Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết điều đúng và làm theo

Biết điều đúng và làm theo

Tự Truyện

Biết điều đúng và làm theo

DO HADYN SANDERSON KỂ LẠI

Chúa Giê-su có lần nói với các sứ đồ: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo”. (Giăng 13:17) Thật vậy, chúng ta có thể biết điều gì đúng, nhưng đôi khi cái khó là làm theo! Tuy nhiên, sau hơn 80 năm cuộc đời, trong đó 40 năm làm giáo sĩ, tôi tin chắc lời Chúa Giê-su là đúng. Làm theo những gì Đức Chúa Trời phán thật sự dẫn đến hạnh phúc. Tôi xin kể tại sao.

VÀO năm 1925, khi tôi ba tuổi, cha mẹ tôi được nghe một bài giảng về Kinh Thánh tại khu vực gần nhà ở Newcastle, Úc. Bài giảng “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết” khiến mẹ tôi tin rằng mình đã tìm được lẽ thật, và mẹ bắt đầu đều đặn đến dự các buổi họp của tín đồ Đấng Christ. Nhưng cha tôi dần dần không quan tâm đến lẽ thật nữa. Ông chống đối niềm tin mẹ vừa tìm được và dọa sẽ bỏ đi nếu mẹ không chịu bỏ tín ngưỡng mới. Mẹ thương cha và muốn cả gia đình đề huề bên nhau. Dù thế, mẹ biết phải vâng lời Đức Chúa Trời trước hết và mẹ quyết tâm làm điều đúng dưới mắt Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 10:34-39) Cha tôi bỏ đi, và sau đó thỉnh thoảng tôi mới có dịp gặp ông.

Nghĩ lại, tôi thán phục mẹ vì đã trung thành với Đức Chúa Trời. Nhờ quyết định đó của mẹ, tôi và chị Beulah có được đời sống đầy ân phước thiêng liêng. Điều đó cũng dạy cho chúng tôi một bài học quan trọng: Khi biết điều đúng thì phải cố gắng làm theo.

Thử thách về đức tin

Các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, đã hết mực giúp đỡ gia đình chúng tôi. Bà ngoại dọn vào ở với chúng tôi và sau đó cũng chấp nhận lẽ thật. Trong công tác rao giảng, bà và mẹ như hình với bóng, được người khác kính trọng bởi sự thân thiện và tư cách đáng mến.

Trong thời gian ấy, các anh lớn tuổi trong hội thánh đã dìu dắt và dạy tôi nhiều điều rất hữu ích. Không lâu sau, tôi học cách dùng thẻ làm chứng để trình bày thông điệp giản dị của Kinh Thánh khi đi rao giảng từng nhà. Tôi cũng vặn máy quay để phát thanh những bài giảng thu sẵn và đeo biển quảng cáo đi trên con đường chính của thị trấn. Việc này không phải dễ vì tính tôi rất nhút nhát. Tuy nhiên, tôi biết đó là điều đúng nên quyết tâm làm.

Sau khi học xong, tôi làm việc tại một ngân hàng. Công việc này đòi hỏi tôi phải đi đến nhiều chi nhánh khắp bang New South Wales. Tại bang này chỉ có ít Nhân Chứng, nhưng nhờ được rèn tập hồi nhỏ nên tôi có thể giữ vững đức tin. Mẹ viết thư khuyến khích và điều này củng cố tôi về thiêng liêng.

Những lá thư đó nâng đỡ tôi thật đúng lúc. Thế Chiến II đã bắt đầu, tôi được lệnh phải nhập ngũ. Người quản lý ngân hàng rất sùng đạo và cũng là một viên chỉ huy quân đội tại địa phương. Khi tôi giải thích lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ, ông buộc tôi phải quyết định—bỏ đạo hoặc nghỉ việc! Vấn đề lên đến mức gây cấn nhất là lúc tôi ra trình diện tại trung tâm đăng ký địa phương. Viên quản lý ngân hàng chăm chú nhìn tôi bước đến bàn đăng ký. Khi tôi từ chối ký tên vào đơn nhập ngũ, những viên chức tại đó hết sức giận dữ. Giây phút ấy thật căng thẳng, nhưng tôi đã quyết tâm làm điều đúng. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi giữ được bình tĩnh và kiên quyết. Sau đó, biết được một vài tên côn đồ đang săn tìm mình, tôi vội gom góp đồ đạc đáp xe lửa đi khỏi nơi đó ngay.

Sau khi trở về Newcastle, tôi với bảy anh khác phải ra tòa vì từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Quan tòa kết án chúng tôi ba tháng tù lao động khổ sai. Thời gian trong tù không có gì vui, nhưng làm điều đúng đem lại ân phước. Sau khi ra tù, anh Nhân Chứng cùng xà lim với tôi, anh Hilton Wilkinson, đã mời tôi làm việc tại tiệm chụp hình của anh. Tại đó, tôi gặp Melody là nhân viên của tiệm, và sau này chúng tôi nên duyên vợ chồng. Không lâu sau khi ra tù, tôi làm báp têm để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Đặt mục tiêu phụng sự trọn thời gian

Sau khi cưới, tôi và Melody mở tiệm chụp hình ở Newcastle. Chẳng bao lâu, chúng tôi bận rộn đến độ sức khỏe thể chất và thiêng liêng bị suy giảm. Lúc ấy, anh Ted Jaracz, đang phục vụ tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Úc, và nay là một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, đã khuyến khích chúng tôi đặt mục tiêu thiêng liêng. Sau cuộc nói chuyện đó, chúng tôi quyết định chuyển nhượng cơ sở làm ăn và giản dị hóa cuộc sống mình. Vào năm 1954, chúng tôi mua một nhà nhỏ có thể kéo đi được, và dọn đến thành phố Ballarat thuộc bang Victoria và bắt đầu làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian.

Đức Giê-hô-va ban phước cho chúng tôi trong thời gian sinh hoạt với một hội thánh nhỏ tại Ballarat. Chỉ trong 18 tháng, số người dự nhóm họp gia tăng thật nhanh, từ 17 lên đến 70 người. Sau đó, tôi được mời làm giám thị vòng quanh tại bang South Australia. Suốt ba năm sau đó, chúng tôi thích thú với những chuyến viếng thăm các hội thánh ở thành phố Adelaide, cũng như những hội thánh ở vùng sản xuất rượu và trồng cam quít dọc theo Sông Murray. Cuộc sống chúng tôi thay đổi biết bao! Chúng tôi vui thích chung vai phụng sự với những anh chị đầy lòng yêu thương. Làm theo điều chúng tôi biết là đúng thật thỏa nguyện biết bao!

Nhiệm sở giáo sĩ

Năm 1958, chúng tôi cho văn phòng chi nhánh biết nguyện vọng tham dự Đại Hội Quốc Tế “Ý muốn của Đức Chúa Trời” được tổ chức tại Thành Phố New York vào năm đó. Các anh trong chi nhánh trả lời bằng cách gửi cho chúng tôi đơn ghi danh vào trường giáo sĩ Ga-la-át tại Hoa Kỳ. Vì ở độ tuổi 35, chúng tôi nghĩ rằng mình đã quá hạn tuổi để dự trường Ga-la-át. Dù vậy, chúng tôi gửi đơn đi và được mời dự khóa 32. Giữa khóa học, chúng tôi được cho biết nhiệm sở mới là Ấn Độ. Dù lúc đầu bồn chồn lo lắng, nhưng chúng tôi muốn làm điều đúng và đã vui lòng nhận nhiệm sở đó.

Đáp thuyền đi Bombay (nay là Mumbai), chúng tôi đến nơi vào một buổi sáng sớm năm 1959. Hàng trăm người lao động đang nằm ngủ ngổn ngang trên cầu tàu. Nhiều mùi lạ nồng nặc trong không khí. Khi mặt trời lên, chúng tôi bắt đầu cảm nhận một phần những điều đang chờ đón trước mắt. Chúng tôi chưa từng biết cái nóng nào như thế! Ra đón chúng tôi là Lynton và Jenny Dower, cặp giáo sĩ từng cùng chúng tôi làm thánh chức ở Ballart. Họ đưa chúng tôi về nhà Bê-tên, đó là một căn hộ chật hẹp trên lầu tọa lạc gần trung tâm thành phố. Sáu người là nhân viên tình nguyện Bê-tên sống tại đó. Anh Edwin Skinner, giáo sĩ tại Ấn Độ từ năm 1926, khuyên tôi nên mua hai bao đựng đồ trước khi đi đến nhiệm sở. Người ta thường thấy những bao này trên các xe lửa ở Ấn Độ và chúng rất tiện dụng khi chúng tôi phải di chuyển tới lui sau này.

Sau hai ngày đi xe lửa, chúng tôi đến nhiệm sở tại Tiruchchirappalli, một thành phố ở bang miền nam Madras (nay là Tamil Nadu). Tại đó chúng tôi cùng với ba anh chị tiên phong đặc biệt người Ấn Độ rao giảng cho 250.000 người. Mức sống rất giản dị. Có lúc chúng tôi chỉ còn chưa tới 4 Mỹ kim trong túi. Tuy nhiên, khi số tiền đó hết, Đức Giê-hô-va không bỏ chúng tôi. Một người đang học Kinh Thánh cho chúng tôi mượn tiền mướn một căn nhà thích hợp để tổ chức nhóm họp. Có lần gần hết thức ăn, một người láng giềng tử tế nấu món ca ri mang qua cho chúng tôi. Tôi thích món ăn đó, nhưng vì quá cay nên làm cho tôi bị nấc cụt!

Đi rao giảng

Vài người ở Tiruchchirappalli nói tiếng Anh, nhưng phần đông thì nói tiếng Tamil. Vì thế, chúng tôi cố học một lời trình bày giản dị bằng ngôn ngữ ấy. Điều này làm nhiều người địa phương quý trọng chúng tôi.

Chúng tôi rất thích rao giảng từng nhà. Người Ấn Độ có tính hiếu khách, đa số người mời chúng tôi vào nhà uống nước. Vì nhiệt độ ngoài trời thường vào khoảng 40 độ C nên chúng tôi rất quý lòng hiếu khách của họ. Trước khi giảng cho họ, điều lịch sự là nói về vấn đề cá nhân. Chủ nhà thường hỏi chúng tôi: “Ông bà từ đâu đến? Ông bà có con không? Tại sao không?” Khi biết chúng tôi không có con, họ thường giới thiệu đến một bác sĩ giỏi. Cứ như thế, chúng tôi có cơ hội tự giới thiệu và giải thích tầm quan trọng của việc chúng tôi làm là giúp người ta hiểu biết Kinh Thánh.

Đa số người chúng tôi rao giảng là người theo Ấn Độ Giáo—một hệ thống tín ngưỡng rất khác đạo Đấng Christ. Thay vì bàn cãi về tính phức tạp của triết lý Ấn Độ Giáo, chúng tôi chỉ giản dị rao giảng về tin mừng Nước Trời—và được nhiều kết quả. Chỉ trong sáu tháng, có gần 20 người bắt đầu đến dự buổi họp tại nhà giáo sĩ của chúng tôi, trong số đó có một kỹ sư công chánh tên là Nallathambi. Về sau, anh này và con trai là Vijayalayan đã giúp được khoảng 50 người trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Vijayalayan cũng từng phục vụ một thời gian tại chi nhánh Ấn Độ.

Không ngừng di chuyển

Không đầy sáu tháng ở Ấn Độ, tôi được mời làm giám thị địa hạt dài hạn đầu tiên trong nước. Điều này đòi hỏi chúng tôi đi khắp nước Ấn Độ, tổ chức hội nghị và làm việc chung với anh em thuộc chín nhóm ngôn ngữ khác nhau. Đây là một công tác gay go. Chúng tôi xếp quần áo, vật dụng cần dùng trong sáu tháng vào ba chiếc rương bằng thiếc và các bao đựng đồ tiện dụng, rồi đáp xe lửa ở thành phố Madras (nay là Chennai). Vì khu vực của địa hạt này bao trùm một vùng rộng lớn với chu vi khoảng 6.500 kilômét, chúng tôi hầu như lúc nào cũng di chuyển. Vào một dịp nọ, sau khi tham dự ngày Chủ Nhật của hội nghị tại một thành phố phía nam là Bangalore, chúng tôi đã đi ngay về hướng bắc đến Darjeeling, vùng đồi núi dưới chân dãy Himalaya, để phục vụ trong một hội nghị khác vào tuần sau. Cuộc hành trình đến Darjeeling phải băng qua đoạn đường dài 2.700 kilômét và đổi năm chuyến xe lửa.

Trong những lần đi rao giảng đầu, chúng tôi thích chiếu phim Xã hội thế giới mới đang hoạt động. Phim này giúp người ta hiểu tầm mức và hoạt động của tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va. Thường có đến hàng trăm người dự những buổi trình chiếu này. Một dịp nọ, chúng tôi chiếu phim cho những người tụ tập bên lề đường. Đang lúc đó, mây đen ùn ùn kéo đến. Vì trước đó một đám đông từng náo loạn khi cuộn phim bị gián đoạn, nên tôi quyết định chiếu tiếp nhưng cho máy chạy nhanh hơn. Thật tốt là buổi chiếu phim kết thúc trong trật tự, không có gì xảy ra khi hạt mưa đầu tiên rơi xuống.

Những năm sau, tôi và Melody đi hầu hết đất nước Ấn Độ. Vì mỗi vùng có nét độc đáo riêng về thức ăn, quần áo, ngôn ngữ và phong cảnh, nên chuyến đi của chúng tôi tựa như chuyến du lịch từ nước này qua nước khác. Kỳ công sáng tạo của Đức Giê-hô-va, kể cả các loài thú hoang dã ở Ấn Độ, thật là thiên hình vạn trạng! Có một lần, khi cắm trại trong khu rừng thuộc xứ Nepal, chúng tôi tận mắt thấy một con cọp to lớn, một con vật oai phong tuyệt đẹp. Càng ngắm nhìn nó, chúng tôi càng mong muốn được sống trong địa đàng, nơi người và thú sống trong hòa thuận.

Những cải tiến về mặt tổ chức

Vào giai đoạn khởi đầu đó, anh em ở Ấn Độ cần được giúp để theo sát hơn những sắp đặt trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Tại một vài hội thánh, các anh ngồi một bên phòng họp, còn các chị ngồi phía bên kia. Buổi họp ít khi bắt đầu đúng giờ. Có một nơi người ta đánh chuông báo cho người công bố đến nhóm họp. Ở một nơi khác, người công bố tập trung lại khi mặt trời mọc lên đến một vị trí nào đó. Những buổi hội nghị và cuộc viếng thăm của các anh giám thị lưu động không được đều đặn. Các anh em muốn làm điều đúng nhưng họ cần được huấn luyện.

Năm 1959, tổ chức của Đức Giê-hô-va thành lập Trường Thánh Chức Nước Trời. Chương trình huấn luyện trên toàn cầu này đã giúp giám thị vòng quanh, tiên phong đặc biệt, giáo sĩ và trưởng lão làm tròn trách nhiệm dựa trên Kinh Thánh một cách hữu hiệu hơn. Khi trường này bắt đầu tháng 12 năm 1961, tôi được giao việc giảng dạy. Dần dần, kết quả của chương trình huấn luyện đó đem lại lợi ích cho hội thánh ở khắp nơi trong xứ, và các hội thánh đã tiến bộ nhanh chóng. Một khi anh em nhận ra điều gì đúng thì thánh linh của Đức Chúa Trời thôi thúc họ làm theo.

Các đại hội cũng khích lệ và hợp nhất toàn thể anh em. Một đại hội nổi bật là Đại Hội Quốc Tế “Tin mừng đời đời” được tổ chức tại New Delhi năm 1963. Nhân Chứng từ khắp nước Ấn Độ đi hàng ngàn kilômét để đến dự đại hội này. Nhiều người phải dùng hết cả tiền dành dụm của họ để đi dự. Cũng có 583 đại biểu từ 27 xứ đến dự đại hội, và đó là lần đầu nhiều Nhân Chứng địa phương có dịp gặp cũng như kết hợp với số đông anh chị đến thăm viếng.

Vào năm 1961, chúng tôi được mời phục vụ tại nhà Bê-tên ở Bombay, rồi về sau tôi trở thành một thành viên trong Ủy Ban Chi Nhánh. Sau đó, tôi cũng nhận được nhiều đặc ân khác nữa. Trong nhiều năm, tôi phục vụ với tư cách giám thị vùng ở Á Châu và Trung Đông. Vì công việc rao giảng bị cấm đoán tại nhiều xứ ở vùng này, các người công bố tại địa phương cần phải “khôn-khéo như rắn, đơn-sơ như chim bồ-câu”.—Ma-thi-ơ 10:16.

Phát triển và thay đổi

Năm 1959, khi chúng tôi mới đến, tại Ấn Độ có 1.514 người công bố đang tích cực hoạt động. Hiện nay, con số này lên đến hơn 24.000 người. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, hai lần chúng tôi phải dọn đến khu nhà Bê-tên mới trong thành phố Bombay hay gần đó. Sau này, vào tháng 3 năm 2002, nhà Bê-tên lại dọn một lần nữa—lần này đến một khu nhà mới xây gần Bangalore, miền nam Ấn Độ. Hiện có 240 thành viên Bê-tên làm việc tại cơ sở mới này, một số đảm trách việc dịch ấn phẩm ra 20 ngôn ngữ.

Dù tôi và Melody rất mong dọn đến Bangalore, nhưng sức khỏe yếu buộc chúng tôi phải về Úc năm 1999. Giờ đây chúng tôi là thành viên thuộc gia đình Bê-tên ở Sydney. Dù đã rời Ấn Độ, lòng thương mến những người bạn thân thiết và các con thiêng liêng của chúng tôi tại xứ sở đó vẫn còn sâu đậm. Thật vui biết bao khi nhận được thư của họ!

Nhìn lại 50 năm phụng sự trọn thời gian, tôi và Melody cảm thấy chúng tôi đã nhận được thật nhiều ân phước. Trước kia chúng tôi làm công việc lưu giữ hình ảnh của người ta trên giấy, nhưng làm công việc lưu giữ người ta trong trí nhớ Đức Chúa Trời là một sự lựa chọn tốt hơn nhiều. Thật là kinh nghiệm quý báu khi quyết định đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên trên hết trong cuộc sống! Thật vậy, làm theo những gì Đức Chúa Trời cho là đúng mới thật sự mang lại hạnh phúc!

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ẤN ĐỘ

New Delhi

Darjeeling

Bombay (Mumbai)

Bangalore

Madras (Chennai)

Tiruchchirappalli

[Các hình nơi trang 13]

Hadyn và Melody, năm 1942

[Hình nơi trang 16]

Gia đình Bê-tên ở Ấn Độ, năm 1975