trọng và mua sắm ở những siêu thị. Nhưng cũng có hội thánh ở những vùng ngoại ô, dân chúng sống trong nhà làm bằng gạch chưa nung, đi chợ ngoài trời và mặc quần áo dân bản xứ sặc sỡ. Vậy thì có thể làm gì để giúp nhiều người hơn nữa sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh để biết về Đức Giê-hô-va?

Hy sinh cuộc sống tiện nghi ở thành phố

Hai thập niên qua, dân chúng ở Bolivia từ những thị trấn khai thác mỏ và thôn quê ồ ạt đổ về thành phố. Những người đang sống ở thành phố mà dọn về thôn quê là điều khác thường. Nhiều ngôi làng chỉ có vỏn vẹn một điện thoại và mỗi ngày có điện trong vài giờ đồng hồ. Nhân Chứng sống ở những ngôi làng nhỏ bé này chỉ có thể gặp anh chị em cùng đức tin tại những đại hội hàng năm vì đi đến những nơi này thường rất tốn kém, nguy hiểm và mệt nhọc. Trường làng chỉ có chương trình giáo dục căn bản. Vậy thì điều gì đã thôi thúc một số Nhân Chứng Giê-hô-va từ thành phố dọn về làng quê?

Anh Luis kể lại: “Cách đây không lâu, tôi có cơ hội theo đuổi một nghề ở thành phố La Paz, nhưng cha mẹ tôi luôn luôn dạy rằng công việc đào tạo môn đồ là một nghề đáng trọng nhất. Do đó, tôi đã theo học một khóa ngắn hạn về xây cất. Trong kỳ nghỉ hè ở Rurrenabaque, tôi để ý thấy người ta rất chú ý nghe tin mừng. Khi thấy ở đó thiếu các anh Nhân Chứng thì tôi muốn dọn đến để giúp đỡ. Giờ đây tôi đang hướng dẫn 12 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Chẳng hạn, tôi học với cặp vợ chồng trẻ có bốn con. Ông này thường nhậu nhẹt li bì và cờ bạc, nhưng rồi ông bỏ hết tật xấu và bắt đầu chia sẻ với bạn bè những điều học được về Đức Giê-hô-va. Ông luôn luôn chuẩn bị bài học. Có những lần ông phải ở trong rừng đốn củi ba hoặc bốn ngày, ông cảm thấy buồn vì không tham gia được hoạt động của tín đồ Đấng Christ. Mỗi khi thấy cả gia đình ông đến dự buổi họp đạo Đấng Christ, tôi thấy công khó của mình để dọn đến đây được đền bù xứng đáng”.

Chị Juana, một người mẹ đơn chiếc, nói: “Trước đây tôi làm người giúp việc nhà ở La Paz. Lúc con trai tôi còn nhỏ, tôi bắt đầu thánh chức trọn thời gian ở thành phố này. Nhưng khi đến thăm Rurrenabaque, tôi nhận ra rằng mình sẽ hữu dụng hơn nhiều nếu dọn đến đây. Thế nên, mẹ con tôi dọn đến Rurrenabaque và tôi lại tìm được việc làm tương tự. Thoạt đầu, thời tiết oi bức và côn trùng làm chúng tôi khó chịu, nhưng đến nay chúng tôi ở đây được bảy năm rồi. Mỗi tuần tôi hướng dẫn nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh, nhiều người bày tỏ lòng biết ơn bằng cách đến dự các buổi họp”. Chị Juana và con trai là hai trong số những người đã đi ghe lên vùng thượng lưu này. Chúng tôi mời bạn đi cùng.

Hành trình lên vùng thượng lưu

Động cơ của ghe rú lên khi chúng tôi tiến vào khe hẹp giữa những ngọn núi. Một đám vẹt kêu lên ầm ĩ như để phản đối sự hiện diện của chúng tôi. Nước bùn chảy từ núi xuống cuồn cuộn tưởng chừng cuốn trôi chúng tôi, nhưng người lái ghe tài tình lèo lái qua khỏi dòng nước. Gần đến trưa, ghe cập bến và chúng tôi lên bờ đến một làng nhỏ. Tại đó chúng tôi gặp một anh giám thị của Hội Thánh Rurrenabaque và anh chỉ cho chúng tôi nơi rao giảng.

Dân làng niềm nở đón tiếp chúng tôi dưới bóng cây hoặc trong căn nhà làm bằng tre nứa với mái lá đơn sơ. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ đang bận rộn ép nước mía với máy ép bằng gỗ làm tại địa phương. Nước mía chảy vào một cái tô mạ đồng. Sau đó họ nấu nước mía sôi cho đến khi thành mật rồi đem bán dưới phố. Họ mời chúng tôi vào nhà rồi đặt nhiều câu hỏi về Kinh Thánh.

Chúng tôi tiếp tục đi lên vùng thượng lưu để rao giảng từng làng. Nhiều người rất vui được nghe thông điệp của Kinh Thánh về việc Đức Chúa Trời sắp chấm dứt bệnh tật và chết chóc. (Ê-sai 25:8; 33:24) Ở đây dịch vụ y tế thiếu thốn nên phần đông các gia đình đều trải qua kinh nghiệm đau thương là bị mất con. Làm ruộng và đánh cá là nghề cực nhọc và bấp bênh mà chỉ tạm đủ sống. Vì vậy, nhiều người chú ý nghe lời hứa của Đức Chúa Trời ghi nơi Thi-thiên 72 về một chính phủ sẽ chấm dứt nạn nghèo đói. Bạn có nghĩ rằng những người chú ý đang sống tại những nơi xa xôi như thế sẽ nỗ lực đến dự buổi họp không? Đó cũng là thắc mắc của anh Eric và chị Vicky, là hai người truyền giáo trọn thời gian sống ở Santa Rosa cách xa ba tiếng lái xe từ lưu vực sông Amazon.

Những người chú ý sẽ đến không?

Anh Eric và chị Vicky từ California, Hoa Kỳ, đến Bolivia được 12 năm nay. Một anh giám thị lưu động đề nghị họ dọn đến Santa Rosa. Chị Vicky kể: “Trong thị trấn chỉ có hai cái điện thoại và không có dịch vụ Internet. Nơi đây có nhiều động vật hoang dã. Khi lái xe gắn máy đến các vùng xa xôi, chúng tôi thường thấy cá sấu, đà điểu và những con rắn to lớn, nhưng điều làm chúng tôi chú ý hơn thú vật chính là người dân địa phương. Chúng tôi dạy Kinh Thánh cho gia đình Vaca, một cặp vợ chồng trẻ có bốn con nhỏ. Họ sống xa thị trấn khoảng 26 kilômét. Trước đây người cha thường rượu chè say sưa nhưng giờ đây ông đã thay đổi. Mỗi tuần ông đưa cả gia đình và một người em gái đến họp ở Phòng Nước Trời. Ông chở vợ và đứa con nhỏ trên yên sau xe đạp. Đứa con trai chín tuổi chở em gái, còn đứa tám tuổi thì đạp xe một mình. Họ phải đi ba tiếng đồng hồ mới đến nơi”. Gia đình này hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và cố gắng hết sức kết hợp với hội thánh.

Chỉ trong vòng 18 tháng, 3 người đã hội đủ điều kiện để làm báp têm và có khoảng 25 người đến dự buổi họp ở Phòng Nước Trời mới tại Santa Rosa. Nhiều người muốn học Kinh Thánh, nhưng họ phải vượt qua những khó khăn trở ngại gay go để phụng sự Đức Giê-hô-va.

Không dễ hợp thức hóa hôn nhân

Marina và Osni là hai giáo sĩ phục vụ ở một ngôi làng hẻo lánh gần biên giới hai nước Bolivia và Brazil. Họ cho biết là nhiều người ở đây không xem hôn nhân là một sự kết hợp lâu bền. Do đó, nhiều người sống chung với hết người này đến người khác. Anh Osni nói: “Đây là một trở ngại cho sự tiến bộ về thiêng liêng. Khi muốn trở thành tín đồ Đấng Christ chân chính, người ta phải trải qua những thủ tục rắc rối và tốn kém. Một số người đã phải giải quyết vấn đề trước đây sống chung với người khác để có thể hợp thức hóa hôn nhân. Dầu vậy, khi nhận thức rằng việc đăng ký kết hôn đàng hoàng là một điều kiện Kinh Thánh đòi hỏi, một số người đã cật lực làm việc kiếm tiền trả lệ phí giấy tờ”.—Rô-ma 13:1, 2; Hê-bơ-rơ 13:4.

Chị Marina kể lại kinh nghiệm của Norberto: “Anh từng sống chung với nhiều phụ nữ trước khi dọn đến sống chung với một người đàn bà theo nghề làm bánh. Bà này trẻ hơn ông khoảng 35 tuổi và có con riêng. Norberto nhận con trai bà làm con mình. Ông muốn nêu gương tốt trong thời gian nuôi nấng nó. Vì thế, khi Nhân Chứng đến tiệm bánh mời ông học Kinh Thánh miễn phí, ông nhận lời dù lúc đó đã trên 70 tuổi và không biết đọc. Sau khi Norberto và người phụ nữ ông đang sống chung học được những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi, họ đăng ký kết hôn rồi làm báp têm. Con trai của hai người đã trở thành một tín đồ Đấng Christ trẻ biết trách nhiệm, đúng theo như ý nguyện của người cha dượng. Norberto đã tập đọc và anh có thể nói bài giảng tại buổi họp của hội thánh. Giờ đây dù tuổi cao sức yếu, anh Norberto vẫn là một người sốt sắng rao truyền tin mừng”.

Được thánh linh Đức Giê-hô-va thêm sức

Chúa Giê-su nói với các môn đồ thời ban đầu: “Khi Đức Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta... cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Thật là khích lệ khi thấy thánh linh Đức Chúa Trời thôi thúc những tín đồ Đấng Christ nam cũng như nữ đi đến những nơi xa xôi! Chẳng hạn, vào năm 2004 có khoảng 30 tín đồ Đấng Christ sốt sắng nhận lời mời rao giảng tạm thời ở những khu vực hẻo lánh với tư cách là tiên phong đặc biệt. Những anh chị này rất cảm kích gương của khoảng 180 anh chị từ nước ngoài đến Bolivia phục vụ với tư cách tiên phong, giám thị vòng quanh, nhân viên tình nguyện ở Bê-tên hoặc giáo sĩ. Ở Bolivia có 17.000 người công bố Nước Trời hướng dẫn khoảng 22.000 cuộc học hỏi Kinh Thánh với những người chú ý.

Cảm nhận được thánh linh của Đức Giê-hô-va hướng dẫn, tất cả các anh em này nghiệm được niềm vui khôn tả. Chẳng hạn như anh Robert và chị Kathy đã chấp nhận nhiệm sở giáo sĩ ở Camiri. Camiri là một thị trấn hẻo lánh, nằm giữa đồi cỏ trập trùng bên cạnh một con sông. Anh Robert nói: “Dường như chúng tôi đến đây thật đúng lúc. Chỉ trong vòng hai năm mà có khoảng 40 người đã trở thành người công bố tin mừng”.

Không còn là người rượu chè bài bạc

Nhiều người dân làng thấy khâm phục những người đã thay đổi nhờ học Kinh Thánh. Chẳng hạn, khoảng bốn năm trước, một ngày nọ một người đàn ông tên Ariel phải nằm trên giường do đã uống rượu cho đến say mèm. Tuy ngón nghề bài bạc của Ariel được nhiều người biết đến, nhưng nỗi lo âu về nợ nần chồng chất, hôn nhân rạn nứt và việc bỏ bê con cái luôn dằn vặt tâm trí anh. Đang khi miên man suy nghĩ thì một Nhân Chứng đến gõ cửa nhà anh. Ariel chăm chú lắng nghe anh Nhân Chứng giải thích các câu Kinh Thánh. Lần này Ariel quay trở lại giường không phải vì bị nhức đầu do say rượu nhưng để đọc sách nói về hạnh phúc gia đình, địa đàng và việc phụng sự Đức Chúa Trời. Sau đó anh chấp nhận học Kinh Thánh.

Khi các giáo sĩ đến Camiri thì vợ Ariel là Arminda đang học Kinh Thánh tuy không mấy chú ý. Chị kể: “Tôi cố làm mọi cách để giúp anh ngừng rượu chè. Tôi nghĩ là việc học Kinh Thánh cũng chẳng mang lại lợi ích gì, vì anh ấy vô phương cứu chữa rồi”. Tuy nhiên cuộc học hỏi Kinh Thánh đã làm chị thích thú không ngờ. Trong vòng một năm, chị làm báp têm và làm chứng cho gia đình. Chẳng bao lâu sau, nhiều người bà con của chị cũng dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Đối với Ariel thì anh thật sự đã phải cố gắng hết sức để cai thuốc lá, rượu chè và bài bạc. Một bước ngoặt quan trọng đối với anh là việc anh mời bạn bè thân hữu đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Anh tự nhủ: “Mình sẽ ngừng giao thiệp với những người không đến. Những người đến thì mình sẽ học Kinh Thánh với họ”. Nhờ đó, anh có được ba cuộc học hỏi Kinh Thánh. Ngay cả trước khi Ariel trở thành một thành viên của hội thánh, anh đã hướng dẫn một người bà con học Kinh Thánh và người này tiến bộ đến mức làm báp têm cùng một ngày với anh. Chị Arminda nhận xét: “Anh Ariel như đã hoàn toàn lột xác”.

Anh Robert báo cáo: “Lần vừa qua chúng tôi đếm được 24 người trong gia đình này đều đặn dự buổi họp. Mười người đã làm báp têm và tám người hiện là người công bố chưa báp têm. Một số người quan sát thấy những người này thay đổi hạnh kiểm nên họ cũng bắt đầu học Kinh Thánh và đến dự buổi họp của hội thánh. Số người dự buổi họp đã gia tăng từ 100 đến 190. Tôi và Kathy hướng dẫn khoảng 30 cuộc học hỏi Kinh Thánh, tất cả những người đó đều dự nhóm họp. Chúng tôi rất mừng là chúng tôi đã dọn đến đây”.

Điều đang xảy ra tại những thị trấn hẻo lánh ở Bolivia chỉ là một phần của công việc thâu nhóm trên toàn cầu được báo trước nơi Khải-huyền chương 7, nơi đây báo trước trong “ngày của Chúa” sẽ có sự thu nhóm những người được sống sót qua cơn đại nạn. (Khải-huyền 1:10; 7:9-14) Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ có hàng triệu người từ khắp mọi nước hợp nhất trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật. Thật là một bằng chứng đầy phấn khởi về việc Đức Chúa Trời sắp thực hiện những lời hứa của Ngài!

[Hình nơi trang 9]

Betty Jackson

[Hình nơi trang 9]

Elsie Meynberg

[Hình nơi trang 9]

Pamela Moseley

[Hình nơi trang 9]

Charlotte Tomaschafsky, rìa phải

[Hình nơi trang 10]

Mỗi tuần gia đình Vaca đạp xe ba giờ đồng hồ để đến Phòng Nước Trời

[Hình nơi trang 10]

Eric và Vicky đến phụng sự ở nơi cần có thêm người công bố Nước Trời

[Hình nơi trang 11]

Dân làng sống gần sông Beni chăm chú nghe tin mừng

[Hình nơi trang 12]

Robert và Kathy là hai giáo sĩ ở Camiri