Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phục vụ trong hội thánh nói ngoại ngữ

Phục vụ trong hội thánh nói ngoại ngữ

Phục vụ trong hội thánh nói ngoại ngữ

SỨ ĐỒ Giăng ghi: “Tôi thấy một vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. (Khải-huyền 14:6) Để làm ứng nghiệm sự hiện thấy có tính cách tiên tri này, tin mừng về Nước Trời đang được giảng ra khắp đất bằng nhiều thứ tiếng. Di dân sống xa quê hương nằm trong số những người nói các thứ tiếng khác nhau này. Họ cũng được nghe tin mừng qua các Nhân Chứng sốt sắng học ngoại ngữ.

Bạn có ở trong số những Nhân Chứng đang phục vụ trong hội thánh nói ngoại ngữ không? Hoặc có lẽ bạn đang nghĩ đến mục tiêu này? Để thành công, bạn cần có động lực bất vị kỷ và thái độ đúng. Vì mục tiêu của bạn là giúp người khác học lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời, nên bạn có động lực đúng. Đó là động lực xuất phát từ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận. (Ma-thi-ơ 22:37-39; 1 Cô-rinh-tô 13:1) Ước muốn giúp người khác biết về Đức Chúa Trời tạo nên động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn so với sức thu hút của nền văn hóa, thức ăn và sự kết hợp với những người thuộc quốc gia hay nhóm khác. Nghĩ đến việc học một ngôn ngữ khác có làm bạn lo ngại không? Nếu thế thì có quan điểm đúng về điều này sẽ giúp bạn. Anh James, một người học tiếng Nhật, nói: “Đừng để ngôn ngữ làm bạn sợ”. Nhớ rằng nhiều người đi trước đã thành công, họ có thể giúp bạn kiên trì và giữ thái độ tích cực. Vậy làm thế nào bạn có thể học một ngôn ngữ mới? Điều gì sẽ giúp bạn hòa nhập với hội thánh nói thứ tiếng đó? Và bạn cần làm gì để được vững mạnh về thiêng liêng?

Phương pháp giúp học ngoại ngữ

Có nhiều cách để học một ngôn ngữ. Người học và người dạy thích những phương pháp khác nhau. Đối với đa số học viên, điều giúp họ học nhanh hơn và dễ hơn là tham dự những lớp do giảng viên giỏi giảng dạy. Đọc Kinh Thánh và ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh bằng thứ tiếng mới, cũng như nghe những băng đĩa thu âm, sẽ giúp bạn tạo vốn từ vựng và biết thêm từ thần quyền. Những chương trình truyền thanh, truyền hình và video với nội dung thích hợp có thể giúp bạn quen thuộc hơn với ngôn ngữ và nền văn hóa đó. Về thời gian dành cho mỗi buổi học, học một ít mỗi ngày thường có kết quả hơn là những buổi học thất thường, kéo dài làm mệt mỏi.

Học một thứ tiếng có thể được so sánh với việc học bơi. Bạn không thể học bơi chỉ bằng cách đọc sách. Bạn phải xuống nước, ngụp lặn trong đó. Đó cũng là cách học một ngôn ngữ. Học một ngôn ngữ chỉ bằng sách vở thôi thì rất khó. Bạn cần nắm mọi cơ hội để giao tiếp với người ta—nghe họ nói, đến gần để bắt chuyện và bằng mọi cách hãy tập nói! Các sinh hoạt của tín đồ Đấng Christ là cơ hội tốt để làm thế. Thông thường, bạn có thể thực tập ngay những gì mới học được khi đi rao giảng. Chị Midori đang học tiếng Trung Hoa kể lại: “Điều này có vẻ đáng sợ nhưng chủ nhà có thể thấy là các Nhân Chứng cố gắng nhiều nên họ rất cảm động. Bạn chỉ cần nói: ‘Chào anh, anh khỏe không?’ bằng ngôn ngữ của họ thì bạn sẽ thấy ánh mắt họ sáng lên!”

Những buổi họp của tín đồ Đấng Christ cũng giúp ích rất nhiều. Trong mỗi buổi họp, hãy cố gắng bình luận ít nhất một lần. Đừng quá lo dù lúc đầu bạn cảm thấy rất run. Cả hội thánh đều muốn thấy bạn thành công! Monifa, người đang học tiếng Đại Hàn, nói: “Tôi thật biết ơn chị Nhân Chứng ngồi bên cạnh tôi trong những buổi họp, chị viết cho tôi ý nghĩa của một số từ. Tình cảm nồng ấm và sự ủng hộ kiên trì của chị ấy đã giúp tôi thật nhiều”. Rồi khi vốn từ vựng của bạn phong phú hơn, bạn có thể suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới, hiểu những từ ấy tiêu biểu cho điều gì thay vì dịch từng chữ trong trí bạn.

Mục tiêu đầu tiên của bạn khi học một ngôn ngữ là phải ‘nói rõ-ràng cho người ta nghe’. (1 Cô-rinh-tô 14:8-11) Dù có những người dễ dãi, nhưng khi bạn nói sai hoặc nói không đúng giọng, người ta có thể bị sao lãng không lắng nghe thông điệp của bạn. Để ý đến cách phát âm đúng và nói đúng ngữ pháp ngay từ lúc đầu sẽ giúp bạn tránh thói quen nói sai sẽ khó sửa về sau. Anh Mark, học tiếng Swahili, đề nghị: “Hãy nhờ người thạo ngôn ngữ sửa các lỗi nặng nhất của bạn và cám ơn họ”. Tất nhiên là bạn nên quan tâm đến thì giờ và năng lực của những người giúp mình. Dù có thể nhờ một người nào đó xem lại những gì bạn làm, hãy cố gắng tự soạn bài giảng và lời bình luận bằng cách dùng những từ mà bạn đã biết hoặc mới tra cứu. Điều này sẽ giúp bạn tự tin và học nhanh hơn.

Hãy tiến tới

Monifa cho biết: “Học một ngôn ngữ là điều khó nhất trong đời tôi. Có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng tôi nhớ đến người học Kinh Thánh thích thú biết bao khi nghe lẽ thật thiêng liêng sâu xa bằng những câu nói giản dị tiếng Đại Hàn của tôi. Ngoài ra các anh chị cũng vui mừng dù tôi chỉ tiến bộ chút ít”. Điều quan trọng là đừng vội bỏ cuộc. Mục tiêu của bạn là đạt được khả năng dạy lẽ thật Kinh Thánh để có thể cứu mạng người khác. (1 Cô-rinh-tô 2:10) Vì vậy, học cách dạy Kinh Thánh bằng một thứ tiếng khác đòi hỏi một người phải tập trung và kiên trì. Khi đạt đến một trình độ nào đó, hãy tránh so sánh một cách tiêu cực sự tiến bộ của mình với người khác. Cách thức học ngôn ngữ và nhịp độ tiến bộ còn tùy thuộc vào mỗi người. Tuy nhiên, nên để ý tới mức độ tiến bộ của chính bạn. (Ga-la-ti 6:4) “Việc học ngôn ngữ như bước lên cầu thang, khi nghĩ mình đang dậm chân tại chỗ thì bạn bỗng nhận ra là mình đã tiến lên được một bậc”, đó là lời nhận xét của anh Joon, người đang học tiếng Trung Hoa.

Học một ngoại ngữ như một cuộc hành trình dài. Vì thế, hãy vui thích tham gia cuộc hành trình đó và đừng đòi hỏi mình phải đạt đến mức hoàn hảo. (Thi-thiên 100:2) Không thể tránh hết mọi sai sót vì đó là một phần trong tiến trình học tập. Khi bắt đầu rao giảng bằng tiếng Ý, một Nhân Chứng hỏi chủ nhà: “Anh có biết cây chổi của đời sống không?” Ý anh Nhân Chứng muốn nói “mục đích của đời sống”. Một Nhân Chứng mới học tiếng Ba Lan mời hội thánh hát con chó thay vì bài hát. Khi phát âm hơi trại một chút, người học tiếng Trung Hoa đã khuyến khích cử tọa đặt đức tin vào tủ sách của Chúa Giê-su thay vì giá chuộc. Nhờ những lần nói sai, bạn sẽ không bao giờ quên từ đó.

Cộng tác với hội thánh

Ngôn ngữ khác nhau không phải là yếu tố duy nhất gây chia rẽ người ta. Sự khác biệt về văn hóa, chủng tộc và quốc gia càng chia rẽ người ta nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, những rào cản này không phải là điều không thể vượt qua. Một học giả nghiên cứu về các nhóm tôn giáo nói tiếng Trung Hoa ở Châu Âu nhận xét rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là những người “vượt qua được rào cản về quốc gia”. Ông ghi nhận là trong vòng Nhân Chứng “sự khác biệt về sắc tộc là điều không đáng kể, và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để hiểu lời Đức Chúa Trời”. Áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh quả đã giúp tín đồ thật của Đấng Christ vượt qua những khác biệt về quốc gia. Đối với những người mặc lấy ‘người mới thì không còn phân-biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa’ hay người ngoại quốc.—Cô-lô-se 3:10, 11.

Vì thế, tất cả các anh chị em trong hội thánh nên cố gắng phát huy sự hợp nhất. Điều này đòi hỏi phải có quan điểm cởi mở trước lối suy nghĩ, cảm xúc và cách làm việc mới. Không quá chú trọng đến sở thích cá nhân có thể giúp bạn tránh những khác biệt gây chia rẽ. (1 Cô-rinh-tô 1:10; 9:19-23) Hãy tập yêu thích những khía cạnh hay nhất của mỗi nền văn hóa. Xin nhớ rằng tình yêu thương bất vị kỷ là bí quyết để có được mối quan hệ tốt và sự hợp nhất thật.

Hầu hết các hội thánh nói ngoại ngữ thường bắt đầu từ những nhóm nhỏ mà phần lớn là những người đang học ngoại ngữ và những người chỉ mới học các nguyên tắc Kinh Thánh. Do đó, hẳn sẽ có nhiều hiểu lầm hơn xảy ra trong nhóm nhỏ như thế so với hội thánh lớn được thành lập lâu năm. Vì vậy, những tín đồ Đấng Christ thành thục phải cố gắng làm cho hội thánh được vững vàng. Bày tỏ lòng yêu thương và nhân từ bằng cả lời nói lẫn hành động sẽ góp phần tạo môi trường lành mạnh giúp người mới có thể lớn lên về thiêng liêng.

Những người tự nguyện đến giúp hội thánh nói ngoại ngữ cũng phải thăng bằng trong việc kỳ vọng nơi người khác. Anh Rick là trưởng lão trong một hội thánh nói ngoại ngữ giải thích: “Vài người mới trở thành Nhân Chứng có thể chưa được huấn luyện kỹ lưỡng về khả năng tổ chức như những người trong hội thánh nói tiếng địa phương, nhưng bù lại họ thường hăng hái và có lòng yêu thương. Và có nhiều người chú ý đã đến với lẽ thật”. Bằng cách đều đặn có mặt và sẵn sàng giúp đỡ người khác, bạn thật sự là người hữu ích cho hội thánh, dù bạn đang học ngôn ngữ mới. Cùng sinh hoạt chung, mọi người có thể góp phần vào sự tiến bộ thiêng liêng của hội thánh.

Giữ sức khỏe thiêng liêng

Một anh mới gia nhập hội thánh nói ngoại ngữ tình cờ nghe một người mẹ giúp con soạn lời bình luận. Đứa con hỏi: “Mẹ ơi, sao không cho con nói một câu ngắn thôi?” Người mẹ đáp: “Mình nên để dành những câu trả lời ngắn cho những anh chị đang học ngôn ngữ của mình”.

Đối với một người lớn, việc không thể nói trôi chảy trong nhiều tháng hoặc ngay cả nhiều năm có thể ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, tình cảm và thiêng liêng của người đó. Chị Janet, giờ đây đã nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha, kể lại: “Tôi dễ bị chán nản vì khả năng giới hạn của mình”. Còn chị Hiroko, học tiếng Anh, nói: “Ngay cả chó, mèo trong khu vực còn hiểu tiếng Anh nhiều hơn tôi”. Và chị Kathie cho biết: “Trước khi chuyển sang hội thánh nói tiếng Tây Ban Nha, tôi từng điều khiển nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh và trong sổ rao giảng ghi đầy địa chỉ để viếng thăm lại nhưng nay thì không có cái nào. Tôi cảm thấy mình không làm được gì”.

Đó là lúc cần có thái độ lạc quan. Khi cảm thấy nản lòng, chị Hiroko lý luận: “Nếu người khác làm được thì mình cũng làm được”. Chị Kathie thì nói: “Tôi nghĩ đến chồng tôi, anh tiến bộ khả quan và phục vụ thật nhiều cho hội thánh. Điều này giúp tôi vượt qua trở ngại. Vẫn còn phải học hỏi nhiều, nhưng tôi dần dần đạt được khả năng rao giảng và dạy Kinh Thánh, điều này làm tôi sung sướng”. Chồng chị là anh Jeff nói: “Tôi cảm thấy nản lòng khi không hiểu hết các thông báo và những điều thảo luận tại buổi họp trưởng lão. Tôi phải thành thật, khiêm nhường hỏi lại, và các anh rất sẵn sàng giúp tôi”.

Để tránh bị kiệt sức về thiêng liêng khi sinh hoạt với hội thánh nói ngoại ngữ, bạn cần đặt “nhu cầu thiêng liêng” của mình lên hàng ưu tiên. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Anh Kazuyuki, nhiều năm rao giảng trong cánh đồng tiếng Bồ Đào Nha, nói: “Chế độ dinh dưỡng đầy đủ về thiêng liêng là điều thật quan trọng. Đó là lý do gia đình chúng tôi cùng nhau học và chuẩn bị cho buổi họp bằng ngôn ngữ của chúng tôi đồng thời cũng bằng tiếng Bồ Đào Nha”. Một số người thỉnh thoảng đi dự nhóm họp trong ngôn ngữ của họ. Ngoài ra, nghỉ ngơi đầy đủ cũng là điều trọng yếu.—Mác 6:31.

Tính phí tổn

Nếu dự định chuyển sang hội thánh nói thứ tiếng khác, bạn cần phải “tính phí tổn” của việc đó. (Lu-ca 14:28) Về phương diện này, điều quan trọng nhất phải cần nghĩ đến là sức khỏe thiêng liêng và mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va. Đừng quên cầu nguyện khi xem xét hoàn cảnh của bạn. Hãy nghĩ đến người hôn phối và con cái của bạn. Bạn nên tự hỏi: “Tôi có hoàn cảnh, sức khỏe thiêng liêng và tinh thần đủ mạnh để làm một việc lâu dài như thế không?” Làm điều có lợi nhất về thiêng liêng cho bạn và gia đình là đường lối hành động khôn ngoan. Là người công bố Nước Trời, còn nhiều việc bạn có thể làm mà vẫn được nhiều niềm vui dù bạn phục vụ ở đâu đi nữa.

Những anh chị phục vụ trong hội thánh nói ngoại ngữ nhận được nhiều phần thưởng lớn. Chị Barbara, cùng chồng chuyển sang hội thánh tiếng Tây Ban Nha, tâm sự: “Điều này làm tôi vui sướng nhất như thể vào lẽ thật một lần nữa. Tôi rất biết ơn là mình có được cơ hội này, nhất là khi chúng tôi không thể làm giáo sĩ tại một xứ khác”.

Khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn người rất bình thường, thuộc mọi lứa tuổi, đã nhận lấy thách đố học một thứ tiếng khác nhằm đẩy mạnh công việc rao giảng tin mừng. Nếu bạn ở trong số đó, hãy giữ động lực trong sạch và thái độ tích cực. Nhưng trên hết, hãy tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho bạn.—2 Cô-rinh-tô 4:7.

[Hình nơi trang 18]

Điều giúp bạn học nhanh hơn và dễ hơn là tham dự những lớp ngôn ngữ do giảng viên giỏi giảng dạy

[Hình nơi trang 20]

Không nên để cho sức khỏe thiêng liêng giảm sút khi bạn học ngôn ngữ khác