Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai hiện sống theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su?

Ai hiện sống theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su?

Ai hiện sống theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su?

CHÚA GIÊ-SU được nhiều người xem là một trong các bậc vĩ nhân đã từng sống. Có người xem ngài là người vĩ đại nhất. Gần hai ngàn năm qua, sự dạy dỗ của ngài tác động sâu xa đến đời sống người ta—“đời sống của những người có chút lòng nhân hậu, tử tế cũng như của những người có nghĩa cử bác ái bao la”, theo lời tác giả người Anh là Melvyn Bragg.

Còn đạo Ki-tô thì sao?

Về phần đạo Ki-tô hay đạo Đấng Christ thì sao? Đạo ấy được miêu tả là “một trong những bước tiến lớn nhất của nhân loại về mặt tâm linh”. Một người có quan điểm này là ông David Kelso, thuộc Đại Học Glasgow Caledonian ở Scotland. Ông viết: “Hai ngàn năm lịch sử của đạo ấy chứa đầy những thành quả vô song trong lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc, triết học, âm nhạc và hoạt động xã hội”.

Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ khác. Họ không phản đối đạo Ki-tô mà theo cách một tự điển định nghĩa là tôn giáo dựa trên sự tin tưởng rằng Chúa Giê-su là con của Đức Chúa Trời và dựa trên những lời dạy của ngài. Nhưng họ kinh tởm cách cư xử của các tổ chức tôn giáo tuyên bố là đại diện cho Ki-tô Giáo.

Chẳng hạn, Friedrich Nietzsche, một triết gia người Đức thuộc thế kỷ 19, đã nói đạo Ki-tô là “một vết nhơ muôn đời của nhân loại”. Theo ông , đạo ấy là “một tai họa to lớn, một sự đồi bại vô cùng tận,... không có bất cứ điều gì quá độc hại, quá bất lương, quá bí mật và quá bần tiện mà đạo ấy không dùng để đạt cho được mục tiêu”. Đành rằng ông Nietzsche có quan điểm cực đoan, nhưng một số người có quan điểm ôn hòa cũng đi đến kết luận tương tự. Tại sao? Bởi vì trải qua nhiều thế kỷ, hạnh kiểm của những người tuyên bố là theo Chúa Giê-su không thể hiện những đức tính của ngài nhưng lại mang đầy “tội ác và sự phạm thượng đồi bại, ghê tởm”.

Chúa Giê-su có ở với đạo Đấng Christ không?

Thế thì không phải là điều vô lý khi hỏi: “Chúa Giê-su có còn ở với đạo Đấng Christ không?” Một số người sẽ nói ngay: “Lẽ tất nhiên! Chẳng phải là ngài hứa sẽ ở cùng họ ‘cho đến tận-thế’ đó sao?” (Ma-thi-ơ 28:20) Phải, Chúa Giê-su có nói điều đó. Nhưng phải chăng ngài có ý nói là sẽ ở với bất cứ người nào cho mình là môn đồ ngài bất kể hạnh kiểm họ ra sao?

Hãy nhớ rằng một số nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su đã tưởng Đức Chúa Trời ở với họ vô điều kiện. Họ nghĩ rằng bất kể họ làm gì, Đức Chúa Trời cũng không bao giờ từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên vì Ngài đã chọn dân ấy để thực hiện một vai trò đặc biệt. (Mi-chê 3:11) Tuy nhiên, cuối cùng họ đi quá xa đến độ lìa bỏ luật pháp và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Hậu quả là như Chúa Giê-su đã thẳng thắn nói với họ: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:38) Toàn thể hệ thống tôn giáo đó mất ân huệ của Đức Chúa Trời và bị Ngài từ bỏ. Ngài để quân La Mã hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ vào năm 70 CN.

Có thể nào trường hợp tương tự cũng sẽ xảy ra cho khối đạo Ki-tô ngày nay không? Chúng ta hãy xem lời của Chúa Giê-su hứa ở cùng các môn đồ “cho đến tận-thế” có kèm theo những điều kiện nào.

[Các hình nơi trang 2, 3]

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su tác động sâu đậm đến hàng triệu người trên khắp đất