Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy giữ tâm trí minh mẫn’

‘Hãy giữ tâm trí minh mẫn’

‘Hãy giữ tâm trí minh mẫn’

“Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”.—CHÂM-NGÔN 14:15.

1, 2. (a) Kinh nghiệm của Lót ở Sô-đôm dạy chúng ta điều gì? (b) Nhóm từ “giữ tâm trí minh mẫn” có nghĩa gì?

KHI Áp-ra-ham cho Lót quyền chọn trước vùng đất mình muốn, Lót chú ý đến một vùng tốt tươi trông “như vườn của Đức Giê-hô-va”. Nơi đó hẳn có vẻ rất lý tưởng để gia đình ông đến định cư vì “Lót... chọn lấy cho mình hết cánh đồng-bằng bên sông Giô-đanh” và dựng trại gần thành Sô-đôm. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài dễ đánh lừa người ta, vì dân Sô-đôm sống gần đó “là [dân] độc-ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va”. (Sáng-thế Ký 13:7-13) Như các diễn biến về sau cho thấy, Lót và gia đình đã chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Cuối cùng ông và hai con gái phải sống trong hang đá. (Sáng-thế Ký 19:17, 23-26, 30) Những điều ban đầu ông tưởng tốt đẹp nhưng lại hóa ra hết sức tệ hại.

2 Lời tường thuật về việc xảy đến cho Lót để lại một bài học cho tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay. Khi quyết định điều gì, chúng ta phải cảnh giác với những nguy hiểm có thể xảy ra và thận trọng để không bị lầm lẫn bởi ấn tượng ban đầu. Vì thế, Lời Đức Chúa Trời đưa ra lời khuyên thích đáng: “Hãy... giữ tâm trí minh mẫn”. (1 Phi-e-rơ 1:13, Bản Diễn Ý) Từ Hy Lạp ở đây dịch “giữ tâm trí minh mẫn” có nghĩa đen là “tỉnh táo”. Theo học giả Kinh Thánh R.C.H. Lenski, sự tỉnh táo đó là “trạng thái điềm tĩnh, vững vàng để cân nhắc, đánh giá đúng đắn sự việc, nhờ đó chúng ta có thể quyết định đúng”. Chúng ta hãy xem xét vài trường hợp đòi hỏi phải có đầu óc tỉnh táo.

Cân nhắc cơ hội làm ăn

3. Tại sao cần phải thận trọng khi có người rủ chúng ta làm ăn?

3 Giả sử một người có uy tín, có lẽ là một người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va, rủ bạn làm ăn. Người ấy cảm thấy phấn khởi về triển vọng thành công và khuyến khích bạn quyết định ngay để không bỏ lỡ cơ hội. Bạn bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh mình và gia đình có đời sống tốt hơn, thậm chí suy luận rằng điều này sẽ giúp bạn có thêm thì giờ cho những sinh hoạt thiêng liêng. Tuy nhiên, Châm-ngôn 14:15 cảnh báo: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Khi mới bắt đầu làm ăn, người ta thường hăm hở, dễ đánh giá thấp những rủi ro, không lưu ý tới những nguy hiểm và không xem xét mọi khía cạnh của sự bấp bênh của nó. (Gia-cơ 4:13, 14) Trong tình huống đó, quả rất cần giữ tâm trí minh mẫn!

4. Chúng ta có thể “xem-xét các bước mình” như thế nào khi đánh giá một cơ hội làm ăn?

4 Người khôn ngoan sẽ cẩn thận xem xét những điều khoản cho công việc làm ăn trước khi quyết định. (Châm-ngôn 21:5) Việc xem xét như thế thường giúp chúng ta nhận thấy những nguy hiểm mà trước đó không thấy. Hãy xem một trường hợp có thể xảy ra sau đây: Một người tìm cách mượn tiền để làm ăn và hứa trả lãi cao nếu bạn cho người ấy mượn. Đề nghị đó nghe hấp dẫn, nhưng có những rủi ro nào? Người vay có đồng ý hoàn tiền lại dù công việc làm ăn có ra sao đi nữa hay là còn tùy thuộc vào kết quả của kế hoạch làm ăn? Nói cách khác, bạn có thể mất vốn đầu tư không nếu kế hoạch làm ăn đó thất bại? Bạn cũng có thể hỏi: “Tại sao người đó lại phải đi mượn tiền người khác? Ngân hàng có tin tưởng mối kinh doanh của người đó không?” Dành thì giờ để xem xét các rủi ro sẽ giúp bạn đánh giá cơ hội làm ăn một cách thực tế.—Châm-ngôn 13:16; 22:3.

5. (a) Giê-rê-mi làm điều khôn ngoan nào khi mua một thửa ruộng? (b) Tại sao nên chính thức ghi lại mọi thỏa thuận kinh doanh trong hợp đồng?

5 Khi mua một thửa ruộng của người em họ cũng là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhà tiên tri Giê-rê-mi ghi vào văn tự trước mặt những người làm chứng. (Giê-rê-mi 32:9-12) Ngày nay, người khôn ngoan chắc chắn sẽ ghi vào hợp đồng mọi thỏa thuận trong việc kinh doanh, kể cả khi làm ăn với người nhà và anh em đồng đạo. * Có hợp đồng rõ ràng đầy đủ sẽ giúp tránh những hiểu lầm và duy trì được sự hợp nhất. Mặt khác, không có hợp đồng thường là một yếu tố gây ra vấn đề trong việc làm ăn buôn bán giữa các tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Điều đáng buồn là những vấn đề như thế có thể dẫn đến sự đau buồn, cay đắng, thậm chí ảnh hưởng tai hại đến tình trạng thiêng liêng.

6. Tại sao chúng ta phải cẩn thận tránh sự tham lam?

6 Chúng ta cũng phải “giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. (Lu-ca 12:15, Tòa Tổng Giám Mục) Triển vọng kiếm được nhiều tiền có thể làm người ta lóa mắt, không thấy những rủi ro của cuộc kinh doanh mạo hiểm. Ngay cả một số người có đặc ân trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va cũng đã vướng vào bẫy này. Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Khi dự tính một cơ hội làm ăn, người tín đồ Đấng Christ nên suy nghĩ: ‘Có thật sự cần thiết không?’ Một đời sống đơn giản, tập trung vào việc thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ che chở chúng ta khỏi “mọi điều ác”.—1 Ti-mô-thê 6:6-10.

Những thách thức mà các tín đồ độc thân phải đương đầu

7. (a) Nhiều tín đồ Đấng Christ độc thân phải đương đầu với những thách thức nào? (b) Người mà chúng ta chọn làm bạn đời liên quan thế nào đến lòng trung thành với Đức Chúa Trời?

7 Nhiều tôi tớ Đức Giê-hô-va rất muốn lập gia đình nhưng chưa tìm được người thích hợp. Tại một vài nước, xã hội đòi hỏi người ta phải lập gia đình. Thế nhưng một người có thể không có nhiều cơ hội gặp được người bạn đời trong vòng anh chị em đồng đạo. (Châm-ngôn 13:12) Tuy vậy, các tín đồ Đấng Christ nhận thức rằng làm theo điều răn của Kinh Thánh: chỉ kết hôn “theo ý Chúa”, là vấn đề trung thành đối với Đức Giê-hô-va. (1 Cô-rinh-tô 7:39) Muốn đứng vững chống lại áp lực và cám dỗ, các tín đồ độc thân phải giữ tâm trí minh mẫn.

8. Nàng Su-la-mít bị áp lực nào, và ngày nay nữ tín đồ Đấng Christ có thể gặp thử thách tương tự như thế nào?

8 Trong sách Nhã-ca của Sa-lô-môn, một thôn nữ mộc mạc mà người ta gọi là Su-la-mít đã thu hút sự chú ý của nhà vua. Ông cố dùng sự giàu sang tột bậc, quyền thế và sức quyến rũ của mình để chinh phục cô, mặc dù cô đã yêu một chàng trai. (Nhã-ca 1:9-11; 3:7-10; 6:8-10, 13) Nếu là nữ tín đồ Đấng Christ, bạn cũng có thể được người khác để ý dù bạn không thích. Một người cùng sở làm, có thể có địa vị, bắt đầu khen bạn, tốt với bạn và tìm dịp để gần gũi bạn. Hãy cẩn thận về sự tán tỉnh như thế. Mặc dù không phải lúc nào những hành động như thế cũng có mục tiêu lãng mạn hay vô luân, nhưng thường là vậy. Như nàng Su-la-mít, hãy là “một tường thành”. (Nhã-ca 8:4, 10) Hãy cự tuyệt những sự tán tỉnh. Ngay từ đầu, hãy cho đồng nghiệp biết bạn là Nhân Chứng Giê-hô-va và nắm mọi cơ hội để làm chứng cho họ. Việc này sẽ là sự che chở cho bạn.

9. Có những nguy hiểm nào khi bước vào quan hệ với người lạ trên Internet? (Cũng xem khung nơi trang 25).

9 Các trang Web dành cho những người độc thân tìm bạn đời đang trở nên thịnh hành. Một số người xem đây là cách để quen biết những người mà họ thường không có cơ hội gặp gỡ. Tuy nhiên, mù quáng bước vào một quan hệ với người lạ là điều thật sự nguy hiểm. Trên Internet có thể khó phân biệt điều gì là thật, điều gì là giả. (Thi-thiên 26:4) Không phải người nào xưng là tôi tớ Đức Giê-hô-va cũng thật sự là tôi tớ Ngài. Hơn nữa, hẹn hò trên mạng có thể nhanh chóng dẫn đến quan hệ tình cảm mạnh mẽ, và điều đó có thể làm lệch lạc sự phán đoán sáng suốt. (Châm-ngôn 28:26) Dù qua Internet hay một phương tiện nào khác, nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với một người mà mình không biết nhiều là điều thiếu khôn ngoan.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

10. Làm thế nào các tín đồ Đấng Christ có thể khích lệ những anh chị độc thân?

10 Đức Giê-hô-va ‘đầy lòng nhân-từ’ đối với tôi tớ Ngài. (Gia-cơ 5:11) Ngài biết rằng những tín đồ độc thân ngoài ý muốn đôi khi rất nản lòng trước những thách thức mà họ phải đương đầu, và Ngài quý lòng trung thành của họ. Người khác có thể khuyến khích họ như thế nào? Chúng ta nên thường xuyên “ca ngợi” họ về lòng vâng phục và tinh thần hy sinh. (Các Quan Xét [Các Thẩm Phán] 11:39, 40; Trịnh Văn Căn) Chúng ta cũng có thể mời họ khi tổ chức những cuộc họp mặt mang tính chất xây dựng. Bạn có làm điều này trong thời gian gần đây không? Hơn nữa, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ, xin Đức Giê-hô-va giúp họ giữ thăng bằng về thiêng liêng và tìm được niềm vui trong việc phụng sự Ngài. Noi gương Đức Giê-hô-va, mong sao chúng ta cho thấy mình cũng quý trọng những người trung thành này qua việc bày tỏ lòng quan tâm chân thành đối với họ.—Thi-thiên 37:28.

Đối phó với bệnh tật

11. Khi đương đầu với bệnh tật nghiêm trọng, chúng ta thường gặp phải những thách thức nào?

11 Thật đau buồn khi chúng ta hoặc người thân phải đương đầu với bệnh tật nghiêm trọng! (Ê-sai 38:1-3) Trong lúc tìm cách chữa trị, chúng ta cần phải theo sát nguyên tắc Kinh Thánh. Chẳng hạn, tín đồ Đấng Christ cẩn thận vâng theo mệnh lệnh Kinh Thánh là phải kiêng huyết, và họ tránh bất cứ phương pháp chẩn đoán hoặc chữa trị nào liên quan đến ma thuật. (Công-vụ 15:28, 29; Ga-la-ti 5:19-21) Đối với những người không được huấn luyện nhiều về y khoa, việc đánh giá những cách trị liệu có thể rất phức tạp và vượt quá khả năng của họ. Điều gì có thể giúp chúng ta giữ tâm trí minh mẫn?

12. Làm thế nào một tín đồ có thể giữ thăng bằng khi xem xét các phương pháp trị bệnh?

12 “Người khôn-khéo xem-xét các bước mình” bằng cách nghiên cứu Kinh Thánh và các ấn phẩm của đạo Đấng Christ. (Châm-ngôn 14:15) Trên thế giới, ở những nơi không có nhiều bác sĩ và nhà thương, cách chữa bệnh duy nhất có thể là y học dân tộc, dùng dược thảo để điều trị. Nếu đang xem xét phương pháp điều trị này, có lẽ chúng ta nên xem xét những yếu tố như là người chữa bệnh có phải là người thực hành ma thuật không? Cách chữa trị có dựa vào niềm tin cho rằng người ta bị bệnh và chết vì đã làm buồn lòng các thần thánh (hoặc vong linh tổ tiên), hoặc bị kẻ thù ếm bùa không? Cách trị bệnh có dùng đến đồ cúng tế, thần chú hoặc những nghi thức của ma thuật để làm thuốc hoặc khi uống không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12) Suy xét kỹ như thế sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyên được soi dẫn: “Hãy xem-xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy”. * (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Điều này sẽ giúp chúng ta giữ thăng bằng.

13, 14. (a) Làm thế nào chúng ta thể hiện tính phải lẽ khi chăm sóc sức khỏe thể chất? (b) Tại sao cần có tính phải lẽ khi nói chuyện với người khác về vấn đề sức khỏe và cách trị bệnh?

13 “Tính phải lẽ” rất cần thiết trong mọi khía cạnh của đời sống, kể cả việc chăm sóc sức khỏe thể chất. (Phi-líp 4:5, NW) Chú ý đến sức khỏe một cách thăng bằng cho thấy chúng ta quý trọng sự sống quý báu mà chúng ta được ban cho. Khi gặp vấn đề về sức khỏe, tất nhiên chúng ta cần lưu tâm. Tuy nhiên, người ta không thể có được sức khỏe hoàn toàn cho đến thời kỳ Đức Chúa Trời “chữa lành cho các dân”. (Khải-huyền 22:1, 2) Chúng ta phải cẩn thận để không quá bận tâm về sức khỏe thể chất đến độ “nhu cầu thiêng liêng”, là điều quan trọng hơn bị gạt qua một bên.—Ma-thi-ơ 5:3, NW; Phi-líp 1:10.

14 Chúng ta cũng cần thể hiện sự thăng bằng và tính phải lẽ khi nói chuyện với người khác về vấn đề sức khỏe và cách điều trị. Khi gặp nhau tại các buổi họp và hội nghị, chúng ta không nên nói nhiều về những đề tài này trong khi trò chuyện về những điều thiêng liêng. Hơn nữa, những quyết định về việc chữa bệnh thường liên quan đến nguyên tắc Kinh Thánh, lương tâm một người và quan hệ của người đó với Đức Giê-hô-va. Vì vậy, buộc anh em phải chấp nhận quan điểm của mình hoặc ép người đó lờ đi tiếng nói của lương tâm là điều thiếu yêu thương. Mặc dù có thể hỏi ý kiến của những người thành thục trong hội thánh, mỗi tín đồ đều phải “gánh lấy riêng phần” trách nhiệm khi quyết định điều gì, và “mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”.—Ga-la-ti 6:5; Rô-ma 14:12, 22, 23.

Khi bị căng thẳng

15. Những tình huống căng thẳng có thể là một thách thức như thế nào?

15 Tình huống căng thẳng có thể khiến cho ngay cả tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va nói năng hoặc hành động thiếu khôn ngoan. (Truyền-đạo [Giảng Viên] 7:7, TTGM) * Khi bị thử thách gay go, Gióp mất đi phần nào sự thăng bằng và cần có người sửa lại lối suy nghĩ của ông. (Gióp 35:2, 3; 40:1-3) Mặc dù “Môi-se là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian”, nhưng có lần ông đã tức giận và nói lời thiếu suy nghĩ. (Dân-số Ký 12:3; 20:7-12; Thi-thiên 106:32, 33) Đa-vít đã thể hiện tính tự chủ một cách đáng phục khi kiềm chế không giết Vua Sau-lơ, nhưng khi Na-banh sỉ nhục ông và lớn tiếng lăng mạ người của ông thì Đa-vít tức giận và mất sự sáng suốt. Đến khi A-bi-ga-in can thiệp, ông mới tỉnh táo lại kịp thời để tránh phạm lỗi lầm tai hại.—1 Sa-mu-ên 24:3-8; 25:9-13, 32, 33.

16. Điều gì giúp chúng ta tránh hành động thiếu suy nghĩ?

16 Đôi khi chúng ta cũng gặp những tình huống căng thẳng khiến mình mất sự sáng suốt. Giống như Đa-vít, cẩn thận cân nhắc quan điểm của người khác có thể giúp chúng ta tránh hành động hấp tấp và thiếu suy nghĩ dẫn đến phạm tội. (Châm-ngôn 19:2) Hơn nữa, Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Các ngươi khá e-sợ, chớ phạm tội; trên giường mình hãy suy-gẫm trong lòng, và làm thinh”. (Thi-thiên 4:4) Nếu có thể được, điều khôn ngoan là đợi đến lúc lấy lại bình tĩnh trước rồi mới hành động hoặc quyết định điều gì. (Châm-ngôn 14:17, 29) Chúng ta có thể tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, rồi “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [chúng ta] trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Sự bình an này của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta ổn định tinh thần và giữ tâm trí minh mẫn.

17. Tại sao chúng ta phải tin cậy vào Đức Giê-hô-va để được Ngài giúp chúng ta giữ tâm trí minh mẫn?

17 Dù cố gắng hết sức để hành động khôn ngoan và tránh nguy hiểm, tất cả chúng ta đều lầm lỗi. (Gia-cơ 3:2) Chúng ta có thể phạm lỗi mà không hề biết. (Thi-thiên 19:12, 13) Hơn nữa, là con người, chúng ta không có khả năng hay quyền hướng dẫn bước đi của mình mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. (Giê-rê-mi 10:23) Chúng ta thật biết ơn Ngài biết bao vì Ngài cam kết với chúng ta rằng: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”. (Thi-thiên 32:8) Đúng vậy, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể giữ tâm trí minh mẫn.

[Chú thích]

^ đ. 5 Muốn có thêm tài liệu về hợp đồng kinh doanh, xin xem Tháp Canh, ngày 1-8-1997, trang 30, 31; ngày 1-8-1987, trang 12, 13, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 12 Nguyên tắc này cũng sẽ giúp những ai xem xét các cách trị bệnh mà người ta còn đang tranh luận.

Bạn trả lời thế nào?

Làm thế nào chúng ta có thể giữ tâm trí minh mẫn

• nếu có người rủ chúng ta làm ăn?

• khi tìm người bạn đời?

• khi đương đầu với bệnh tật?

• khi bị căng thẳng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 25]

Bạn tin được không?

Những lời tránh né trách nhiệm sau đây xuất hiện trên các trang Web dành cho người độc thân:

“Dù đã cố gắng hết sức, chúng tôi cũng không thể nào bảo đảm danh tánh thật sự của một người”.

“Chúng tôi không bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hoặc hữu ích của bất cứ thông tin nào trong dịch vụ này”.

“Ý kiến, lời khuyên, tuyên bố, đề nghị hoặc thông tin khác hay nội dung đưa ra qua dịch vụ [này] là của người viết... và người đọc không nhất thiết phải tin theo”.

[Hình nơi trang 23]

“Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”

[Các hình nơi trang 24, 25]

Nữ tín đồ Đấng Christ có thể noi gương nàng Su-la-mít như thế nào?

[Hình nơi trang 26]

“Hãy xem-xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy”

[Chú thích]

^ đ. 15 Câu này nói: “Bị áp bức, người khôn hóa dại, của biếu xén làm hư hỏng lòng người”.