Một ‘chuyện tượng trưng’ có giá trị cho chúng ta
Một ‘chuyện tượng trưng ’ có giá trị cho chúng ta
THẬT khó mà hiểu toàn bộ ý nghĩa của một số đoạn trong Kinh Thánh nếu những phần khác trong Kinh Thánh không làm sáng tỏ các đoạn ấy! Những lời tường thuật trong Lời Đức Chúa Trời liên quan đến lịch sử có thể được hiểu đơn thuần theo nghĩa đen. Dù vậy, có một số lời tường thuật chứa đựng những lẽ thật sâu sắc hơn mà người đọc không dễ dàng lĩnh hội. Một ví dụ là lời tường thuật về hai người phụ nữ trong gia đình của tộc trưởng Áp-ra-ham. Sứ đồ Phao-lô gọi đó là một ‘điều có nghĩa bóng’ hoặc, theo Bản Diễn Ý, một ‘chuyện tượng trưng’.—Ga-la-ti 4:24.
Câu chuyện tượng trưng này đáng cho chúng ta chú ý vì ý nghĩa của nó rất quan trọng đối với tất cả những ai mong muốn được hưởng ân phước của Đức Giê-hô-va. Trước khi tìm hiểu tại sao điều đó quan trọng như thế, chúng ta hãy xem xét bối cảnh khiến Phao-lô tiết lộ ý nghĩa của câu chuyện.
Vào thế kỷ thứ nhất, có một vấn đề xảy ra trong vòng tín đồ Đấng Christ ở Ga-la-ti. Một số tín đồ cẩn thận “giữ ngày, tháng, mùa, năm”—những đòi hỏi của Luật Pháp Môi-se. Họ cho rằng nếu ai muốn nhận được ân phước đến từ Đức Chúa Trời, điều cần thiết là phải vâng phục Luật Pháp. (Ga-la-ti 4:10; 5:2, 3) Tuy nhiên, Phao-lô cho biết tín đồ Đấng Christ không buộc phải giữ những điều luật đó. Để chứng minh điểm này, ông đề cập đến một câu chuyện mà những người gốc Do Thái rất quen thuộc.
Phao-lô nhắc người dân Ga-la-ti nhớ lại rằng Áp-ra-ham, tổ phụ của Y-sơ-ra-ên, có hai người con là Ích-ma-ên và Y-sác. Người thứ nhất là con của nữ nô lệ A-ga, người thứ hai là con của người nữ tự do Sa-ra. Đối với những người Ga-la-ti đang khuyến khích việc vâng phục Luật Pháp Môi-se, hẳn họ quen thuộc với lời tường thuật về bà Sa-ra lúc đầu son sẻ Sáng-thế Ký 16:1- 4; 17:15-17; 21:1-14; Ga-la-ti 4:22, 23.
nên đưa người tớ gái là A-ga đến với Áp-ra-ham để sinh con thay cho bà. Họ cũng biết sau khi mang thai Ích-ma-ên, A-ga bắt đầu khinh bỉ bà chủ mình là Sa-ra. Tuy vậy, đúng như lời hứa của Đức Chúa Trời, cuối cùng Sa-ra cũng sinh được một con trai trong lúc tuổi già, đặt tên là Y-sác. Sau đó Áp-ra-ham đuổi A-ga và Ích-ma-ên đi vì Ích-ma-ên ngược đãi Y-sác.—Hai người nữ, hai giao ước
Phao-lô giải thích ý nghĩa của ‘chuyện tượng trưng’ này. Ông viết: “Hai người nữ đó tức là hai lời giao-ước, một là lời giao-ước tại núi Si-na-i, sanh con ra để làm tôi-mọi, ấy là nàng A-ga... khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con-cái mình đều làm tôi-mọi”. (Ga-la-ti 4:24, 25) A-ga tượng trưng cho Y-sơ-ra-ên theo nghĩa đen, với thủ đô là thành Giê-ru-sa-lem. Bởi giao ước Luật Pháp được thiết lập tại Núi Si-na-i, dân Do Thái lệ thuộc vào Đức Giê-hô-va. Dưới giao ước Luật Pháp, dân Y-sơ-ra-ên luôn được nhắc nhở rằng họ làm tôi cho tội lỗi và cần sự cứu chuộc.—Giê-rê-mi 31:31, 32; Rô-ma 7:14 -24.
Vậy thì Sa-ra, “người nữ tự-chủ”, hoặc người nữ tự do, và con trai Y-sác tượng trưng cho những ai? Theo lời giải thích của Phao-lô, “đàn-bà son”, tức Sa-ra, tượng trưng cho vợ Đức Chúa Trời, là phần trên trời của tổ chức Ngài. Người nữ trên trời này son sẻ theo nghĩa là trước khi Chúa Giê-su đến, bà không có “con-cái” ở trên đất, tức những người được xức dầu. (Ga-la-ti 4:27; Ê-sai 54:1- 6) Tuy nhiên, vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, một nhóm người nam và nữ đã được ban thánh linh, như vậy họ được sinh lại để trở thành con của người nữ trên trời. Dựa vào mối quan hệ của giao ước mới, con cái do tổ chức này sinh ra được nhận làm con của Đức Chúa Trời và được đồng kế tự với Chúa Giê-su Christ. (Rô-ma 8:15-17) Vì cũng thuộc số những người con này, sứ đồ Phao-lô có thể viết: “Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự-do, và ấy là mẹ chúng ta”.—Ga-la-ti 4:26.
Con cái của hai người nữ
Theo lời tường thuật trong Kinh Thánh, Ích-ma-ên bắt bớ Y-sác. Cũng vậy, vào thời thế kỷ thứ nhất CN, con cái của Giê-ru-sa-lem bị nô lệ đã chế nhạo và bắt bớ con cái của Giê-ru-sa-lem trên cao. Phao-lô giải thích: “Như bấy giờ, kẻ sanh ra theo xác-thịt [Ích-ma-ên] bắt-bớ kẻ sanh ra theo Thánh-Linh [ Y-sác], thì hiện nay cũng còn là thể ấy”. (Ga-la-ti 4:29) Khi Chúa Giê-su hiện diện trên đất và bắt đầu công bố về Nước Trời, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đối xử với ngài y như con trai của A-ga là Ích-ma-ên đã từng cư xử với người thừa kế chính thức của Áp-ra-ham là Y-sác. Họ chế nhạo và bắt bớ Chúa Giê-su Christ, dường như họ tự cho mình là người thừa tự chính thức của Áp-ra-ham, còn Chúa Giê-su là kẻ mạo nhận.
Không lâu trước khi những nhà cai trị thuộc Y-sơ-ra-ên xác thịt kết án Chúa Giê-su, ngài nói: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!”—Ma-thi-ơ 23:37, 38.
Lời tường thuật được soi dẫn về những biến cố xảy ra vào thế kỷ thứ nhất cho thấy nước Y-sơ-ra-ên xác thịt, được tượng trưng bởi A-ga, không tự nhiên sinh ra được những người con có quyền đồng kế tự với Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va đã từ bỏ những người Do Thái tự hào cho rằng họ được hưởng quyền đó dựa vào gốc gác Y-sơ-ra-ên. Đành rằng, một số người thuộc dân Y-sơ-ra-ên được dự phần đồng kế tự với Đấng Christ. Tuy nhiên, họ nhận được đặc ân đó nhờ đặt đức tin nơi Chúa Giê-su chứ không phải nhờ gia phả.
Một số người đồng kế tự với Đấng Christ được nhận diện vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Với thời gian, Đức Giê-hô-va cũng xức dầu cho những người khác và nhận họ như con cái của Giê-ru-sa-lem trên cao.
Phao-lô giải thích ‘chuyện tượng trưng’ này với mục đích làm sáng tỏ tính ưu việt của giao ước mới, so với giao ước Luật Pháp mà Môi-se làm người trung bảo. Nếu dựa vào việc tuân theo Luật Pháp Môi-se thì không ai nhận được ân điển của Đức Chúa Trời, vì mọi người đều bất toàn và Luật Pháp chỉ nhấn mạnh rằng họ làm tôi mọi cho tội lỗi. Nhưng như lời giải thích của Phao-lô, Chúa Giê-su đến để “chuộc những kẻ ở dưới luật-pháp”. (Ga-la-ti 4:4, 5) Vì vậy, đức tin nơi giá trị sự hy sinh của Đấng Christ giúp thoát khỏi sự kết án của Luật Pháp.—Ga-la-ti 5:1- 6.
Lợi ích cho chúng ta
Tại sao chúng ta nên quan tâm đến lời giải thích về câu chuyện mà Phao-lô được soi dẫn? Một lý do là vì lời ấy giúp chúng ta thông hiểu ý nghĩa của một câu chuyện trong Kinh Thánh mà lẽ ra vẫn còn mơ hồ. Lời giải thích đó cũng giúp chúng ta tin chắc rằng nội dung Kinh Thánh hoàn toàn thống nhất và hòa hợp với nhau.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.
Ngoài ra, ý nghĩa của câu chuyện tượng trưng này thiết yếu đối với hạnh phúc của chúng ta trong tương lai. Nếu không có sự xuất hiện của những con cái của Giê-ru-sa-lem trên cao, tương lai duy nhất của chúng ta là làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn đầy yêu thương của Đấng Christ và những người cùng ngài thừa kế lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham, ‘các dân thế-gian đều sẽ được phước’. (Sáng-thế Ký 22:18) Điều này sẽ được ứng nghiệm khi nhân loại vĩnh viễn thoát khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, sự bất toàn, đau khổ và sự chết. (Ê-sai 25:8, 9) Lúc ấy sẽ tuyệt vời biết bao!
[Hình nơi trang 11]
Giao ước Luật Pháp được thiết lập tại Núi Si-na-i
[Nguồn tư liệu]
Hình: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Hình nơi trang 12]
Câu ‘chuyện tượng trưng’ mà Phao-lô đề cập có ý nghĩa gì?