Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Sứ đồ Phao-lô có ý gì khi ông nói đàn bà phải “nín-lặng trong đám hội”?

Phao-lô viết cho hội thánh tín đồ Đấng Christ tại Cô-rinh-tô: “Hãy làm như trong cả Hội-thánh của các thánh-đồ, đàn-bà phải nín-lặng trong đám hội của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó”. (1 Cô-rinh-tô 14:33, 34) Xem xét văn cảnh lời khuyên của Phao-lô sẽ giúp chúng ta hiểu điều này một cách đúng đắn.

Nơi 1 Cô-rinh-tô chương 14, Phao-lô thảo luận về những vấn đề liên quan đến các buổi họp của hội thánh. Ông nói rõ tại các buổi họp nên thảo luận những gì và nên tiến hành như thế nào. (1 Cô-rinh-tô 14:1-6, 26-34) Hơn nữa, ông nhấn mạnh mục đích của những buổi họp đạo Đấng Christ là “để cho Hội-thánh được gây-dựng”.—1 Cô-rinh-tô 14:4, 5, 12, 26.

Lời khuyên nên “nín-lặng” và “làm thinh” xuất hiện ba lần trong chương 14 của sách 1 Cô-rinh-tô. Mỗi lần, Phao-lô khuyên một nhóm tín đồ trong hội thánh. Nhưng trong tất cả các trường hợp đó, lời khuyên này đều có chung một lý do là “mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ-tự”.—1 Cô-rinh-tô 14:40.

Trước hết Phao-lô nói: “Ví bằng có người nói tiếng lạ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông-giải. Nếu không có ai thông-giải, thì người đó phải làm thinh ở trong Hội-thánh, mình nói với mình và với Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 14:27, 28) Điều này không có nghĩa là người đó không được phát biểu tại những buổi họp, nhưng có những lúc người đó nên làm thinh. Suy cho cùng, mục đích của các buổi họp là nhằm xây dựng lẫn nhau và điều này không thể đạt được nếu người đó nói thứ tiếng không ai hiểu được.

Thứ nhì, Phao-lô nói: “Người nói tiên-tri cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói mà thôi, còn những kẻ khác thì suy-xét. Song, nếu một người trong bọn người ngồi, có lời tỏ sự kín-nhiệm, thì người trước nhứt phải nín-lặng”. Điều này không có nghĩa là người tiên tri thứ nhất không được nói gì tại các buổi họp, nhưng có lúc phải nín lặng. Lúc đó, người có lời tỏ sự kín nhiệm huyền diệu có thể nói với hội thánh, và như thế các buổi họp đạt được mục đích là để “ai nấy đều được khuyên-lơn”.—1 Cô-rinh-tô 14:26, 29-31.

Thứ ba, Phao-lô nói riêng với các nữ tín đồ: “Đàn-bà phải nín-lặng trong đám hội của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục-tùng”. (1 Cô-rinh-tô 14:34) Tại sao Phao-lô bảo các chị phải nín lặng? Để hội thánh có trật tự. Ông nói: “Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà; bởi vì đàn-bà nói lên trong Hội-thánh là không hiệp lẽ”.—1 Cô-rinh-tô 14:35.

Có lẽ một số chị đã phản đối điều dạy dỗ trong hội thánh. Lời Phao-lô khuyên giúp các chị tránh có tinh thần thiếu trật tự như thế và nên khiêm nhường chấp nhận vai trò của mình trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về quyền làm đầu, nhất là đối với chồng. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Hơn nữa, qua việc nín lặng, các chị cho thấy là mình không có tham vọng làm người dạy dỗ trong hội thánh. Khi viết cho Ti-mô-thê, Phao-lô cho thấy rằng người phụ nữ đảm trách vai trò dạy dỗ là điều không phải phép: “Ta không cho phép đàn-bà dạy-dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn-ông; nhưng phải ở yên-lặng”.—1 Ti-mô-thê 2:12.

Phải chăng điều này có nghĩa là người nữ tín đồ Đấng Christ không bao giờ được nói trong buổi họp của hội thánh? Không phải vậy. Vào thời Phao-lô, đôi khi nữ tín đồ cầu nguyện hoặc nói tiên tri trong hội thánh, có lẽ do thánh linh thôi thúc. Vào những lúc đó, họ nhìn nhận vai trò của mình bằng cách trùm đầu lại. * (1 Cô-rinh-tô 11:5) Hơn nữa, vào thời Phao-lô và thời nay, các chị cũng như các anh được khuyến khích làm chứng về điều họ trông cậy. (Hê-bơ-rơ 10:23-25) Ngoài việc làm điều này trong thánh chức rao giảng, các chị nói về điều mình trông cậy và khuyến khích người khác tại các buổi họp hội thánh bằng những lời chín chắn khi được mời phát biểu cũng như qua việc góp phần vào các màn trình diễn hoặc thực tập trong Trường Thánh Chức Thần Quyền.

Vậy, nữ tín đồ Đấng Christ “nín-lặng” bằng cách không cố giành vai trò của người nam và dạy dỗ hội thánh. Họ không đưa ra những câu hỏi để tranh cãi như thể phản đối quyền của những người dạy dỗ trong hội thánh. Qua việc chu toàn vai trò của mình trong hội thánh, các chị tín đồ giúp rất nhiều trong việc tạo bầu không khí hòa thuận, trong đó anh em “làm hết thảy [tại các buổi họp của hội thánh] cho được gây-dựng”.—1 Cô-rinh-tô 14:26, 33.

[Chú thích]

^ đ. 10 Vào thời nay, vì nhu cầu trong hội thánh, các chị thành thục noi gương nói trên khi phải đảm nhận vai trò của anh đã làm báp têm.—Xem Tháp Canh ngày 15-7-2002, trang 26.