Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hiểu Kinh Thánh—Điều gì sẽ giúp bạn?

Hiểu Kinh Thánh—Điều gì sẽ giúp bạn?

Hiểu Kinh Thánh—Điều gì sẽ giúp bạn?

“CHA đã giấu những sự nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay”. (Lu-ca 10:21) Những lời Chúa Giê-su vừa thưa với Cha ngài trên trời cho thấy rằng muốn hiểu Kinh Thánh, chúng ta phải có thái độ đúng đắn. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua việc Ngài ban cho nhân loại một cuốn sách mà chỉ những người khiêm nhường, sẵn sàng để người khác dạy mình mới có thể thật sự hiểu được.

Hầu hết chúng ta cảm thấy khó bày tỏ lòng khiêm nhường. Tất cả đều có khuynh hướng kiêu ngạo bẩm sinh. Ngoài ra, chúng ta sống trong “ngày sau-rốt”, trong vòng những người “tư-kỷ,... hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo”. (2 Ti-mô-thê 3:1-4) Đây là những thái độ gây trở ngại cho việc hiểu biết Lời Đức Chúa Trời. Thật đáng tiếc, không ít thì nhiều, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi người chung quanh. Vậy, làm thế nào để có thái độ đúng hầu hiểu được Kinh Thánh?

Chuẩn bị lòng và trí

Người lãnh đạo dân Đức Chúa Trời thời xưa là E-xơ-ra “đã định chí [“chuẩn bị lòng”, NW] tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. (E-xơ-ra 7:10) Có cách nào giúp chúng ta chuẩn bị lòng mình không? Có. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách có quan điểm đúng đắn về Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô viết cho những tín đồ đồng đạo: “Anh em tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Tuy Đức Chúa Trời dùng loài người để viết Kinh Thánh, nhưng những điều họ viết đều đến từ Đức Giê-hô-va. Chấp nhận sự thật quan trọng này sẽ khiến chúng ta dễ tiếp nhận những gì chúng ta đọc.—2 Ti-mô-thê 3:16.

Cầu nguyện là một cách khác để chuẩn bị lòng. Vì Kinh Thánh được thánh linh soi dẫn, cho nên với sự giúp đỡ của thánh linh, chúng ta sẽ hiểu thông điệp trong Kinh Thánh. Chúng ta phải cầu nguyện để xin sự giúp đỡ đó. Xin lưu ý người viết Thi-thiên quan tâm đến điều này như thế nào khi ông viết: “Xin hãy ban cho tôi sự thông-sáng, thì tôi sẽ vâng theo luật-pháp Chúa, ắt sẽ hết lòng gìn-giữ lấy”. (Thi-thiên 119:34) Chúng ta cần phải cầu nguyện, không những để có khả năng trí tuệ hầu có thể hiểu những điều ghi trong Kinh Thánh, mà còn để có một tấm lòng đúng đắn hầu giúp chúng ta chấp nhận những điều đó. Muốn hiểu Kinh Thánh, chúng ta cần phải sẵn sàng tiếp nhận sự thật.

Trong khi suy ngẫm để có thái độ đúng đắn, hãy nghĩ đến việc học hỏi Kinh Thánh có thể giúp bạn như thế nào. Chúng ta có nhiều lý do chính đáng để tìm đến Lời Đức Chúa Trời, nhưng quan trọng hơn hết, Kinh Thánh giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 4:8) Khi đọc thấy cách Đức Chúa Trời phản ứng trước những tình huống khác nhau, Ngài quý những người kính mến Ngài như thế nào, và Ngài xử sự ra sao với những người từ bỏ Ngài, chúng ta mới nhận thấy rõ Ngài là một Đấng như thế nào. Động cơ chính khi đọc Kinh Thánh là chúng ta muốn biết Đức Chúa Trời rõ hơn, và như thế mối quan hệ của chúng ta với Ngài được chặt chẽ hơn.

Những chướng ngại khi muốn có thái độ đúng đắn

Điều gì có thể cản trở chúng ta hiểu Lời Đức Chúa Trời? Một chướng ngại là không đặt lòng trung thành đúng chỗ. Thí dụ, có lẽ bạn xem trọng niềm tin và ý kiến của người nào đó. Tuy nhiên, bạn sẽ làm gì nếu người ấy không thật sự chấp nhận hay quý trọng lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời? Trong những tình huống như thế, để hiểu Kinh Thánh thật sự dạy gì thì là cả một thách thức. Vì vậy, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta xem xét cẩn thận những gì mình đã được dạy.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21.

Mẹ Chúa Giê-su là Ma-ri đương đầu với thách thức như thế. Bà được nuôi dưỡng theo truyền thống Do Thái, cẩn thận giữ Luật Pháp Môi-se và chắc hẳn đã đi nhà hội Do Thái. Sau này bà nhận thấy đường lối thờ phượng do cha mẹ truyền dạy không còn được Đức Chúa Trời chấp nhận. Bởi vậy, bà Ma-ri chấp nhận sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và là một trong những thành viên đầu tiên của hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 1:13, 14) Điều này không phải là bà bất kính với cha mẹ hay không tôn trọng truyền thống gia đình. Đúng hơn, đó là cách bà bày tỏ lòng kính mến Đức Chúa Trời. Nếu muốn nhận được lợi ích đến từ Kinh Thánh, giống như bà Ma-ri, chúng ta phải đặt lòng trung thành với Đức Chúa Trời lên trên lòng trung thành với những người khác.

Đáng tiếc thay, nhiều người không coi trọng lẽ thật Kinh Thánh cho lắm. Một số hài lòng với truyền thống tôn giáo không căn cứ vào lẽ thật. Những người khác thì nói năng và có lối sống không thành thật. Vì thế, chấp nhận lẽ thật của Kinh Thánh phải trả một giá nào đó: Nó có thể gây ra những mối bất đồng với bạn bè, hàng xóm, bạn đồng sở và ngay cả người trong gia đình. (Giăng 17:14) Dù gì đi nữa, người khôn ngoan là Sa-lô-môn viết: “Hãy mua chân-lý [“lẽ thật”, NW],... chớ hề bán đi”. (Châm-ngôn 23:23) Nếu bạn quý trọng lẽ thật, Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn hiểu Kinh Thánh.

Tuy nhiên, một chướng ngại khác khiến người ta không hiểu Kinh Thánh là vì họ không muốn áp dụng những gì ghi trong Kinh Thánh. Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu-nhiệm của nước thiên-đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết. Vì lòng dân nầy đã cứng-cỏi; đã làm cho nặng tai và nhắm mắt mình lại, e khi mắt mình thấy được, tai mình nghe được, lòng mình hiểu được, họ tự hối-cải lại, và ta chữa họ được lành chăng”. (Ma-thi-ơ 13:11, 15) Phần lớn những người được nghe Chúa Giê-su giảng đã không hưởng ứng, không muốn thay đổi. Những người này thật khác biệt với người lái buôn trong câu chuyện ngụ ngôn mà Chúa Giê-su nói đến! Khi tìm được hạt ngọc châu quý giá, người lái buôn liền đi bán hết gia tài mình để mua hạt châu đó. Chúng ta cũng phải có thái độ quý trọng như thế đối với việc hiểu biết lẽ thật của Kinh Thánh.—Ma-thi-ơ 13:45, 46.

Sẵn sàng để người khác dạy—Một thách thức

Một thách thức chính trong việc tìm hiểu Kinh Thánh là chúng ta có sẵn sàng để người khác dạy mình hay không. Một người có lẽ cảm thấy khó chấp nhận những ý tưởng mới của một người có vẻ tầm thường. Tuy nhiên, sứ đồ của Chúa Giê-su là những “người dốt-nát không học”. (Công-vụ 4:13) Để giải thích lý do, sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi anh em, hãy suy-xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn-ngoan theo xác-thịt, chẳng nhiều kẻ quyền-thế, chẳng nhiều kẻ sang-trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế-gian để làm hổ-thẹn những kẻ khôn”. (1 Cô-rinh-tô 1:26, 27) Nếu cảm thấy khó bày tỏ lòng khiêm nhường khi để một người thấp kém dạy, hãy nhớ rằng người ấy chỉ là một công cụ mà Đức Chúa Trời dùng để dạy bạn. Có vinh dự nào lớn hơn là được Đức Giê-hô-va, “Đấng dạy dỗ” vĩ đại, dạy chúng ta không?—Ê-sai 30:20, Tòa Tổng Giám Mục; 54:13.

Na-a-man, người chỉ huy quân đội Sy-ri, là nhân vật cảm thấy khó chấp nhận một người tầm thường dạy mình. Ông đi tìm phương thuốc chữa bệnh phung và đến gặp nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Ê-li-sê. Tuy nhiên, Na-a-man không trực tiếp được nhận chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về cách trị bệnh, mà qua trung gian một đầy tớ. Bởi thiếu khiêm nhường, Na-a-man cảm thấy khó chấp nhận lời chỉ dẫn khi nghe về phương thức chữa trị và về cách ông nhận được chỉ dẫn. Vì thế, lúc đầu ông không vâng lời nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Về sau, Na-a-man thay đổi thái độ và được lành bệnh. (2 Các Vua 5:9-14) Chúng ta gặp thử thách tương tự khi học Kinh Thánh. Chúng ta có thể biết là muốn được chữa lành về tinh thần và đạo đức, chúng ta cần phải theo một lối sống mới. Liệu chúng ta có khiêm nhường để cho một người nào đó dạy mình biết phải làm gì không? Chỉ những ai muốn được người khác dạy thì mới hiểu Kinh Thánh.

Một quan hầu của bà Can-đác, nữ vương nước Ê-thi-ô-bi, đã bày tỏ thái độ đúng đắn. Ông đang ngồi trên xe trên đường trở về Phi Châu thì môn đồ Phi-líp chạy đến gặp ông. Phi-líp hỏi ông có hiểu điều ông đang đọc không. Vị quan khiêm nhường trả lời: “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” Khi hiểu Lời Đức Chúa Trời, vị quan đó muốn chịu phép báp têm. Sau đó, ông “cứ hớn-hở đi đường”.—Công-vụ 8:27-39.

Nói chung, Nhân Chứng Giê-hô-va là những người bình thường. Mỗi tuần, họ hướng dẫn hơn sáu triệu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh dạy lối sống tốt nhất, giải thích niềm hy vọng vững chắc duy nhất cho nhân loại, và cho thấy làm thế nào để biết Đức Chúa Trời, nên hàng triệu người cảm thấy việc học và hiểu Kinh Thánh là một niềm vui lớn. Niềm vui đó đang chờ đón bạn.

[Hình nơi trang 7]

Na-a-man cảm thấy khó chấp nhận lời chỉ dẫn đến từ một người đầy tớ tầm thường

[Hình nơi trang 7]

Hiểu biết Kinh Thánh làm chúng ta ấm lòng