Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lối thoát duy nhất!

Lối thoát duy nhất!

Lối thoát duy nhất!

CÓ MỘT người đàn ông tên La-xa-rơ sống cùng người nhà là Ma-thê và Ma-ri, ở làng Bê-tha-ni, cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba kilômét. Một hôm, trong khi Chúa Giê-su, bạn họ, đang ở xa thì La-xa-rơ ngã bệnh nặng. Ma-thê và Ma-ri vô cùng lo lắng và nhờ người đến báo tin cho Chúa Giê-su. Vài ngày sau khi được tin, Chúa Giê-su lên đường đi thăm La-xa-rơ. Trên đường đi, ngài nói với các môn đồ rằng ngài đi đánh thức La-xa-rơ dậy. Lúc đầu các môn đồ hiểu lầm nhưng ngài nói rõ cho họ biết: “La-xa-rơ chết rồi”.—Giăng 11:1-14.

Khi đến mồ của La-xa-rơ, Chúa Giê-su bảo người ta lăn tảng đá chắn cửa mồ ra. Rồi sau khi cầu nguyện lớn tiếng, ngài kêu lên: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” La-xa-rơ bước ra. Người đàn ông vừa chết bốn ngày đã được sống lại.—Giăng 11:38-44.

Lời tường thuật về La-xa-rơ cho thấy sự sống lại là lối thoát thật sự cho những người đã khuất. Nhưng phép lạ này liệu có thật không? Câu chuyện trên được Kinh Thánh tường thuật như một sự kiện có thật. Hãy đọc Giăng 11:1- 44, bạn sẽ thấy mọi chi tiết được trình bày sống động và thực tế ra sao. Có thể nào phủ nhận tính xác thực của một câu chuyện như thế không? Nếu thế, có lẽ bạn sẽ phải nghi ngờ mọi phép lạ được ghi lại trong Kinh Thánh, kể cả phép lạ về sự sống lại của Chúa Giê-su. Nhưng “nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại” thì như Kinh Thánh nói, “đức-tin anh em cũng vô-ích”. (1 Cô-rinh-tô 15:17) Sự sống lại là một giáo lý căn bản của Kinh Thánh. (Hê-bơ-rơ 6:1, 2) Nhưng từ “sự sống lại” có nghĩa gì?

“Sự sống lại” có nghĩa gì?

Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “sự sống lại” xuất hiện hơn 40 lần. Từ Hy Lạp này có nghĩa đen là “đứng dậy lần nữa”. Còn từ tương đương trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hồi sinh người chết”. Tuy nhiên, sau khi một người chết đi, cái gì được phục hồi? Đó không thể là phần xác đã trở về cát bụi. Cái được làm cho sống lại không phải là thân xác trước đây, mà là chính con người đó, bao gồm tính cách, quá khứ và tất cả đặc điểm nhận diện của người ấy.

Với trí nhớ tuyệt hảo, chắc chắn Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể nhớ hết mọi đặc điểm của những người đã khuất. (Ê-sai 40:26) Là Nguồn sự sống, Ngài có thể dễ dàng làm sống lại những người đó với một thân thể được tạo dựng lại. (Thi-thiên 36:9) Hơn thế nữa, Kinh Thánh nói Giê-hô-va Đức Chúa Trời “đoái đến [“mong chờ mòn mỏi”, Nguyễn Thế Thuấn]” làm sống lại những người đã chết. (Gióp 14:14, 15) Chúng ta thật vui sướng biết bao vì Đức Giê-hô-va không chỉ có quyền lực ban lại sự sống, mà còn mong muốn làm điều đó!

Chúa Giê-su Christ cũng đóng vai trò trọng yếu trong việc phục sinh người chết. Hơn một năm sau khi bắt đầu thánh chức trên đất, Chúa Giê-su nói: “Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy”. (Giăng 5:21) Chẳng phải trường hợp của La-xa-rơ cho thấy ngài cũng có quyền lực và ước muốn làm người chết sống lại đó sao?

Thế còn quan niệm cho rằng một phần bên trong con người vẫn sống sau khi người ta chết thì sao? Thật ra, giáo lý về sự sống lại không thể đi đôi với niềm tin linh hồn bất tử. Nếu phần nào đó bên trong con người chúng ta vẫn tiếp tục sống thì sự sống lại có cần thiết chăng? Ma-thê không hề tin rằng sau khi chết, La-xa-rơ vẫn sống trong thế giới thần linh. Bà tin nơi sự sống lại. Khi Chúa Giê-su trấn an bà: “Anh ngươi sẽ sống lại”, Ma-thê nói: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại”. (Giăng 11:23, 24) Còn La-xa-rơ, sau khi được sống lại, cũng không hề kể gì về thế giới bên kia. Ông đã thật sự chết. Kinh Thánh nói: “Kẻ chết chẳng biết chi hết... Dưới Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”.—Truyền-đạo 9:5, 10.

Như vậy theo Kinh Thánh, lối duy nhất để thoát khỏi sự chết là sự sống lại. Nhưng trong vô số người đã yên nghỉ, ai sẽ được sống lại, và ở đâu?

Ai sẽ được sống lại?

Chúa Giê-su nói: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả [“mồ tưởng niệm”, NW ] nghe tiếng Ngài và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Lời hứa này cho thấy những người ở trong mồ tưởng niệm—ở trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va—sẽ được sống lại. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là trong tất cả những người đã chết, ai thật sự được ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời và có hy vọng được sống lại?

Chương 11 của sách Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh nêu tên của những người nam và nữ đã trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Tất cả họ, cũng như các tôi tớ trung thành đã qua đời trong những năm gần đây, sẽ ở trong số những người được sống lại. Còn những người không làm theo luật công bình của Đức Chúa Trời, có lẽ do chưa biết, thì sao? Họ có được ở trong trí nhớ của Ngài không? Có, nhiều người được hưởng ân huệ đó vì Kinh Thánh hứa: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”.—Công-vụ 24:15.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ được sống lại. Kinh Thánh nói: “Nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố-ý phạm tội, thì không còn có tế-lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi-chờ kinh-khiếp về sự phán-xét”. (Hê-bơ-rơ 10:26, 27) Một số người đã phạm những tội không thể tha thứ được. Khi chết, họ không ở trong Hades (mồ mả chung của nhân loại) mà là vào Ghê-hen-na, nơi tượng trưng cho sự chết vĩnh viễn. (Ma-thi-ơ 23:33) * Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận tránh suy đoán một người nào đó có được sống lại hay không. Sự đoán xét thuộc về Đức Chúa Trời. Ngài biết ai ở trong Hades, còn ai vào Ghê-hen-na. Về phần chúng ta, tốt hơn nên cố gắng sống theo ý muốn Đức Chúa Trời.

Sự sống lại trên trời—Dành cho ai?

Sự sống lại của Chúa Giê-su Christ là sự sống lại đặc biệt nhất. Ngài đã bị ‘giết chết về xác thịt, nhưng được tác sinh về Thần Khí’, hay thần linh. (1 Phi-e-rơ 3:18, NTT ) Trước đó, chưa một ai được sống lại như thế. Chính Chúa Giê-su nói: “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người”. (Giăng 3:13) Thật thế, Con người, tức Chúa Giê-su, là nhân vật đầu tiên được sống lại ở thể thần linh. (Công-vụ 26:23) Nhưng sẽ có những người khác được hưởng ân huệ này. Kinh Thánh cho biết: “Mỗi người theo thứ-tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại”.—1 Cô-rinh-tô 15:23.

Một nhóm nhỏ ‘những kẻ thuộc về Đấng Christ’ được sống lại trên trời vì một mục đích đặc biệt. (Rô-ma 6:5) Họ sẽ “trị-vì trên mặt đất” cùng với Đấng Christ. (Khải-huyền 5:9, 10) Ngoài ra, họ cũng làm thầy tế lễ theo nghĩa là họ sẽ góp phần xóa bỏ hậu quả của tội lỗi mà người đầu tiên, A-đam, truyền lại cho nhân loại. (Rô-ma 5:12) Số người làm thầy tế lễ và cùng cai trị với Đấng Christ là 144.000 người. (Khải-huyền 14:1, 3) Họ được sống lại với thân thể nào? Kinh Thánh cho biết là “thể thiêng-liêng”, hay thần linh, hầu họ có thể sống trên trời.—1 Cô-rinh-tô 15:35, 38, 42-45.

Khi nào sự sống lại trên trời sẽ diễn ra? Theo 1 Cô-rinh-tô 15:23, đó là trong “ngày Đấng Christ đến”, hay hiện diện. Các biến cố thế giới cho thấy rõ năm 1914 là năm Đấng Christ bắt đầu hiện diện và hệ thống này đã bước vào giai đoạn cuối cùng. (Ma-thi-ơ 24:3-7) Vì thế, có cơ sở để kết luận rằng sự sống lại trên trời của những tín đồ trung thành đã diễn ra rồi, dù loài người không thể nhìn thấy được. Điều đó có nghĩa là các sứ đồ và tín đồ thời ban đầu đã được sống lại trên trời. Còn những tín đồ có hy vọng cùng cai trị với Đấng Christ trên trời nhưng nay vẫn còn sống dưới đất thì sao? Họ sẽ được sống lại “trong nháy mắt”, tức ngay sau khi chết. (1 Cô-rinh-tô 15:52) So với sự sống lại của số đông có hy vọng trên đất, sự sống lại của nhóm nhỏ 144.000 người này xảy ra trước nên được gọi là “sự sống lại thứ nhất”.—Khải-huyền 20:6.

Ai sẽ được sống lại trên đất?

Theo Kinh Thánh, phần đông những người đã yên nghỉ sẽ được sống lại trên đất. (Thi-thiên 37:29; Ma-thi-ơ 6:10) Sứ đồ Giăng mô tả sự hiện thấy kỳ diệu về sự sống lại như sau: “Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử-đoán tùy công-việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm-phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai”. (Khải-huyền 20:11-14) Những người ở trong Hades hay Sheol—mồ mả chung của nhân loại—đều được ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời. Tất cả họ đều sẽ được giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của sự chết. (Thi-thiên 16:10; Công-vụ 2:31) Rồi mỗi người trong họ sẽ được đoán xét tùy theo việc họ làm sau khi được sống lại. Điều gì sẽ xảy ra cho Sự chết và Hades? Chúng sẽ bị quăng vào “hồ lửa”. Điều đó có nghĩa là sự chết mà A-đam truyền cho nhân loại sẽ trở nên vô hiệu.

Hãy tưởng tượng triển vọng đầy vui sướng mà sự phục sinh mang lại cho những người đã mất người thân yêu! Khi Chúa Giê-su làm sống lại người con trai duy nhất của bà góa ở thành Na-in, bà hẳn phải vui mừng biết bao! (Lu-ca 7:11-17) Hẳn cha mẹ của bé gái 12 tuổi mà Chúa Giê-su làm cho sống lại cũng thế, Kinh Thánh nói họ “rất lấy làm lạ [“vui mừng khôn xiết”, NW ]”. (Mác 5:21-24, 35-42; Lu-ca 8:40-42, 49-56) Cũng thế, trong thế giới mới Đức Chúa Trời đã hứa, quả là niềm vui sướng khi chào đón những người thân quá cố trở về.

Việc hiểu đúng về sự sống lại ảnh hưởng thế nào đến chúng ta ngày nay? Cuốn The World Book Encyclopedia viết: “Phần đông người ta đều sợ chết và không muốn nghĩ về điều đó”. Tại sao? Bởi vì đối với đa số, sự chết là một bí ẩn đáng sợ. Sự thật về tình trạng người chết cũng như niềm hy vọng về sự sống lại giúp chúng ta can đảm khi phải đối diện với ‘kẻ thù sau-cùng, là sự chết’. (1 Cô-rinh-tô 15:26) Sự hiểu biết này cũng giúp chúng ta dễ chịu đựng hơn trước nỗi đau buồn khi mất một người bạn hay một người thân yêu.

Khi nào sự sống lại trên đất sẽ bắt đầu? Địa cầu ngày nay đầy dẫy sự ô nhiễm, bạo động, xung đột và đổ máu. Nếu sống lại trên một trái đất như thế, hẳn những người được phục sinh chẳng vui sướng được bao lâu. Mừng thay, Đấng Tạo Hóa hứa không bao lâu nữa Ngài sẽ chấm dứt thế giới đang ở dưới sự cai trị của Sa-tan. (Châm-ngôn 2:21, 22; Đa-ni-ên 2:44; 1 Giăng 5:19) Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất sắp thành hiện thực. Khi ấy, trong thế giới mới thanh bình của Đức Chúa Trời, hàng tỉ người đang yên nghỉ sẽ được đánh thức!

[Hình nơi trang 7]

Phần đông những người đã yên nghỉ sẽ được sống lại trên đất

[Chú thích]

^ đ. 14 Từ được dịch là “địa-ngục” ở đây trong nguyên ngữ là Ghê-hen-na.