Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hội đủ điều kiện làm báp têm

Hội đủ điều kiện làm báp têm

Hội đủ điều kiện làm báp têm

“Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?”—CÔNG-VỤ 8:36.

1, 2. Làm sao Phi-líp gợi chuyện với vị quan người Ê-thi-ô-bi, và điều gì chứng tỏ ông thiên về điều thiêng liêng?

MỘT hoặc hai năm sau khi Chúa Giê-su chết, một ông quan đi từ thành Giê-ru-sa-lem về hướng nam đến Ga-xa. Đây là cuộc hành trình mệt nhọc bằng xe ngựa khoảng một ngàn dặm. Vị quan sùng đạo này từ mãi tận Ê-thi-ô-bi đi tới Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trên con đường xa xôi trở về, ông khôn ngoan tận dụng thì giờ đọc Lời Đức Chúa Trời. Điều đó chứng tỏ ông là người có đức tin. Đức Giê-hô-va lưu ý đến người có lòng thành này, và qua một thiên sứ, Ngài hướng dẫn môn đồ Phi-líp đến rao giảng cho ông.—Công-vụ 8:26-28.

2 Phi-líp gợi chuyện với ông quan này một cách dễ dàng vì ông đang đọc lớn tiếng, ấy là thói quen của những người thời bấy giờ. Vì vậy, Phi-líp nghe ông đang đọc cuộn sách Ê-sai. Phi-líp hỏi một câu đơn giản gợi cho ông chú ý: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?” Câu hỏi này dẫn đến cuộc thảo luận về Ê-sai 53:7, 8. Cuối cùng, Phi-líp “rao-giảng Đức Chúa Jêsus cho người”.—Công-vụ 8:29-35.

3, 4. (a) Tại sao Phi-líp không chần chừ làm báp têm cho ông quan Ê-thi-ô-bi? (b) Bây giờ chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Trong khoảng thời gian ngắn, vị quan này hiểu được vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời, cũng như việc cần phải trở thành môn đồ của Đấng Christ. Khi thấy ao nước gần đó, ông hỏi Phi-líp: “Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” Dĩ nhiên đây là một trong những trường hợp đặc biệt. Vị quan này là người có đức tin, đã thờ phượng Đức Chúa Trời vì là người nhập đạo Do Thái. Và có lẽ ông sẽ phải chờ một thời gian lâu mới có một dịp khác để làm báp têm. Quan trọng hơn, ông hiểu được những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi và muốn hết lòng hưởng ứng. Phi-líp vui lòng làm theo yêu cầu của ông. Sau khi báp têm, ông tiếp tục “hớn-hở đi đường”. Chắc hẳn ông trở thành người rao giảng tin mừng sốt sắng khi trở về quê nhà.—Công-vụ 8:36-39.

4 Chúng ta không nên xem nhẹ việc dâng mình và báp têm hay là làm vội vàng thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, trường hợp của ông quan người Ê-thi-ô-bi cho thấy có những trường hợp, một số người làm báp têm chỉ ít lâu sau khi nghe lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. * Vì vậy, việc xem xét những câu hỏi sau đây thật thích hợp: Một người nên chuẩn bị thế nào trước khi báp têm? Trong trường hợp nào cần phải xem xét tuổi tác? Một người phải có sự tiến bộ thiêng liêng như thế nào trước khi được báp têm? Điều quan trọng hơn hết là tại sao Đức Giê-hô-va đòi hỏi tôi tớ Ngài làm báp têm?

Một sự hứa nguyện trang nghiêm

5, 6. (a) Trong quá khứ, dân Đức Chúa Trời đáp lại tình yêu thương của Ngài như thế nào? (b) Một khi đã báp têm, chúng ta có thể có mối quan hệ mật thiết nào với Đức Chúa Trời?

5 Sau khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va cho họ cơ hội “thuộc riêng về [Ngài]”, yêu thương và che chở họ, đồng thời lập họ thành “dân-tộc thánh”. Tuy nhiên, muốn nhận được ân phước đó, dân ấy phải đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách cụ thể. Họ đã hưởng ứng bằng cách hứa nguyện làm “mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” và lập một giao ước với Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4-9) Vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su truyền các môn đồ đi đào tạo dân khắp mọi nước trở thành môn đồ ngài, và những người chấp nhận lời dạy của ngài làm báp têm. Muốn có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, một người phải có đức tin nơi Chúa Giê-su Christ và sau đó làm báp têm.—Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ 2:38, 41.

6 Qua những lời tường thuật này, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho những người trang nghiêm hứa nguyện phụng sự Ngài và cố gắng giữ lời hứa ấy. Đối với tín đồ Đấng Christ, sự dâng mình và báp têm là những bước cần thiết để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cương quyết theo sát đường lối Ngài và tìm sự hướng dẫn của Ngài. (Thi-thiên 48:14) Kết quả là, nói theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va sẽ nắm tay và dẫn chúng ta đi trên con đường đúng.—Thi-thiên 73:23; Ê-sai 30:21; 41:10, 13.

7. Tại sao việc dâng mình và làm báp têm là quyết định cá nhân?

7 Khi thực hiện những bước này, chúng ta phải có động lực xuất phát từ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và mong muốn phụng sự Ngài. Một người không nên báp têm chỉ vì người khác bảo là mình học lâu rồi, hay là vì bạn bè của mình sắp báp têm. Tất nhiên, cha mẹ và các tín đồ thành thục nên khuyến khích người ấy nghĩ đến việc dâng mình và báp têm. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên những người nghe ông giảng vào Lễ Ngũ Tuần “chịu phép báp-têm”. (Công-vụ 2:38) Tuy vậy, việc dâng mình là quyết định cá nhân, và không ai có thể làm điều đó thay mình. Chúng ta phải tự quyết định làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 40:8.

Chuẩn bị đầy đủ để báp têm

8, 9. (a) Tại sao việc làm báp têm cho em bé không phù hợp với Kinh Thánh? (b) Những người trẻ phải có sự tiến bộ nào về thiêng liêng trước khi báp têm?

8 Trẻ em có đủ trí khôn để tự quyết định dâng mình không? Kinh Thánh không đòi hỏi đến tuổi nào mới được báp têm. Tuy nhiên, một em bé chắc chắn không thể tin đạo, hoặc biết quyết định dựa trên đức tin và dâng mình cho Đức Chúa Trời. (Công-vụ 8:12) Trong sách của sử gia Augustus Neander về lịch sử đạo Đấng Christ (General History of the Christian Religion and Church), ông nói về các tín đồ thời thế kỷ thứ nhất: “Ban đầu người ta chỉ làm báp têm cho người lớn, vì họ thường hiểu việc báp têm liên quan chặt chẽ với đức tin”.

9 Trong trường hợp của những người trẻ, một số có thể hiểu những điều thiêng liêng lúc còn nhỏ tuổi trong khi một số khác thì lớn hơn mới hiểu. Tuy nhiên, trước khi báp têm, người trẻ—như trong trường hợp của người lớn—phải có mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va, hiểu biết chính xác giáo lý cơ bản của Kinh Thánh và hiểu rõ ý nghĩa của việc dâng mình.

10. Một người cần phải làm gì trước khi dâng mình và báp têm?

10 Chúa Giê-su bảo các môn dồ dạy những người mới tất cả mọi điều ngài đã truyền. (Ma-thi-ơ 28:20) Vậy, những người mới trước hết cần sự hiểu biết chính xác về lẽ thật, nhờ vậy họ mới tăng thêm đức tin nơi Đức Giê-hô-va và Lời Ngài. (Rô-ma 10:17; 1 Ti-mô-thê 2:4; Hê-bơ-rơ 11:6) Kế đến, Kinh Thánh tác động đến lòng họ, khiến họ ăn năn từ bỏ lối sống trước kia. (Công-vụ 3:19) Cuối cùng, họ đến giai đoạn muốn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm, như Chúa Giê-su đã phán dạy.

11. Trước khi báp têm, tại sao tham gia đều đặn vào việc rao giảng là điều quan trọng?

11 Một bước quan trọng khác trước khi tiến tới báp têm là tham gia vào việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. Đây là công việc chính mà Đức Giê-hô-va giao phó cho dân Ngài trong thời kỳ cuối cùng này. (Ma-thi-ơ 24:14) Nhờ vậy, những người công bố chưa báp têm có được niềm vui nói với người khác về đức tin của họ. Tham gia vào công việc này cũng giúp họ rao giảng một cách sốt sắng và đều đặn sau khi báp têm.—Rô-ma 10:9, 10, 14, 15.

Có điều gì ngăn cản bạn làm báp têm không?

12. Điều gì có thể khiến một số người không muốn báp têm?

12 Một số người không làm báp têm vì họ ngần ngại nhận lãnh trách nhiệm. Họ biết rằng, để hội đủ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, họ sẽ phải thay đổi nhiều trong đời sống. Hoặc có thể họ sợ khó sống theo những đòi hỏi của Đức Chúa Trời sau khi báp têm. Một số người thậm chí lý luận: “Tôi sợ sẽ có ngày mình phạm tội và rồi bị khai trừ khỏi hội thánh”.

13. Vào thời Chúa Giê-su, những điều gì đã cản trở một số người trở thành môn đồ ngài?

13 Vào thời Chúa Giê-su, một số người để những quyền lợi cá nhân và tình cảm gia đình cản trở họ trở thành môn đồ ngài. Một thầy thông giáo nói với Chúa Giê-su là sẽ theo ngài đi bất cứ nơi nào. Nhưng Chúa Giê-su nói là nhiều khi ngài không có ngay cả một chỗ để ngủ đêm. Khi Chúa Giê-su gọi một người khác để theo ngài, người này đáp rằng cần phải “chôn” cha mình trước đã. Chắc hẳn người ấy muốn ở nhà đợi đến khi cha qua đời thay vì đi theo Chúa Giê-su ngay lúc đó, rồi chừng nào chuyện đó đến thì sẽ tính. Cuối cùng, một người thứ ba nói rằng trước khi theo Chúa Giê-su người ấy phải “từ-giã” người nhà. Chúa Giê-su miêu tả sự chần chừ đó như là “ngó lại đằng sau”. Do đó, dường như những người muốn chần chừ sẽ luôn luôn tìm cớ để lẩn tránh trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ.—Lu-ca 9:57-62.

14. (a) Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng phản ứng thế nào khi Chúa Giê-su gọi họ để “đánh lưới người”? (b) Tại sao chúng ta không nên chần chừ gánh lấy ách của Chúa Giê-su?

14 Trường hợp của Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng thì trái ngược hẳn. Khi Chúa Giê-su gọi họ đi theo ngài để “đánh lưới người”, Kinh Thánh nói: “Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài”. (Ma-thi-ơ 4:19-22) Khi nhanh chóng quyết định như thế, chính họ cảm nghiệm được những gì sau này Chúa Giê-su nói với họ: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. (Ma-thi-ơ 11:29, 30) Dù việc báp têm đi kèm với trách nhiệm, Chúa Giê-su cam đoan với chúng ta là trách nhiệm ấy không nặng nề, đồng thời còn dễ chịu và khiến chúng ta thoải mái.

15. Qua gương của Môi-se và Giê-rê-mi, chúng ta có thể tin cậy là sẽ nhận được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời như thế nào?

15 Dĩ nhiên, cảm thấy không đủ khả năng đảm nhận trách nhiệm là chuyện bình thường. Cả Môi-se lẫn Giê-rê-mi mới đầu cũng có cảm giác này khi được Đức Giê-hô-va giao phó trách nhiệm. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11; Giê-rê-mi 1:6) Đức Chúa Trời đã trấn an họ như thế nào? Ngài phán với Môi-se: “Ta sẽ ở cùng ngươi”, và Ngài cũng hứa với Giê-rê-mi: “Ta ở với ngươi đặng giải-cứu ngươi”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:12; Giê-rê-mi 1:8) Chúng ta cũng có thể tin tưởng nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Ngài có thể giúp chúng ta dứt bỏ những nghi ngờ mãi lởn vởn trong trí là không biết mình có thể sống phù hợp với sự dâng mình hay không. Sứ đồ Giăng viết: “Quyết chẳng có điều sợ-hãi trong sự yêu-thương, nhưng sự yêu-thương trọn-vẹn thì cắt-bỏ sự sợ-hãi”. (1 Giăng 4:18) Một đứa trẻ có thể sợ khi đi bộ một mình, nhưng em sẽ tự tin khi nắm lấy tay cha. Cũng vậy, nếu hết lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài hứa ‘chỉ-dẫn các nẻo của chúng ta’ khi chúng ta bước đi bên cạnh Ngài.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Một dịp trang nghiêm

16. Tại sao phải trầm cả người xuống nước khi báp têm?

16 Trước khi nghi thức báp têm diễn ra, thường có một bài giảng dựa trên Kinh Thánh để giải thích tầm quan trọng phép báp têm của tín đồ Đấng Christ. Vào cuối bài giảng, các ứng viên được hỏi để công khai tuyên bố đức tin bằng cách trả lời hai câu hỏi báp têm. (Rô-ma 10:10; xin xem khung trang 22). Sau đó, các ứng viên sẽ được trầm người dưới nước, theo gương của chính Chúa Giê-su. Kinh Thánh cho biết rằng sau khi báp têm, Chúa Giê-su “ra khỏi nước” hoặc “lên khỏi nước”. (Ma-thi-ơ 3:16; Mác 1:10) Rõ ràng là Giăng Báp-tít đã nhận cả người Chúa Giê-su xuống nước. * Trầm cả người dưới nước biểu trưng thích hợp cho việc chúng ta thay đổi cuộc sống một cách đáng kể—như thể chúng ta chết, tức là vĩnh viễn từ bỏ lối sống cũ và sống một đời sống mới để phụng sự Đức Chúa Trời.

17. Các ứng viên báp têm và người quan sát có thể biểu lộ lòng tôn trọng đối với dịp trang nghiêm này như thế nào?

17 Phép báp têm là một dịp trang nghiêm và vui mừng. Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su đang cầu nguyện khi Giăng nhận ngài xuống Sông Giô-đanh. (Lu-ca 3:21, 22) Phù hợp với gương này, các ứng viên báp têm ngày nay nên biểu lộ hạnh kiểm thích hợp. Và vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta phải ăn mặc khiêm tốn mỗi ngày, vậy chắc hẳn chúng ta cần phải làm theo lời khuyên này nhiều hơn nữa trong ngày mình báp têm! (1 Ti-mô-thê 2:9) Những người quan sát cũng nên tỏ thái độ tôn trọng bằng cách chăm chú lắng nghe bài diễn văn báp têm và đứng xem một cách trật tự những gì diễn ra.—1 Cô-rinh-tô 14:40.

Ân phước dành cho những môn đồ đã báp têm

18, 19. Báp têm đem lại những đặc ân và ân phước nào?

18 Một khi đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp têm, chúng ta được gia nhập một gia đình đặc biệt. Trước tiên là Đức Giê-hô-va trở thành Cha và Bạn của chúng ta. Trước khi báp têm, chúng ta xa cách với Đức Chúa Trời; bây giờ chúng ta được hòa thuận với Ngài. (2 Cô-rinh-tô 5:19; Cô-lô-se 1:20) Qua sự hy sinh của Đấng Christ, chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời và Ngài đến gần chúng ta. (Gia-cơ 4:8) Nhà tiên tri Ma-la-chi giải thích rằng Đức Giê-hô-va chú ý lắng nghe những người dùng và mang danh Ngài, và Ngài viết tên họ trong sách để ghi nhớ. Đức Chúa Trời phán: “Những kẻ ấy sẽ thuộc về ta”, và “ta sẽ tiếc [“thương xót”, Nguyễn Thế Thuấn] chúng nó như một người tiếc con trai mình hầu-việc mình”.—Ma-la-chi 3:16-18.

19 Khi báp têm, chúng ta cũng được gia nhập đoàn thể anh em quốc tế. Khi sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Chúa Giê-su là môn đồ ngài sẽ nhận được ân phước nào nếu phải hy sinh những điều nào đó, ngài hứa: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời”. (Ma-thi-ơ 19:29) Nhiều năm sau, Phi-e-rơ viết về “đoàn thể anh em” đã tăng thêm trên “khắp thế-gian”. Chính Phi-e-rơ cũng đã cảm nghiệm được sự giúp đỡ và lợi ích đến từ một đoàn thể anh em yêu thương, và chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được điều ấy.—1 Phi-e-rơ 2:17, NW; 5:9.

20. Khi báp têm, chúng ta có được triển vọng tuyệt diệu nào?

20 Ngoài ra, Chúa Giê-su nói rằng những người theo ngài sẽ “được hưởng sự sống đời đời”. Thật vậy, việc dâng mình và báp têm cho chúng ta triển vọng “cầm lấy sự sống thật”—sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (1 Ti-mô-thê 6:19) Còn có nền tảng nào tốt hơn cho tương lai mà chúng ta có thể xây cho chính mình và gia đình không? Triển vọng tuyệt diệu này sẽ cho chúng ta cơ hội “bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!”—Mi-chê 4:5.

[Chú thích]

^ đ. 4 Ba ngàn người Do Thái và người cải đạo đã nghe Phi-e-rơ giảng vào ngày Lễ Ngũ Tuần cũng đã chịu báp têm ngay trong ngày ấy. Dĩ nhiên, như hoạn quan người Ê-thi-ô-bi, họ đã biết rõ những dạy dỗ và nguyên tắc căn bản trong Lời Đức Chúa Trời.—Công-vụ 2:37-41.

^ đ. 16 Chữ Hy Lạp baʹpti·sma (báp têm) có nghĩa là “việc nhúng, dìm và trồi lên khỏi nước”, theo Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words.

Bạn có thể giải thích không?

• Bằng cách nào và tại sao chúng ta nên đáp lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

• Trước khi báp têm, một người phải có tiến bộ nào về thiêng liêng?

• Tại sao chúng ta không nên để cảm giác sợ thất bại hay ngại nhận trách nhiệm cản trở mình làm báp têm?

• Sau khi báp têm, môn đồ của Chúa Giê-su Christ có thể hưởng những ân phước đặc biệt nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

“Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?”

[Các hình nơi trang 29]

Báp têm là dịp trang nghiêm và vui mừng