Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy đi đào tạo môn đồ và làm báp têm cho họ

Hãy đi đào tạo môn đồ và làm báp têm cho họ

Hãy đi đào tạo môn đồ và làm báp têm cho họ

“Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân [“đào tạo môn đồ”, “NW”],... làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

1. Dưới chân Núi Si-na-i, dân Y-sơ-ra-ên đã tuyên hứa điều gì?

CÁCH đây khoảng 3.500 năm, dân Y-sơ-ra-ên tụ họp dưới chân Núi Si-na-i, và tất cả đã đồng thanh hứa nguyện với Đức Chúa Trời: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn”. Kể từ giờ phút ấy, dân Y-sơ-ra-ên trở thành một dân dâng mình cho Đức Chúa Trời, họ “thuộc riêng về [Ngài]”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 8; 24:3) Họ trông mong được Đức Chúa Trời che chở và được sống trong một xứ “đượm sữa và mật” từ đời này sang đời khác.—Lê-vi Ký 20:24.

2. Ngày nay, dân các nước có thể có mối quan hệ nào với Đức Chúa Trời?

2 Tuy nhiên, như một người viết Thi-thiên là A-sáp đã thừa nhận, dân Y-sơ-ra-ên “không gìn-giữ giao-ước của Đức Chúa Trời, cũng không chịu đi theo luật-pháp Ngài”. (Thi-thiên 78:10) Họ không vâng giữ lời mà tổ phụ họ đã hứa nguyện với Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, cả nước đã mất mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời. (Truyền-đạo 5:4; Ma-thi-ơ 23:37, 38) Do đó, Đức Chúa Trời “đã đoái-thương người ngoại, đặng từ đó lấy ra một dân để dâng cho danh Ngài”. (Công-vụ 15:14) Và trong những ngày sau rốt này, Ngài thu nhóm “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Họ vui mừng công nhận: “Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con”.—Khải-huyền 7:9, 10.

3. Một người phải làm gì để có mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời?

3 Muốn có mặt trong vòng những người có mối quan hệ quý báu với Đức Chúa Trời, một người phải dâng mình cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng điều đó bằng cách làm báp têm dưới nước. Khi làm thế, chúng ta vâng theo lời Chúa Giê-su trực tiếp truyền dặn các môn đồ: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân [“đào tạo môn đồ”, NW], hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Dân Y-sơ-ra-ên được nghe đọc “quyển sách giao-ước”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3, 7, 8) Vì vậy họ hiểu bổn phận đối với Đức Giê-hô-va. Ngày nay cũng thế, trước khi làm báp têm, một người cần hiểu biết chính xác về ý muốn của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh.

4. Một người phải làm gì để hội đủ điều kiện làm báp têm? (Xin xem khung ở trên).

4 Rõ ràng là Chúa Giê-su muốn các môn đồ có đức tin dựa trên nền tảng vững chắc trước khi làm báp têm. Ngài truyền dặn những người theo ngài không những chỉ đi đào tạo môn đồ mà còn phải dạy người ta ‘giữ hết mọi điều mà ngài đã truyền’. (Ma-thi-ơ 7:24, 25; Ê-phê-sô 3:17-19) Do đó, những người hội đủ điều kiện làm báp têm thường đã học Kinh Thánh nhiều tháng hay một, hai năm rồi, vì vậy họ không quyết định vội vã hay thiếu hiểu biết. Ngay trước khi báp têm, các ứng viên trả lời khẳng định cho hai câu hỏi căn bản. Vì Chúa Giê-su nhấn mạnh đến việc giữ lời hứa, nên điều hữu ích là tất cả chúng ta nên ôn lại kỹ càng ý nghĩa của hai câu hỏi báp têm ấy.—Ma-thi-ơ 5:37.

Ăn năn và dâng mình

5. Câu hỏi đầu nhấn mạnh hai bước căn bản nào?

5 Câu đầu tiên hỏi rằng ứng viên báp têm đã ăn năn về lối sống cũ và dâng mình cho Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn Ngài chưa. Câu hỏi này nhấn mạnh đến hai bước quan trọng cần phải thực hiện trước khi báp têm, đó là ăn năn và dâng mình.

6, 7. (a) Tại sao tất cả ứng viên báp têm cần phải ăn năn? (b) Sau khi ăn năn, một người phải có những thay đổi nào?

6 Tại sao một người phải ăn năn trước khi làm báp têm? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư-dục xác-thịt mình”. (Ê-phê-sô 2:3) Trước khi có sự hiểu biết chính xác về ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta sống theo thế gian, theo giá trị và tiêu chuẩn của đời này. Chúng ta sống dưới sự kiểm soát của Sa-tan, chúa đời này. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Tuy nhiên, khi biết ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta quyết tâm ‘không theo những sự người ta ưa-thích, nhưng theo ý-muốn Đức Chúa Trời’.—1 Phi-e-rơ 4:2.

7 Lối sống mới này đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, nó giúp một người có mối quan hệ quý báu với Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít đã ví việc có mối quan hệ này giống như được mời vào “đền-tạm” và “núi thánh” của Đức Chúa Trời. Quả là một đặc ân vô cùng lớn lao! (Thi-thiên 15:1) Điều hợp lý là Đức Giê-hô-va không mời bất cứ người nào, mà chỉ mời những người “đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình, và nói chân-thật trong lòng mình”. (Thi-thiên 15:2) Tùy hoàn cảnh trước khi chúng ta học lẽ thật, sống phù hợp với những đòi hỏi này của Kinh Thánh có nghĩa là chúng ta phải thay đổi hạnh kiểm cũng như nhân cách. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11; Cô-lô-se 3:5-10) Động lực khiến một người thay đổi là tấm lòng ăn năn—ân hận về lối sống trước kia và cương quyết làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Điều này dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn, tức là từ bỏ lối sống ích kỷ theo thế gian và theo đuổi đường lối làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.—Công-vụ 3:19.

8. Chúng ta dâng mình bằng cách nào, và dâng mình có quan hệ thế nào đến phép báp têm?

8 Vế sau của câu hỏi đầu tiên yêu cầu ứng viên báp têm cho biết họ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va để làm ý muốn Ngài chưa. Sự dâng mình là bước cần thiết phải thực hiện trước khi báp têm. Khi cầu nguyện để dâng mình, chúng ta nói lên nguyện vọng dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va qua trung gian Đấng Christ. (Rô-ma 14:7, 8; 2 Cô-rinh-tô 5:15) Lúc ấy, Đức Giê-hô-va trở thành Chủ chúng ta, và như Chúa Giê-su, chúng ta vui mừng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 40:8; Ê-phê-sô 6:6) Chúng ta trang nghiêm hứa điều này với Đức Giê-hô-va chỉ một lần. Tuy nhiên, vì chúng ta dâng mình qua lời cầu nguyện riêng, nên việc “xưng nhận Ngài” công khai vào lúc làm báp têm là để cho những người khác biết rằng chúng ta đã trang trọng dâng mình cho Cha trên trời.—Rô-ma 10:10, Bản Diễn Ý.

9, 10. (a) Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời bao hàm điều gì? (b) Ngay cả những viên chức Quốc Xã cũng hiểu thế nào về việc chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời?

9 Việc noi gương Chúa Giê-su để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời bao hàm điều gì? Chúa Giê-su phán cùng môn đồ: “Nếu ai muốn theo ta thì phải quên mình, vác cây khổ hình mình mà theo ta luôn luôn”. (Ma-thi-ơ 16:24, NW) Qua câu này, ngài nêu rõ ba điều chúng ta phải làm. Trước hết, chúng ta “quên mình”. Nói cách khác, chúng ta phải từ bỏ khuynh hướng ích kỷ, bất toàn và vâng theo lời khuyên cùng sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta “vác cây khổ hình” của mình. Vào thời Chúa Giê-su, cây khổ hình tượng trưng sự nhục nhã và khổ sở. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải chấp nhận chịu khổ vì tin mừng. (2 Ti-mô-thê 1:8) Dù bị thế gian chế giễu hoặc sỉ nhục, nhưng noi gương Đấng Christ chúng ta “khinh điều sỉ-nhục”, và vui mừng khi biết rằng mình làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 12:2) Cuối cùng, chúng ta theo bước Chúa Giê-su “luôn luôn”.—Thi-thiên 73:26; 119:44; 145:2.

10 Điều đáng chú ý là ngay cả một số người chống đối chúng ta cũng hiểu rằng Nhân Chứng Giê-hô-va dâng mình phụng sự chỉ một mình Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, trong trại tập trung Buchenwald ở Quốc Xã, những Nhân Chứng nào không chịu từ bỏ đức tin bị buộc phải ký tên vào bản khai báo được in sẵn như sau: “Tôi vẫn là Học Viên Kinh Thánh trung thành và sẽ không bao giờ từ bỏ lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va”. Chắc chắn điều này cho thấy rõ thái độ của tất cả tôi tớ trung thành đã dâng mình cho Đức Chúa Trời.—Công-vụ 5:32.

Được nhận biết là Nhân Chứng Giê-hô-va

11. Người làm báp têm có đặc ân nào?

11 Câu hỏi thứ hai hỏi rằng trước hết, ứng viên có hiểu việc báp têm xác nhận mình là Nhân Chứng Giê-hô-va không. Sau khi báp têm, người ấy trở thành người truyền giáo được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm và mang danh Ngài. Đây là một đặc ân lớn, đồng thời là một trách nhiệm hệ trọng. Người đã báp têm cũng có triển vọng được cứu rỗi muôn đời, với điều kiện là phải trung thành với Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 24:13.

12. Bổn phận nào đi đôi với vinh dự được mang danh Đức Giê-hô-va?

12 Chắc chắn là một vinh dự đặc biệt để mang danh Đức Chúa Trời toàn năng, Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri Mi-chê nói: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi-chê 4:5) Tuy nhiên, vinh dự này đi đôi với bổn phận. Chúng ta phải cố gắng sống một đời sống đem lại vinh hiển cho danh mà chúng ta mang. Như Phao-lô nhắc nhở tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma, nếu một người không thực hành những gì mình giảng thì danh Đức Chúa Trời sẽ bị “nói phạm” hoặc mang tiếng xấu.—Rô-ma 2:21-24.

13. Tại sao những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va có trách nhiệm làm chứng về Ngài?

13 Khi một người trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va người ấy cũng lãnh nhận trách nhiệm làm chứng về Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va muốn dân Y-sơ-ra-ên đã dâng mình cho Ngài trở thành những người làm chứng cho cương vị Đức Chúa Trời muôn đời của Ngài. (Ê-sai 43:10-12, 21) Nhưng dân tộc ấy không làm tròn vai trò này và cuối cùng họ mất hết ân huệ của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, các tín đồ Đấng Christ chân chính hãnh diện vì có đặc ân được làm chứng về Đức Giê-hô-va. Chúng ta làm thế vì yêu thương Ngài, và mong muốn danh Ngài được nên thánh. Làm sao chúng ta có thể im lặng khi biết được lẽ thật về Cha trên trời cùng với ý định của Ngài? Chúng ta có cùng cảm nghĩ như sứ đồ Phao-lô khi ông nói: “Vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay”.—1 Cô-rinh-tô 9:16.

14, 15. (a) Tổ chức Đức Giê-hô-va giúp chúng ta thế nào để tiến bộ về thiêng liêng? (b) Chúng ta được cung cấp những gì để giúp mình về thiêng liêng?

14 Câu hỏi thứ hai cũng nhắc ứng viên về trách nhiệm hợp tác với tổ chức được thánh linh Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Chúng ta không phụng sự Đức Chúa Trời một mình mà cần sự giúp đỡ và khích lệ của đoàn thể anh em. (1 Phi-e-rơ 2:17; 1 Cô-rinh-tô 12:12, 13) Tổ chức Đức Giê-hô-va đóng vai trò trọng yếu trong việc giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng. Tổ chức ấy cung cấp rất nhiều ấn phẩm về Kinh Thánh, nhờ đó chúng ta có thêm sự hiểu biết chính xác, hành động khôn ngoan khi đối phó với những vấn đề khó khăn và vun trồng mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời. Như người mẹ lo sao cho con được no ấm và chăm sóc kỹ lưỡng, thì “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cũng cung cấp dư dật đồ ăn thiêng liêng đúng giờ để giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 24:45-47; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8.

15 Vào những buổi họp hàng tuần, dân Đức Chúa Trời nhận được sự huấn luyện và khích lệ cần thiết để làm Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Trường Thánh Chức Thần Quyền dạy chúng ta biết cách ăn nói trước công chúng, và Buổi Họp Công Tác huấn luyện chúng ta trình bày thông điệp một cách hữu hiệu. Khi dự các buổi họp và tự mình học hỏi các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, chúng ta có thể nghiệm thấy thánh linh của Đức Giê-hô-va hoạt động, hướng dẫn tổ chức của Ngài. Đều đặn qua các buổi họp và ấn phẩm, Đức Chúa Trời cảnh giác chúng ta về những mối nguy cơ, huấn luyện chúng ta trở thành những người rao giảng hữu hiệu, và giúp chúng ta giữ mình tỉnh thức về thiêng liêng.—Thi-thiên 19:7, 8, 11; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6, 11; 1 Ti-mô-thê 4:13.

Động lực nằm sau việc quyết định báp têm

16. Điều gì thúc đẩy chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

16 Vì vậy, hai câu hỏi báp têm nhắc nhở các ứng viên về ý nghĩa của việc báp têm trong nước và trách nhiệm đi kèm theo hành động này. Thế thì điều gì thúc đẩy họ quyết định làm báp têm? Chúng ta báp têm để trở thành môn đồ, không phải vì người khác ép mình, nhưng vì được Đức Giê-hô-va “kéo” đến. (Giăng 6:44) Vì “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, Ngài cai trị vũ trụ bằng tình yêu thương chứ không phải bằng sự ép buộc. (1 Giăng 4:8) Chúng ta được kéo đến, hoặc thu hút đến với Đức Giê-hô-va vì những đức tính nhân từ của Ngài và qua cách Ngài cư xử với chúng ta. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta Con một của Ngài và một tương lai tốt nhất. (Giăng 3:16) Vì thế mà chúng ta được thúc đẩy để dâng đời sống cho Ngài.—Châm-ngôn 3:9; 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15.

17. Chúng ta không dâng mình cho điều gì?

17 Chúng ta dâng mình cho chính Đức Giê-hô-va, chứ không phải cho một lý tưởng hay việc làm. Công việc mà Đức Chúa Trời muốn dân Ngài làm sẽ thay đổi, nhưng việc họ dâng mình cho Ngài thì không thay đổi. Chẳng hạn, những gì Ngài bảo Áp-ra-ham làm rất khác với điều Ngài bảo Giê-rê-mi làm. (Sáng-thế Ký 13:17, 18; Giê-rê-mi 1:6, 7) Thế nhưng, cả hai đều thực hiện công việc đặc biệt mà Đức Chúa Trời giao phó cho họ vì họ yêu thương Đức Giê-hô-va và ao ước làm theo ý muốn của Ngài một cách trung thành. Trong thời kỳ cuối cùng này, tất cả môn đồ đã báp têm của Đấng Christ đều cố gắng thực hiện mệnh lệnh của ngài là rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Hết lòng làm công việc này là một cách tốt để chúng ta bày tỏ lòng yêu thương đối với Cha trên trời và cho thấy chúng ta thật sự dâng mình cho Ngài.—1 Giăng 5:3.

18, 19. (a) Qua việc làm báp têm, chúng ta công bố điều gì? (b) Bài tới sẽ xem xét những câu hỏi nào?

18 Chắc chắn phép báp têm cho chúng ta cơ hội nhận được nhiều ân phước. Tuy nhiên, đó không phải là một điều mà chúng ta xem nhẹ. (Lu-ca 14:26-33) Hành động ấy cho thấy chúng ta quyết tâm xem điều này quan trọng hơn bất cứ trách nhiệm nào khác. (Lu-ca 9:62) Làm báp têm tức là chúng ta công khai tuyên bố: “Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô-cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết”.—Thi-thiên 48:14.

19 Bài tới sẽ xem xét những câu hỏi khác có thể được nêu ra liên quan đến việc báp têm. Có lý do nào chính đáng khiến cho một người ngần ngại làm báp têm không? Có cần xem xét tuổi tác không? Làm sao tất cả có thể cho thấy họ xem đây là một dịp trang nghiêm?

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao mỗi người cần phải ăn năn trước khi làm báp têm để trở thành tín đồ Đấng Christ?

• Dâng mình cho Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

• Niềm vinh dự được mang danh Đức Giê-hô-va đi kèm với những trách nhiệm nào?

• Điều gì thúc đẩy chúng ta quyết định làm báp têm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 22]

Hai câu hỏi báp têm

Dựa trên đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, anh chị đã ăn năn tội lỗi và dâng mình cho Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn của Ngài chưa?

Anh chị có hiểu việc dâng mình và làm báp têm xác nhận anh chị là Nhân Chứng Giê-hô-va, thuộc tổ chức được thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn không?

[Hình nơi trang 23]

Dâng mình là trang nghiêm hứa với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện

[Hình nơi trang 25]

Chúng ta thể hiện sự dâng mình cho Đức Chúa Trời qua việc rao giảng